Ngày 29/7/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật bưu chính và chương trình thúc đẩy phát triển, ứng dụng nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số. Tham dự có 250 đại biểu từ các Sở TT&TT của 63 tỉnh/thành, các Bưu điện tỉnh. Hội nghị này được tổ chức sau Hội nghị phổ biến pháp luật bưu chính cho các doanh nghiệp (DN) bưu chính vào ngày 31/5/2022.
Bưu chính cần chuyển biến mạnh mẽ
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh các sở TT&TT cần nắm được thể chế của lĩnh vực bưu chính, đặc biệt là Chương trình phát triển bưu chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được phê duyệt. Chiến lược nói rất rõ các mục tiêu, giải pháp, định hướng phát triển lớn của lĩnh vực. Theo đó, các Sở cần có kế hoạch triển khai, có các đầu việc cụ thể hóa kế hoạch.
Bên cạnh đó, các Sở cần lưu ý các quy định liên quan, đặc biệt Nghị định số 25/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết một số của Luật Bưu chính, đặc biệt Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông (BCVT).
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, các Sở TT&TT phải nắm được lĩnh vực bưu chính hiện nay có 3 nhiệm vụ trọng tâm: đưa hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN), nông sản địa phương lên sàn TMĐT; phát triển và sử dụng nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số và triển khai Quyết định số 468/2021/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 về phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Về đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT, mỗi tỉnh có nhiều nông sản. Nông sản của tỉnh nào thì đầu tiên người dân ở tỉnh đó phải dùng sản phẩm của tỉnh đó, sau đó mở rộng đến các địa phương khác. "Phải xác định đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT mục tiêu số 1. Đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT rồi thì phải tiêu thụ được nông sản, có người dùng hàng tháng, có hoạt động mua/bán trên sàn. Tiếp theo là phải đảm bảo dịch vụ hậu cần (logistics) khi hộ SXNN, nông sản lên sàn. Hai sàn TMĐT Vỏ sò và Postmart phải đảm bảo từ giao dịch trên sàn đến logistics", Thứ trưởng lưu ý.
Về quản lý DN bưu chính, Thứ trưởng lưu ý quản lý chặt chẽ đặc biệt DN bưu chính lợi dụng để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. "Quản lý DN phải bằng kiểm tra, giám sát bằng công nghệ. Trước đây, Vụ Bưu chính kiểm tra giám sát, kết nối số liệu với DN lớn, bây giờ phải kết nối với cả DN nhỏ để quản lý, để hạn chế tình trạng lợi dụng để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Phải có chế tài mạnh, phạt nặng DN vi phạm".
Về CĐS lĩnh vực bưu chính, Thứ trưởng lưu ý lĩnh vực bưu chính có 3 nhiệm vụ chủ chốt, bản chất các công việc này đều gắn với CĐS.
Các Sở TT&TT xem xét lại cách thức điều hành và chỉ đạo lĩnh vực bưu chính để có sự quan tâm sâu hơn, tốt hơn. Nếu làm tốt thì các dịch vụ lớn của bưu chính sẽ tạo ra thay đổi đột phá cho người dân. "Năm nay, trọng tâm của công tác CĐS quốc gia là lấy người dân làm trung tâm, đào tạo, đưa người dân lên môi trường số và đào tạo người dân thành công dân số. Bưu chính đang làm những việc này. Các Sở T&TT phải lưu ý để triển khai", Thứ trưởng nêu rõ.
Tạo điều kiện cho DN tham gia thị trường nhưng kiểm soát cung cấp dịch vụ
Cũng về nội dung quản lý DN bưu chính tại địa phương, trả lời ý kiến một số Sở TT&TT về quản lý DN bưu chính trên địa bàn, bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Bưu chính - Bộ TT&TT cho biết các DN tham gia lĩnh vực bưu chính có hai mảng là cung cấp dịch vụ thư và gói kiện hàng hoá. Với DN cung cấp dịch vụ gói kiện hàng hoá, DN cung cấp dịch vụ ra thị trường trong vòng 7 ngày thì thông báo cho cơ quan Nhà nước CQNN để đồng hành cùng DN. Còn đối với DN muốn tham gia cung cấp dịch vụ thư thì phải được cấp phép mới được cung cấp dịch vụ này ra thị trường.
Trao đổi về số lượng lớn DN bưu chính tham gia thị trường hiện nay, bà Thanh cho biết khi DN có nguyện vọng tham gia cung cấp dịch vụ bưu chính và có hồ sơ đáp ứng đầy đủ quy định của Luật Bưu chính và Nghị định số 25 thì các CQNN phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho DN tham gia thị trường, đúng với chủ trương của Chính phủ về việc tạo điều kiện, không cản trở quyền kinh doanh của doanh nhân.
Sau khi cấp phép xong, Bộ TT&TT luôn hợp tác chặt chẽ với các địa phương có DN hoạt động trên địa bàn để phối hợp quản lý. Các Sở TT&TT và Bộ TT&TT sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát DN trong thời gian 1 năm. Nếu trong 1 năm, DN không triển khai dịch vụ thư thì sẽ tiến hành các thủ tục thu hồi giấy phép.
Theo Nghị định 25 mới được ban hành, bà Thanh cho biết có rất nhiều công việc để kiểm soát việc DN có thực sự triển khai cung cấp dịch vụ. Khi DN được cấp phép hoạt động bưu chính, DN phải có có bản cam kết tự nguyện tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt liên quan đến đảm bảo an toàn an ninh bưu chính. Trong trường hợp DN không cung cấp dịch vụ thì phải tự nguyện nộp lại giấy phép bưu chính.
Thông tin về Nghị định 25, ông Lê Văn Chung, Vụ Bưu chính cho biết Nghị định số 25 thay thế Nghị định 47 được Bộ TT&TT xây dựng với 3 mục tiêu chính. Đầu tiên là bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, đơn giản hóa TTHC. Đây cũng là các điều kiện liên quan đến gia nhập thị trường của các DN, cũng như bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kiến tạo cho các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia kinh doanh trong môi trường bình đẳng, minh bạch, rõ ràng về pháp lý. Thứ hai là tăng cường công tác bảo đảm an toàn an ninh bưu chính. Thứ ba là tăng cường công tác quản lý thị trường bưu chính cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng./.