Apple, Google bất ngờ hợp tác phát triển công nghệ truy tìm nguồn tiếp xúc Covid-19

Hoàng Linh| 11/04/2020 15:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Sự hợp tác tập trung vào việc ứng dụng công nghệ Bluetooth để theo dõi sự lây lan và xác định các điểm nóng lây nhiễm virus corona tiềm ẩn dựa trên dữ liệu vị trí của điện thoại thông minh.

Apple và Google vừa cho biết việc hợp tác để phát triển công nghệ truy tìm nguồn tiếp xúc (contact tracing technology) nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona dựa trên dữ liệu vị trí của điện thoại thông minh.

Apple, Google bất ngờ hợp tác phát triển công nghệ truy tìm nguồn tiếp xúc Covid-19 - Ảnh 1.

Đây là một động thái chưa từng có đối với hai gã khổng lồ công nghệ vốn là đối thủ cạnh tranh của nhau, đặc biệt trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh, để tập trung nguồn lực cho việc chống lại đại dịch Covid-19.

Sự hợp tác hiếm hoi giữa hai công ty ở Thung lũng Silicon, sở hữu hai hệ điều hành iOS và Android đáp ứng 99% điện thoại thông minh trên thế giới, có thể đẩy nhanh việc sử dụng các ứng dụng nhằm mục đích đưa các cá nhân bị nhiễm bệnh đi kiểm tra hoặc cách ly nhanh hơn và tin cậy hơn các hệ thống hiện có trên thế giới.

Theo các chuyên gia y tế, việc truy tìm nguồn tiếp xúc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn virus lây lan một khi thời gian giãn cách xã hội kết thúc.

Hệ thống mà Apple cùng Google hợp tác tạo nên sẽ đưa ra các API để những ứng dụng về virus corona hoặc các ứng dụng sức khỏe khác được cấp phép có thể truy cập vào dữ liệu trong hệ thống đó. Theo lý thuyết, hệ thống này có thể được sử dụng để truy tìm nguồn tiếp xúc và cảnh báo người dùng qua điện thoại thông minh của họ nếu họ có thể đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Các API sẽ ra mắt vào tháng 5.

Cả hai công ty cũng cho biết các công cụ sẽ được xây dựng với ý tưởng bảo mật người dùng. Hệ thống này không sử dụng dữ liệu GPS trên điện thoại, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu được thực hiện thông qua Bluetooth tầm gần.

CEO Apple Tim Cook cho biết trong một đăng tải trên Twitter rằng việc hợp tác diễn ra theo cách tôn trọng "tính minh bạch" và "đồng thuận".

Apple cho biết vị trí của người dùng sẽ không phải là một yêu cầu để công nghệ có thể vận hành. Thông tin nhận dạng vùng lân cận sẽ được thay đổi cứ sau 15 phút, có nghĩa là vị trí của người dùng sẽ không được theo dõi qua Bluetooth trong thời gian dài.

Tương tự, Google cho biết sẽ cần có sự đồng ý của người dùng rõ ràng và sẽ không thu thập thông tin cá nhân hoặc dữ liệu vị trí. Theo Google, danh sách những người bạn đã tiếp xúc sẽ không bao giờ rời khỏi điện thoại của bạn.

Trước đó, Google đã đưa ra một báo cáo di động tổng hợp dữ liệu ẩn danh từ Google Maps để giúp các nhân viên y tế công cộng hiểu rõ hơn về sự di chuyển của mọi người cũng như việc thực hiện các chỉ thị về việc ở nhà.

Công nghệ này có vẻ giống với dự án Truy tìm nguồn tiếp xúc bảo vệ quyền riêng tư liên châu Âu (PEPP-PT), một sáng kiến được 130 nhà khoa học và công nghệ châu Âu đưa ra để sử dụng tín hiệu năng lượng thấp Bluetooth của điện thoại thông minh để phát hiện người đã tiếp xúc và cảnh báo phù hợp cho mọi người.

Việc lây nhiễm virus corona đặc biệt khó theo dõi vì dễ dàng lây trong cộng đồng và phải mất vài ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew năm ngoái, có 76% người Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác sở hữu smartphone so với tỷ lệ trung bình là 45% ở các nền kinh tế mới nổi.

Chính phủ các nước trên toàn thế giới đã và đang áp dụng nhiều phần mềm nhằm cải thiện quá trình theo dõi nguồn tiếp xúc, giúp các quan chức y tế liên hệ các tiếp xúc gần của người nhiễm bệnh và yêu cầu họ tự cách ly hoặc kiểm tra.

Các chuyên gia y tế đã ghi nhận việc test nhanh rộng rãi và truy tìm nguồn tiếp xúc đã làm chậm sự lây lan của virus ở các quốc gia như Hàn Quốc.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Apple, Google bất ngờ hợp tác phát triển công nghệ truy tìm nguồn tiếp xúc Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO