Áp dụng kiến thức bản địa vào ứng phó biến đổi khí hậu ở Sóc Trăng

Thanh Hà| 16/12/2021 09:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Những tác động của biến đổi khí hậu đã trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân.

Bên cạnh những cơ sở khoa học, các chuyên gia đã và đang nghiên cứu, kết hợp với những kiến thức bản địa của người dân với khoa học kỹ thuật để tìm ra được giải pháp ứng phó.

Áp dụng kiến thức bản địa vào ứng phó biến đổi khí hậu ở Sóc Trăng - Ảnh 1.

Hậu quả của biến đổi khí hậu không chỉ làm thiệt hại về tài sản mà còn tác động xấu đến môi trường sản xuất.

Trong những năm gần đây, hậu quả của việc biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến đời sống của người dân, trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động sâu sắc. Gần đây nhất là trong năm 2020, ước tính thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra cho nông dân trên địa bàn toàn tỉnh lên đến hơn 640 tỉ đồng, nhiều diện tích rau màu, lúa, tôm bị thiệt hại. Hậu quả của biến đổi khí hậu không chỉ làm thiệt hại về tài sản mà còn tác động xấu đến môi trường sản xuất, làm cho nông dân tốn thêm chi phí đầu tư, gia cố bờ bao, xử lý các hóa chất nhằm cải tạo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nếu nước biển dâng lên 30cm, tỉnh Sóc Trăng sẽ bị ngập 6.000 ha đất, chiếm 1,8% diện tích đất tự nhiên của tỉnh; Đến năm 2100, diện tích bị ngập gần 150.000ha, chiếm 45% diện tích, ảnh hưởng đến cuộc sống của 35% số dân trong tỉnh. Hiện nay, có nhiều nghiên cứu đưa ra các giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, như: Bố trí lại lịch thời vụ, chọn giống chống chịu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Tuy nhiên, việc thích ứng với biến đổi khí hậu phải gắn với phát triển bền vững và không tác động đến tự nhiên.

Tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, cây hẹ được xem là loại rau màu giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Do thích nghi tốt vùng đất giồng cát tại xã Đại Tâm, nên hẹ có thời gian thu hoạch lâu, thậm chí có thể lên đến 4 - 5 năm và cho bông nhiều. Sau khi thu hoạch bông và lá, cây hẹ tự phục hồi và phát triển với "cấp số nhân". Cũng từ cây hẹ có thể giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập tốt hơn so với cây lúa và một số cây hoa màu khác. Thường sau hơn 3 tháng trồng, nông dân thu hoạch thân, lá lần đầu khoảng từ 500 - 600kg/1.000m2.

Tuy nhiên gần đây, tình trạng xâm nhập mặn là một trở ngại lớn đối với nông dân trồng hẹ. Trò chuyện với chúng tôi, cô Tư Ên, nhà nông trồng hẹ ở xã Đại Tâm cho biết: Trước kia nông dân trồng hẹ thu hoạch thân, lá hẹ quanh năm, nhưng từ khi có nước mặn thường xuyên xâm nhập, nắng hạn kéo dài, nông dân thu hoạch đến cuối tháng 3 là phải đậy rơm lại bỏ, không thu hoạch tiếp được do thiếu nước tưới. Diện tích trồng hẹ cũng dần thu hẹp lại, dẫn đến thu nhập của nông dân giảm so với trước". Cũng theo cô Ên, tình trạng khô hạn sớm và sương muối hay xuất hiện nhiều cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc trồng hẹ vì sương muối gây bệnh nhiều trên lá, gây chết cây hẹ trong những năm gần đây, những cơn mưa trái mùa làm thối lá hẹ, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con.

Trước thực trạng biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn làm cho việc trồng cây hẹ nói riêng và các loại cây trồng khác nói chung đã gặp khó khăn, đòi hỏi cần có sự quan tâm của các ngành chức năng, các tổ chức, nhà nghiên cứu khoa học nhằm trang bị phương pháp kỹ thuật, kiến thức về canh tác tại địa phương, hướng đến ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện tập quán canh tác.

Áp dụng kiến thức bản địa vào ứng phó biến đổi khí hậu ở Sóc Trăng - Ảnh 2.

Cây hẹ có thể giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập tốt hơn so với cây lúa và một số cây hoa màu khác.

Theo ông Ngô Thanh Liêm, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Mỹ Xuyên, trước đây, trong sản xuất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công tác dự tính, dự báo còn hạn chế, do đó trong thực tiễn sản xuất, cha ông ta đã đúc kết nhiều kinh nghiệm về nhận định thời tiết, bố trí mùa vụ, chọn cây con cho phù hợp. Theo kinh nghiệm của nhiều nhà nông, khi thấy nước trên sông có màu hơi đục là nước ngọt, nước trong xanh là nước mặn nên mỗi xóm thường có ao nhỏ để chứa nước sử dụng cho mùa khô, một số gia đình xây dựng bể xi măng, lu, kiệu dự trữ nước mưa cho sinh hoạt quanh năm.

Hiện nay, thời tiết diễn biến bất thường, không theo quy luật làm cho việc dự đoán bằng kinh nghiệm gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, người dân cũng kết hợp những kiến thức vốn có với những thông tin khoa học - kỹ thuật được dự báo. Những kinh nghiệm dự báo thời tiết của người dân như: Cầu vồng trên cao thì có gió táp, cầu vồng gần dưới mặt đất thì có mưa rào; Nước mặn xâm nhập vào thường là thời điểm có gió chướng thổi về… được xem là những kiến thức bản địa trong việc dự báo biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn của nhiều người trong thời gian qua.

Sóc Trăng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc nghiên cứu các biện pháp ứng phó của người dân trong khu vực là điều cần thiết. Hy vọng, việc vận dụng các kiến thức bản địa vào hệ thống dịch vụ và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân sẽ góp phần đem lại những hiệu quả thiết thực trong công tác ứng phó với tình hình thời tiết diễn biến cực đoan.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Áp dụng kiến thức bản địa vào ứng phó biến đổi khí hậu ở Sóc Trăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO