Aidi Llama - Nhà nữ phát minh ICT đẹp nhất trong lịch sử

03/11/2015 20:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Bà vừa là một ngôi sao màn ảnh nổi tiếng vừa là một nữ phát minh. Bà đã cùng đồng nghiệp phát minh "Kỹ thuật thông tin mở rộng tần số“, được sử dụng rộng rãi trong máy điện thoại di động, trong thông tin vệ tinh và trong mạng Internet ngày nay. Chính vì vậy, bà còn được không ít người suy tôn là "Người mẹ của công nghệ CDMA“.

Ngày 9/11/1913, Aiđi Llama sinh ra ở Viên, thủ đô của Áo trong một gia đình gốc Do thái. Mẹ của bà là nghệ sỹ chơi piano, còn bố là một chủ ngân hàng. Là con gái duy nhất trong gia đình nên bà được bố mẹ hết sức chiều chuộng. Năm 10 tuổi, Aiđi Llama bắt đầu học Piano và balet. Thời thiếu nữ, bà ham thích biểu diễn vì vậy, Aiđi Llama bỏ học ngành viễn thông đã trúng tuyển mà sang Bec-lin theo học ở một trường đào tạo diễn viên.

Năm 1932, lúc Aiđi Llama 19 tuổi, bà đã tham gia đóng vai một thiếu nữ đã có chồng trong phim "Hồn xiêu phách lạc" của Tiệp và cũng là bộ phim có cảnh "nóng" đầu tiên trong lịch sử. Năm 1933, khi bộ phim công diễn đã gây chấn động trong thời đại bảo thủ lúc ấy. Bỗng chốc Aiđi Llama trở nên nổi tiếng và là đại diện cho giới nữ "sexy" của châu Âu.

Aiđi Llama không những là một thiếu nữ tuyệt đẹp mà còn có một đầu óc rất thông minh. Năm 2005, kỹ sư, nhà phân tích ICT nổi tiếng thế giới Mô-cơ trong cuốn sách "Phương trình bậc cao" đã đánh giá Aiđi Llama như sau: "Chỉ cần bạn đã sử dụng qua điện thoại di động, bạn sẽ hiểu hơn về bà và cám ơn bà. Nên nhớ rằng, sự cống hiến của bà, ngôi sao màn bạc sexy nổi tiếng cho kỹ thuật vô tuyến của thế giới cho đến nay vẫn chưa có ai sánh kịp".

Từ nhỏ, Aiđi Llama đã có năng khiếu về toán học. Kết hôn vào năm 20 tuổi, người chồng đầu tiên của bà là một thương gia về súng đạn, thường đưa bà tham dự các cuộc tụ họp của các chuyên gia kỹ thuật và các thương gia. Nhờ đó, bà đã nhanh chóng nắm được một số kỹ thuật về súng đạn.
Trong Đại chiến thế giới thứ hai, các bên tham chiến đều muốn nâng cao hiệu suất bắn trúng đích của ngư lôi. Thông thường họ đều dùng sóng vô tuyến (Radar) để dẫn đường ngư lôi. Tuy nhiên, đối phương cũng có thể dùng can nhiễu vô tuyến để làm lệch hướng của ngư lôi đối phương. Thông tintrong giai đoạn này vẫn cùng sử dụng một kênh tần số truyền đưa. Nếu đối phương tìm dò được kênh tần số dẫn đường cho ngư lôi thì có thể dùng sóng vô tuyến để gây nhiễu, làm sai lệch hướng bắn.

Aiđi cho rằng bà có thể giải quyết được vấn đề nan giải khi dùng chung một kênh tần số. Bà nghĩ rằng ở 2 đầu bắn và nhận ngư lôi, đồng thời sử dụng một số kênh tần số hẹp để truyền đưa thông tin, các tín hiệu này được phát đi theo một quy tắc bất kỳ. Đầu thu sẽ theo quy tắc bất kỳ đã có để tổ hợp lại tín hiệu đã phát. Như vậy, nếu đối phương không biết được quy tắc tổ hợp tín hiệu thì họ chỉ nhận được những tiếng ồn mà thôi. Aiđi đã đề xuất với Ansore cơ cấu của hệ thống thông tin bí mật đó.

Ansore bổ sung thêm, có thể dùng cách chế tạo Piano tự động để thực hiên ý tưởng này của Aiđi. Tháng 8/1942, phát minh này được cấp bằng sáng chế ở Mỹ và có tên gọi là "Kỹ thuật thông tin mở rộng tần số“, Aiđi và Ansore đã tặng sáng chế này cho chính phủ Mỹ nhưng phát minh này đã không được quân đội Mỹ lúc đó coi trọng.

Khi chiến tranh lạnh kết thúc, quân đội Mỹ giải phóng những hạn chế bí mật đối với phát minh này, cho phép nó được thương mại hóa. Trên cơ sở phát minh này, năm 1985, công ty Qualcomm của Mỹ đã nghiên cứu thành công hệ thống thông tin CDMA. Thế mà bà mẹ đã sinh ra nó từ trong trứng nước là Aiđi Llama suýt nữa bị người ta lãng quên.

Mãi đến năm 1997, khi các hệ thống 3G lấy CDMA làm cơ sở đã đi vào đời sống của nhiều người trên thế giới, giới khoa học mới nhớ đến người mẹ của "Kỹ thuật mở rộng tần số“ lúc này đã 83 tuổi. Hiệp hội các vấn đề điện tử mũi nhọn của Mỹ đã trao tặng danh hiệu cho bà. Đáng tiếc, lúc đó, thời hiệu của bằng sáng chế của Aiđi đã hết hiệu lực, vì vậy cả đời bà chưa hề được hưởng lợi gì từ phát minh quan trọng của mình. Ngày nay, phát minh này của Aiđi Llama đang được sử dụng rộng rãi trong hệ thống định vị vệ tinh GPS, mật mã dùng trong quân sự, trao đổi giữa máy bay đang bay và mặt đất, WiFi, v.v..

Aiđi Llama không những là ngôi sao màn bạc tuyệt mỹ mà còn là nhà phát minh lớn. Tuy vậy, cuộc đời bà vẫn không có hạnh phúc. Sau 6 lần kết hôn, về già bà đã sống một cuộc sống cô độc và bất hạnh. Bà đã mắc chứng bệnh "thích ăn trộm". Có thể, sắc đẹp, trí tuệ vẫn không làm cho bà có cảm giác mình đang tồn tại, vì vậy bà chỉ còn cách dùng "trộm cắp" để chứng minh với mọi người sự tồn tại của mình.

Ngày 19/1/2000, Aiđi Llama qua đời ở nhà riêng tại bang Floridda, Mỹ, hưởng thọ 86 tuổi. Khi bà từ trần Hiệp hội Thông tin thế giới đã dành những đánh giá rất cao cho bà, gọi bà là "nhân vật cống hiến to lớn cho nhân loại“. Ba năm sau, công ty Boeing tổ chức một loạt các hoạt động tuyên truyền để tưởng nhớ đến nhà nữ phát minh này, nhưng tuyệt đối không đề cập gì đến các hoạt động của ngôi sao màn bạc nổi tiếng một thời. Năm 2005, các nước nói tiếng Đức tổ chức ngày hội những nhà phát minh lần thứ nhất để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 93 của Aiđi Llama.

(Trung Ngôn sưu tầm và biên dịch) (Theo: www.cnii.com.cn)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Aidi Llama - Nhà nữ phát minh ICT đẹp nhất trong lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO