6 tháng đầu năm 2023, lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, ATTT tiếp tục tăng trưởng
Lĩnh vực bưu chính, viễn thông (BCVT) tiếp tục tăng trưởng nhưng có sự sụt giảm doanh thu mảng công nghiệp ICT.
Theo thông tin từ Bộ TT&TT, tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 ngày 30/6, 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 1.614.206 tỷ đồng, giảm 8,66% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 39,6% so với kế hoạch năm 2023.
Toàn ngành nộp ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 45.905 tỷ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 44% so với kế hoạch năm 2023; Đóng góp vào GDP của ngành TT&TT ước đạt 389.792 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 41,24% so với kế hoạch năm 2023. Việc sụt giảm doanh thu là từ mảng công nghiệp ICT.
Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 6/2023 ước khoảng 1.512.144 lao động, tăng 1,96% so với cùng kỳ năm trước, đạt 99,17% so với kế hoạch năm.
Lĩnh vực BCVT tiếp tục tăng trưởng
Cũng theo Bộ TT&TT, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 27.477 tỷ đồng, tăng 5,48% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 43,78% kế hoạch năm 2023. Lĩnh vực nộp NSNN ước đạt 2.970 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 50,34% kế hoạch năm 2023.
Tổng sản lượng bưu gửi ước đạt 1.098 triệu bưu gửi, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 45,74% kế hoạch năm 2023.
Trong khi đó doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 74.473 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 53% kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách lĩnh vực viễn thông ước đạt 19.338 tỷ đồng, giảm 18,56% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 39,47% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang ước đạt 77,1%, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 91,8% kế hoạch năm 2023.
Tỷ lệ người sử dụng Internet ước đạt 78,59%, đã vượt mục tiêu kế hoạch năm 2023 (kế hoạch năm 2023 là 76%).
Số thuê bao băng rộng cố định ước đạt 22,14 triệu thuê bao, tăng 7,32% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 88,6% kế hoạch năm 2023. Số thuê bao băng rộng di động ước đạt 86,2 triệu thuê bao, tăng 5,67% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 95,2% kế hoạch năm 2023. Thuê bao điện thoại di động sử dụng SMP ước đạt 101,12 thuê bao, tăng 8,73% so với cùng kỳ năm 2022.
Tốc độ băng rộng cố định tháng 5/2023 đạt 93,31 Mbps, tăng 29,98% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ truy nhập Internet BRDĐ tháng 5/2023 đạt 47,27 Mbps, tăng 33,95% so với cùng kỳ năm 2022.
Tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet của Việt Nam đạt 57,6%, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, tăng 4% so với hết năm 2022; cao gấp 1,6 lần trung bình toàn cầu và gấp 1,7 lần trung bình khối ASEAN. Việt Nam đứng thứ 2, khu vực ASEAN, thứ 10 toàn cầu.
Với những kết quả này, về lĩnh vực bưu chính, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết lĩnh vực đã nhận diện các vấn đề nóng của thị trường bưu chính để từng bước xử lý, cụ thể là các vấn đề: doanh nghiệp (DN) bưu chính nhận nhượng quyền; quá nhiều DN xin cấp phép; cạnh tranh không lành mạnh; Chấn chỉnh các DN bưu chính, thu hồi 20 giấy phép bưu chính.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực viễn thông, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh: “Hạ tầng số rất quan trọng nên trong năm nay Bộ TT&TT cũng chỉ đạo tập trung quy hoạch hạ tầng. Bộ TT&TT cũng thúc đẩy hoàn thiện việc xây dựng Luật Viễn thông (sửa đổi) bổ sung các nội dung về trung tâm dữ liệu, dịch vụ OTT, điện toán đám mây để trình Quốc hội vào tháng 10/2023”.
Cũng theo Thứ trưởng, trong lĩnh vực còn một số vấn đề tồn tại cần giải quyết như số khách hàng sở hữu nhiều SIM, các cuộc gọi lừa đảo. Bộ TT&TT cũng triển khai đấu giá thành công tần số để triển khai 5G trong 6 tháng cuối năm; xoá lõm sóng theo chỉ đạo của Thủ tướng ở đâu có điện ở đó có sóng viễn thông. Thời gian qua, đã có hơn 2000 điểm lõm sóng được xoá và còn khoảng 800 điểm sẽ xoá trong năm nay; đảm bảo thông tin thuê bao đúng. 6 tháng cuối năm 2023, sẽ triển khai IPv6 cho 100% Cổng TTĐT, Cổng dịch vụ công.
Cả nước thành lập 74.521 Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ)
Lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS) quốc gia có tổng giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) ước tính đến hết tháng 6/2023 là: 287.620.511 triệu giao dịch và đạt 33% kế hoạch năm 2023 (860 triệu giao dịch). 22/22 bộ, ngành và 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử 2.0.
63/63 địa phương địa phương đã ban hành nghị quyết, chỉ thị về CĐS, kế hoạch/đề án về CĐS và kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo về CĐS. 22/22 bộ, ngành bộ, ngành đã ban hành kế hoạch/đề án về CĐS.
Tính đến ngày 18/6/2023, đã có 63/63 địa phương trên cả nước thành lập 74.521 Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) với 348.629 thành viên tham gia Tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, phố, trong đó 52/63 địa phương hoàn thành 100% đến cấp xã.
Tỷ lệ DVCTT toàn trình đủ điều kiện ước đạt 90,66% (ước tính đến ngày 19/6/2023), đạt 90,66% kế hoạch năm 2023 (mục tiêu năm 2023 là 100%). Hiện có 80/83 bộ, tỉnh đã ban hành danh mục DVCTT toàn trình, một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP (còn TP. Hà Nội, tỉnh Nam Định, tỉnh Đắk Nông chưa ban hành).
Tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến (HSTT) đạt 53,77% (mục tiêu năm 2023 đạt 80%). Tỷ lệ HSTT toàn trình đạt 39,21% (mục tiêu năm 2023 đạt 60%).
Số lượng các DN nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia Chương trình Hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS (SMEdx) là 849.291 DN, vượt 6,2% so với kế hoạch năm 2023 (800.000 DN). Số lượng các DN nhỏ và vừa sử dụng chương trình SMEdx ước khoảng 135.329 DN, vượt 12,8% kế hoạch năm 2023 (120.000 DN).
Lĩnh vực An toàn thông tin (ATTT) mạng tăng trưởng 14,3%
Doanh thu lĩnh vực ước đạt 2.154 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2022 (1.885 tỷ đồng) và đạt 39,35% kế hoạch năm 2023 (5.474 tỷ đồng).
Số lượng lao động của DN hoạt động trong lĩnh vực ATTT mạng ước khoảng 3.600 lao động, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2022 (3.226 lao động) và đạt 90% kế hoạch năm 2023 (4.000 lao động).
Bộ TT&TT đã xây dựng và đưa vào hoạt động 02 nền tảng: hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và hỗ trợ điều tra số để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác quản lý nhà nước và thực thi bảo đảm ATTT; Đẩy mạnh hoạt động rà soát, phát hiện, xử lý các trang web lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng; Cảnh báo và hướng dẫn khắc phục các điểm yếu, lỗ hổng nghiêm trọng có nguy cơ mất ATTT đối với các hệ thống thông tin.
Bộ TT&TT đã hỗ trợ Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành ATTT mạng (SOC).
Tỷ lệ giá trị Việt Nam doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT tăng
Doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT ước đạt 1.445.043 tỷ đồng, giảm 10,35% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 38,87% kế hoạch năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 51,51 tỷ USD, giảm 9,56% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 37,88% kế hoạch năm 2023.
Số DN công nghệ số ước khoảng 72.000 DN đang hoạt động, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ giá trị Việt Nam/doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt 29,68%, tăng 1,78% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 46,6% kế hoạch năm 2023.
Thay đổi về truyền thông chính sách
Doanh thu lĩnh vực báo chí ước đạt 20,495 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 47,28% kế hoạch năm 2023. Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 17,2 triệu thuê bao, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tỷ lệ tin xấu, độc, sai sự thật được phát hiện và xác minh trên mạng xã hội được ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời trong năm ước đạt khoảng 93%, không đổi so với cùng kỳ năm 2022.
Số lượng lao động trong lĩnh vực báo chí ước khoảng 71.830, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 98,7% kế hoạch năm 2023.
Lĩnh vực báo chí ghi nhận thay đổi nhận thức về công tác truyền thông chính sách; Thúc đẩy CĐS báo chí; Lần đầu tiên tổ chức kiểm tra một nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới là TikTok.
Bộ TT&TT đã triển khai hiệu việc ngăn chặn thông tin xấu độc trong các tình huống đặc biệt ảnh hưởng an ninh quốc gia như vụ việc ở Đắk Lắk; Bắt đầu nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo của các nhãn hàng trong nước từ nền tảng xbg về các báo, các trang, kênh nội dung sạch.
Thúc đẩy, hỗ trợ Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) ra mắt thành công VTV Go - nền tảng truyền hình số quốc gia; Phát triển nền tảng vietnam.vn quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành tăng 10%
Doanh thu lĩnh vực ước đạt 44,561 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước đạt 1,898 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2022. Đóng góp vào GDP ước đạt 13,091 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết vượt qua nhiều khó khăn do biến động về nguyên liệu, doanh thu toàn ngành tiếp tục duy trì và tăng, trong đó lĩnh vực xuất bản và phát hành tăng 1,9%, lĩnh vực in tăng 11,2%.
Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam 21/4 đã được tổ chức thành công với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn diễn ra tại nhiều bộ, ngành và 63 tỉnh, thành, góp phần quan trọng thúc đẩy xuất bản và văn hoá đọc phát triển./.