Chuyển đổi số

5 thách thức chuyển đổi số các CIO cần phải vượt qua

Hạnh Tâm 15:10 13/08/2023

Bài viết đề cập một số thách thức mà các giám đốc công nghệ thông tin (CNTT) (CIO) cần xử lý để đảm bảo chuyển đổi số (CĐS) được thành công.

Những khó khăn sau đại dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp (DN) vẫn còn tiếp diễn. Những công ty vượt qua được giai đoạn khó khăn này đã mạnh mẽ hơn trên nhiều mặt.

Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS) trên toàn cầu với quy mô chưa từng có. Điển hình là các DN bán lẻ với tốc độ bán lẻ đa kênh đã tăng theo cấp số nhân khi những người dùng được trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Các ngành nghề cũng đã phản ánh xu hướng này khi họ nắm được vai trò của CĐS.

Một cuộc khảo sát gần đây của International Data Corporation (IDC) cho thấy đầu tư cho CĐS năm 2022 và 2023 cao hơn so với 2021 và đã trở thành tiêu chuẩn cho hơn 75% DN Ấn Độ. 20% DN khác cũng đầu tư tương tự CĐS vào năm 2021. Dịch vụ tài chính và bảo hiểm, truyền thông, bán lẻ và sản xuất dẫn đầu các xu hướng áp dụng CĐS của các công ty Ấn Độ. Các khoản đầu tư cho CĐS trên khắp Ấn Độ dự kiến sẽ tăng lên mức 85 tỷ USD vào năm 2026.

a2.jpg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Theo khảo sát của Gartner, trên toàn cầu, 89% các nhà lãnh đạo thấy rằng đầu tư cho CĐS là một yêu cầu thiết yếu của chiến lược phát triển. Đồng thời, chỉ có 35% đã hoàn thành hoặc gần đạt được các mục tiêu CĐS của họ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức nằm phía sau các khoản đầu tư cho CĐS. Giải quyết những nút thắt này là điều cần thiết để kịp thời đổi mới và giảm nợ kỹ thuật.

Các bên liên quan không thích rủi ro

Ngay cả những kế hoạch CĐS được vạch ra rõ ràng nhất cũng có thể gặp rủi ro. Rủi ro có thể cản trở nghiêm trọng sự đổi mới liên quan đến CĐS. Và DN có thể sẽ bỏ lỡ lợi thế của người đi đầu nếu tiếp cận theo cách chờ đợi và theo dõi. Còn những người lao động lại thường thích sự thoải mái khi hướng tới sự thay đổi. Trong khi đó, thành công của CĐS đòi hỏi một quá trình quản lý thay đổi liên tục từ các bên liên quan và nhóm CNTT.

Manoj Srivastava, Fiám đốc thông tin của EaseMyTrip, cho biết: "Sự do dự và từ chối một ứng dụng hoặc công cụ mới có thể làm giảm tỷ lệ chấp nhận của người dùng. Để giải quyết vấn đề này cần có những nỗ lực để thay đổi tư duy của các bên liên quan. Ngoài ra, việc thích nghi với những thay đổi đòi hỏi ở rất nhiều phương diện".

Khi các nhóm và những người đứng đầu một chức năng nào đó còn đang do dự về việc thay thế các hệ thống cũ thì các CIO phải nêu bật được những cải tiến mà CĐS sẽ mang lại cho họ.

Shailesh Joshi, cựu Phó chủ tịch phụ trách CNTT của DAMAC Properties cho biết: “Cần thuyết phục các bên liên quan về những lợi ích và kết quả có thể nhìn thấy trước được. Hãy xoa dịu mọi lo ngại về việc thiếu sự nhận biết cho nhóm và chức năng của chính họ bằng cách nhấn mạnh quan điểm rằng CNTT chỉ là một người hỗ trợ dự án. Dự án thuộc về họ".

Hãy bổ nhiệm các trưởng bộ phận làm người bảo trợ cho các dự án CĐS liên quan đến chức năng của họ. Hãy nói rõ rằng thành công của dự án là hoàn toàn nhờ vào họ. Trong trường hợp này, trách nhiệm của CIO tập trung vào quản lý.

Kỳ vọng về lợi nhuận

Các bên liên quan chính thường coi CĐS là giải pháp tức thì cho tất cả các mục tiêu của tổ chức. Điều này tạo ra kỳ vọng về một khoản lợi nhuận nhanh chóng từ các dự án CĐS.

Joshi nhấn mạnh không nên xem CĐS như cây đũa thần của ảo thuật gia. CĐS là một dự án cần nhiều thời gian và nhiều sự quan tâm.

CĐS phải bắt đầu bằng việc đánh giá từ trên xuống xem kết quả kinh doanh dự kiến có phù hợp với các mục tiêu có thể đạt được hay không. Cần đặt ưu tiên rõ ràng cho CĐS ngay từ ngày đầu tiên thay vì coi chúng là các dự án số riêng biệt. Các hoạt động lập ngân sách, truyền thông, đánh giá và quản lý chi phí hiệu quả phải là một phần của chiến lược này.

Tập trung chưa đủ lớn cho trải nghiệm khách hàng

Với các dự án CĐS, trải nghiệm của khách hàng là một nhu cầu thiết yếu. Nếu bỏ qua điều này sẽ phải trả giá bằng việc mất doanh thu. Các dự án CĐS phải tập trung vào tiếp cận khách hàng tại mọi điểm tiếp xúc.

Srivastava cho biết: Phân khúc khách hàng cho phép bạn biết những gì người dùng đang thiếu. Vì vậy, bạn có thể đảm bảo dịch vụ tốt nhất bằng cách sử dụng các công cụ và thông tin phù hợp. Tiếp theo là giúp khách hàng có những trải nghiệm tích cực sau khi mua hàng. Tận dụng tất cả các nguồn lực để khách hàng thấy được sự quan tâm của bạn".

Việc đảm bảo sự nhất quán trong trải nghiệm số có thể là một thách thức đối với các công ty đa quốc gia với các nhóm trải khắp thế giới.

Trong dài hạn, nhiều vấn đề có thể nảy sinh trên các mặt như tích hợp, ngân sách và quy trình. Hợp nhất kiến trúc công nghệ là một cách tiếp cận hữu ích trong những trường hợp như vậy. CĐS cần một chiến lược thống nhất đảm bảo thực thi tối ưu xuyên suốt.

Sử dụng các số liệu không phù hợp

Các cơ chế phù hợp để đo lường kết quả vẫn là thách thức lớn nhất trong các sáng kiến CĐS. Nếu các chỉ số này không được thiết lập ngay từ đầu thì CĐS rất khó thành công. Các số liệu để đo sự thành công của sáng kiến CĐS phải được liên kết chặt chẽ với kết quả kinh doanh mong muốn. Ngoài các chỉ số có thể định lượng dễ dàng như doanh thu còn có các yếu tố khác như mức độ chấp nhận của người dùng và hiệu quả đào tạo.

Các thông số như thời gian cụ thể đưa dự án ra thị trường, phạm vi tiếp cận khách hàng hoặc chuyển đổi khách hàng tiềm năng cũng là những chỉ số hữu ích cho tổ chức.

Joshi cho biết: "Các số liệu là bắt buộc khi đo lường thành công của một dự án. Trong trường hợp không định lượng được ảnh hưởng của các sáng kiến quan trọng như trải nghiệm của khách hàng thì bạn có thể đo lường thành công theo các lợi ích như mức độ quan tâm đến những sự cải tiến công việc hoặc khảo sát sự hài lòng của khách hàng”.

Sự thiếu hụt nhân lực và nợ kỹ thuật

Sự thiếu hụt các bộ kỹ năng, đặc biệt trong các lĩnh vực như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, điện toán đa đám mây và trải nghiệm khách hàng đang là một thách thức. Sự biến động về nhân sự có năng lực làm việc cao ngày càng cản trở các mục tiêu CĐS.

Do vậy, tạo ra cách tiếp cận lấy nhân viên làm trung tâm là điều cần thiết để giữ chân nhân tài trong thị trường việc làm cạnh tranh cao của Ấn Độ. Việc xác định và nâng cao kỹ năng của các thành viên trong nhóm có thể giúp ích rất nhiều cho việc phát triển những kỹ năng cần thiết.

Do đó, cần phân bổ ngân sách riêng cho việc nâng cao năng lực của nhóm. Những nỗ lực này phải được theo dõi và đo lường liên tục để có kết quả tốt nhất.

Các DN thường hợp tác với một nhà cung cấp dịch vụ có thâm niên để giải quyết các mọi lĩnh vực trong hành trình CĐS của họ. Cách tiếp cận này cũng cần quan tâm đến những vấn đề duy trì nhân lực.

Theo IDC, một số nội dung mà các DN phải tìm kiếm từ MSP (nhà cung cấp dịch vụ quản lý) trong quá trình CĐS bao gồm: Khả năng tư vấn; Các mô hình phân phối, ví dụ: thiết bị lưu trữ tại cơ sở khách hàng hoặc đám mây; Các tùy chọn tùy chỉnh.

Các chiến lược tuyển dụng nhân tài hàng đầu phải đi kèm với những nỗ lực được nêu chi tiết ở trên. Các mô hình làm việc kết hợp hoặc từ xa có thể cần thiết trong bối cảnh ngày nay. Những mô hình làm việc này cũng loại bỏ các giới hạn về địa lý và mở ra một nhóm tài năng rộng lớn hơn để lựa chọn. Linh hoạt trên mặt trận này sẽ hữu ích để thu hút và giữ lại những tài sản có giá trị của nhóm./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
5 thách thức chuyển đổi số các CIO cần phải vượt qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO