Ngày 15/11/2020 là một dấu mốc quan trọng khi lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand đã chứng kiến Lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
RCEP đánh dấu hiệp định thương mại tự do lớn nhất của ASEAN cho đến nay, bao gồm thị trường 2,2 tỷ dân với tổng quy mô 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.
Ông Dato Lim Jock Hoi, Tổng thư ký ASEAN, cho biết: "Việc ký kết Hiệp định RCEP là một sự kiện lịch sử vì nó củng cố vai trò của ASEAN trong việc dẫn dắt một hiệp định thương mại đa phương tầm cỡ, bất chấp những thách thức toàn cầu và khu vực với 8 năm đàm phán".
Ông nhấn mạnh: "RCEP sẽ tạo ra một sự thúc đẩy cần thiết để phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ cho cả doanh nghiệp và người dân trong khu vực của chúng ta, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 hiện nay".
Trước thực tế những tác động tiêu cực của Covid-19 đã tạo ra nhiều thách thức lớn cho sự lưu chuyển các luồng thương mại và đầu tư trong khu vực, việc RCEP nhanh chóng được ký kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp kinh tế các nước ASEAN khôi phục và phát triển; trong đó có Việt Nam và các nước đối tác.
Hiệp định này sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường với việc loại bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với hơn 65% hàng hóa được giao dịch, thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa cũng như các quy định minh bạch. Điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào khu vực, bao gồm xây dựng chuỗi cung ứng và dịch vụ, đồng thời tạo ra việc làm.
RCEP là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại tự do trước đây giữa ASEAN và các nước đối tác. Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, Hiệp định RCEP còn bao gồm các Chương về Sở hữu trí tuệ, Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác kinh tế và kỹ thuật và Mua sắm của chính phủ.
Hiệp định có 20 Chương, 17 Phụ lục và 54 lộ trình cam kết, bao gồm tiếp cận thị trường, các quy tắc và kỷ luật, cũng như hợp tác kinh tế và kỹ thuật.
Các cuộc đàm phán RCEP bắt đầu vào năm 2013, do Iman Pambagyo, Tổng giám đốc Bộ Thương mại Indonesia, dẫn đầu và với sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN.