Chuyển đổi số

CĐS ngành xây dựng cần thiết lập hệ thống CSDL đô thị liên thông

Nhật Minh 15:51 06/04/2023

Chuyển đổi số (CĐS) sẽ mang lại giá trị, lợi ích to lớn về năng suất và hiệu quả từ lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, cho doanh nghiệp, quản lý nhà nước, chất lượng các dịch vụ công của ngành xây dựng…

Đó là một số trao đổi của ông Nguyễn Đức Tài, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc khi nói về việc CĐS nói chung, cũng như ngành xây dựng Vĩnh Phúc nói riêng.

Hạ tầng thông tin là “thành tố” hình thành các đô thị thông minh (ĐTTM)

Theo ông Nguyễn Đức Tài, hiện nay, việc CĐS tổng thể ngành xây dựng đã xác định thực hiện 06 nội dung bao gồm: Cơ sở dữ liệu  (CSDL) số, trong đó bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá để phục vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; thực hiện Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng; hoạt động xây dựng (tư vấn thiết kế; tư vấn thẩm tra, thẩm định; thi công xây lắp; nghiệm thu công trình); khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị; nhà ở, công sở và thị trường bất động sản.

Trên cơ sở tổng thể này, khi Vĩnh Phúc thực hiện việc CĐS nói riêng với ngành xây dựng đã xác định trọng tâm vào những nội dung: Xây dựng CSDL có khả năng tích hơp vào hạ tầng dữ liệu không gian địa lý của tỉnh (quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; quản lý phát triển đô thị; quản lý và vận hành hạ tầng kỹ thuật; quản lý nhà ở, công sở và thị trường bất động sản giai đoạn dài hạn mở rộng sang các lĩnh vực quản lý còn lại của ngành xây dựng; triển khai thí điểm ĐTTM khi Sở Xây dựng Vĩnh Phúc được UBND tỉnh giao làm chủ trì lập “Đề án xây dựng ĐTTM tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và thí điểm thực hiện trên 1 khu đô thị.

bim.png
Hệ thống ứng dụng quản lý chuyên ngành, GIS, BIM rất quan trọng trong việc thực hiện CĐS ngành Xây dựng.

Cùng với đó, ngành Xây dựng tỉnh cũng lựa chọn các đối tượng cụ thể, thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành để ứng dụng công nghệ mới (ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng); ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong các hoạt động đầu tư xây dựng công trình.

Đặc biệt, ngành Xây dựng tỉnh tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng làm chủ công nghệ số... “Việc tập trung xây dựng CSDL và ứng dụng các công nghệ GIS và BIM là một trong những nội dung quan trọng để tạo lập hệ thống hạ tầng thông tin, vì đây là một thành phần tố quan trọng trong mô hình kiến trúc, hình thành ĐTTM”, Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cho biết.

Cần ứng dụng công nghệ mới trong công tác CĐS

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, bên cạnh những thuận lợi, địa phương cũng gặp phải những hạn chế, khó khăn ở từng bước như: Lập dữ liệu số (chưa thống nhất định dạng, chứ dễ dàng sử dụng, khai thác); xử lý dữ liệu (lọc dữ liệu “rác”, dữ liệu trùng lắp, dữ liệu sai...); xây dựng CSDL (chưa kết nối liên thông); thiết kế phần mềm quản lý CSDL chưa tối ưu để đưa ra kết quả tổng hợp, hỗ trợ ra quyết định quản lý…); chưa có người có chuyên môn xử lý dữ liệu số và sử dụng các công nghệ mới; máy móc, thiết bị còn hạn chế, không đồng bộ...).

“Đặc biệt, nhận thức và hiểu biết đầy đủ về CĐS của các cán bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc hiện còn hạn chế. Với những khó khăn như trên, Sở đã xây dựng các giải pháp để thực hiện kế hoạch CĐS của ngành Xây dựng Vĩnh Phúc”, Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cho biết.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên và nhằm mục tiêu nâng cao hơn nữa hoạt động, nhiệm vụ CĐS ngành xây dững Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Đức Tài đề xuất thêm những giải pháp thực hiện.

Cấp, ngành quản lý về xây dựng địa phương cần tăng cường quán triệt sâu sắc nhiệm vụ CĐS đến toàn bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành; bám sát các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của tỉnh, Bộ Xây dựng để xây dựng kế hoạch CĐS của ngành Xây dựng Vĩnh Phúc.

b2.jpg
Công nghệ GIS và BIM giúp tạo lập Hệ thống hạ tầng thông tin cho ngành Xây dựng số.

Hơn nữa, ngành xây dựng Vĩnh Phúc cần phối hợp với Bộ Xây dựng để được hướng dẫn, thống nhất các nhiệm vụ, từ đó xác định các nhiệm vụ ưu tiên và phải xây dựng lộ trình, các bước thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể.

Cùng với đó, các đơn vị ngành xây dựng cần phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT Vĩnh Phúc để được hướng dẫn về công nghệ, bảo đảm phù hợp với CĐS của tỉnh; thực hiện các nhiệm vụ trong mô hình kiến trúc ĐTTM.

Địa phương cũng cần tăng cường lựa chọn các tư vấn có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn (cả về quản lý quy hoạch và phát triển đô thị lẫn công nghệ) để nghiên cứu đổi mới quy trình nghiệp vụ, thiết kế các chương trình, phần mềm thực hiện các nhiệm vụ CĐS.

Việc đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kiến thức về CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại Sở Xây dựng cũng như trong ngành Xây dựng của tỉnh đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ quản lý, vận hành và ứng dụng công nghệ mới trong công tác CĐS của đơn vị (như hệ thống ứng dụng quản lý chuyên ngành, GIS, BIM... ) cũng cần phải được mạnh mẽ thực hiện.

Đặc biệt, ngành Xây dựng tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Tài Nguyên và Môi trường để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất dữ liệu không gian đô thị với GIS tài nguyên đất đai; Phối hợp với các sở, ngành khác và địa phương để cập nhật thông tin về GIS kinh tế - xã hội, hướng tới thiết lập hệ thống CSDL đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển ĐTTM (văn bản hướng dẫn số 1247/BXD-PTĐT ngày 14/4/2022 của Bộ Xây dựng).

Như vậy, với những phân tích và đề xuất giải pháp nêu trên, đây sẽ là những cơ sở để chúng ta tin tưởng, kỳ vọng thực hiện nhiệm vụ CĐS nói chung, ngành Xây dựng Vĩnh Phúc nói riêng. Và khi chúng ta làm tốt nhiệm vụ CĐS, địa phương này sẽ có, hình thành thêm các khu ĐTTM phát triển ổn định, bền vững./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CĐS ngành xây dựng cần thiết lập hệ thống CSDL đô thị liên thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO