Artbook "Hành trình Đông A": bất ngờ của làng sách

Thu Hiền| 08/07/2021 18:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Với lối tranh khắc gỗ, đòi hỏi nhiều công phu, cuốn sách "Hành trình Đông A" là tâm huyết, ước mơ chia sẻ tình yêu và niềm tự hào về văn hóa, con người Việt Nam của tác giả đến các bạn cùng thế hệ và tất cả những ai yêu mến lịch sử dân tộc Việt Nam.

Vài năm trở lại đây, xuất hiện những tác phẩm, công trình của người trẻ đi sâu vào lịch sử và văn hóa dân tộc với nhiều hình thức, thể loại khác nhau. Các tác giả trẻ thế hệ 8X, 9X, bằng ngôn ngữ và cách thức của thế hệ mình, đã khiến thế hệ đi trước phải nhìn lại nhận định lâu nay, rằng người trẻ thờ ơ với quá khứ.

Nằm trong dòng chảy này, họa sĩ sinh năm 1996 Trần Tuyết Hàn đã gây bất ngờ làng sách với cuốn artbook Hành trình Đông A. Mới lên kệ chưa lâu, cuốn sách đã vào chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn lần 2 - 2021.

Với Hành trình Đông A, câu chuyện về thời đại nhà Trần được phục dựng mang đậm hơi thở đương đại. Thông qua bảo vật được người ông thuộc Trần tộc trao lại, trong buổi du xuân tại lễ hội Đền Trần, một cách ngẫu nhiên cô gái nhỏ Trần Đông A đã có chuyến xuyên không về gặp các bậc tiền nhân ở thế kỉ 13.

Mở đầu, tác giả giải thích hai chữ Đông A: "Theo lối chiết tự, chữ Trần được ghép từ hai thành phần chữ "Đông" và chữ "A". Do đó, Trần còn được gọi ẩn dụ là Đông A. Khi nhà Trần giành chiến thắng trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, khí thế chiến đấu của quân dân nhà Trần được gọi là Hào khí Đông A".

Hành trình Đông A- Lịch sử sinh động qua lối tranh khắc gỗ - Ảnh 1.

Lịch sử và quá khứ trở nên dễ hiểu, sinh động như hiển hiện trước mắt người đọc

Dẫn đường cho chuyến xuyên không kỳ lạ của cô gái Đông A là loài cá. Chi tiết này không phải ngẫu nhiên hay tùy tiện. Từ nguồn gốc xuất thân chài lưới của các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ đầu của nhà Trần, tác giả đã khéo léo dẫn nhập đan cài vào câu chuyện, để hành trình của cô bé Đông A thêm ý nghĩa.

Sự kiện đầu tiên Đông A bắt gặp là hình ảnh Lý Chiêu Hoàng tháo mũ bình thiên nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh - Trần Thái Tông. Tiếp đến là khung cảnh và giọng nói "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác!" của Thái sư Trần Thủ Độ. Tuần tự, tiếng vó ngựa dồn dập, tiếng hò la vang dội mở ra các sự kiện như cuộc chiến chống Đế quốc Nguyên Mông, Hội nghị Diên Hồng năm 1284…

Các bài Hịch Tướng Sĩ, Tụng giá hoàn kinh sư, Phú sông Bạch Đằng mà ai cũng từng được học ít nhất một lần khi ngồi trên ghế nhà trường càng trở nên lấp lánh, đanh thép, kiêu hãnh và hùng hồn trong Hành trình Đông A bởi được đặt trong bối cảnh lịch sử xuyên suốt cùng cộng hưởng từ hình ảnh minh hoạ sống động.

Bên cạnh các chiến công cùng các vị danh tướng, một dung lượng đáng kể của cuốn sách khái quát khung cảnh, đời sống đất nước, con người Đại Việt. Tác giả cung cấp cho người đọc những kiến thức và hình dung về sản vật được làm ra từ đôi tay tài hoa của người Đại Việt như gốm, vải, giấy…, rồi cả lối kiến trúc, điêu khắc mà thế hệ hậu bối ngày nay vẫn luôn ngưỡng vọng.

Cuộc sống bình yên hoà trong những hương sắc thiên nhiên, những ngôi làng trù phú, những cánh đồng lúa chín, con đường làng hiện ra qua những bức tranh công phu, từ đại cảnh đến tiểu cảnh, trực tả, được thực hiện tỉ mỉ theo lối tranh khắc gỗ.

Có thể nói với Hành trình Đông A, lịch sử và quá khứ trở nên dễ hiểu, sinh động như hiển hiện trước mắt người đọc.

Hành trình Đông A- Lịch sử sinh động qua lối tranh khắc gỗ - Ảnh 2.

Tác giả Trần Tuyết Hàn

Nói về cơ duyên để có tác phẩm đầu tay ấn tượng này, Trần Tuyết Hàn chia sẻ: "Hằng ngày đi qua những con đường mang tên các vị anh hùng, các danh nhân văn hóa, các địa danh vẻ vang suốt ngàn năm lịch sử, ngước mắt ngắm nhìn khoảng trời bình yên trên vùng đất tiền nhân đã xây dựng và gìn giữ, tôi càng khao khát muốn tìm hiểu sâu hơn cội nguồn văn hóa của đất nước mình". 

Với tất cả những khát khao và thôi thúc ấy, Trần Tuyết Hàn cho biết đã ấp ủ dự án viết và vẽ Hành trình Đông A. "Đây là cơ hội để tôi được đi ngược thời gian, đắm mình vào một thời đại rực rỡ gần tám thế kỉ trước. Phát triển từ đồ án tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật, quyển sách này là tâm huyết, là ước mơ chia sẻ tình yêu và niềm tự hào về văn hóa, con người Việt Nam của tôi đến các bạn cùng thế hệ và tất cả những ai yêu mến lịch sử dân tộc."

Vì sao tác giả kiêm họa sĩ lại vẽ theo lối tranh khắc gỗ, đòi hỏi nhiều công phu nhưng ít tính thời thượng, có vẻ như đi ngược với số đông họa sĩ trẻ hiện nay? 

Tác giả Trần Tuyết Hàn sinh năm 1996, tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật TP.HCM năm 2019. Hiện cô đang sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.

"Khi gia đình tôi có cơ duyên sở hữu căn nhà cổ, tôi say mê những họa tiết cũ xưa tinh tế và mê hoặc. Mỗi khi ngắm nhìn những cột kèo, xà nhà, tôi lại tự hỏi những họa tiết ấy đến từ đâu, có hàm nghĩa gì, làm sao người xưa khéo tay như vậy? Kĩ thuật khắc gỗ đi vào tôi tự nhiên như thế. Tuy nhiên với Hành trình Đông A, kĩ thuật này đã được tôi biến tấu thêm khi chuyển về dạng digital được vẽ bằng Wacom trên máy tính. Theo tôi, cách biến tấu này sẽ giúp tiết kiệm được thời gian "khắc gỗ" trong quá trình vẽ tranh, dễ dàng chỉnh sửa đường nét và thêm bớt màu sắc khi cần" - Trần Tuyết Hàn cho hay./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Để đổi mới sáng tạo không bị cản trở, mà được khơi thông và lan tỏa
    Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng: "Chúng ta cần tạo ra một hệ sinh thái ĐMST mà ở đó, doanh nghiệp có thể cải tiến sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước, người dân có thể sáng tạo trong điều kiện thực tế của mình, nhà nước hỗ trợ môi trường, thể chế và động lực để đổi mới sáng tạo không bị cản trở, mà được khơi thông và lan toả".
  • "Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ"
    Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thuỷ nhấn mạnh: Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của công chúng, theo kịp sự phát triển của thời đại, công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
  • Thủ tướng: "Thần tốc táo bạo" để đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo
    Thủ tướng đánh giá thời gian qua, đất nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực về sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó có vai trò của hoạt động khởi nghiệp.
  • Đổi mới sáng tạo - Doanh nghiệp tiên phong - Quốc gia thịnh vượng
    Năm 2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới với mục đích nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững.
  • 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Những truyền thống vẻ vang
    Cách đây 75 năm, ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
  • Báo chí trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội và chuyển đổi số
    Báo chí là một trong những loại hình phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại. Các tác phẩm, sản phẩm báo chí luôn phải mang đến công chúng những giá trị thông tin thời sự, chân thật, khách quan về các sự kiện, vấn đề diễn ra trong đời sống xã hội. Dù trong bối cảnh phát triển nào thì các loại hình báo chí vẫn đóng vai trò quan trọng là phương tiện truyền thông chủ lực, thiết yếu dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
  • Duy trì cam kết với cổ đông, VPBank năm thứ 3 liên tiếp trả cổ tức tiền mặt
    Năm thứ 3 liên tiếp, VPBank dự kiến duy trì chính sách cổ tức tiền mặt, thể hiện năng lực tài chính vững mạnh, chiến lược tăng trưởng hợp lý và cam kết mang lại lợi ích lớn nhất cho cổ đông.
  • Cảnh báo lợi dụng hình thức "xe ôm công nghệ" để lừa đảo
    Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng do các đối tác tài xế xe công nghệ thực hiện.
  • Xuất bản Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để sớm trở thành công nghiệp xuất bản
    Ngành xuất bản Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết giúp ngành xuất bản phát triển bền vững và tiệm cận với mô hình công nghiệp xuất bản hiện đại.
  • Chuyển đổi số - liều vắc-xin hiệu quả
    Trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số được kỳ vọng là chiếc "đũa thần" giải quyết bài toán tăng trưởng chậm và năng suất thấp. Ở nhiều quốc gia, đó cũng là công cụ quan trọng để xử lý tình trạng lãng phí nguồn lực - căn bệnh kinh niên của khu vực công.
Artbook "Hành trình Đông A": bất ngờ của làng sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO