Diễn đàn

5 giải pháp công nghệ có thể giúp Đông Nam Á ứng phó với biến đổi khí hậu

Tâm An 10/07/2025 07:00

Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Trong khi tiến trình chuyển đổi xanh còn chậm, những công nghệ mới nổi đang mở ra hướng đi triển vọng, giúp khu vực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Thế giới đã quá quen với biến đổi khí hậu, nhưng có lẽ Đông Nam Á lại “quá quen” theo một cách khắc nghiệt hơn. Từ việc Jakarta đang chìm dần, đến những đợt lũ ngày càng trầm trọng ở nhiều nơi và thời tiết cực đoan trở nên phổ biến, khu vực này buộc phải tìm kiếm những giải pháp đột phá.

Từ thu giữ carbon, nông nghiệp thông minh đến năng lượng tái tạo và giải pháp dựa vào thiên nhiên - không chỉ mang lại hy vọng mà còn là cơ hội hành động cụ thể để Đông Nam Á thích ứng và dẫn dắt tương lai bền vững.

Công nghệ thu giữ carbon

Một trong những thách thức lớn nhất mà Đông Nam Á đang phải đối mặt là lượng khí thải công nghiệp cao. Tại Malaysia, Indonesia và Philippines, nhiều ngành công nghiệp vẫn thải ra lượng lớn khí CO₂ - thủ phạm chính gây hiện tượng ấm lên toàn cầu, vốn tác động mạnh nhất đến các quốc gia nhiệt đới.

Công nghệ thu giữ carbon mở ra một hướng tiếp cận đầy triển vọng. Không chỉ dừng lại ở việc cắt giảm phát thải, công nghệ này còn có thể thu hồi và lưu giữ khí CO₂ ngay trước khi chúng thoát ra môi trường. Đây là giải pháp đặc biệt phù hợp tại những quốc gia vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Trong khi việc chuyển sang năng lượng tái tạo cần thời gian, công nghệ thu giữ carbon có thể đóng vai trò như một cây cầu chuyển tiếp quan trọng.

418-202507082233381.jpg

Theo Atoco, các hệ thống thu giữ khí CO₂ sẽ gom khí thải từ nhà máy điện và nhà máy công nghiệp, sau đó lưu trữ sâu dưới lòng đất. Công nghệ này không chỉ là công cụ giúp đạt mục tiêu cắt giảm phát thải mà còn là giải pháp giúp làm chậm đà biến đổi khí hậu - trước khi mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát.

Đối với các quốc gia Đông Nam Á đang tìm kiếm giải pháp cắt giảm khí thải mà vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế, công nghệ này có thể là giải pháp mang tính bước ngoặt.

Nông nghiệp thông minh

Nông nghiệp là một trụ cột kinh tế của Đông Nam Á, nhưng đồng thời cũng là một trong những nguồn phát thải lớn nhất. Khí metan từ ruộng lúa, tình trạng đốt rừng để lấy đất trồng cọ dầu hay cao su, chỉ là vài ví dụ điển hình.

Các phương thức canh tác truyền thống đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt trong bối cảnh khí hậu trở nên thất thường, nắng nóng và hạn hán xảy ra thường xuyên hơn. Trong tình hình đó, nông nghiệp thông minh mang đến một hướng đi mới, hiện đại và bền vững hơn.

418-202507082233382.jpg

Với sự hỗ trợ của dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ cảm biến, người nông dân giờ đây có thể xác định chính xác thời điểm gieo trồng, lượng nước cần tưới và lượng phân bón cần dùng cho từng khu vực canh tác. Hình ảnh vệ tinh giúp theo dõi tình trạng đất đai và cây trồng theo thời gian thực, trong khi các mô hình dự báo giúp ứng phó kịp thời với các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Những tiến bộ này không chỉ giúp cắt giảm lượng phát thải trong quá trình sản xuất nông nghiệp, mà còn nâng cao khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu.

Với nông nghiệp thông minh, người nông dân không còn phải “đoán mò”. Họ có thể chủ động thích ứng với biến động, đồng thời bảo vệ an ninh lương thực cho cả khu vực.

Trang trại điện mặt trời nổi

Đất đai là một nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm ở Đông Nam Á. Các đô thị phát triển nhanh chóng, trong khi quỹ đất nông nghiệp buộc phải được bảo vệ. Chính vì thế, các trang trại điện mặt trời nổi đang nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng.

418-202507082233383.jpg

Các quốc gia như Singapore và Thái Lan đã bắt đầu thử nghiệm mô hình này và thu được những kết quả tích cực. Các tấm pin mặt trời nổi được lắp đặt trên các hồ chứa, ao hồ, thậm chí là trên biển - giúp tạo ra năng lượng sạch mà không chiếm dụng đất canh tác hoặc đất đô thị.

Lợi thế không chỉ nằm ở việc tiết kiệm không gian. Khi được đặt trên mặt nước, các tấm pin được làm mát tự nhiên, giúp tăng hiệu suất hoạt động. Ở khu vực nóng ẩm như Đông Nam Á, hiệu ứng làm mát này đặc biệt hữu ích trong việc duy trì và tối ưu hiệu quả sản xuất điện.

Điện mặt trời nổi giúp các quốc gia tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo mà không làm gián đoạn việc sử dụng đất hiện tại - một giải pháp thiết thực để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà không làm trầm trọng thêm khủng hoảng khí hậu.

Di chuyển bằng điện

Nếu từng chứng kiến cảnh kẹt xe tại Manila hay Bangkok, chúng ta sẽ hiểu rõ vấn đề giao thông đô thị đang căng thẳng thế nào. Không chỉ tắc nghẽn, mà ô nhiễm không khí từ các phương tiện chạy xăng dầu cũng đã trở thành bài toán nan giải của nhiều đô thị trong khu vực Đông Nam Á.

418-202507082233384.jpg

Tuy nhiên, một sự thay đổi tích cực đang diễn ra. Phương tiện di chuyển bằng điện bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Tại Việt Nam, xe máy điện đang len lỏi vào từng ngõ phố. Ở Jakarta, xe buýt điện đang dần thay thế các dòng xe chạy diesel cũ kỹ.

Lợi ích không chỉ nằm ở việc cải thiện chất lượng không khí, dù đó là yếu tố rất quan trọng, mà còn ở khả năng giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và cắt giảm phát thải CO₂ một cách bền vững.

Hạ tầng trạm sạc vẫn còn trong giai đoạn phát triển, nhưng xu hướng đã khá rõ ràng. Và khi phương tiện di chuyển bằng điện được cung cấp bởi năng lượng sạch, tác động tích cực còn lớn hơn nhiều.

Công nghệ thiên nhiên

Công nghệ thiên nhiên là những sáng kiến ứng dụng công nghệ để thúc đẩy và hỗ trợ các giải pháp dựa trên tự nhiên. Chúng có thể bao gồm giám sát bằng vệ tinh, máy bay không người lái (drone), cảm biến từ xa hay phân tích DNA môi trường.

Những công nghệ này cho phép thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng - từ tái trồng rừng bằng drone, đến thu thập dữ liệu môi trường với độ chính xác cao nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái.

Trong bối cảnh khí hậu đang biến đổi nhanh hơn bao giờ hết, đây có thể là một trong những hướng đi chiến lược giúp Đông Nam Á giữ vững cân bằng hệ sinh thái mà vẫn thích nghi linh hoạt với tương lai.

418-202507082233385.jpg

Một ví dụ điển hình là việc sử dụng drone để phục hồi các cánh rừng ngập mặn ở những vùng ven biển dễ bị tổn thương. Đây không chỉ là những hệ sinh thái giàu giá trị sinh học, mà còn là "lá chắn tự nhiên" giúp hấp thụ carbon, hạn chế lũ lụt và bảo vệ đa dạng sinh học.

Điều làm nên sức mạnh của công nghệ này là khả năng mở rộng. Một chiếc drone có thể gieo hàng nghìn hạt giống chỉ trong vòng một ngày - nhanh hơn và hiệu quả hơn so với con người. Một ý tưởng tưởng như đơn giản, nhưng khi được tích hợp với công nghệ phù hợp, nó có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ để ứng phó với tình trạng nước biển dâng và xói mòn bờ biển mà không cần xây thêm đê chắn sóng hay chặt phá rừng làm hạ tầng.

Khủng hoảng khí hậu sẽ không tự khắc phục được, và Đông Nam Á không còn thời gian để chần chừ. Những công nghệ được đề cập không chỉ mang lại hy vọng, mà quan trọng hơn, chúng mang lại các giải pháp hành động cụ thể, có thể triển khai ngay.

Tương lai sẽ thuộc về những quốc gia dám đưa ra lựa chọn đúng đắn ở hiện tại. Đông Nam Á có khả năng phục hồi mạnh mẽ, và hơn hết có lý do cấp thiết để hành động. Giờ là lúc khu vực cần thực hiện một bước nhảy vọt táo bạo, không chỉ để thích ứng với biến đổi khí hậu, mà để chủ động dẫn dắt một tương lai xanh và bền vững hơn./.

Theo Techcollective.com
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
5 giải pháp công nghệ có thể giúp Đông Nam Á ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO