Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng - Trưởng ban Tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Ban Tổ chức cho biết, có gần 400 tác phẩm của 40 cơ quan thông tấn báo chí gửi dự thi. Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, nhiệt tình, công tâm, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội đồng Giám khảo đã lựa chọn được 34 tác phẩm xuất sắc để trao giải, trong đó có 4 giải A, 8 giải B, 10 giải C và 12 giải Khuyến khích.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao cúp và Giấy chứng nhận cho 4 tác giả đoạt giải A |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trao cúp và Giấy chứng nhận cho 4 tác phẩm đạt giải A gồm: Nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật - Báo Quân đội Nhân dân; Quốc hội 1946 dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng nhà nước pháp quyền - Kênh Truyền hình Quốc hội; Những giá trị cơ bản cốt lõi của văn hóa trong Hiến pháp 2013 - đăng trên báo Nhân dân và Loạt bài về tổng tuyển cử dấu mốc lịch sử trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa - Báo Người đại biểu nhân dân.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, Giải báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam” là một trong những nỗ lực nhằm tăng cường mối quan hệ mật thiết đó giữa báo chí với Quốc hội.
Qua các tác phẩm dự giải có thể nhận thấy sự phong phú, đa dạng về cách tiếp cận, đưa tin của báo chí về Quốc hội; phản ánh chân thực, sinh động và sáng tạo về những khía cạnh khác nhau trong hoạt động của Quốc hội nước ta; đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mới trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân có đóng góp quan trọng đối với hoạt động của Quốc hội.
Nhà báo Kiều Thanh Phượng (Hệ VOV2 - Đài Tiếng nói Việt Nam) nhận giải B từ Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Báo chí chính là cầu nối giữa Quốc hội với người dân. Báo chí giúp các đại biểu Quốc hội lắng nghe được những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát hiện được các vấn đề trong cuộc sống.
Báo chí cũng là công cụ chuyển tải các ý kiến, phân tích của các chuyên gia, các nhà khoa học để làm cơ sở cho những ý kiến thảo luận, quan điểm phản biện, chất vấn của các đại biểu Quốc hội trên diễn đàn Quốc hội.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan thông tấn báo chí sẽ tiếp tục đồng hành với Quốc hội để có nhiều bài viết hay, sâu sắc về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, góp phần làm cho Quốc hội ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhân dân./.