Chuyển đổi IPv6 đảm bảo tài nguyên cho phát triển Internet Việt Nam

Nguyễn Thị Oanh| 11/12/2022 07:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi IPv6 là tất yếu, xu thế triển khai mặc định IPv6, thuần IPv6 (IPv6 only) đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Internet toàn cầu, Việt Nam.

Tóm tắt nội dung

* Chuyển đổi IPv6 toàn cầu

- Từ năm 2011, địa chỉ IPv4 chính thức cạn kiệt (sớm hơn dự báo), khu vực APNIC sẽ cạn kiệt hoàn toàn IPv4 vào khoảng tháng 8/2024.

- Ngày 06/05/2012, toàn cầu chính thức khai trương IPv6.

- Đến tháng 10/2022, tỷ lệ sử dụng IPv6 bình quân toàn cầu đạt 40% (nguồn Google), 32% (nguồn APNIC).

- Các quốc gia quan tâm, chú trọng công tác chuyển đổi IPv6 và IPv6 cho cơ quan chính phủ: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp,...

- Các ISP, doanh nghiệp Mobile, nội dung số lớn đến nay đã chuyển đổi gần như hoàn toàn sang IPv6 (tỷ lệ đạt khoảng 80-90%).

* Chuyển đổi IPv6 đảm bảo tài nguyên cho phát triển Internet Việt Nam

- Ngày 06/5/2008, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành Chỉ thị số 03/2008/CT- BTTTT về thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6.

- Ngày 06/01/2009, Bộ TT&TT ban hành Quyết định số 05/QĐ-BTTTT thành lập Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia.

- Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6: Giai đoạn 1 – Giai đoạn chuẩn bị (2011 - 2012); Giai đoạn 2 – Giai đoạn khởi động (2013 - 2015); Giai đoạn 3 – Giai đoạn chuyển đổi (2016 - 2019).

- Nhiệm vụ IPv6 tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia (theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020): Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6).

- Đến tháng 10/2022, tỷ lệ sử dụng IPv6 của Việt Nam đạt 53%; xếp hạng 2 ASEAN, 10 toàn cầu.

Trước sự phát triển bùng nổ của các dịch vụ Internet mới, mạng Internet toàn cầu chuyển sang thế hệ mới, sử dụng giao thức và địa chỉ IPv6 để giải quyết vấn đề cạn kiệt không gian địa chỉ của IPv4 và đáp ứng nhu cầu phát triển Internet trước yêu cầu công nghệ của các dịch vụ mới, chất lượng cao như Internet vạn vật (IoT), 4G LTE/5G, Cloud, ... Chuyển đổi IPv6 là tất yếu, xu thế triển khai mặc định IPv6, thuần IPv6 (IPv6 only) đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Internet toàn cầu, Việt Nam. 

Chuyển đổi IPv6 toàn cầu

Gần 25 năm IPv6 chính thức được IETF công bố tài liệu đầu tiên mô tả về địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6, gồm: RFC2373 [1], mô tả cấu trúc địa chỉ IP phiên bản 6 và RFC2374 [2], mô tả dạng địa chỉ IPv6 định danh toàn cầu. Trải qua thời gian dài điều chỉnh, cả hai tài liệu này được thay thế cập nhật bởi hai RFC mới. Đó là RFC35133, cấu trúc đánh địa chỉ IP phiên bản 6 và RFC3587 [4], mô tả dạng thức địa chỉ IPv6 định danh và định tuyến toàn cầu.

Cạn kiệt IPv4 là lý do đầu tiên để chuyển đổi IPv6

Khi Internet phát triển, số lượng tổ chức, doanh nghiệp (DN) và dịch vụ sử dụng IP để kết nối ngày càng tăng. Địa chỉ IPv4 là địa chỉ được ứng dụng phổ biến trong thời gian đầu của Internet vào Việt Nam. Không gian địa chỉ hữu hạn của IPv4 không đủ để đảm bảo cho sự phát triển bùng nổ của Internet. Dấu hiện cạn kiệt IPv4 đã được để cập đến từ đầu những năm 2000.

Sớm hơn so với dự báo, địa chỉ IPv4 chính thức cạn kiệt từ năm 2011, giai đoạn 2011 - nay, chính sách cấp IPv4 chỉ dùng cho mục đích chuẩn bị triển khai IPv6. Trong 05 khu vực thì APNIC là khu vực cạn kiệt IPv4 sớm nhất, từ năm 2011. Tiếp theo là các khu vực khác gồm: châu Âu, Mỹ La-tin, Bắc Mỹ (trừ châu Phi) và áp dụng chính sách cấp phát hạn chế IPv4.

Với tốc độ cấp, phân bổ IPv4 hiện nay, khu vực APNIC sẽ cạn kiệt hoàn toàn IPv4 vào khoảng tháng 8/2024. Thời điểm đó, IPv4 sẽ không còn được cấp, phân bổ, dù là mức hạn chế.

Chuyển đổi IPv6 đảm bảo tài nguyên cho phát triển Internet Việt Nam - Ảnh 2.

Hình 1. Mức độ cạn kiệt IPv4 các khu vực (nguồn potaroo.net)

Cạn kiệt IPv4 đang tạo ra giai đoạn khủng hoảng về IPv4. Một số giải pháp tạm thời là chuyển nhượng IPv4 giúp DN có thêm IP. Tuy nhiên, mức giá chuyển nhượng IPv4 đang có dấu hiệu tăng mạnh. Năm 2015, khi chính sách chuyển nhượng IPv4 được áp dụng, mức giá chuyển nhượng giao động khoảng 10 USD/1 IPv4. Đến nay, mức giá chuyển nhượng tăng gấp 5 lần, lên khoảng 50 USD/1 IPv4 khiến các tổ chức, DN khó khăn để có thêm tài nguyên. Chậm triển khai IPv6 tạo ra thách thức, rào cản cho sự phát triển hoạt động mạng, dịch vụ trên nền Internet.

Giải pháp công nghệ giúp IPv6 được ứng dụng rộng rãi

Đến ngày 06/05/2012, toàn cầu chính thức khai trương IPv6 (World IPv6 Launch 2012), các DN ISP, mobile, nội dung số lớn chính thức sử dụng IPv6 cho hạ tầng mạng, dịch vụ. Sau 10 năm chính thức khai trương IPv6 toàn cầu, lưu lượng IPv6 tăng hơn 5000% so với thời điểm khai trương.

Tính đến tháng 10/2022, tỷ lệ sử dụng IPv6 bình quân toàn cầu đạt 40% (nguồn Google), 32% (nguồn APNIC). Mạng Internet toàn cầu tiếp tục gia tốc chuyển đổi IPv6 thay thế IPv4 và triển khai IPv6 trong các dịch vụ mới, chất lượng cao như IoT, Smart City, 4G, 5G, Cloud. Xu thế chuyển đổi từ công nghệ song song (dual-stack IPv4/IPv6) sang công nghệ thuần IPv6 (IPv6- only) cũng rõ rệt hơn. Trên các diễn đàn quốc tế, khái niệm IPv6+ được đề cập và thảo luận rộng rãi (kết hợp IPv6 với công nghệ AI, tự động hóa, kết nối Internet với băng thông cực cao, độ trễ thấp, chất lượng cao, bảo mật tốt). 

Chuyển đổi IPv6 đảm bảo tài nguyên cho phát triển Internet Việt Nam - Ảnh 3.

Hình 2. Biểu đồ tăng trưởng sử dụng IPv6 toàn cầu (nguồn APNIC)

Các quốc gia quan tâm, chú trọng công tác chuyển đổi IPv6 và IPv6 cho cơ quan chính phủ: Sau hơn 10 năm khai trương IPv6, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực đã có hoạt động thúc đẩy, chuyển đổi IPv6 như sau:

+ Mỹ: 60% Cổng thông tin, 75% hệ thống DNS và 27% hệ thống mail của các đơn vị Chính phủ Mỹ đã hoạt động với IPv6 (nguồn NIST [5]). Tỷ lệ IPv6 của Mỹ đạt 51,63% (thứ 9 thế giới, trên Việt Nam 1 bậc).

+ Trung Quốc [6]: 91,15% Website Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoạt động với IPv6 (Nguồn: china-ipv6.cn). Tỷ lệ IPv6 của Trung Quốc đo từ quốc tế đạt 25,87%, đứng thứ 44 toàn cầu (nguồn APNIC).

+ Ấn Độ [7]: Toàn bộ Website cơ quan Chính phủ đã hoạt động IPv6; 100% thiết bị đầu cuối (CPE) hỗ trợ IPv6; tỷ lệ IPv6 Ấn Độ đạt 76,19%, đứng thứ 1 thế giới. Ấn Độ triển khai sớm IPv6 cho 5G, IoT và hướng tới ứng dụng thuần IPv6.

+ Pháp: Yêu cầu tương thích IPv6 với các doanh nghiệp có giấy phép 5G băng tần 3,4~3,8GHz. 

+ Liên minh châu Âu (EU): Năm 2020, EU công bố chiến lược an ninh mạng trong kỷ nguyên số và yêu cầu thành viên EU cam kết triển khai IPv6. Tỷ lệ IPv6 trong EU tăng từ 5% năm 2015 lên 20% năm 2020. 

Chuyển đổi IPv6 đảm bảo tài nguyên cho phát triển Internet Việt Nam - Ảnh 4.

Top 20 quốc gia, vùng lãnh thổ về mức độ sử dụng IPv6 (nguồn APNIC)

Chuyển đổi IPv6 từ hạ tầng mạng lõi, đến dịch vụ Internet cơ bản, dịch vụ Internet mới và kế hoạch tắt bỏ mạng IPv4

IPv6 được triển khai từ thử nghiệm đến chính thức, từ hạ tầng mạng lõi, đến các dịch vụ Internet cơ bản và dịch vụ Internet mới. Các ISP, doanh nghiệp Mobile, nội dung số lớn đã triển khai IPv6 từ năm 2012 và đến nay đã chuyển đổi gần như hoàn toàn sang IPv6, với tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt khoảng 80-90%. Như Reliance Jio (Mobile), Combined Carriers (Mobile), T-Mobile, Verizon... 

Chuyển đổi IPv6 đảm bảo tài nguyên cho phát triển Internet Việt Nam - Ảnh 5.

Top 10 ISP, Mobile có lưu lượng IPv6 lớn nhất (nguồn World IPv6 Launch)

Các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, cloud lớn cũng đã sử dụng IPv6 và khẳng định tốc độ truy cập Internet qua IPv6 nhanh hơn IPv4. Tiêu biểu như: Facebook, Google, YouTube, Akamai, Apply (application), Cloudflare, ...

Đến nay, các tập đoàn công nghệ lớn thế giới như Amazone (AWS), Akamai, CloudFlare... đã triển khai IPv6 mặc định cho dịch vụ và đang dịch chuyển sử dụng thuần IPv6 (IPv6-only). Khái niệm IPv6+ được đề cập và thảo luận (kết hợp IPv6 với công nghệ AI, tự động hóa, kết nối Internet với băng thông cực cao, độ trễ thấp, chất lượng cao, bảo mật tốt).

Chuyển đổi IPv6 đảm bảo tài nguyên cho phát triển Internet Việt Nam

25 năm Internet chính thức vào Việt Nam. Thời gian đầu, mạng Internet Việt Nam chỉ sử dụng IPv4 với 03 ISP đầu tiên là VNPT, Viettel, FPT. Theo nhịp chảy của Internet toàn cầu, Việt Nam bắt nhịp sớm với nhiều hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 trên toàn bộ Internet Việt Nam.

Các mốc thời gian quan trọng trong gần 15 năm thúc đẩy, triển khai IPv6 tại Việt Nam

(1) Chỉ thị đầu tiên về IPv6 của Bộ TT&TT

Trước sự cạn kiệt nguồn địa chỉ IPv4 và yêu cầu chuyển đổi sang thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6 tại Việt Nam, để thực hiện công tác thúc đẩy ứng dụng IPv6, ngày 06/5/2008, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Chỉ thị số 03/2008/CT-BTT&TT về thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6. Chỉ thị là văn bản pháp lý đầu tiên để dẫn dắt hoạt động IPv6 Việt Nam.

(2) Thành lập Ban Công tác thúc đẩy IPv6 Quốc gia

Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia (Ban Công tác) được thành lập theo Quyết định số 05/QĐ-BTTTT ngày 06/01/2008 của Bộ trưởng Bộ TTTT để thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy phát triển địa chỉ IPv6 tại Việt Nam. Nhiệm vụ chính của Ban Công tác là nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển và ứng dụng IPv6; xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam.

Thành phần Ban Công tác gồm: Thứ trưởng Bộ TT&TT làm Trưởng Ban; Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) là Phó trưởng Ban; VNNIC là thường trực Ban và phụ trách các công tác, hoạt động của Ban; thành viên Ban gồm đại diện VNNIC, các đơn vị thuộc Bộ, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, các ISP lớn, ICP lớn.

Ban Công tác nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển và ứng dụng IPv6, xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam.

(3) Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 với nhiều hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ, định hướng chuyển đổi IPv6 

Ngày 29/03/2011, sau khi Ban Công tác nghiên cứu và tham mưu, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 theo Quyết định số 433/QĐ-BTTTT. Trên cơ sở học tập kinh nghiệm chuyển đổi IPv6 ở các quốc gia tiêu biểu, Ban Công tác đã có sửa đổi, bổ sung Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 theo Quyết định số 1509/QĐ-BTTTT ngày 20/10/2014 của Bộ trưởng Bộ TTTT, theo đó, bổ sung các đối tượng quan trọng vào nhiệm vụ của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và giữ nguyên lộ trình, kế hoạch.

Tổng quan về Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6:

Chuyển đổi IPv6 đảm bảo tài nguyên cho phát triển Internet Việt Nam - Ảnh 6.

3 Giai đoạn - 10 bước chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước

- Giai đoạn 1 - Giai đoạn chuẩn bị (2011 - 2012): Đánh giá thực trạng và tính sẵn sàng của mạng lưới Internet; Hình thành mạng thử nghiệm IPv6 quốc gia; Tổ chức tuyên truyền và đào tạo nhân lực phục vụ cho việc chuyển đổi sang IPv6.

- Giai đoạn 2 - Giai đoạn khởi động (2013 - 2015): Chuyển đổi mạng lưới từ IPv4 sang hỗ trợ đồng thời IPv4/IPv6; Xây dựng và hình thành mạng cơ sở hạ tầng quốc gia; Cung cấp dịch vụ IPv6 thử nghiệm tới người sử dụng.

- Giai đoạn 3 – Giai đoạn chuyển đổi (2016 - 2019): Hoàn thiện mạng lưới, dịch vụ IPv6; Đảm bảo Internet Việt Nam hoạt động ổn định, bền vững trên nền tảng công nghệ IPv6. 

Chuyển đổi IPv6 đảm bảo tài nguyên cho phát triển Internet Việt Nam - Ảnh 7.

Hình 3. Hội nghị tổng kết Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6

Trên cơ sở kế hoạch đặt ra, Ban Công tác đã định hướng đúng đắn cho nhiệm vụ, mục tiêu của từng nhóm đối tượng trong công tác triển khai IPv6 tại Việt Nam. Định hướng chung cho toàn bộ Kế hoạch là "Đảm bảo Internet Việt Nam hoạt động ổn định, bền vững trên nền tảng công nghệ IPv6".

Kế hoạch đã hoàn thành xuất sắc vượt mục tiêu đặt ra. Tính đến hết tháng 12/2019, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đã đạt 39,94%, vượt xa các quốc gia trong khu vực và thuộc nhóm quốc gia tiêu biểu nhất toàn cầu, đứng thứ 2 ASEAN, thứ 8 trên thế giới. Kết quả ứng dụng triển khai IPv6 đã vượt mục tiêu chung đặt ra là đến cuối 2019, mức độ ứng dụng của Việt Nam đạt trung bình chung toàn cầu (khoảng 22% tại cùng thời điểm).

(4) Nhiệm vụ IPv6 tại Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021 - 2025

Tại Việt Nam, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định nhiệm vụ: Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6).

Với các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi IPv6 sớm và đúng hướng của Bộ TT&TT từ giai đoạn 2008 đến nay, tính đến tháng 10/2022, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt 53%, trong nhóm 10 nước có tỷ lệ sử dụng IPv6 cao nhất toàn cầu. Các DN đã triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 rộng rãi để người dùng có thể truy cập Internet IPv6 qua Mobile, FTTH. 

Chuyển đổi IPv6 đảm bảo tài nguyên cho phát triển Internet Việt Nam - Ảnh 8.

Hành trình chuyển đổi IPv6 trong hạ tầng Internet Việt Nam

Để định hướng, thúc đẩy, hỗ trợ cơ quan nhà nước (CQNN) và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật [8] về chuyển đổi IPv6, Bộ TT&TT đã ban hành thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho CQNN (Chương trình IPv6 for Gov) giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 38/ QĐ-BTTTT ngày 14/01/2021 của Bộ trưởng Bộ TT&TT) và triển khai nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn, tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho các CQNN. Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) là đơn vị được Bộ TT&TT giao nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi Internet Việt Nam sang hoạt động với IPv6; chủ trì triển khai Chương trình IPv6 For Gov. 

Ngày 26/4/2022, tại Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy CĐS quốc gia, đã giao nhiệm vụ cho Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Thực hiện việc chuyển đổi IPv6; trong đó, ưu tiên tập trung chuyển đổi IPv6 cho Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến để phục vụ cho người dân, DN truy cập, sử dụng dịch vụ của CQNN qua IPv6. Thời hạn hoàn thành là tháng 12/2022”.

Trên cơ sở những điểm chung của các CQNN, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ TT&TT đã xây dựng kế hoạch mẫu với 10 bước - 03 giai đoạn để hướng dẫn các bước cần thiết để chuyển đổi IPv6 thành công ở mạng ứng dụng CNTT của CQNN.

Thông qua các hoạt động về chính sách định hướng; văn bản hướng dẫn, thúc đẩy, hỗ trợ gửi Bộ, ngành, địa phương, DN; các chương trình tư vấn trực tiếp; hỗ trợ online/offline; cùng chương trình đào tạo, tập huấn cho khoảng 3.400 học viên, trong đó có 2.400 từ CQNN đã giúp công tác IPv6 For Gov đạt kết quả tốt.

Chuyển đổi IPv6 đảm bảo tài nguyên cho phát triển Internet Việt Nam - Ảnh 9.

Hình 4. Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ IPv6 tại Việt Nam.

Trong đó, công tác chuyển đổi IPv6 kết hợp tái cấu trúc hạ tầng mạng CQNN theo Chương trình IPv6 for Gov đã có kết quả thực tiễn: 63/63 tỉnh, thành phố; 16/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 03/08 cơ quan thuộc Chính phủ đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi IPv6; 8/22 Bộ, ngành và 36/63 địa phương chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng TTĐT, DVC. 

Chuyển đổi IPv6 đảm bảo tài nguyên cho phát triển Internet Việt Nam - Ảnh 10.

Hình 5. Mức độ chuyển đổi IPv6 tại khối địa phương

Chuyển đổi IPv6 đảm bảo tài nguyên cho phát triển Internet Việt Nam - Ảnh 11.

Hình 6. Mức độ chuyển đổi IPv6 tại khối Bộ, ngành

Để phát triển bền vững Internet Việt Nam thì chuyển đổi IPv6 là tất yếu. 25 năm qua Internet Việt Nam sử dụng chủ yếu IPv4. Đến nay, tỷ lệ sử dụng IPv6 đã vượt quá bán, đạt 53%. Việt Nam đang đi cùng nhịp với các quốc gia trên thế giới với mục tiêu chuyển đổi sang IPv6-only, IPv6+. Xu thế IPv6 tất yếu, do đó, để triển khai hiệu quả IPv6 theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chương trình IPv6 For Gov cần sự tham gia của: 1 - Bộ TTTT (giao VNNIC chủ trì); 2 - Bộ, ngành, địa phương; 3 - DN. Mục tiêu hướng tới cho giai đoạn 2021-2025, hướng tới 2030: “Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)”.

1. RFC2373 - IP Version 6 Addressing Architecture
2. RFC2374 - An IPv6 Aggregatable Global Unicast Address Format

3. RFC3513 - Internet Protocol Version 6 (IPv6) Addressing Architecture

4. RFC3587 - IPv6 Global Unicast Address Format

5. Chuyển đổi IPv6 tại Mỹ: https://usgv6-deploymon.antd.nist.gov/cgi-bin/generate-gov

6. Chuyển đổi IPv6 tại Trung Quốc: http://www.cac.gov.cn/2021-07/23/c_1628629122784001. htm và https://www.theregister.com/2021/07/26/china_single_stack_ipv6_notice/

7.Chuyển đổi IPv6 tại Ấn Độ: https://dot.gov.in/ipv6-transition; https://www.theregister.com/2021/04/19/national_internet_exchange_of_india_ipv6_push/

Các quốc gia lớn khác: IPv6 Benefits and best practices of public policies (axonpartnersgroup. com)

8. Các văn bản:

- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (Cơ quan nhà nước khi đầu tư, mua sắm các thiết bị mới có kết nối Internet phải bảo đảm các thiết bị này có hỗ trợ công nghệ IPv6 theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông);

- Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (yêu cầu tính sẵn sàng IPv6 trong lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án);

- Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ TTTT (Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phải hỗ trợ địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6);

- Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ TTTT ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong CQNN (Tiêu chuẩn kết nối liên mạng LAN/WAN qua IPv6 là bắt buộc đối với các thiết bị có kết nối Internet);

- Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ TTTT (Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh sẵn sàng hỗ trợ địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6).

- Công văn số 273/BTTTT-CBĐTW ngày 31 tháng 01 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn mô hình tham chiếu về kết nối mạng cho bộ, ngành, địa phương.

Tài liệu tham khảo:

1. https://mic.gov.vn

2. https://vnnic.vn

3. https://apnic.net

4. https://www.ietf.org/

5. www.google.com.

6. www.worldipv6launch.com

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi IPv6 đảm bảo tài nguyên cho phát triển Internet Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO