Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công
Năm 2019, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Chỉ số PAPI) tỉnh An Giang đạt 44,37 điểm, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 4 bậc so năm 2018), vẫn nằm trong nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình cao.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả Chỉ số quản trị và hành chính công tỉnh An Giang năm 2020.
Theo đó, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp như: Tăng cường sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở vào đời sống chính trị, xã hội thông qua tuyên truyền ý nghĩa, nội dung Chỉ số PAPI, Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn đến với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; Kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, thực hiện đúng quy định, đúng đối tượng xét chọn hộ nghèo; công khai minh bạch các báo cáo thu chi ngân sách cấp xã; thông tin về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch đầu tư của các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở khu dân cư…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân nhất là đối với cán bộ, công chức cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tập trung giải quyết nhanh và có hiệu quả những vướng mắc, khiếu nại, tố cáo của người dân, tổ chức.
Cùng với đó là tăng cường phát huy dân chủ trong nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, dân vận chính quyền, tạo điều kiện cho nhân dân góp ý xây dựng với chính quyền địa phương và tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh An Giang. (Ảnh: tthanhchinhcong.angiang.gov.vn)
Ngoài ra, Kế hoạch nêu rõ cần nâng cao cung ứng dịch vụ công trong dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân, nhất là dịch vụ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; thực hiện đổi mới chính sách BHYT; đổi mới cơ chế, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; tạo điều kiện để tất cả hộ gia đình ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đều có điện lưới và nước sạch để sinh hoạt; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp giao thông nông thôn…
Đặc biệt, Kế hoạch cũng yêu cầu chú trọng nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương trong công tác cải cách TTHC; hạn chế tình trạng giải quyết TTHC trễ hạn do lỗi từ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị. Nâng cao việc ứng dụng CNTT trong xử lý công việc, công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ được giao nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để đạt được mục tiêu chung là xây dựng nền hành chính trong sạch, minh bạch, thông suốt, chuyên nghiệp và hiện đại; Phấn đấu Chỉ số PAPI năm 2020 tỉnh An Giang thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất của cả nước.
Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2020
Ngày 03/4, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 243/QĐ-BNV về Kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2020, với mục tiêu chung là nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đối với người dân, tổ chức. Qua đó, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo yêu cầu của CCHC và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời, nâng cao kết quả khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh An Giang năm 2020, Sở Nội vụ tỉnh đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, cơ quan ngành dọc cấp tỉnh, cấp huyện và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức và các bộ phận chuyên môn đảm bảo thực hiện đúng quy định giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện lưu thông tin cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (người đại điện tổ chức/doanh nghiệp) có giao dịch, thực hiện TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, địa phương đầy đủ. Khuyến khích lưu trữ điện tử hoặc phần mềm để dễ dàng trong việc rà soát, thống kê, tra cứu hồ sơ và cung cấp thông tin. Việc lưu thông tin cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện TTHC phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và không gián đoạn.
Thông qua kết quả đo lường, tỉnh An Giang sẽ nắm bắt được nhu cầu, mong muốn chính đáng của người dân, tổ chức. Từ đó sẽ nghiên cứu, đưa ra biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, cải thiện chất lượng phục vụ, đẩy mạnh công tác CCHC, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức khi thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa các cấp.