Đại dịch COVID và việc sử dụng công nghệ trên thế giới
Năm 2020 đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức sử dụng công nghệ vào đời sống dưới tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID, cho đến nay những tác động này vẫn còn kéo dài và được nhận định sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế cũng như xã hội. Trước tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, việc duy trì thói quen làm việc, họp trực tuyến (online), học trực tuyến, giao dịch trực tuyến đã trở thành thói quen làm việc của các cơ quan, trường học và nhiều người dân.
Trong học tập, làm việc cũng như vui chơi, công nghệ phát triển đã cung cấp giải pháp hữu hiệu, mang lại nhiều cơ hội cho trẻ em và thanh thiếu niên trong việc giao tiếp, học hỏi các kỹ năng mới, sáng tạo và đóng góp cho một xã hội tốt đẹp hơn. Tuy nhiên bên cạnh đó, công nghệ cũng có thể mang lại những rủi ro mới cho trẻ em. Trẻ có thể tiếp xúc với nhiều nguy cơ rủi ro trên mạng về quyền riêng tư, nội dung bất hợp pháp, quấy rối, bắt nạt trên mạng, lạm dụng dữ liệu cá nhân hoặc bị dụ dỗ cho mục đích tình dục và thậm chí là lạm dụng tình dục trẻ em.
Trẻ em cần được hướng dẫn để tiếp cận một cách toàn diện để đối phó với tất cả các nguy cơ đe dọa và tác hại tiềm ẩn có thể gặp phải khi học về kỹ năng số. Do vậy, cần thiết phải xây dựng và phát triển một hệ sinh thái số an toàn lành mạnh, bền vững cho trẻ em và tất cả mọi người là trách nhiệm không chỉ riêng của Đảng, Chính phủ mà đó còn là nhiệm vụ của cộng động, mỗi người dân, doanh nghiệp công nghệ đều phải đóng góp với mục tiêu hoàn thiện môi trường số an toàn, lành mạnh.
Hướng tới phát triển hệ sinh thái số an toàn, lành mạnh, các cơ quan chính phủ, bộ, ban, ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên và các bên liên quan đều phải đảm bảo rằng trẻ em và thanh thiếu niên có thể phát huy hết tiềm năng của mình - trên môi trường trực tuyến nói chung và cả ngoài đời thực nói riêng. Cho đến thời điểm này, tất cả mọi người đều không thể phủ nhận được ảnh hưởng và tác động của công nghệ lên mọi khía cạnh của cuộc sống một cách gián tiếp hoặc trực tiếp.
Cho dù không tồn tại một định nghĩa chung về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tuy nhiên việc xây dựng và tiếp cận một cách toàn diện với mục tiêu phát triển không gian kỹ thuật số an toàn, phù hợp với lứa tuổi, sẽ cần phải tập trung vào các vấn đề sau:
- Tiếp cận, hỗ trợ và giải quyết các vấn đề khi đối mặt với mối đe dọa trên môi trường mạng;
- Triển khai giải pháp phòng chống các rủi ro trên môi trường mạng;
- Đảm bảo cân bằng giữa việc bảo vệ và tạo cơ hội cho trẻ em trở thành công dân kỹ thuật số;
- Đề cao quyền và trách nhiệm của cả trẻ em và cộng đồng, xã hội.
Trước tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, cùng với tính chất kết nối không biên giới của Internet, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần phải thực hiện quyết liệt, thích ứng và hiệu quả để mang lại kết quả thực tế.
Hiện nay, mỗi quốc gia đều có các hướng dẫn cung cấp thông tin chi tiết về những rủi ro hàng ngày với trẻ em và thanh thiếu niên khi tham gia trực tuyến. Các nội dung hướng dẫn cơ bản gồm có: hành vi có hại và bất hợp pháp, quấy rối, bắt nạt trên mạng; lạm dụng dữ liệu cá nhân hoặc dụ dỗ trẻ cho mục đích tình dục, lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em. Những thách thức này sẽ khác nhau căn cứ theo tốc độ phát triển công nghệ và ở mỗi khu vực, quốc gia; theo văn hóa và sự nhận thức của người dân. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng những khó khăn này sẽ được giải quyết tốt nhất dựa trên cách phối hợp giữa các quốc gia với nhau giống như một cộng đồng toàn cầu.
Gia tăng rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng trong đại dịch COVID
Đại dịch COVID-19 toàn cầu và các biện pháp hạn chế, triển khai giãn cách xã hội đã tác động lớn tới tình hình thế giới nói chung. Điều kiện thực tế từ việc triển khai hoạt động giãn cách trong thời gian COVID đã làm trầm trọng các nguyên nhân vốn đã hiện diện của các hoạt động bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, tạo cơ hội mới cho những kẻ lạm dụng để thực hiện hành vi tội phạm. Số ca xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng đã tăng một cách đáng kể trong thời gian qua.
Công ty chuyên về an ninh mạng Web-IQ đã công bố, từ tháng 2 năm 2020 đến cuối tháng 3 năm 2020, số bài đăng trên các diễn đàn lạm dụng tình dục trẻ em có liên kết đến các hình ảnh và video có thể tải xuống được lưu trữ trên mạng clearnet đã tăng hơn 200%.(1)
Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột (NCMEC) đã ghi nhận mức tăng 106% trong các báo cáo nghi ngờ bóc lột tình dục trẻ em - tăng từ 983.734 báo cáo xâm hại vào tháng 3 năm 2019 lên 2.027.520 báo cáo trong cùng tháng năm 2020.(2)
Số lượng báo cáo xâm hại tại các đường dây nóng và cổng thông tin đang gia tăng đáng kể. Ví dụ, ECPAT Thụy Điển đã có báo cáo về dấu hiệu sự gia tăng các báo cáo về lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến tới một số đường dây nóng của họ. INHOPE đã tuyên bố rằng các báo cáo về hoạt động bóc lột tình dục trẻ em tới các đường dây nóng tăng trung bình 30% trên toàn cầu; Tổ chức từ thiện Barnardos của Anh đã cho rằng các trẻ em 12-13 tuổi bị ép buộc thực hiện các hành vi trẻ không mong muốn trên môi trường mạng có xu hướng gia tăng(3).
Theo số liệu báo cáo của Pornhub, các tài khoản đăng ký xem nội dung khiêu dâm người lớn đã gia tăng theo cấp số nhân, điều này được Tổ chức Marie Collins (MCF) nhấn lên sự quan ngại rằng các tài liệu xâm hại tình dục trẻ em (CSAM) cũng sẽ tăng theo cấp số nhân trong thời gian giãn cách.
Việc ở nhà quá lâu, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài cũng làm tăng mức độ tổn thương cảm xúc đối với cả người lớn và trẻ em. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng việc trẻ em trở thành nạn nhân dễ bị xâm hại, lôi kéo, dụ dỗ trên môi trường mạng.
Nghiên cứu từ Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Hành vi đối xử tàn tệ với Trẻ em (NSPCC) đã chỉ ra rằng những kẻ lạm dụng trẻ em sẽ thường nhắm mục tiêu vào những trẻ em có biểu hiện dễ bị tổn thương trên mạng. Vào cuối tháng 3 năm 2020, dịch vụ tư vấn Childline của NSPCC đã cung cấp hơn 900 ca tư vấn cho trẻ em lo lắng về COVID-19 và, theo số liệu gần đây do Ủy viên trẻ em của Anh công bố, 88% trẻ em được phỏng vấn vào tháng 3 cho biết trẻ cảm thấy cực kỳ căng thẳng trong giai đoạn này.
Hơn nữa, một cuộc khảo sát gần đây của Young Minds cho thấy 83% trẻ em có tiền sử về sức khỏe tâm thần cảm thấy đại dịch đã làm cho sức khỏe tâm thần của các em càng tồi tệ hơn nhiều hơn. UNICEF cũng đã có báo cáo chỉ ra rằng ngày càng có nhiều trẻ em lo lắng về việc bị cách ly khỏi gia đình, bạn bè; lo lắng mắc bệnh hoặc thậm chí lo lắng bị tử vong do vi rút. Cùng với đó, Ủy viên An toàn điện tử Úc đã nhận thấy sự gia tăng đáng kể về các chỉ số căng thẳng, lo lắng và tự làm hại bản thân trong các khiếu nại về bắt nạt trên mạng trẻ em.
Do đó, rất có thể số lượng trẻ em dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc được dụ dỗ trên mạng sẽ ngày càng tăng. Mặc dù không liên kết chặt chẽ hiện tượng này với tình trạng dễ bị tổn thương về tinh thần, nhưng Europol cũng lưu ý rằng một số lượng lớn trẻ em có thể có xu hướng tự quay các video clip khỏa thân, khêu gợi (tài liệu CSAM) để trao đổi với bạn bè của chính mình hoặc dùng cho các mục đích khác nhau tùy theo mong muốn của các em. Tại Philipines, đã có trường hợp mẹ tự quay lại các hình ảnh khỏa thân của con để bán lấy tiền trang trải các khoản chi phí sinh hoạt của gia đình do bị mất thu nhập vì ở nhà do đại dịch COVID.
Trẻ em học tập trong thời kỳ COVID
Kể từ khi trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam được ghi nhận vào ngày 23 tháng 1 năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã đẩy nhanh nỗ lực kiểm soát sự lây lan của vi-rút và điều trị cho những người bị nhiễm. Để ứng phó với đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Kể từ đầu đại dịch, khi chưa có vắc-xin phòng ngừa COVID-19, Chính phủ đã dựa vào các biện pháp can thiệp không dùng thuốc và chú trọng đến biện pháp giãn cách xã hội. Các biện pháp can thiệp không dùng thuốc bao gồm đóng cửa trường học và các cơ sở dịch vụ không thiết yếu, cũng như việc phong tỏa, cách ly và hạn chế đi lại.
Đến nay, tiến độ tiêm chủng ở các địa phương rất quyết liệt, hiệu quả, 62/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ người dân trong độ tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine đạt từ 50% trở lên, trong đó có 54 địa phương đạt tỷ lệ tiêm chúng 70% trở lên. Tuy nhiên phương án cho toàn bộ trẻ em đến trường thì vẫn trong giai đoạn được xem xét và cân nhắc một cách cẩn trọng. Việc cẩn trọng này là cần thiết vì hiện nay chưa có đủ dữ liệu để triển khai tiêm COVID cho trẻ dưới 12 tuổi, vì vậy nguy cơ trẻ chưa được tiêm đến trường sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm COVID (4).
Việc triển khai học tập trực tuyến do đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến chất lượng học tập của học sinh. Mặc dù nhiều học sinh đã khá thích ứng với việc học qua truyền hình, Internet tuy nhiên hình thức trực tuyến chủ yếu phù hợp với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi. Đối với học sinh cấp tiểu học (nhất là lớp 1) và học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hình thức học trực tuyến còn gặp nhiều thách thức, khó triển khai hoặc triển khai không hiệu quả.
Việc học từ xa, thường dựa vào các nền tảng trực tuyến, có xu hướng đi kèm với khả năng làm trẻ em tiếp xúc với những nội dung không phù hợp, làm tăng nguy cơ trẻ bị xâm hại và bóc lột trên môi trường mạng. Thanh thiếu niên, đặc biệt là các em gái, có thể là mục tiêu của xâm hại và bắt nạt trực tuyến. Thậm chí đã có một cuộc thi sắc đẹp dành cho các bé gái 12-15 tuổi, và yêu cầu các em gửi bốn bức ảnh khỏa thân để tham gia.
Đối với trẻ em có nguy cơ bị bắt nạt trên môi trường mạng, các cha mẹ tham gia vào nghiên cứu cho biết đã cố gắng bảo vệ con cái khỏi những tiếp xúc không cần thiết trên môi trường mạng thông qua các biện pháp kiểm soát do mình thiết lập trên các trình duyệt, cài đặt quyền riêng tư nghiêm ngặt trên các ứng dụng và các trò chơi trực tuyến. Các quy tắc cho trẻ khi sử dụng các thiết bị số được đưa ra để giữ an toàn các thông tin cá nhân.
Chưa có con số thống kê cụ thể về tình hình chung tại Việt Nam trong 2 năm gần đây, nhưng con số báo cáo về các hình ảnh xâm hại tình dục trẻ em trên thế giới tăng vọt trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, theo khảo sát của NCMEC đối với 242 quốc gia qua CyberTipline (trang tiếp nhận các thông báo các vấn đề liên quan về bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến dưới mọi hình thức), năm 2019, Việt Nam có 379.554 thông báo về xâm hại tình dục trẻ em, xếp thứ 12 trong 242 quốc gia, Indonesia là quốc gia ghi nhận con số thông báo xâm hại lên đến 840.221 (xếp thứ 4).
Các con số trên nói lên những nguy cơ rủi ro cho trẻ em khi tham gia vào các hoạt động trên môi trường mạng, đặc biệt khi việc giãn cách được triển khai làm gia tăng thời gian trẻ em truy cập mạng và giao lưu với những người bạn trên mạng, tiềm ẩn những kẻ tội phạm đang rình rập xâm hại trẻ.
Bộ Thông tin và Truyền thông quyết tâm vào cuộc
Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam vẫn đang rất phức tạp, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) với trách nhiệm của mình đã quyết tâm vào cuộc để bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng. Nhiều biện pháp quan trọng nhằm giảm thiểu các nguy cơ về xâm hại trẻ em trên môi trường mạng đã được Bộ TT&TT triển khai. 8 biện pháp chính đã và đang được Bộ triển khai như sau:
Một là, nghiên cứu xây dựng và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”. Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đúng ngày Quốc tế thiếu nhi năm 2021 (Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021). Trong đó giao Bộ TT&TT là đơn vị chủ trì triển khai Chương trình.
Hai là, thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Mạng lưới được thành lập với sự tham gia của 24 đơn vị gồm có đại diện của Bộ TT&TT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các Hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước chuyên về lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Mạng lưới là tổ chức phối hợp liên ngành nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ.
Ba là, tăng cường công tác thực thi pháp luật, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt, đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok... kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ thông tin vi phạm. Bộ TT&TT đã có văn bản gửi cho các doanh nghiệp cung cấp nền tảng yêu cầu tăng cường giám sát, kiểm tra với những video có nội dung không phù hợp (như trường hợp kênh Thơ Nguyễn, Timmy TV…).
Bốn là, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có các giải pháp khuyến cáo, hướng dẫn các thuê bao về cách thức quản lý truy cập thông tin trên mạng đối với trẻ em và thực hiện nghiêm việc ngăn chặn các nội dung thông tin trên mạng không phù hợp với trẻ em theo quy định của pháp luật.
Năm là, khuyến khích các công ty công nghệ sản xuất các phần mềm, chương trình giúp gia đình quản lý và bảo vệ trẻ em sử dụng máy tính, tránh truy cập các trang thông tin điện tử độc hại; thiết lập trang thông tin điện tử dành cho trẻ em; triển khai hệ thống kỹ thuật tiếp nhận cảnh báo, tố cáo các nội dung không phù hợp, có hại cho trẻ em.
Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; phối hợp với Bộ Công an để điều tra xác định hành vi, nhân thân vi phạm và chuyển hồ sơ đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm đến mức phải xử lý hình sự.
Bảy là, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên không gian mạng với mục đích xây dựng chuẩn mực ngôn ngữ, hình ảnh, ứng xử cho người sử dụng Internet nhằm bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ tiềm ẩn trên không gian mạng. Nâng cao nhận thức của xã hội về các rủi ro mà trẻ em phải đối mặt khi hoạt động trên không gian mạng.
Tám là, xây dựng Bộ Cẩm nang số các kiến thức cơ bản mà trẻ em và phụ huynh cần biết để có thể tương tác sáng tạo lành mạnh trên môi trường mạng. Bộ Cẩm nang được xây dựng để thuận tiện cho trẻ em và phụ huynh tìm kiếm cách thức phương pháp làm việc với các công dân số trẻ, và được chia theo độ tuổi phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ và được cập nhật hàng năm để người dùng có thể được giải thích những thắc mắc với những vấn đề rủi ro mà trẻ gặp phải trên môi trường mạng.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động về Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhằm hướng tới một mục tiêu xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, tạo điều kiện cho trẻ em trở thành các công dân số, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực có thể sảy ra đối với các em./.
Tài liệu tham khảo:
1. IJM, Online sexual exploitation of Children in the Philipines, 2020
2. ITU, Guideline for policy makers on Child Online Protection 2020, 6/2020
3. ITU, Guidelines for parents and educatiors on Child Online Protection 2020, 2020
4. ITU, Guidelines for policy-makers on Child Online Protection, 2020
5. WeProtect, Global Threat Assessment 2021, 2021
6. WeProtect, Impact of Covid-19 on online Child sexual exploitation 2020, 5/2020
7. UNICEF, Báo cáo tác động Covid-19, 2020
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2021)