6G là ưu tiên của Trung Quốc trong năm 2023
6G vẫn còn là một chặng đường dài, nhưng Trung Quốc đã sẵn sàng phát triển 6G.
Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã xác định 6G là một trong những dự án ưu tiên cho năm 2023. Tại hội nghị thường niên đầu năm 2023, Bộ Công nghiệp và CNTT Trung Quốc đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển "toàn diện" 6G trong năm nay.
Bên cạnh các trọng tâm như như máy bay mới và phục hồi công nghiệp, lĩnh vực CNTT-TT cũng đang hướng tới mục tiêu đẩy nhanh tốc độ triển khai 5G, mạng quang, phát triển hơn nữa mạng 5G riêng, Internet công nghiệp và bảo vệ dữ liệu, 6G được nhấn mạnh là trọng tâm công tác của lĩnh vực viễn thông và công nghệ, là ưu tiên của chính phủ.
Vào cuối năm ngoái, China Telecom đã phát hành sách trắng đặt ra tầm nhìn cho 6G. Được Viện Nghiên cứu Viễn thông Trung Quốc công bố, bài báo đề xuất một kiến trúc mạng RAN (P-RAN) phân tán và có thể lập trình thông minh.
Trung Quốc cũng đã kêu gọi đề xuất về các công nghệ then chốt tiềm năng từ cơ quan điều phối quốc gia là Nhóm xúc tiến 6G IMT-2030. Theo một tuyên bố do nhóm chuyên gia của chính phủ về nền tảng và đổi mới phát triển ngành (CAICT), các mục tiêu chính là "truyền cảm hứng cho các đại học - học viện - ngành công nghiệp - hiệp hội đổi mới công nghệ, thu thập và hình thành nguồn dự trữ phong phú các công nghệ then chốt tiềm năng 6G, đồng thời hỗ trợ nghiên cứu, tiêu chuẩn hóa và R&D công nghiệp 6G”.
Cụ thể, các trường đại học và tổ chức nghiên cứu ngoài Trung Quốc được hoan nghênh gửi đề xuất giải pháp trước thời hạn vào tháng 11/2023. Các giải pháp được đề xuất phải có "giá trị ứng dụng và thúc đẩy cho sự đổi mới và phát triển của 6G", đồng thời các thông số kỹ thuật chính phải có khả năng được đánh giá và xác minh.
Đạt được đột phá về 6G khi cuộc đua thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu nóng lên
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), đầu tháng 1/2023, một phòng thí nghiệm của Trung Quốc cho biết đã tạo ra một bước đột phá trong công nghệ truyền thông di động thế hệ tiếp theo, khi cuộc tranh giành quyền lực toàn cầu về việc thiết lập các tiêu chuẩn trong ngành viễn thông tiếp tục nóng lên.
Một tuyên bố trên trang web của phòng thí nghiệm Purple Mountain Laboratories cho biết một nhóm nghiên cứu do giáo sư khoa học chính You Xiaohu dẫn đầu đã lần đầu tiên đạt được tốc độ đường truyền 6G 206,25 gigabit/giây trong môi trường phòng thí nghiệm.
Dự án được hỗ trợ bởi một dự án đặc biệt của chính phủ về 6G và đã đạt được thành quả với sự cộng tác nhà mạng lớn China Mobile và Đại học Fudan.
Theo tuyên bố của Purple Mountain, tốc độ đạt được là một kỷ lục thế giới về truyền dẫn không dây thời gian thực trong dải tần terahertz (300GHz ~ 3THz), được coi là nền tảng cho truyền thông di động 6G trong tương lai.
Công nghệ 6G sẽ là sự kế thừa của 5G hiện tại vẫn đang được triển khai ở nhiều quốc gia. 5G cho phép truyền dữ liệu với tốc độ nhanh hơn 20 lần so với các tiêu chuẩn trước đó.
5G được thiết kế để cung cấp tốc độ dữ liệu nhanh hơn, độ trễ cực thấp, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí, dung lượng hệ thống cao hơn và khả năng kết nối thiết bị lớn, hỗ trợ các dịch vụ thông minh mới cho người tiêu dùng và một nâng cấp công nghiệp.
Thế giới vẫn chưa thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật về tần số, điều chế tín hiệu và dạng sóng 6G. 3GPP, tổ chức thiết lập tiêu chuẩn truyền thông toàn cầu hàng đầu, vẫn chưa công bố lộ trình cho 6G.
Gã khổng lồ thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies Co, nhà cung cấp thiết bị mạng 5G hàng đầu, dự kiến công nghệ 6G sẽ gia nhập thị trường vào khoảng năm 2030.
Theo light reading, Ericsson, cũng là nhà sản xuất thiết bị 5G hàng đầu, dự đoán các tiêu chuẩn ban đầu cho 6G có thể được phát hành vào năm 2027.
Khi được hỏi về quan điểm của Huawei đối với 6G, Xu Zhijun, chủ tịch luân phiên của Huawei khi đó đã nói trong một cuộc họp báo hồi tháng 9/2022 cho biết “hiện tại chúng tôi chưa biết 6G là gì”, mặc dù Huawei hy vọng sẽ hợp tác với ngành để xác định 6G là gì trong thập kỉ tiếp theo.
Trung Quốc có số lượng trạm gốc 5G lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 11/2022, Trung Quốc đã xây dựng và đưa vào hoạt động khoảng 1,4 triệu trạm gốc trên khắp đất nước.
Tuy nhiên, việc triển khai các dịch vụ 5G diễn ra chậm chạp, trong đó ngành công nghiệp vẫn đang phải vật lộn để tìm ra một ứng dụng cốt lõi cho người dùng hàng ngày do chi phí phát triển và triển khai cao./.