Apple dịch chuyển sản xuất các sản phẩm chủ lực sang Việt Nam

Hoàng Linh| 20/08/2022 13:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Nikkei Asia, Apple đang đàm phán để lần đầu tiên sản xuất đồng hồ Apple (Apple Watch) và MacBook tại Việt Nam.

Theo phân tích của hãng tin Nhật Bản, việc sản xuất các sản phẩm Apple tại Việt Nam nằm trong kế hoạch của gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa sản xuất.

Các nhà cung cấp của Apple là Luxshare Precision Industry và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở miền Bắc Việt Nam với mục đích lần đầu tiên sản xuất thiết bị này bên ngoài Trung Quốc.

Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc, sản xuất nhiều loại sản phẩm chủ lực cho Apple, bao gồm máy tính bảng iPad và tai nghe AirPods.

Theo các chuyên gia trong ngành, Apple Watch thậm chí còn tinh vi hơn bởi phải ép nhiều linh kiện vào một chiếc đồng hồ nhỏ bé như vậy đòi hỏi kỹ năng công nghệ cao. Sản xuất thiết bị này sẽ là một chiến thắng cho Việt Nam khi quốc gia này nỗ lực nâng cấp hơn nữa lĩnh vực sản xuất công nghệ của mình.

Apple cũng đã tiếp tục chuyển hoạt động sản xuất iPad sang Việt Nam sau khi các đợt giãn cách xã hội liên quan đến COVID ở Thượng Hải gây ra sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng. Nhà cung cấp BYD của Trung Quốc là công ty đầu tiên hỗ trợ sự chuyển dịch này này, trong khi đó các nguồn tin của Nikkei Asia cho hay Foxconn cũng đang giúp sản xuất nhiều iPad hơn ở quốc gia Đông Nam Á này. Apple cũng đang đàm phán với các nhà cung cấp để xây dựng dây chuyền sản xuất thử nghiệm cho loa thông minh HomePod của mình tại Việt Nam.

Các nguồn tin cũng cho biết, ở mặt trận MacBook, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp thiết lập dây chuyền sản xuất thử nghiệm tại Việt Nam. Tuy nhiên, tiến độ chuyển sản xuất hàng loạt sang Việt Nam diễn ra chậm chạp, một phần do sự gián đoạn liên quan đến đại dịch nhưng cũng do việc sản xuất máy tính xách tay liên quan đến một chuỗi cung ứng lớn hơn. Mạng lưới đó hiện tập trung ở Trung Quốc và rất cạnh tranh về chi phí.

Ngoài việc sản xuất iPhone, Apple có những kế hoạch lớn ở Việt Nam như sản xuất AirPods, Apple Watch, HomePod… Trong khi đó, các thành phần của MacBook đã được module hóa nhiều hơn so với trước đây, điều này giúp việc sản xuất máy tính xách tay bên ngoài Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn. Nhưng làm thế nào để nó có tính cạnh tranh về chi phí lại là một thách thức khác.

Sự đa dạng hóa của Apple sang Việt Nam bắt đầu với AirPods, được sản xuất hàng loạt ở đó vào năm 2020. Tai nghe này là một trong những sản phẩm đầu tiên của Apple được chuyển lắp ráp ra khỏi Trung Quốc sau khi chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh nổ ra dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Động thái này báo hiệu một sự thay đổi cách tiếp cận đối với Apple, công ty đã phụ thuộc vào Trung Quốc trong hầu hết các nhu cầu sản xuất trong nhiều thập kỷ.

Theo phân tích của Nikkei Asia đây là một lợi thế. Theo danh sách các nhà cung cấp mới nhất của Apple và các cuộc phỏng vấn với các nguồn tin, số lượng nhà cung cấp của Apple có cơ sở tại Việt Nam đã tăng lên ít nhất 22 từ 14 vào năm 2018. Nhiều nhà sản xuất điện tử lớn khác như Google, Dell và Amazon cũng đã thiết lập sản xuất tại Việt Nam để đa dạng hóa ngoài Trung Quốc.

Eddie Han, nhà phân tích cấp cao của Isaiah Research trao đổi với Nikkei Asia cho biết: "Về mặt địa lý, có thể nhận thấy các thương hiệu điện tử quốc tế lớn như Apple và Samsung đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào việc sản xuất các sản phẩm ở Trung Quốc. Nhưng mặt khác, những công ty quốc tế này đã thông qua nhiều nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc như Luxshare và BYD cho Apple, và Huaqin cho Samsung để xây dựng nhiều sản phẩm của họ hơn. Đó là những động thái nhằm cân bằng các tác động địa chính trị".

Nhà phân tích này cũng chia sẻ: "Vai trò của Trung Quốc với tư cách là nhà máy quan trọng nhất của thế giới đã bị thách thức kể từ sau chiến tranh thương mại và sau đó là các chính sách về năng lượng và "không COVID". Điều đó thực sự khiến Việt Nam, quốc gia gần với Trung Quốc, trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều nhà sản xuất điện tử khi quốc gia này đang dần phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng của mình".

Trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ hồi tháng 5/2022, làm việc với các tập đoàn công nghệ của Mỹ, trong đó có Apple, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, dựa trên nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ tăng cường hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực có ý nghĩa về cả kinh tế và chiến lược.

Thủ tướng đánh giá các sản phẩm của Apple đã trở nên rất được ưa chuộng trên thế giới, trong đó có Việt Nam; người dân Việt Nam ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là ở khu vực thành thị, rất ưa chuộng các sản phẩm công nghệ của Apple.

Tại Việt Nam, Apple chưa có nhà máy sản xuất trực tiếp nhưng có 31 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc tại 14 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với khoảng 160.000 lao động; chuyên sản xuất các cấu phần điện tử (như bảng điện, camera, màn hình,…) cho sản phẩm Apple và lắp ráp hoàn thiện sản phẩm./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • ĐMST mở xã hội mang lại cho 90% doanh nghiệp cơ hội tạo giá trị kinh doanh bền vững
    Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, hơn 90% các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở xã hội mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
  • ‏FPT đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc‏
    ‏Mới đây, FPT vừa ký kết thỏa thuận hợp tác ba năm với OutSystems, chính thức trở thành đối tác phân phối và triển khai tại thị trường Hàn Quốc, đảm bảo thời gian ra mắt phần mềm của khách hàng được rút ngắn và tối ưu chi phí.
  • Người giữ bình yên nơi vùng cao
    Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 56,92%, với địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đa dạng chính vì vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các bản làng luôn là nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Do đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín luôn là đội ngũ nòng cốt góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.
  • Tuyên Quang: Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN
    Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, góp phần giúp các kiến thức pháp luật về mọi mặt của đời sống ngày một đến gần hơn với người dân (đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN).
Đừng bỏ lỡ
Apple dịch chuyển sản xuất các sản phẩm chủ lực sang Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO