App Covid: Sao không tận dụng kho dữ liệu có sẵn?

Song Nghi| 18/09/2021 11:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Quản lý phòng chống Covid-19 bằng nền tảng công nghệ thông qua các ứng dụng (app) là điều tất yếu phải làm. Yếu tố cốt lõi nhất của loại app

Quản lý phòng chống Covid-19 bằng nền tảng công nghệ thông qua các ứng dụng (app) là điều tất yếu phải làm. Yếu tố cốt lõi nhất của loại app Covid này là vấn đề đầu vào của dữ liệu phải bảo đảm chính xác và đồng nhất. Điều này đã bị xem nhẹ khi thiết kế dẫn đến tình trạng phải nhập liệu những thông tin vốn đã có sẵn vừa phiền phức, vừa dễ bị sai sót.

Trong khi đó, các kho dữ liệu có sẵn và chính xác như thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) thì lại bị bỏ qua không được dùng đến hết sức lãng phí.

App Covid: Sao không tận dụng kho dữ liệu có sẵn? - Ảnh 1.

Điển hình nhất của việc nhập thông tin thủ công là Cổng thông tin quản lý tiêm chủng Covid-19. Theo quy trình hiện tại, người dân đi tiêm ngừa Covid-19 phải điền thông tin viết tay vào phiếu khám sàng lọc. Sau khi tiêm xong, nhân viên đội tiêm chủng phải nhập liệu từ phiếu vào hệ thống vừa mất thời gian, vừa dễ sai sót trong quá trình nhập liệu.

Không lâu nữa, thông tin về việc tiêm vaccine và dữ liệu của người bị nhiễm Covid và đã khỏi sẽ được xem là “thông hành vaccine” cho phép người dân ít bị hạn chế hơn trong bối cảnh mở cửa kinh tế trở lại. Thế nhưng, cho đến thời điểm giữa tháng 9 này vẫn chưa có một hệ thống dữ liệu chính xác cho hai mục thông tin nói trên.

Trong khi app “Sổ sức khỏe điện tử” tích hợp với Cổng thông tin quản lý tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế vẫn còn phải sửa chữa liên tục thì mới đây lại thêm một app khác là VNEID tích hợp với hệ thống Khai báo di chuyển nội địa của Bộ Công an được công bố với những tính năng tương tự nhưng lại chưa có dữ liệu.

App phục vụ cho người dân hay cơ quan quản lý?

Với bất cứ một hệ thống công nghệ nào, trước khi bắt tay vào làm đội thiết kế phải xác định chính xác mục đích của hệ thống là gì, phục vụ cho nhu cầu gì và nguồn dữ liệu lấy từ đâu.

Với ba câu hỏi này, khi áp vào thông tin giới thiệu khi ra mắt app VNEID thì có thể thấy phần giải đáp không được khớp và có lẽ là app này để phục vụ mong muốn của cơ quan quản lý là chính.

Mục tiêu của VNEID được nêu ra là để quản lý việc đi lại của dân cư thông qua khai báo di chuyển nội địa, phục vụ công tác truy vết F0, F1, F2, tiêm vaccine, xét nghiệm…

Với mục tiêu truy vết thì tại rất nhiều nước trên thế giới, các ứng app truy vết tiếp xúc (contact tracing) hầu như không còn được dùng đến vì không có tác dụng. Trên thực tế ở Việt Nam, app truy vết điển hình là Bluezone thì tính năng truy vết không còn tác dụng vì thiếu dữ liệu đầu vào.

Chưa kể việc quản lý đi lại giữa vùng xanh/vùng đỏ cũng không đơn giản vì thông tin trên app VNEID dựa theo địa chỉ trên căn cước công dân/chứng minh nhân dân (CCCD/CMND), trong khi người dân có thể sinh sống ở nơi khác. Như vậy, một người có địa chỉ ở “vùng xanh” nhưng thực tế lại đang sống trong “vùng đỏ” sẽ vẫn thoải mái đi lại do hệ thống vẫn xem người này “đang an toàn” vì app không thể có được thông tin cư trú thực tế của người dân.

Hiệu quả của việc truy vết của VNEID cũng cần xem lại vì cách nhập liệu vẫn thủ công, số ghi nhận được không đáng kể và không có tác dụng vì ngành y tế hiện nay chỉ tập trung quản lý F0. Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an địa phương đã thực hiện cập nhật thông tin F0, F1, F2, F3 lên hệ thống, trong đó có 6.355 trường hợp F0; 5.063 trường hợp F1; 6.954 trường hợp F2; 1.114 trường hợp F3 lên hệ thống (*).

Cuối cùng là vấn đề nguồn dữ liệu đầu vào cũng không ổn. Dù được giới thiệu “VNEID kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư – tức thông tin về CCCD/CMND – để bảo đảm tính chính xác của thông tin công dân” nhưng kết quả thực tế khi cài đặt cho thấy không phải như vậy.

Hôm 11-9, khi người viết bài này khi tạo tài khoản trên VNEID thì dù đã khai báo số CCCD/CMND, app vẫn không trả ra kết quả gì liên quan đến số CCCD/CMND như họ tên, ngày tháng năm sinh… là những trường (field) dữ liệu tối thiểu không thể thay đổi và gắn liền với số CCCD/CMND. Tất cả thông tin cá nhân vẫn phải nhập lại và không thấy cơ chế kiểm soát đối chiếu nào từ app xuống hệ thống xem dữ liệu nhập vào có chính xác hay không.

App VNEID còn hạn chế là không thể khai báo trong mục “khai hộ” cho trẻ em dưới 14 tuổi vì bắt buộc phải điền số CCCD/CMND vì đây là một trường dữ liệu bắt buộc. Tuy nhiên, khi người viết bài nhập thông tin trên mục khai hộ và… ghi đại số CCCD/CMND là 12345 cho một người sinh năm 2010 thì hệ thống vẫn chấp nhận. Như vậy, app không phát hiện được dữ liệu nhập vào không đúng quy định, dữ liệu bị sai về mặt logic như số CCCD/CMND chỉ có 5 số (thay vì 9 đến 12 số) hoặc người sinh năm 2010 lại có CCCD/CMND.

Một băn khoăn rất lớn khác là cho tới thời điểm này, khi đã công bố chính thức thì vẫn chưa rõ VNEID sẽ lấy các dữ liệu về chích ngừa, xét nghiệm Covid-19 và người nhiễm Covid-19 đã khỏi ở đâu để đưa vào hệ thống. Một khi chưa có những dữ liệu này, làm sao có thể dùng app này cấp “thẻ xanh, thẻ vàng” như cơ quan quản lý đã nêu ra?

Trong khi tất cả các tính năng mà app VNEID hướng tới mà chưa có thì app “Sổ sức khỏe điện tử” lại có sẵn, dù dữ liệu về tiêm vaccine chưa đầy đủ và chưa có dữ liệu của người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh. App này cũng có đầy đủ tính năng khai báo y tế và tạo QR code cá nhân.

Cần làm gì để sớm có “thông hành vaccine” cho người dân?

Trong tuần qua, chính quyền TPHCM công bố sẽ áp dụng thí điểm “thông hành vaccine” cho người đã chích ngừa Covid-19 một mũi hoặc hai mũi, người đã nhiễm Covid-19 và đã khỏi bệnh. Đây là một quyết định phù hợp với xu thế sống chung với dịch cũng đang được nhiều nước áp dụng gần đây.

Vì vậy, đây là lúc cần dồn sức tập trung nguồn lực để phát triển hoàn thiện một app Covid quốc gia với các tính năng như khai báo y tế – đi lại, chích ngừa, xét nghiệm, quản lý cách ly… để cấp “thông hành vaccine” cho người dân. Ngoài ra, cần rà soát để loại bỏ hết những app hiện tại trùng lắp tính năng hay không còn cần dùng như Bluezone, Ncovi, Covid-19 và một số app địa phương khác…

Để tập trung phát triển một app Covid quốc gia đáp ứng tốt cho nhu cầu của người dân, phải tận dụng nguồn dữ liệu sẵn có đó là số thẻ BHYT. Thay vì phải nhập liệu thủ công, app Covid quốc gia sẽ kết nối – chẳng hạn qua giao diện API (**) – với cơ sở dữ liệu về BHYT. Đây là thông tin đã được kiểm chứng đầy đủ và chính xác, số người có thẻ BHYT rất nhiều vì ngoài những người đang có hợp đồng lao động thì còn có thêm trẻ em từ lớp 1 đến lớp 12, người về hưu và người dân tự mua.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 31-12-2020, toàn quốc có 87,93 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 90,85% dân số tham gia BHYT. Đây là dữ liệu có độ chính xác cao và sẵn có nhưng đã bị bỏ qua không được dùng tới.

Khi hệ thống liên thông được với dữ liệu của thẻ BHYT, người dân khi đi tiêm chủng, xét nghiệm chỉ cần cung cấp số thẻ BHYT là sẽ có đủ thông tin cá nhân như họ tên, số CCCD/CMND, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú… và nhân viên y tế không phải lọ mọ nhập lại vừa mất thời gian, vừa dễ sai sót như hiện nay.

Một khi đã tận dụng được nguồn dữ liệu sẵn có và chính xác của dữ liệu thẻ BHYT, việc cập nhật thông tin chích ngừa sẽ chỉ cần 2-3 cái nhấp chuột và kết quả sẽ có ngay khi người chích đi về thay vì phải chờ đợi vài ngày mới có kết quả hay bị sai thông tin phải liên hệ đính chính một cách vất vả như hiện nay.

(*) https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/su-dung-ung-dung-vneid-de-khai-bao-y-te-va-di-chuyen-noi-dia-truoc-khi-qua-chot-kiem-soat-1491884005

(**) API (Application programming interface): Giao diện lập trình ứng dụng cho phép dữ liệu trao đổi qua lại giữa các hệ thống.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
App Covid: Sao không tận dụng kho dữ liệu có sẵn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO