90 quốc gia đã triển khai mobile money và giao dịch 1 tỷ USD/ngày

Lan Phương| 23/05/2019 16:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Đã có nhiều số liệu đáng quan tâm được đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Tiền điện tử trên thuê bao di động - giải pháp sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển tài chính toàn diện” do Cục Viễn thông, Bộ TTTT chủ trì tổ chức trong 2 ngày 23 - 24/5/2019.

90 quốc gia triển khai tiền di động

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà khai thác di động (GSMA), hiện có 90 quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money) với gần 700 triệu tài khoản được đăng ký. Ngành công nghiệp mobile money hiện giao dịch trung bình 01 tỷ USD/ngày.

Hiện có hơn 20% doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ tiết kiệm, lương hưu hoặc sản phẩm đầu tư, với 37% DN khác dự định sẽ phát triển thêm trong năm tới.

Đã có 66% tổng số người trưởng thành của Kenya, Rwanda, Tanzania và Uganda sử dụng mobile money như là phương tiện giao dịch thông dụng. 168 triệu tài khoản tiền di động đã được kích hoạt trong tháng 12/2017. Một người sử dụng dịch vụ tiền di động trung bình mỗi tháng giao dịch 188 USD.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tác động của tiền di động đối với một số lĩnh vực

Theo ông Brian Muthoria, Giám đốc chính sách, Nhóm mobile money của GSMA, Mobile Money đang giúp ngành công nghiệp dịch vụ tài chính trở nên hiệu quả và toàn diện hơn. Mobile Money giúp hàng triệu người chưa được cung cấp hoặc chưa được cung cấp đầy đủ tiếp cận một loạt các dịch vụ tài chính.

Càng ngày, Mobile Money càng thúc đẩy các giao dịch trong các lĩnh vực khác như trao quyền cho phụ nữ, hoạt động nhân đạo, thúc đẩy nông nghiệp, bán lẻ, điện nước, y tế, giáo dục, giao thông vận tải...

Trao quyền cho phụ nữ

Theo đại diện của GSMA, Mobile Money là công cụ quan trọng để trao quyền cho phụ nữ và có thể góp phần giảm khoảng cách giới tính trong tài chính toàn diện. Dữ liệu được thu thập thông qua khảo sát chấp nhận toàn cầu của GSMA cho biết 36% người dùng tiền di động là phụ nữ. Tuy nhiên, con số này khác nhau đáng kể trong các sản phẩm được triển khai, dao động từ 15 - 50%.

Dữ liệu trong Chỉ số toàn cầu của Ngân hàng thế giới năm 2017 chỉ ra rằng có sự chênh lệch giới tính về tiền di động giữa các quốc gia thu nhập thấp và trung bình và mobile money có thể giúp giảm khoảng cách giới tính trong sở hữu tài khoản và nâng cao sự tham gia của phụ nữ vào các dịch vụ tài chính.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng ở 8 nền kinh tế, nơi có 20% người lớn trở lên có tài khoản di động, vẫn còn tồn tại khoảng cách giới tính trong sở hữu tài khoản. Ví dụ, ở Coote d’Ivoire, số nam giới có tài khoản ngân hàng cao gấp đôi số nữ giới có tài khoản ngân hàng, nhưng tỷ lệ nam giới và nữ giới chỉ có tài khoản Mobile Money là ngang nhau.

Đáp ứng hoạt động nhân đạo

Khi ngân sách nhân đạo đạt hạn mức đã định, dịch vụ Mobile Money là phương thức cung cấp dịch vụ rẻ hơn, nhanh hơn, an toàn và minh bạch hơn so với việc chi trả bằng tiền mặt. Do đó, các hoạt động nhân đạo đang ngày càng dựa vào các hình thức giải ngân hàng loạt để chuyển tiền hỗ trợ nhân đạo bằng hình thức kỹ thuật số.

Sự chuyển đổi sang phân phối tiền mặt theo hình thức kỹ thuật số đã được thúc đẩy bằng xuất hiện của các dịch vụ tài chính kỹ thuật số sáng tạo, cụ thể là sự lớn mạnh chưa từng thấy của ngành công nghiệp tiền di động.

Ở hầu hết các thị trường phát triển, việc truy cập vào các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, thậm chí để có tài khoản ngân hàng cơ bản còn rất hạn chế. Chỉ có 5% dân số ở các nước phát triển không có tài khoản tài chính chính thức, nhưng ở các nền kinh tế mới nổi, tỷ lệ này trung bình là 45%.

Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn đối với rất nhiều người tị nạn, những người có thể không có giấy tờ tùy thân để đáp ứng yêu cầu KYC khi mở tài khoản.

Ở Bidi Bidi, một trong những khu định cư tị nạn lớn nhất thế giới ở miền Bắc Uganda, các nhà mạng di động đang hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để sử dụng tính năng thanh toán hàng loạt Mobile Money để chuyển tiền nhân đạo lần đầu tiên.

Giúp nông dân tiếp cận thị trường

Nông dân tham gia chuỗi giá trị được hưởng lợi từ số hóa chuỗi giá trị thông qua cải thiện tính minh bạch và khả năng giám sát trong nông nghiệp, giảm rủi ro gian lận và dễ dàng tiếp cận các yêu cầu chứng nhận hơn và do đó dễ dàng tiếp cận thị trường.

Điều quan trọng, việc chuyển đổi từ tiền mặt sang thanh toán bằng Mobile Money để mua sắm cây trồng có thể hỗ trợ việc tạo ra một bản sắc kinh tế cho nông dân thông qua các hồ sơ kỹ thuật số từ việc bán nông sản, kết hợp với các điểm dữ liệu khác mở ra tài chính toàn diện đầy đủ (truy cập vào tài khoản tín dụng, bảo hiểm và tiết kiệm).

Thu hút chuyển tiền kiều hối

Các đặc điểm của Mobile Money như tính thuận tiện, sự riêng tư và độ tiếp cận khiến nó trở thành kênh chuyển tiền kều hối đặc biệt hấp dẫn với phụ nữ và hộ gia đình nông thôn.

Dữ liệu của World Remit cho thấy dịch vụ Mobile Money là phương án được ưa thích của khách hàng để gửi tiền về nông thôn. Vì vậy, tiền di động có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chính thức hóa chuyển tiền quốc tế.

Trong khi các dòng kiều hối chính thức chuyển tới các quốc gia đang phát triển đạt 450 triệu USD trong năm 2017, quy mô kiều hối thực tế được đánh giá lớn hơn thế nhiều với dòng tiền chảy qua các kênh không chính thức và không được quản lý.

Theo GSMA, khi tiền di động đạt đến quy mô đủ lớn, các dịch vụ khác như tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm cũng có thể được cung cấp thông qua kênh Mobile Money

Triển khai thanh toán và chuyển khoản kỹ thuật số là bước tiến quan trọng tạo ra quyền truy cập toàn cầu vào một loạt các dịch vụ tài chính, cải thiện tính ổn định và tính liên chính của hệ thống tài chính”, đại diện của GSMA nhấn mạnh.

Ở các quốc gia, nơi Mobile Money đã đạt đươc quy mô đủ lớn, các DN, chính phủ và quan trọng nhất là hàng triệu khách hàng đã gặt hái được nhiều lợi ích rõ ràng; trao cho họ khả năng lưu trữ tiền một cách thuận tiện và an toàn; chuyển tiền cũng như thanh toán hàng hóa và dịch vụ bằng điện thoại di động là sự chuyển đổi về mặt xã hội và kinh tế.

Làm bùng nổ các DN số, start-up Việt

Nhận định về các lợi ích cho Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Mobile Money sẽ làm xuất hiện rất nhiều DN kinh doanh trong lĩnh vực số, những công ty khởi nghiệp công nghệ. Mobile Money sẽ là phương thức thanh toán phổ biến nhất được chấp nhận bởi các công ty khởi nghiệp. “Chúng ta kỳ vọng Mobile Money sẽ góp phần bùng nổ các start-up Việt Nam”.

Bộ trưởng cũng cho biết Mobile Money là một thí dụ thuyết phục về việc nhà mạng viễn thông có thể trở thành nền tảng của nhiều thứ, chứ không chỉ là hạ tầng viễn thông như hàng trăm năm nay.

Chúng ta cũng sẽ kỳ vọng nhiều hơn nữa vào các nhà mạng trong việc tự chuyển mình để trở thành nền tảng của dữ liệu, của Computing, của nội dung số, của xác thực, của dịch vụ IT, của IoT, v.v...”, Bộ trưởng cho biết.

Còn nhiều vấn đề pháp lý phải giải quyết cho Mobile Money, cũng có những thách thức, rủi ro đi kèm, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Lợi ích của Mobile Money là lớn hơn rất nhiều".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
90 quốc gia đã triển khai mobile money và giao dịch 1 tỷ USD/ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO