Diễn đàn

Quản lý viễn thông theo xu thế đổi mới và toàn diện hơn

Hoàng Linh 25/07/2025 19:47

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý điểm mấu chốt đối với cả 5 đơn vị thuộc khối Viễn thông là hoạt động toàn diện hơn, thay đổi nhận thức, mở ra không gian mới và cách thức vận hành mới để “thoát dần” khỏi khái niệm hạ tầng cứng.

Ngày 25/7/2025, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng và Đoàn công tác của Bộ KH&CN đã có buổi làm làm việc trực tiếp và trực tuyến tới 16 điểm cầu của các đơn vị thuộc khối Viễn thông gồm: Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ), Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Cục Bưu điện Trung ương và Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích (VTCI) Việt Nam (VTF).

Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Phạm Đức Long và lãnh đạo một số đơn vị.

toan-canh-2.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc.

Những kết quả nổi bật

Tại buổi làm việc, lãnh đạo 5 đơn vị đã báo cáo một số kết quả hoạt động nổi bật của các đơn vị và của lĩnh vực.

Ông Nguyễn Thành Chung, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông năm 2024 đạt hơn 145.000 tỷ đồng tăng 2,31% so với cùng kỳ.

ong-trung.jpg
Cục trưởng Nguyễn Thành Chung báo cáo.

Chỉ số hạ tầng viễn thông IDI tăng 6 bậc lên 72 trên thế giới. Việt Nam hiện có 6 tuyến cáp quang biển đang hoạt động (AAG, IA, AAE-1, APG, ADC, SJC2), 41 trung tâm dữ liệu, 16 DN cung cấp dịch vụ. Việt Nam đã triển khai hơn 12.263 trạm 5G (gần 10,3% số trạm 4G), 100% các tỉnh, thành phố phủ sóng 26% dân số với hơn 12 triệu thuê bao 5G.

Thông tin về công tác tần số VTĐ, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục tần số VTĐ cho hay, đơn vị đã triển khai 4 cuộc đấu giá thành công; Bổ sung thêm 320MHz cho triển khai 5G (tăng 94% so với trước đấu giá). Việt Nam đứng hạng 4/10 trong ASEAN về lượng phổ tần đã cấp (tăng 5 bậc so với 2023). Việt Nam lọt top 19 thế giới, top 3 ASEAN về tốc độ Internet di động.

ong-tuan-2.jpg
Cục trưởng Lê Văn Tuấn.

Ông Lê Văn Tuấn nhấn mạnh, đơn vị đã đột phá trong quản lý tần số VTĐ, từ quản lý kỹ thuật đơn thuần sang kinh tế - kỹ thuật.

Là đơn vị đưa tần số VTĐ vào đời sống, Cục luôn quan tâm đến ảnh hưởng của sóng VTĐ đến sức khỏe của người dân. Cục đã xây dựng Cổng TTĐT về phơi nhiễm điện từ trường (EMF) để giám sát khách quan, hỗ trợ cơ quan quan giám sát khách quan về phơi nhiễm điện từ trường, giúp nâng cao năng lực quản lý; Tăng cường niềm tin cộng đồng: cung cấp thông tin khảo sát và công bố về mức phơi nhiễm EMF... phù hợp với khuyến nghị các tổ chức quốc tế: ITU, ICNIRP, WHO.

Thông tin về hoạt động của Cục Bưu điện Trung ương, ông Trần Duy Ninh, Cục trưởng cho biết, đơn vị đã nâng cấp công nghệ, tăng cường năng lực lớp lõi, lớp phân phối mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD); Thiết lập Trung tâm giám sát bưu chính KT1.

ong-ninh.jpg
Cục trưởng Trần Duy Ninh.

Cục triển khai nhiều nhiệm vụ cấp bách là điều phối, đôn đốc triển khai mạng của cơ quan Đảng trong 2 tuần, kết nối mạng xuống đến xã phường, đảm bảo hạ tầng thông suốt không gián đoạn khi sắp xếp bộ máy 2 cấp.

Thông tin về hoạt động của VNNIC, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc cho biết, 100% hệ thống kỹ thuật, dịch vụ DNS, VNIX, tài nguyên an toàn, ổn định, đảm bảo cam kết chất lượng dịch vụ SLA (99,999%).

Đơn vị đã phát triển làm chủ nền tảng số, mở, gồm các nền tảng như i-Speed: đo tốc độ, hiệu quả tài nguyên, kết nối IPv6; Inernet Atlas: Giám sát, thống kê, hoạch định, phát triển Internet, hạ tầng số; SRS-EPP: 100% hồ sơ được số hoá, xác thực, eKyc; IPMS liên thông quốc tế, 100% báo cáo, quản lý online; DNS abuse: Phản ánh, xử lý lạm dụng tên miền…

ong-thang.jpg
Giám đốc Nguyễn Hồng Thắng.

Tên miền “.vn” được miễn phí cho người dân, doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh; mở không gian tên miền mới như ai.vn, id.vn, io.vn. 666.500, thứ 2 ASEAN, thứ 38 toàn cầu, tăng 8 bậc so với 2020.

Đơn vị đã đột phá chuyển đổi IPv6 với tỷ lệ 65,5%, đứng thứ 7 toàn cầu, thứ 2 ASEAN với 3693 nhân lực kỹ thuật chuyển đổi IPv6.

Hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng của nền kinh tế

Trao đổi về các xu thế phát triển viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hạ tầng viễn thông từ khi ra đời cho đến gần đây là hạ tầng thông tin liên lạc cơ bản (gọi điện, nhắn tin). Nhưng giờ đây, hạ tầng viễn thông đã chuyển thành hạ tầng nền kinh tế.

“Nếu không có hạ tầng này, người dân sẽ "kêu" như không có điện, không có nước. Đây là một chuyển đổi rất quan trọng”.

Thứ hai, theo Bộ trưởng, hạ tầng viễn thông đã chuyển đổi thành hạ tầng số. Khái niệm hạ tầng số của rộng hơn rất nhiều. “Trên hạ tầng viễn thông có Internet, trên Internet có hạ tầng số. Trên hạ tầng số còn có hạ tầng số vật lý và trên đó nữa là các tiện ích số”.

bt-2.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Từ trước đến nay, viễn thông chưa bao giờ được “sánh” với giao thông, chỉ được coi là quan trọng. Xu thế thế giới là chuyển từ quản lý hạ tầng sang quản lý nền tảng số. “Nếu chúng ta không chuyển động nhanh, chúng ta vẫn sẽ vẫn “lúi húi” ở phần hạ tầng và bây giờ chuyển sang các nền tảng số. Nền tảng số cũng là một loại hạ tầng”.

Quản lý viễn thông theo cách mới

Đối với lĩnh vực viễn thông viễn thông, Bộ trưởng lưu ý một số đổi mới cần quan tâm. Đầu tiên là cần chuyển từ quản lý hạ tầng sang quản lý nền tảng và dịch vụ số. “Việc quản lý này mở rộng hơn rất nhiều”.

Đổi mới thứ hai cần lưu ý là đổi mới về cạnh tranh. Việt Nam đã mở cửa ngành viễn thông được hơn 20 năm nhưng vẫn “loay hay” về cạnh tranh hạ tầng. Hạ tầng đó chỉ phục vụ “alô” nên bản chất “alô” là hạ tầng.

“Các nhà mạng thi nhau xem ai có mạng rộng hơn, nhiều trạm hơn. Bây giờ, thay vì cạnh tranh hạ tầng, đã đến lúc phải chia sẻ hạ tầng. Các nhà mạng phải chia sẻ, hợp tác để giá rẻ đi, tập trung vào dịch vụ. Những việc như thế này thì phải ép những nhà mạng lớn phải chia sẻ hạ tầng với những nhà mạng nhỏ. VNPT, Viettel phải chia sẻ hạ tầng cho MobiFone”.

Tiếp theo, cần quan tâm đến đẩy thế cạnh tranh giá các dịch vụ. Việc này chưa được thúc đẩy nên các dịch vụ viễn thông ở Việt Nam rất ít.

“Đẩy mạnh cạnh tranh giá dịch vụ là một sự thay đổi mang tính rất chiến lược, mà mục tiêu cuối cùng là dịch vụ cho người dân, chứ không phải là hạ tầng. Đồng thời, cũng phải đẩy mạnh mạng riêng ảo theo đúng nghĩa. Chúng ta phải bán buôn dung lượng cho những nhà mạng nhỏ để họ sáng tạo, tạo ra dịch vụ cho người dân được hưởng và cạnh tranh dịch vụ. Cho nên, thúc đẩy mạng di động ảo phải có một chiến lược”.

Tiếp theo là phải đổi mới quản lý và giám sát chất lượng dịch vụ. Bây giờ phải giám sát chất lượng các loại dịch vụ viễn thông, dịch vụ số thời gian thực. “Điều này rất quan trọng, tức là quản lý chuyển từ ngoại tuyến (offline) sang thời gian thực. Quản lý trực tuyến (online) thời gian thực thay đổi bản chất của quản lý. Cái này chính là cái gọi là giám sát, là nền tảng của tất cả các hoạt động thanh tra, kiểm tra”.

Trong giám sát này có một thay đổi nữa cũng rất quan trọng là giám sát chất lượng, mạng lưới, dịch vụ và công bố. “Việc công bố công khai kết quả đo đạc, xếp hạng và đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng là một cách để các nhà mạng “thi đua” nhau”.

Xu thế đổi mới nữa là viễn thông xanh. “Ví dụ, nếu hiệu suất sử dụng điện mà dưới 70% thì cần loại. Hay các trung tâm dữ liệu (DC) tiêu thụ điện lớn nhất. Theo đó, cần phải đưa ra các tiêu chuẩn về hiệu suất sử dụng.

Tiếp theo nữa là câu chuyện điều tiết hoạt động viễn thông, ví dụ như đánh giá nhà mạng nào độc quyền, nhà mạng nào đang vi phạm chính sách giá, thao túng thị trường về giá cước. “Chúng ta giám sát toàn bộ dữ liệu thời gian thực để biết nhà mạng đã bắt đầu vi phạm độc quyền hay thao túng giá”.

Cùng với đó, là phải cải cách thể chế và nâng cao năng lực về quản lý viễn thông; Xây dựng tiêu chuẩn và chiến lược.

“Tiêu chuẩn, nếu cần thì chúng ta chuyển thành quy chuẩn bắt buộc. Bây giờ chúng ta nói thúc đẩy cạnh tranh và sống theo tiêu chuẩn”.

Lĩnh vực viễn thông cũng cần đưa các cán bộ Việt Nam vào các tổ chức quốc tế. Đây là một chiến lược quốc gia đã được Tổng Bí thư yêu cầu.

Làm quản lý nhà nước, Bộ trưởng cũng lưu ý công cụ, công nghệ, phòng lab phải hiện đại số một. “Hiện nay, lực lượng đi đo, đi kiểm tra vẫn còn thủ công. Cơ quan quản lý phải hiện đại hơn cả nhà mạng”.

Quản lý nhà nước phải minh bạch. Minh bạch thông tin cho người dân biết về chất lượng dịch vụ. “Quản lý nhà nước là công khai số liệu, dữ liệu, minh bạch hóa. Thông qua minh bạch để quản lý”.

Về quản lý liên ngành, Bộ trưởng cho rằng hiện nay, các nhà mạng “bị vướng” nhiều, phải tự đi mò mẫm. Bộ KH&CN phải “cầm trịch” trong chuyện liên ngành, giúp cho ngành mình phát triển, giúp cho nhà mạng.

tt-long.jpg
Thứ trưởng Phạm Đức Long trao đổi với các đơn vị tại buổi làm việc.

Lĩnh vực tần số VTĐ chuyển từ cấp phép cứng sang linh hoạt

Bộ trưởng cho biết lĩnh vực tần số VTĐ phải chuyển từ cấp phép cứng thì chuyển sang cấp phép linh hoạt.

Thứ hai là đấu giá tần số cũng chuyển sang đấu giá tần số linh hoạt, có kèm theo các điều kiện phủ sóng và giá cả khác đi.

Thứ ba là để đất nước phát triển thì cấp phép “sandbox”.

Thứ tư, phải chia lại băng tần nhỏ hơn 1 GHz cho các công nghệ mới. Nếu không làm, công nghệ mới không thể triển khai được.

Thứ năm là bắt đầu phải đẩy mạnh quản lý tần số sang các lĩnh vực khác, ví dụ như vệ tinh tầm thấp, drone… “Quản lý tần số không nên “luẩn quẩn” ở mạng di động mà phải phải mở rộng ra”.

Thứ sáu, tiếp tục ứng dụng công nghệ số, nhất là AI trong giám sát tần số và nhiễu. Cái này bắt đầu có kết quả rồi khi đã phát hiện gần gấp đôi số lượng gây nhiễu. Việc ứng dụng công nghệ số vào giám sát là một xu thế của thế giới.

Thứ bảy, lĩnh vực cần tiếp tục quan tâm đến tiêu chuẩn và chất lượng, hiện vẫn có những bỏ trống.

VNNIC trở thành đơn vị “tổng quản” các tài nguyên số

Theo Bộ trưởng, hiện có ba khái niệm mới cần quan tâm là các tài nguyên số quốc gia của Internet, hạ tầng số quốc gia về tài nguyên số và dịch vụ công tài nguyên số nền tảng. Ví dụ, như có hộ kinh doanh thì cấp luôn cho họ tên miền. Việc này gọi là cung cấp dịch vụ công nền tảng.

Bộ trưởng cho rằng VNNIC từ trước đến nay tập trung vào tên miền, địa chỉ mạng nhưng trên môi trường số có định danh số, tài nguyên dữ liệu, dữ liệu của dữ liệu (metadata), mã định danh dữ liệu (data ID), không gian số địa lý giống như địa chỉ số của hộ gia đình, DN, có xác thực rồi mã hóa hơi giống hạ tầng khóa công khai (PKI).

Bộ trưởng lưu ý VNNIC phải trở thành một đơn vị “tổng quản” các tài nguyên này, phải vươn lên làm vai trò “tổng công trình sư” hay người quản lý toàn bộ tài nguyên số.

Cùng với đó, cần chú ý Internet có chủ quyền. “Đây là một xu thế bởi kết nối quốc tế có bị “đứt” thì Internet trong nước vẫn phải hoạt động. Đây được gọi là xu thế Internet độc lập. Nga là quốc gia tiên phong. Việt Nam phải thí điểm việc này”.

Cục Bưu điện Trung ương xây dựng mạng chuyên dùng Chính phủ

Đối với Cục Bưu điện Trung ương, Bộ trưởng lưu ý đơn vị hình thành thành một mạng truyền dữ liệu toàn quốc, từ Trung ương đến địa phương, phục vụ Chính phủ số.

Tiếp theo, lưu ý dùng AI để phân tích, cảnh báo, điều tiết các hệ thống thông tin nội bộ, giám sát mạng lưới viễn thông, bưu chính.

bt-1.jpg

Cục Bưu điện Trung ương phục vụ Chính phủ nên phải đảm bảo thông tin mọi lúc, mọi nơi, có nghĩa là phải tích hợp các hệ thống đa năng, tích hợp hệ thống thông tin đa phương tiện, nghĩa là có hữu tuyến, vô tuyến, viễn thông để lúc nào cũng có sẵn phương án dự phòng.

Bộ trưởng cũng lưu ý đơn vị chuyển dịch theo hướng công nghệ số, hạ tầng quốc gia về chính phủ số. “Công nghệ thì hiện đại nhất, mức độ bảo mật thì cao nhất và nhân lực cần được đào tạo”.

Cục cũng xem xét xây dựng một mạng chuyên dùng 5G/6G. “Có thể là thuê lại một nhà mạng để làm mạng chuyên dụng Chính phủ để thực hiện kết nối các hạ tầng, thiết bị chuyên dùng của chính phủ”.

Quỹ dịch vụ VTCI mở rộng đối tượng thụ hưởng

Đối với Quỹ dịch vụ VTCI, Bộ trưởng lưu ý việc đầu tiên là cải cách các thủ tục, đẩy nhanh việc giải ngân. Tiếp theo là phải mở rộng đối tượng thụ hưởng. Đây là một xu hướng đúng.

Xong “alo”, xong Internet đến dịch vụ số thì nay cần phổ cập kết nối 4G, 5G, có nghĩa là nội hàm VTCI đã thay đổi. “Quỹ mở rộng khái niệm này ra thì đất nước mới phát triển được”.

Tiếp theo, Bộ trưởng “đặt hàng” Quỹ học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nghiên cứu mở rộng nguồn thu từ nền tảng số.

toan-canh.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phạm Đức Long chụp ảnh với cán bộ của 5 đơn vị.

Hoạt động toàn diện hơn

Tổng kết lại mang tính nhấn mạnh, Bộ trưởng lưu ý điểm mấu chốt đối với cả 5 đơn vị là cần phải hoạt động toàn diện hơn, thay đổi nhận thức, mở ra không gian mới và cách thức vận hành mới để “thoát dần” khỏi khái niệm hạ tầng cứng.

“Các đơn vị phải chuyển từ quản lý cứng sang mềm. Ngành chúng ta vốn dĩ là ngành cứng từ dây, tổng đài, BTS, cáp quang... bây giờ chuyển sang hướng mềm. Đó là một thách thức nhưng thực sự nếu chậm sẽ lỗi thời”.

Bộ trưởng nhấn mạnh lĩnh vực chuyển sang hạ tầng số là cuộc đổi mới lần hai. Không “luẩn quẩn” ở chữ hạ tầng nữa mà hãy bắt đầu nền tảng số, dịch vụ số. Có nhiều khái niệm phân chia mạng (network slicing), mạng được xác định bằng phần mềm (software-defined networking), ảo hoá chức năng mạng (network function virtualization)…, có nghĩa là ngay cả khái niệm về mạng lưới cũng bắt đầu “mềm hóa”. “Việc cung cấp dịch vụ, dung lượng cũng theo nghĩa là có thể lập trình được. Đây là những xu hướng lớn”.

Bộ trưởng mong muốn các đơn vị trong khối có một nhận thức mới nhưng điểm quan trọng là các cơ quan quản lý đã bắt đầu dẫn dắt DN. “Cơ quan quản lý không dẫn dắt DN thì DN “không nể, không nghe””.

“Nghề các đơn vị quản lý viễn thông là nghề dẫn dắt, đừng “luẩn quẩn” đi sau DN. Đã là Nhà nước bây giờ phải là số một. Đã là Nhà nước là phải hiện đại. Đã là Nhà nước là công nghệ, là công nghệ mới nhất. Đã là Nhà nước phải chỉ dẫn, kiến tạo chứ không phải là đi theo sau nữa”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quản lý viễn thông theo xu thế đổi mới và toàn diện hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO