Airbus: Việt Nam có tiềm năng lớn về công nghệ hàng không vũ trụ

Anh Minh| 07/12/2022 20:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngoài các sản phẩm máy bay, Airbus rất quan tâm đến công nghệ vũ trụ hàng không của Việt Nam. Công ty đang hợp tác chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để xác định các giải pháp liên quan đến vệ tinh VNREDSat-2 và chương trình chuyển giao công nghệ.

Chiều 7/12/2022, trao đổi với các phóng viên trước thềm Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 diễn ra trong tuần này, lãnh đạo của Airbus nhấn mạnh Việt Nam là thị trường trọng điểm của Airbus, nơi hãng đã phát triển để được lựa chọn là nhà cung cấp các sản phẩm máy bay thương mại, quốc phòng, trực thăng và hàng không vũ trụ.

Trong tương lai, Airbus nhận thấy nhu cầu về máy bay trực thăng quân sự của Việt Nam sẽ hướng đến sự hiện đại hóa và đổi mới đội bay để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, thực thi pháp luật, an ninh hàng hải và dịch vụ công, trong khi phân khúc thăm dò và khai thác dầu khí sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu cho dòng trực thăng dân dụng.

Airbus cũng nhận thấy nhu cầu hiện đại hóa đội tàu bay vận tải quân sự cũ ngày càng tăng trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tại đây, công ty có điều kiện phù hợp để cung cấp giải pháp hỗn hợp tối ưu cho hoạt động vận tải/tuần tra hàng hải với dòng trực thăng C295,  nhằm đáp ứng các yêu cầu chiến lược và chiến thuật.

Liên quan đến những nỗ lực phát triển bền vững và số hóa ngành hàng không, bà Hoàng Tri Mai, Tổng Giám đốc Airbus tại Việt Nam, cho biết Airbus đã có các hoạt động hợp tác với Tập đoàn FPT, triển khai các giải pháp công nghệ cũng như thúc đẩy tiến trình số hóa trong ngành công nghiệp hàng không.

Ông Fabrice Rochereau, Tổng giám đốc kinh doanh và tiếp thị phụ trách mảng máy bay trực thăng của Airbus, cho biết Airbus không chỉ sản xuất máy bay đơn thuần mà hiện nay công ty đã ứng dụng nhiều công nghệ, tích hợp các hệ thống công nghệ cảm biến cũng như trang thiết bị hiện đại trên máy bay, mang lại hiệu suất hoạt động tốt hơn, tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường.

Ngoài các sản phẩm máy bay, Airbus cũng nhấn mạnh sự thành công của tập đoàn trong việc hỗ trợ các nỗ lực phát triển ngành hàng không vũ trụ của Việt Nam. Vệ tinh VNREDSat-1, vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam, đã được Airbus phát triển, sản xuất và phóng lên quỹ đạo vào năm 2013, đánh dấu việc Việt Nam bắt đầu chủ động tham gia khám phá vũ trụ. Hiện nay, vệ tinh này vẫn đang hoạt động tốt mặc dù đã vượt quá thời gian hoạt động dự kiến. 

Dựa trên thành công của VNREDSat-1, hiện tại Airbus đang hợp tác chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để xác định giải pháp cho vệ tinh VNREDSat-2, trong đó bao gồm chương trình chuyển giao công nghệ. Vệ tinh VNREDSat-2 sẽ cung cấp cho Việt Nam những hình ảnh có độ phân giải cao để bảo vệ chủ quyền và phục vụ các mục đích phát triển kinh tế, xã hội cũng như bảo vệ môi trường và giám sát thiên tai.

Ông Johan Pelissier, Tổng Giám đốc phụ trách mảng Quốc phòng và Không gian vũ trụ của Airbus tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết đối với vệ tinh VNREDSat-2, Airbus đã hợp tác chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để xác định các giải pháp cho hệ thống quan sát trái đất, bao gồm cả chương trình chuyển giao công nghệ. Airbus nhận thấy tiềm năng phát triển to lớn của ngành hàng không vũ trụ Việt Nam và tập đoàn sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác để hỗ trợ đất nước xây dựng và phát triển ngành hàng không vũ trụ.

Airbus nhận thấy tiềm năng tăng trưởng trong các hoạt động về quân sự và hàng không vũ trụ tại Việt Nam, đồng thời tái khẳng định cam kết về sự hiện diện của tập đoàn tại đây. “Việt Nam là đối tác quan trọng của Airbus, là đối tác có chung tầm nhìn trong việc phát triển nền công nghiệp hàng không trong tương lai. Chúng tôi quyết tâm tăng cường sự hợp tác tại đây để có thể hỗ trợ ngành công nghiệp hàng không Việt Nam ngày càng lớn mạnh”, Tổng Giám đốc Airbus tại Việt Nam cho biết./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Airbus: Việt Nam có tiềm năng lớn về công nghệ hàng không vũ trụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO