50 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được hỗ trợ chuyển đổi số
Trước thực trạng chuyển đổi số (CĐS) tại các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ còn rời rạc và chưa mang lại thành công, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021-2025 đã triển khai gói xây dựng lộ trình CĐS và hỗ trợ tư vấn cho 50 đơn vị.
Theo Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc áp dụng công nghệ số tại nhiều tổ chức, đặc biệt DN vừa và nhỏ vẫn còn rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược thực hiện CĐS một cách rõ ràng ngay từ đầu, khiến CĐS chưa mang lại thành công như mong đợi ở nhiều DN. Vì vậy, một trong các hoạt động quan trọng của Chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025 do Cục làm đầu mối là triển khai Gói xây dựng lộ trình CĐS cho DN để hỗ trợ các đơn vị CĐS một cách bài bản.
Sau khi công bố vào tháng 1/2021, gói hỗ trợ đã nhận được hơn 200 DN đăng ký tham gia thuộc các lĩnh vực như cơ khí chế tạo, điện tử, nông nghiệp và chế biến nông sản, chế biến gỗ, sản phẩm nội thất,...
Từ những DN đăng ký, tháng 9/2022, Chương trình đã sàng lọc ra 50 DN có độ sẵn sàng cao theo một số tiêu chí ưu tiên, trước khi chọn ra được 25 đơn vị để tư vấn chuyên sâu vào tháng 1/2023. Từ đó, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong Mạng lưới của Chương trình đến từng DN để khảo sát, đánh giá và tư vấn chuyên sâu về định hướng CĐS cho từng DN. Các chuyên gia đã làm việc cùng các đơn vị trong nhiều tháng liên tục để giúp DN từng bước CĐS, có phương hướng và lộ trình bài bản để đầu tư CĐS trong vài năm tới.
Theo đại diện Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam, thời gian đầu, đơn vị này lo lắng về việc triển khai không đồng bộ các hoạt động CĐS cho các phòng ban dẫn đến tốn thời gian và nguồn lực. Tuy nhiên, lộ trình của chuyên gia trong gói hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025 đưa ra rất chi tiết, vẽ ra một bức tranh tổng thể rõ ràng để công ty có thể chuẩn hóa quy trình và thực hiện.
Cùng quan điểm, theo đại diện Công ty cổ phần cơ khí Nguyên Phúc, lộ trình mà chuyên gia đưa ra phù hợp với các hoạt động dự kiến triển khai và thay đổi của công ty. Công ty biết đây là hành trình dài và gian nan nhưng để làm được điều này rất mong sự hỗ trợ sâu sát của các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ DN vừa và nhỏ lớn mạnh hơn.
“Gói xây dựng lộ trình CĐS cho DN đã được triển khai một cách có hệ thống, khoa học, giúp các DN xác định hướng đi đúng, tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực khi triển khai CĐS, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN”, thông tin từ Cục Phát triển DN nhấn mạnh.
Từ đó, những DN tiên phong CĐS này sẽ trở thành những điển hình thành công, truyền cảm hứng giúp các DN khác có thêm niềm tin, động lực, bài học kinh nghiệm tốt để thực hiện CĐS.
Trước đó, tháng 01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành và triển khai Chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025 giao Cục Phát triển DN là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện.
Trong giai đoạn đầu, Cục Phát triển DN đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa (USAID LinkSME) tập trung vào xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và đào tạo CĐS cho doanh nghiệp.
Chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực như: Hơn 2 triệu lượt truy cập các tài liệu hướng dẫn, video đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về CĐS; khoảng 1500 DN tự đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS để có phương hướng triển khai; hơn 10.000 DN tại 40 địa phương được đào tạo trực tiếp về CĐS. Các hoạt động của Chương trình đã góp phần vào sự tăng trưởng rõ rệt trong nhận thức và đầu tư cho CĐS tại các DN./.