67% tổ chức đang gia tăng đầu tư vào GenAI do giá trị mang lại
Việc bảo vệ dữ liệu và tránh những rủi ro an ninh mạng luôn là thách thức lớn. Và việc tìm đến những giải pháp hiệu quả cho vấn đề trên, thông qua mô hình trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) đang “hứa hẹn” tạo ra những giá trị mong muốn.
Giúp hiểu rõ hơn về việc áp dụng GenAI trong các doanh nhiệp (DN) hiện nay, mới đây, Viện AI Deloitte đã đưa ra báo cáo, góc nhìn đánh giá, toàn diện.
Gia tăng mức đầu tư
Theo báo cáo "Tình hình AI tạo sinh trong doanh nghiệp năm 2024" (State of Generative AI in the Enterprise 2024), kết quả dựa trên một cuộc khảo sát quy mô lớn (tiến hành từ tháng 5 - 6/2024), đã khảo sát 2.770 nhà lãnh đạo DN và công nghệ am hiểu AI, những người đã trực tiếp tham gia thí điểm hoặc triển khai GenAI tại các tổ chức lớn trên 14 quốc gia và 6 ngành: tiêu dùng; năng lượng, tài nguyên và công nghiệp; dịch vụ tài chính; khoa học cuộc sống và chăm sóc sức khỏe; công nghệ, truyền thông và viễn thông; chính phủ và dịch vụ công.
Và khi được hỏi việc áp dụng GenAI hiện nay, với 2/3 số người được hỏi (67%) cho biết tổ chức của họ đang gia tăng mức đầu tư vào GenAI do giá trị mang lại. ”Đây là một tỷ lệ thể hiện rõ sự chủ động trong ứng dụng GenAI, và nó đang có sức mạnh đóng vai trò quan trọng giúp các tổ chức tìm kiếm sự cải thiện về hiệu, năng suất (54%)…”, báo cáo nhấn mạnh.
Hơn nữa, báo cáo cho rằng, những người trả lời khảo sát, nhất là đối với lãnh đạo, người điều hành cấp cao thì luôn hứng thú với GenAI và mức quan tâm vẫn được đánh giá cao (tỷ lệ 63%). Cùng với đó, khi nói về những tác động đối với dữ liệu, các tổ chức, DN tham gia khảo sát tăng mức đầu tư công nghệ của họ liên quan tới việc quản lý dữ liệu vì GenAI. Để hiện đại hóa các khả năng liên quan đến dữ liệu của mình, các tổ chức, DN đang tăng cường bảo mật dữ liệu (54%); cải thiện các hoạt động về chất lượng dữ liệu (48%); và cập nhật các khuôn khổ quản trị dữ liệu cũng như phát triển các chính sách dữ liệu mới (45%).
Vẫn còn những rào cản không lường
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích và sự chú trọng trên, cũng có những ý kiến ngược lại, cho rằng khi áp dụng GenAI cũng còn gặp phải những rào cản không lường trước, đó là các vấn đề liên quan đến dữ liệu, bao gồm: Lo ngại về việc tuân thủ quy định (36%); khó khăn trong việc quản lý rủi ro (30%); thiếu mô hình quản trị (29%).
Nguyên nhân của các vấn đề trên bao gồm: Định kiến thiên vị, lo ngại về quyền riêng tư, lòng tin và an toàn an ninh thông tin. Do đó, các tổ chức cho rằng để nâng hiệu quả từ những hạn chế, cần thời gian để xây dựng lòng tin và đảm bảo việc ứng dụng có trách nhiệm.
“Các tổ chức, DN đang nỗ lực xây dựng các hàng rào và năng lực giám sát mới, bao gồm: Thiết lập khuôn khổ quản trị để sử dụng các công cụ và ứng dụng GenAI (51%); giám sát các yêu cầu theo quy định và đảm bảo tuân thủ (49%); và tiến hành kiểm toán/thử nghiệm nội bộ đối với các công cụ và ứng dụng GenAI (43%)", báo cáo nêu.
Báo cáo cũng cho biết thêm, trong khi các tổ chức, DN được khảo sát đang hoàn thành nghiên cứu khả thi và bắt đầu mở rộng quy mô, 41% các tổ chức, DN đã phải vật lộn để xác định, đo lường tác động chính xác của các nỗ lực GenAI và chỉ 16% đã lập báo cáo thường xuyên cho Giám đốc tài chính (CFO) về giá trị được tạo ra với GenAI.
Hơn nữa, một số tổ chức, DN cũng đang áp dụng các hệ thống KPI cụ thể để: Đánh giá hiệu suất GenAI (48%); xây dựng khuôn khổ để đánh giá các khoản đầu tư GenAI (38%); theo dõi những thay đổi trong năng suất của nhân viên (38%).
Gia tăng các giá trị khác
Khi nói, đánh giá về các giá trị của AI Deloitte, ông Jim ROWAN, Trưởng nhóm AI ứng dụng và Lãnh đạo Deloitte Consulting LLP, cho rằng, trong khi các ứng dụng gần đây cho kết quả khá hứa hẹn, chúng ta đã bước vào thời điểm then chốt của GenAI khi phải vừa cân bằng giữa kỳ vọng và các thách thức như chất lượng dữ liệu, chi phí đầu tư, đo lường hiệu quả và khung pháp lý đang thay đổi.
“Khảo sát quý 3 của chúng tôi đã cho thấy việc quản lý sự thay đổi và tích hợp mang tính tổ chức đóng vai trò rất quan trọng để vượt qua rào cản, mở khóa giá trị và xây dựng tương lai cho GenAI”, ông Jim ROWAN, Trưởng nhóm AI ứng dụng và Lãnh đạo Deloitte Consulting LLP, cho biết.
Ở quan điểm khác, ông Costi PERRICOS, lãnh đạo GenAI, Deloitte toàn cầu cho biết thêm rằng: chúng tôi tiếp tục nhận thấy sự quan tâm nhiệt thành ở khắp các tổ chức dành cho GenAI và các nhà lãnh đạo đang tận dụng công nghệ này thông qua tích hợp vào các chức năng và quy trình kinh doanh chính.
Qua nghiên cứu trên, chúng tôi chỉ ra rằng GenAI không chỉ dừng lại ở việc cải thiện hiệu quả, năng suất và giảm chi phí mà hơn một nửa trong số lợi ích hàng đầu của nó đến từ việc gia tăng tính đổi mới, cải thiện sản phẩm và dịch vụ, tăng cường mối quan hệ với khách hàng và các giá trị khác. Sự đa dạng của các nguồn giá trị, tiềm năng to lớn và tính linh hoạt của công nghệ của sự chuyển đổi này./.