ASEAN hướng đến một bản sắc chung, một xã hội văn minh
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) lấy việc hướng đến bản sắc chung, xây dựng một xã hội với mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao thông qua sự chia sẻ, đoàn kết, tạo điều kiện cho một cộng đồng rộng mở.
Hướng đến một cộng đồng Văn hóa – xã hội ASEAN phát triển
Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm, có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”. Việc đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN sẽ thúc đẩy sự gắn kết người dân giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng, đồng thời bổ trợ tích cực cho việc xây dựng hai trụ cột còn lại.
Việc xây dựng một ASEAN tập trung vào con người, cộng đồng coi người dân là trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN, thúc đẩy người dân tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Sự thành công của ASEAN phụ thuộc vào việc đặt một nền tảng vững chắc ở mức độ cơ bản nhất, đó chính là về vấn đề Văn hóa - Xã hội.
Nhằm xây dựng một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ, việc tăng cường nhận thức về đa dạng văn hóa và thúc đẩy sự đoàn kết trong ASEAN là quan trọng nhất. ASCC là hệ thống có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước, có quy định và tiêu chuẩn chung, đề cao các vấn đề: an sinh xã hội, sự bình đẳng và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. ASCC cũng tập trung vào lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời tăng cường nhận thức về cộng đồng và bản sắc chung của ASEAN, có sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em, thanh niên, phụ nữ, người già, cũng như những người khuyết tật và khó khăn.
ASCC thúc đẩy quyền tự quyết và quyền tham gia dân sự, thúc đẩy công bằng xã hội, tuân thủ nền pháp luật. Tôn trọng và nâng cao phúc lợi và nhân phẩm của con người, cùng với việc tạo ra môi trường xanh và sạch, đảm bảo rằng Cộng đồng được phát triển bền vững.
Trong năm 2023 – Indonesia Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã công bố các ưu tiên của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC). ASEAN cần duy trì vai trò trung tâm và trở thành điểm đến của sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Để thực hiện điều này, ASCC cần tập trung vào một loạt các biện pháp, bao gồm tăng cường hệ thống y tế, thúc đẩy sự phát triển nông thôn, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bảo vệ và nâng cao năng lực lao động, cùng với việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của người khuyết tật.
Trong việc tăng cường hệ thống y tế khu vực, cần đánh giá các biện pháp để cải thiện tiếp cận y tế và ứng phó tốt hơn với nhiều nguy cơ rủi ro về sức khỏe trong khu vực. Đặt sự kết nối giữa con người, động vật, thực vật và môi trường là trọng tâm. Bên cạnh đó việc trao quyền cho làng bản cũng thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của khu vực nông thôn. Để làm được điều này, ASCC cần tăng cường phát triển nông thôn thông qua việc sử dụng các cơ hội hợp tác và chia sẻ kiến thức.
Năm Chủ tịch Indonesia sẽ tiến hành tăng cường năng lực khu vực nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện thỏa thuận ASEAN về chống ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Đồng thời, để bảo vệ cũng như nâng cao năng lực của lao động nhập cư cả trên đất liền và biển tốt hơn trong tương lai, ASCC sẽ tăng cường bảo vệ quyền của lao động trong các tình huống khủng hoảng và các hoạt động trên các tàu cá thông qua tái đào tạo cùng thúc đẩy kĩ năng. Cuối cùng, để đảm bảo quyền và thúc đẩy phát triển toàn diện của người khuyết tật, Indonesia sẽ tăng cường quan hệ đối tác và hành động theo
Hướng tới một Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nói riêng nhằm thúc đẩy kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 tiếp tục khẳng định “trọng tâm của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng vào người dân, thân thiện với môi trường và hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững”. Nội dung của Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đến năm 2025 cơ bản dựa trên kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN giai đoạn 2009 - 2015 với các đặc điểm, thành tố gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân, hòa nhập, bền vững, tự cường và năng động.
Việc thực hiện kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 sẽ được triển khai bởi các cơ quan chuyên ngành thuộc Cộng đồng trong khi Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện, với sự hỗ trợ của Hội nghị các quan chức cấp cao (SOCA) và các cơ quan chuyên ngành. Việc rà soát và đánh giá thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 sẽ tận dụng hệ thống giám sát, đánh giá hiện hành, bao gồm hệ thống giám sát và Biểu đánh giá (ASCC scorecard).
Việt Nam đồng hành và phát triển Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN
Trong thời gian qua Việt Nam là thành viên tích cực triển khai thực hiện các sáng kiến khu vực và Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN giai đoạn 2009 - 2015. Việt Nam được đánh giá là một thành viên có nhiều cố gắng trong việc lồng ghép thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN giai đoạn 2009 - 2015 vào các chương trình, dự án quốc gia và đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, môi trường, khoa học và công nghệ. Năm 2013, Việt Nam không chỉ tham gia tích cực vào nhóm công tác về Đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN cấp khu vực mà còn đánh giá thành công việc thực hiện ở cấp quốc gia. Trong giai đoạn 2014 - 2015, Việt Nam đã tham gia tích cực vào nhóm Công tác đặc trách cấp cao của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nhằm thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN giai đoạn 2011 - 2015, xây dựng Tầm nhìn đến năm 2025 và Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 để trình các nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN thông qua.
Đặc biệt, Việt Nam cũng đang xây dựng Đề án Thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đến năm 2025, trong đó, các Bộ, ngành liên quan sẽ tích cực rà soát và chủ động lồng ghép các hoạt động được đề ra trong kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đến năm 2025 vào chương trình, chiến lược của mình nhằm kết nối chặt chẽ việc thực hiện ở cấp khu vực với nỗ lực của cấp quốc gia trong giai đoạn 2016 - 2025.
Việt Nam đã tích cực hợp tác về lao động, phúc lợi xã hội và phụ nữ, trẻ em là những lĩnh vực ưu tiên của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN và thực hiện đề án xây dựng, triển khai Kế hoạch thực hiện của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN. Trong đó, phải tập trung vào mục tiêu và biện pháp mang lại lợi ích cho người dân, thúc đẩy hòa nhập, bền vững, tự cường và năng động cho Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN; Tăng cường năng lực và sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong quá trình xây dựng và thực hiện các hoạt động của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội đến năm 2025; Đưa ra các sáng kiến và giải pháp phù hợp với điều kiện và lợi ích quốc gia, đảm bảo trách nhiệm trong hội nhập và xây dựng Cộng đồng ASEAN; Đa phương và đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN khác trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, tận dụng tối đa cơ hội và nguồn lực. Tăng cường sáng kiến của Việt Nam, lồng ghép các ưu tiên trong nước vào ưu tiên của khu vực nhằm tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các nước thành viên và các đối tác trong quá trình thực hiện ưu tiên trong nước.
Trong nước Việt Nam tập trung nâng cao năng lực cho tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương và toàn dân để tăng cường sự tham gia trong quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá các chương trình, chính sách, pháp luật và hoạt động liên quan, đồng thời, phải tạo thể chế, tổ chức và trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan, tổ chức cũng như cá nhân, tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống dịch vụ xã hội; Nhanh chóng loại bỏ các rào cản và bất bình đẳng trong cuộc sống để tất cả người dân đều có điều kiện tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ xã hội; Tăng cường sự tham gia xã hội bằng cách cung cấp các dịch vụ xã hội, phát triển nguồn nhân lực, việc làm, giảm nghèo bền vững và tạo môi trường hòa nhập; Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên để có đối phó với biến đổi khí hậu.
Nguồn lực trong các lĩnh vực quan trọng như tài chính, lương thực, thực phẩm, nước và năng lượng; Tối ưu hóa việc sử dụng công nghệ thông tin, tôn trọng tự do tín ngưỡng; Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong xã hội; Khuyến khích sáng kiến và đổi mới, tăng cường tính cạnh tranh của nguồn nhân lực và hợp tác khu vực trong nghiên cứu, giáo dục và đào tạo. Từ đó, mở ra những cơ hội phát triển tốt và bền vững hơn cho Việt Nam, tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho quốc gia trong khu vực ASEAN.
Với những nỗ lực của mình trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, lao động, y tế, thanh niên, môi trường… Việt Nam đã thực sự góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực, mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên cũng như tiến gần hơn tới việc hình thành Cộng đồng ASEAN.