6 chính sách quản lý lớn của dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi

Hoàng Linh| 23/11/2022 16:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ TT&TT đang tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi, nhằm đảm bảo các quy định của Luật thực tiễn với cuộc sống.

Ngày 13/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 50/2022/QH15 về chương trình, xây dựng luật, pháp lệnh 2023, điều chỉnh xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, theo đó, Bộ TT&TT được giao chủ trì thực hiện xây dựng dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi để trình Quốc hội lấy ý kiến vào kỳ họp thứ 5 năm 2023 và thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023. Trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã khẩn trương xây dựng hồ sơ dự án Luật Viễn thông sửa đổi và ngày 22/10/2022 dự thảo Luật đã được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi.

Tiếp tục triển khai chương trình, nhiệm vụ được giao, Bộ TT&TT tổ chức các hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi với sự tham dự của các cơ quan bộ ngành, các doanh nghiệp (DN) viễn thông chịu tác động trực tiếp của Luật để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật và trình Chính phủ vào tháng 1/2023.

Cần có hành lang pháp lý mới để đáp ứng sự phát triển của viễn thông

Phát biểu tại hội thảo ngày 23/11, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết Luật Viễn thông có hiệu lực năm 2019 đến nay đã qua 13 năm. Trong 13 năm đó, lĩnh vực Viễn thông đã có những sự phát triển vượt bậc. Viễn thông phát triển từ điện thoại cố định quay tay rồi quay số, từ mạng di động 2G, 3G và nay là mạng 4G, 5G. Các mạng 4G, 5G mở ra các không gian phát triển mới như dựa trên dữ liệu (data), IoT…

Thứ trưởng nhấn mạnh nhiều thay đổi trong lĩnh vực viễn thông, trong khi Luật Viễn thông đã bộc lộ một số bất cập và cần có những điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với sự phát triển mới của lĩnh vực số, ngành viễn thông, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Do vậy, Chính phủ đã đồng ý chủ trương trình Quốc hội sửa đổi Luật Viễn thông.

Theo đó, hội thảo lần này nhằm lấy ý kiến đóng góp về các chính sách mới, điều chỉnh để Luật gắn với thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy lĩnh vực viễn thông, đảm bảo an toàn, bảo vệ người tiêu dùng cũng như quyền lợi của DN, đảm bảo không gian mạng, an toàn viễn thông.

6 chính sách quản lý lớn của dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi

Là đơn vị thường trực Ban soạn thảo Luật Viễn thông, ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho biết tư tưởng xây dựng luật là nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật để phù hợp với vai trò của viễn thông là hạ tầng cho chuyển đổi số (CĐS); tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực thi luật hơn 10 năm qua; giải quyết một số vấn đề mới để phù hợp với xu thế phát triển (vệ tinh chùm, OTT, IoT,…); đồng bộ với các luật mới ban hành sau 2009; thể chế hóa một số nội dung cam kết quốc tế mới ký kết sau 2009.

6 chính sách quản lý lớn của dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Hồng Thắng: tư tưởng xây dựng luật là nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật để phù hợp với vai trò của viễn thông là hạ tầng cho CĐS

Bố cục dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi gồm 11 chương với 79 điều, trong đó: sửa đổi 24 điều, dự thảo mới 17 điều. Nội dung cụ thể như sau: Chương 1: Những quy định chung; Chương 2: Kinh doanh viễn thông; Chương 3: Viễn thông công ích; Chương 4: Thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông; Chương 5: Cấp giấy phép viễn thông; Chương 6: Kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông; Chương 7: Tài nguyên viễn thông; Chương 8: Quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng; Chương 9: Công trình viễn thông; Chương 10: Kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu (TTDL - DC) và điện toán đám mây (ĐTĐM - cloud); Chương 11: Điều khoản thi hành. 

Ông Thắng cho biết có 6 chính sách quản lý lớn cần lấy ý kiến gồm: (1) quản lý bán buôn; (2) cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (DVVT); (3) quản lý DVVT sử dụng vệ tinh, (4) quản lý TTDL và đám mây, (5) quản lý dịch vụ OTT, (6) quản lý dịch vụ IoT.

Cụ thể, về quản lý bán buôn, quan điểm quản lý làthúc đẩy truy cập mở (open access), tạo thuận lợi gia nhập thị trường để phát triển dịch vụ, ứng dụng mới; bổ sung công cụ quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế.

Đề xuất sửa luật là chỉ quản lý bán buôn với các DVVT quan trọng cần quản lý tiền kiểm. Nghĩa vụ của DN bán buôn là không phân biệt đối xử, công khai (giá, các điều khoản trong hợp đồng), kê khai giá. Nhà cung cấp dịch vụ thống lĩnh thị trường (SMP) có thêm nghĩa vụ: phải bán buôn khi có yêu cầu của DN khác; hạch toán chi phí, xác định giá thành dịch vụ bán buôn; ban hành thỏa thuận bán buôn mẫu.

Về cấp phép kinh doanh viễn thông, quan điểm quản lý làcơ bản duy trì tạo thuận lợi gia nhập thị trường, đơn giản hóa thủ tục. Một số trường hợp cần thắt chặt hơn (ví dụ vệ tinh, thiết lập mạng có sử dụng băng tần,…) để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ thị trường trong nước, sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Đề xuất sửa đổi luật là quy định các hình thức cấp phép, gồm: individual license áp dụng với trường hợp thiết lập mạng, cung cấp dịch vụ có tác động lớn tới thị trường, quyền lợi người sử dụng, an toàn an ninh với iều kiện cấp phép, thủ tục được siết chặt hơn (ví dụ bổ sung các điều kiện về bảo đảm an toàn, an ninh, cam kết triển khai mạng,…); class license điều kiện cấp phép, thủ tục đơn giản hơn, quản lý chủ yếu hậu kiểm; đăng ký: thủ tục đơn giản hơn, DN chỉ cần đăng ký.

Về quản lý dịch vụ viễn thông sử dụng vệ tinh, quan điểm quản lý là siết chặt để bảo vệ thị trường trong nước và bảo đảm an toàn, an ninh. Theo đó, đề xuất sửa luật là bổ sung quyết định giao Chính phủ quyết định chi tiết về thỏa thuận thương mại giữa DN xuyên biên giới và DN viễn thông; bổ sung điều kiện cấp phép: phải có phương án kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của cơ quan nhà nước (CQNN) có thẩm quyền để thực hiện kiểm soát, bảo đảm an ninh; ngăn chặn khẩn cấp, ngừng cung cấp dịch vụ khi có yêu cầu.

Về quản lý TTDL và cloud, quan điểm quản lýlà thúc đẩy phát triển TTDL và cloud Việt Nam, quản lý về bảo vệ dữ liệu theo thông lệ quốc tế. Theo đó, đề xuất sửa đổi luật là bổ sung 01 chương về kinh doanh TTDL và cloud

Về quản lý dịch vụ OTT, quan điểm quản lýtạo thuận lợi cho phát triển nhưng có quản lý để bảo đảm an toàn, an ninh, bảo vệ dữ liệu. Đề xuất sửa đổi luật gồm: sửa đổi các khái niệm dịch vụ viễn thông, thiết bị đầu cuối trong luật để bao trùm dịch vụ kết nối IoT.

6 chính sách quản lý lớn của dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi - Ảnh 2.

Ưu tiên phát triển hạ tầng đám mây

Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu từ Bộ Tư pháp, các hiệp hội, DN viễn thông như Viettel, VNPT, Vietnamobile, nhà cung cấp tên miền… đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi.

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết luật Viễn thông là luật chuyên ngành cao. Luật đã qua hơn 10 năm thực hiện, có nhiều thực tiễn đã thay đổi. Dự thảo Luật được dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2023, thời gian đã gấp rút nên cần phải đẩy nhanh thực hiện các thủ tục, tính thời điểm lấy ý kiến các bộ, ngành để kịp tiến độ.

Ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết VNPT thống nhất về 6 nội dung quản lý trong dự thảo Luật, trong đó có quy định mới để đẩy mạnh tăng cường về mạng di động ảo (MNVO), TTDL và cloud, quản lý các dịch vụ OTT, đám mây, NB-IoT, quản lý dịch vụ xuyên biên giới… tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy lĩnh vực phát triển.

Về quản lý giá bán buôn, ông Long cho biết nhà nước nên quản lý giá trần và sàn và đề nghị chính sách nào thay đổi lớn thì đưa vào luật, còn những nội dung chi tiết cụ thể thì đưa vào quy định dưới luật để kịp thời điều chỉnh.

Trong khi đó, ông Đỗ Minh Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết dự thảo luật cần đề cập xu hướng kinh doanh một số DVVT của các DN viễn thông trong nước ra nước ngoài như dịch vụ TTDL hay các nền tảng số được phát triển bằng nhiều ngôn ngữ. Luật quản lý các DN nước ngoài vào Việt Nam cũng cần có quy định hỗ trợ, thúc đẩy theo hướng đầu tư ra nước ngoài. Tiếp theo, Luật cần đề cập đến các nội dung như phát triển công nghệ cao, vệ tinh, kinh doanh dịch vụ phân tích dữ liệu khi dịch vụ được xem là dịch vụ lớn vì dữ liệu viễn thông có thể được xem tài nguyên quốc gia hay dịch vụ mobile money được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thử nghiệm nhưng Bộ TT&TT cũng phải có trách nhiệm. Các dịch vụ thử nghiệm khác cũng phải được đề cập trong quy định quản lý.

Đại diện Viettel cũng cho biết trên thế giới, xu hướng dịch vụ bán buôn cũng có thay đổi nên cần theo sát xu hướng thế giới thế giới và cần mở hơn một chút..

Trong khi đó, ông Giáp Hùng Cường, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), CEO VinaCIS cho biết Luật cũng cần đề cập đến cung cấp dịch vụ 5G riêng (private 5G), bên cạnh cung cấp 5G công cộng (public), để cung cấp cho khu công nghiệp, nhà máy, nông nghiệp IoT…

Về CDN liên quan đến livestream, ông Cường cho biết hiện tại, về công nghệ, DN Việt làm tốt dịch vụ livestream, nhưng các DN Việt Nam có nhiều lo lắng, hạn chế vì livestream có nhiều vấn đề phát sinh về quản lý nội dung. DN Việt Nam chịu sự quản lý khác, trong khi các nền tảng quốc gia lớn cứ làm, nếu có có vấn đề gì thì xử lý sau hay có thể không xử lý. Theo đó, cần xem xét quản lý như thế nào để công bằng giữa DN xuyên biên giới và DN Việt Nam.

Cũng theo ông Cường, khi người dùng sử dụng dịch vụ OTT, hiện các tin nhắn đều bị đọc và phân tích để phục vụ quảng cáo, hay cuộc nói chuyện có thể được nghe thấy và mạng xã hội có quảng cáo đúng những gì mình nói. Theo đó, cần có chính sách, quy định về nghe và đọc nội dung người dùng. 

Nêu ý kiến của Hội Truyền thông số Việt Nam, ông Nguyễn Quang Đồng cho biết dự thảo Luật đã cụ thể hóa nhiều nội dung. Ban soạn thảo đã nỗ lực cụ thể hóa các vấn đề lớn. Hội quan tâm đến dịch vụ mới là TTDL và đám mây. Hiện đám mây đã được thừa nhận là hạ tầng cho kinh tế số.

Theo đó, ông Đồng đề xuất cần phải thúc đẩy chiến lược sử dụng đám mây trước tiên (cloud first). Thị trường đám mây có hai phần là cho khu vực công và tư nhân. "Cần có những quyết liệt luôn đối với khu vực nhà nước trong phát triển TTDL và dịch vụ đám mây. Nên bắt buộc sử dụng đám mây thay cho đầu tư hạ tầng cứng".

Ông Đồng cho hay với xu thế công nghệ hiện nay, nhiều tỉnh hiện vẫn phát triển hạ tầng vật lý cho đô thị thông minh, CĐS thì sẽ dẫn đến lãng phí. Nhiều nước đã có quy định cho CQNN là sử dụng đám mây trước tiên. "Phát triển hạ tầng ưu tiên đám mây là động lực cho DN trong nước cân bằng cán cân thị phần đám mây đang lệch về phía các DN đám mây ngoại".

Trước các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết nhiều ý kiến đóng góp có ý nghĩa. Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Luật cần tiếp thu các ý kiến, rà soát lại các nội dung để việc xây dựng Luật được thực tiễn, sau khi ban hành đi vào cuộc sống.

Thứ trưởng đề nghị các đơn vị, hội nghề nghiệp, DN chịu tác động của Luật tiếp tục có ý kiến đóng góp sâu sắc cho việc hoàn thiện dự thảo Luật./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
6 chính sách quản lý lớn của dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO