Diễn đàn

94% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6

Ánh Dương 28/03/2023 17:51

Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN) phải nhận thức rõ muốn phát triển kinh tế số, xã hội số và cung cấp các dịch vụ cá thể hóa cho người dùng thì cần phải chuyển đổi sang IPv6.

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long tại Hội nghị tổng kết Giai đoạn 1 Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước (CQNN) giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình IPv6 For Gov), triển khai nhiệm vụ năm 2023 và Giai đoạn 2 Chương trình IPv6 For Gov (2023 – 2025) do Trung tâm Internet Việt Nam - Bộ TT&TT) tổ chức.

Việt Nam đứng thứ 10 toàn cầu về tỷ lệ sử dụng IPv6

Ngày 14/01/2021, Bộ TT&TT đã chính thức ban hành Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021 - 2025, giao Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chủ trì thực hiện. Chương trình IPv6 For Gov có hai giai đoạn, bao gồm:

Giai đoạn 1 (2021-2022) với mục tiêu chính: 50% Bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch IPv6 và chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng Thông tin điện tử (TTĐT), cổng dịch vụ công (DVC).

Giai đoạn 2 (2023-2025) với mục tiêu chính: 100% Bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch IPv6 và chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng TTĐT, DVC.

Trong suốt giai đoạn vừa qua, Bộ TT&TT đã tiên phong, đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương xúc tiến, hỗ trợ và đảm bảo cho việc thực hiện thành công toàn bộ quá trình chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ CNTT của CQNN.

z4217885811217_2e16a7a38879a0141b90cd04894a5995(1).jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long: Chuyển đổi sang sử dụng IPv6 là vấn đề sống còn trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhận định, việc triển khai chuyển đổi mạng Internet Việt Nam sang hoạt động với IPv6 nói chung và chương trình IPv6 For Gov nói riêng, tính đến nay đã đạt những bước tiến quan trọng. Việt Nam cũng đã khẳng định được vị thế của mình trong bảng xếp hạng thế giới về chuyển đổi IPv4 sang IPv6.

Đánh giá về việc chuyển đổi IPv6, bà Trần Thu Hiền, Phó Giám đốc phụ trách VNNIC cho biết, hiện toàn cầu đang đẩy mạnh chuyển đổi sang IPv6 để đáp ứng những công nghệ hiện đại. IPv6 là nền tảng cho phát triển kỹ thuật số và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Chuyển sang IPv6 không chỉ là vấn đề chuyển đổi tài nguyên, mà còn là chuyển đổi công nghệ. Thực hiện chuyển đổi toàn diện Internet Việt Nam sang IPv6, phát triển hạ tầng cho CĐS quốc gia, Bộ TT&TT đã điều phối các DN, đơn vị, CQNN đồng bộ thực hiện quá trình chuyển đổi IPv6.

Sau 2 năm triển khai Chương trình IPv6 For Gov, cùng các mục tiêu về chuyển đổi toàn diện Internet Việt Nam sang IPv6, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến tháng 12/2022, tỷ lệ sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 53%, đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 10 toàn cầu với hơn 65 triệu thuê bao IPv6 (FTTH, Mobile).

Cụ thể, giai đoạn 1 của Chương trình IPv6 For Gov đã đạt và vượt mục tiêu đề ra với 94% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6 (vượt 88% so với mục tiêu); 78% bộ, ngành, địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng TTĐT, cổng DVC (vượt 55% so với mục tiêu).

Về đào tạo nguồn nhân lực, mục tiêu đặt ra là đào tạo 500 chuyên gia IPv6 trong 5 năm. Qua 2 năm, chương trình đã tổ chức đào tạo 28 khóa cho 1.318 cán bộ/chuyên gia IPv6, tăng gấp 2,6 lần so với mục tiêu tới năm 2025. 

Kết quả giai đoạn 1 chương trình IPv6 For Gov đã cho thấy sự nỗ lực của Bộ TT&TT cũng như các Bộ, ngành địa phương trong việc chuyển đổi mạng Internet Việt Nam sang IPv6. Đây cũng là tiền đề quan trọng để bước vào giai đoạn 2 của chương trình (2023 - 2025).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Giám đốc VNNIC Nguyễn Trường Giang, việc triển khai chuyển đổi IPv6 hiện còn tồn tại một số hạn chế như tỷ lệ chung tăng trưởng chậm, có nhiều thời điểm bị giảm (đầu năm 2023); tỷ lệ thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPv6 còn thấp; Hạ tầng CNTT CQNN chậm chuyển đổi IPv6; Nội dung IPv6 trong nước còn thấp. Ngoài ra, các DN nhỏ và vừa chưa tích cực, phần lớn chưa triển khai.

z4218317789260_d23029be2042642c77c42cf763f71b81(1).jpg
Hội nghị tổng kết Giai đoạn 1 Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho CQNN giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình IPv6 For Gov), triển khai nhiệm vụ năm 2023 và Giai đoạn 2 Chương trình IPv6 For Gov (2023 – 2025).

Các DN cần quyết liệt triển khai để hoàn thành mục tiêu IPv6 quốc gia giai đoạn 2

Với những kết quả tích cực đạt được, Thứ trưởng Phạm Đức Long ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của đơn vị CNTT các Bộ, ngành, sở TT&TT địa phương đã quyết liệt thực hiện tốt việc chuyển đổi trong thời gian vừa qua; đồng thời nhấn mạnh rằng thế giới thay đổi rất nhanh, nếu như không đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi thì chúng ta sẽ tụt xuống rất nhanh, không có sự cố gắng liên tục, thì những thành quả đạt được ngày hôm nay sẽ không còn trong tương lai.

Đối với, giai đoạn 2023 - 2025, mục tiêu đặt ra là chuyển đổi toàn bộ Internet Việt Nam sang IPv6, 100% thuê bao Internet Việt Nam hoạt động với IPv6 (Fixed, Mobile); 100% DN IDC, Cloud, Hosting, nội dung số… cung cấp dịch vụ trên nền IPv6; Triển khai IPv6 only, IPv6 cho 5G, Cloud, IoT và nghiên cứu triển khai IPv6+.

Riêng năm 2023, Bộ TT&TT đặt mục tiêu cao trong công tác chuyển đổi IPv6 cho Internet Việt Nam, với mục tiêu bứt phá đạt tỷ lệ sử dụng IPv6 60-70%.

Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương theo chương trình IPv6 For Gov, để đạt được các mục tiêu chuyển đổi IPv6 quốc gia (đến năm 2025, 100% người sử dụng truy cập Internet quốc gia), các doanh nghiệp CNTT cần đẩy mạnh, quyết liệt triển khai, đặc biệt là nhóm các DN chủ đạo (Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, FPT Telecom, MobiFone). Đây là các DN đang cung cấp 96% dịch vụ cho người dùng Internet Việt Nam. Song song với đó là các DN ISP, Mobile, IDC, Cloud, nội dung số.

Trong khi đó, theo kế hoạch giai đoạn 2023-2025, Chương trình IPv6 For Gov sẽ tập trung và hoàn thành chuyển đổi IPv6 cho Trung tâm dữ liệu, mạng WAN, các phần mềm, ứng dụng; triển khai thí điểm hoạt động thuần IPv6 (IPv6 only) cho một số khu vực, dịch vụ. Mục tiêu hướng tới 100% Bộ, ngành, địa phương chuyển đổi IPv6 thành công cho hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT và sẵn sàng triển khai IPv6 only.

Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã chỉ đạo Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel đồng bộ, triệt để kích hoạt dịch vụ IPv6, hỗ trợ các CQNN chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng TTĐT, cổng DVC và mạng truy cập của các CQNN; các DN chủ động cung cấp các gói dịch vụ tư vấn, chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT,… cho CQNN.

Nhấn mạnh việc chuyển đổi sang sử dụng IPv6 là vấn đề sống còn trong thực hiện CĐS quốc gia, Thứ trưởng Phạm Đức Long yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa. Các bộ, ngành, địa phương và DN phải nhận thức rõ rằng muốn phát triển kinh tế số, xã hội số và cung cấp các dịch vụ cá thể hóa cho người dùng thì cần phải chuyển đổi sang IPv6. Trong đó, các DN viễn thông cần có trách nhiệm hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương chuyển đổi hạ tầng, dịch vụ, có lộ trình cụ thể để chuyển đổi cho các thuê bao đầu cuối còn lại chưa hỗ trợ IPv6, đồng thời có những phương án hỗ trợ thay thế thiết bị đầu cuối cho khách hàng.

Đặc biệt, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, VNNIC cần phải có những văn bản hướng dẫn về chuyển đổi IPv6 một cách chi tiết, cụ thể, đảm bảo dễ hiểu, dễ triển khai; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về chuyển đổi IPv6, đào tạo, hỗ trợ và giám sát quá trình chuyển đổi, xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện, tham mưu tư vấn lãnh đạo Bộ các vấn đề chính sách, và chủ trương nhằm thúc đẩy chuyển đổi, hoàn thành mục tiêu chương trình IP 4G quốc gia cũng như duy trì và tăng thứ hạng chuyển đổi quốc gia./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
94% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO