Chuyển động ICT

Bộ TT&TT xoá lõm sóng các thôn đặc biệt khó khăn đã có điện

Hoàng Linh 12/06/2023 17:29

Theo Bộ TT&TT, tính đến thời điểm rà soát đầu năm 2023, cả nước còn 1.506 thôn lõm sóng, trong đó 969 thôn đặc biệt khó khăn (thuộc đối tượng hỗ trợ từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam - VTCI), 537 thôn không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn.

Trong tổng số 1.506 thôn lõm sóng thì có 251 thôn chưa có điện. Đối với các thôn đặc biệt khó khăn đã có điện, Bộ TT&TT đã đưa vào kế hoạch tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp (DN) triển khai từ nguồn quỹ VTCI. Các thôn còn lại có điện, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các DN viễn thông triển khai phủ sóng từ nguồn lực của DN trong giai đoạn 2023 - 2025.

thu-truong-pham-duc-long.jpg
Thứ trưởng Phạm Đức Long: các địa phương cần rà soát kỹ các điểm lõm sóng, để phủ sóng hết trong năm nay.

Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước Quý II của Bộ TT&TT với các Sở TT&TT ngày 12/6/2023, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết các địa phương cần rà soát kỹ các điểm lõm sóng, để phủ sóng hết trong năm nay. Lưu ý là những điểm lõm sóng ở các vùng có điện. Những điểm lõm sóng ở các địa phương chưa có điện, địa phương phải phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thành việc này.

Thông tin về thanh tra toàn quốc về quản lý thông tin thuê bao di động, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết 82 đoàn thanh tra kiểm tra đã được thành lập để thực hiện thanh tra giai đoạn 2. Các đoàn thanh tra thực hiện nghiêm túc công việc này. Hiện nay, SIM rác, thông tin thuê bao không chính chủ còn nhiều. Bộ TT&TT đã họp tập huấn quán triệt triển khai.

Thứ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ TT&TT và Cục Viễn thông làm việc với các địa phương nhắc nhở các đoàn thanh tra, thực hiện đúng mục tiêu, chủ trương của Bộ TT&TT.

Liên quan đến vấn đề dùng chung hạ tầng viễn thông, Thứ trưởng yêu cầu Cục Viễn thông có hội nghị riêng về chuyên đề này và làm việc với các Sở TT&TT để tăng cường việc dùng chung hạ tầng.

Đối với việc triển khai IPv6, đến nay đã có một số kết quả đáng ghi nhận (Việt Nam đang đứng 10 thế giới và thứ hai ở châu Á), tuy nhiên, chúng ta cần phải quyết tâm đẩy mạnh việc triển khai hơn nữa. Việc triển khai IPv6 là vấn đề quan trọng để thúc đẩy kinh tế số.

Theo Bộ TT&TT, tính đến 15/5/2023, còn 3,84 triệu thuê bao cần chuẩn hóa thông tin (sau khi các DN viễn thông đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư). Trên cơ sở đó, DN đã triển khai thông tin đến người dân để thực hiện chuẩn hóa lại 2,85 triệu thuê bao, thu hồi 985.000 thuê bao do không thực hiện chuẩn hóa.

Bộ TT&TT cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 08/2023/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Mạng truyền số liệu chuyên dùng; Tổ chức Hội nghị hướng dẫn, phổ biến Quyết định số 08/2023/QĐ/TTg về Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước cho các Bộ, ngành trên địa bàn Hà Nội và 63 Sở TT&TT.

Đề xuất tiếp tục thí điểm Mobile money

Theo Bộ TT&TT, ngày 19/5/2023, Bộ TTTT đã có công văn số 1865/BTTTT-CVT gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam góp ý đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ 6 tháng và Đề cương báo cáo tổng kết tình hình thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile money, trong đó đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai thí điểm dịch vụ Mobile money từ sau ngày 18/11/2023 đến hết 31/12/2025.

Việc đề xuất để các DN tiếp tục hoàn thiện, phát triển dịch vụ, cung cấp tới khách hàng, với mục tiêu đem lại tiện ích cho người dân, xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; xem xét, sửa đổi một số quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg để phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc khi phát triển dịch vụ./.

Bài liên quan
  • Bộ TT&TT xoá lõm sóng các thôn đặc biệt khó khăn đã có điện
    Theo Bộ TT&TT, tính đến thời điểm rà soát đầu năm 2023, cả nước còn 1.506 thôn lõm sóng, trong đó 969 thôn đặc biệt khó khăn (thuộc đối tượng hỗ trợ từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam - VTCI), 537 thôn không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TT&TT xoá lõm sóng các thôn đặc biệt khó khăn đã có điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO