ASEAN ICT AWARDS 2017- Cơ hội quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp ICT Việt Nam

Minh Thiện| 21/04/2017 16:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Những giải thưởng AICTA các doanh nghiệp trong nước giành được đã góp phần nâng cao đáng kể vị thế của ngành ICT, quảng bá cho sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp ICT Việt Nam ra thị trường khu vực và quốc tế.

“Các doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia nhiều hơn vào giải thưởng AICTA. Đạt được giải thưởng này sẽ góp phần nâng cao uy tín, mở rộng thị trường kinh doanh của các doanh nghiệp ICT Việt Nam, không chỉ giới hạn ở trong nước mà vươn ra kinh doanh ở các nước khác trong khu vực ASEAN”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng khẳng định trong buổi Họp báo giới thiệu Giải thưởng AICTA 2017 vừa diễn ra sáng nay (21/4) tại trụ sở Bộ TT&TT.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu chỉ đạo tại buổi Họp báo

Giải thưởng ICT ASEAN (ASEAN ICT Awards - AICTA) là một sáng kiến đã được chính thức phát động tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT ASEAN TELMIN lần thứ 11 tại Myanmar vào tháng 12/2011. Đến nay AICTA đã trở thành giải thưởng uy tín bậc nhất trong lĩnh vực ICT của khu vực ASEAN cũng như châu Á-Thái Bình Dương. Từ khi phát động Giải thưởng AICTA, Việt Nam đã tích cực tham gia và đạt được các thứ hạng cao ở các hạng mục khác nhau. Năm 2012 Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT–IS đã đạt 2 giải thưởng gồm Giải Vàng (sản phẩm FPT.eHospital) và Giải Bạc (sản phẩm FPT.eGov) lần lượt thuộc hai hạng mục Giải thưởng cho khu vực Tư nhân và Nhà nước. Năm 2014 Công ty Cổ phần Công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam - VNCS đạt Giải Bạc (sản phẩm VNCS Web Moniroting) thuộc hạng mục Giải thưởng cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Năm 2015, các đơn vị của Việt Nam đã đạt được thành tích hết sức ấn tượng với 2 giải Vàng thuộc về các sản phẩm Chính phủ điện tử Đà Nẵng do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng xây dựng, website Tienganh123 do của công ty BeOnline, 1 giải Bạc thuộc về sản phẩm Hệ thống định vị giao thông Wonav của công ty Wonav và 1 giải Đồng dành cho giải pháp Khám chữa bệnh từ xa của Công ty cổ phần Công nghệ thông minh Ưu việt (iNext Technology). Năm 2016, Công ty Early Start Co.Ltd đạt giải Vàng tại hạng mục doanh nghiệp khởi nghiệp (phần mềm Monkey Junior) và Tập đoàn Viettel đạt giải Đồng tại hạng mục nghiên cứu phát triển (phần mềm Customer Insights). Những giải thưởng này đã góp phần nâng cao đáng kể vị thế của ngành ICT, quảng bá cho sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp ICT Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chỉ đạo Ban tổ chức trong nước cần nghiên cứu để làm sao các doanh nghiệp thấy được những lợi ích khi tham gia giải thưởng AICTA và không cảm thấy có quá nhiều rào cản khi gửi sản phẩm tham gia giải thưởng này. “Để làm được điều này, chúng ta phải đổi mới cách thức tuyên truyền, kết nối để làm thế nào để nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với giải thưởng AICTA, làm thế nào để các hội, hiệp hội trong lĩnh vực CNTT, An toàn thông tin hỗ trợ tích cực cho các hội viên cũng như các doanh nghiệp tham gia giải thưởng này”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đại diện Công ty Early Start Co.Ltd, đạt Giải Vàng AICTA 2016 tại hạng mục doanh nghiệp khởi nghiệp với ứng dụng Monkey Junior, chia sẻ kinh nghiệm khi tham gia tranh giải AICTA

Ban tổ chức trong nước phải tăng cường sự kết nối với các hội, hiệp hội về CNTT&TT. Các cuộc thi trong nước như Nhân tài Đất Việt, Sao Khuê… đã lựa chọn ra rất nhiều sản phẩm tốt nhưng Ban tổ chức lại chưa kết nối được với các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp có các sản phẩm đạt giải. Để có nhiều doanh nghiệp với sản phẩm chất lượng tham gia tranh giải AICTA, Ban tổ chức phải kết nối chặt chẽ với các hội, hiệp hội về CNTT&TT như Hội Tin học Việt Nam, Hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam…để các hội, hiệp hội này tham gia, hỗ trợ cho việc tổ chức giải thưởng AICTA, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam đăng ký dự giải thường này.

Theo đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT), thường trực Ban tổ chức giải thưởng AICTA trong nước cho biết, các nước ASEAN đã thông qua kế hoạch tiếp tục tổ chức Giải thưởng AICTA lần thứ 6 với lễ trao giải sẽ được diễn ra tại Hội nghị Bộ trưởng TELMIN lần thứ 17 tại Campuchia dự kiến vào tháng 11/2017.

Các doanh nghiệp tham gia giải thưởng AICTA 2017 phải được đăng ký kinh doanh tại các nước thành viên ASEAN, là công ty 100% vốn trong nước hoặc là liên doanh với số cổ phần trong nước ít nhất 51% (điều kiện về tỷ lệ vốn góp của công ty liên doanh sẽ không áp dụng với những doanh nghiệp có đối tác liên doanh là doanh nghiệp của các nước thành viên ASEAN). Đối với sản phẩm dự AICTA 2017, các điều kiện cần đáp ứng gồm quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm phải được sở hữu bởi các công ty đủ điều kiện để đề cử theo hướng dẫn; và ít nhất 51% giá trị phát triển sản phẩm (nghiên cứu, phát triển và thiết kế) phải được thực hiện bởi các quốc gia thành viên ASEAN.

AICTA 2017 vẫn giữ nguyên cơ cấu giải thưởng với 6 hạng mục chính:

Giải thưởng cho khu vực nhà nước;

Giải thưởng cho khu vực tư nhân;

Giải thưởng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp;

Giải thưởng về nội dung số;

Giải thưởng cho doanh nghiệp khởi nghiệp;

Giải thưởng về nghiên cứu và phát triển (R&D).

Theo cơ cấu giải thưởng như trên, mỗi nước thành viên ASEAN sẽ có quyền đề cử 18 ứng viên tham gia giải thưởng (3 ứng viên cho 1 hạng mục).

Đăng ký tham gia, hồ sơ gồm video clip thuyết minh cho sản phẩm tham dự giải (dài không quá 10 phút, dưới dạng AVI) và các tài liệu khác giới thiệu sản phẩm (viết bằng tiếng Anh) được nộp qua mạng cho Ban tổ chức AICTA trong nước.

Về phía Việt Nam, công tác tổ chức tham gia giải thưởng sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm có thể đăng ký tham gia Giải thưởng thông qua Thư ký Ban Tổ chức trong nước (ông Đào Ngọc Tuyển, Vụ Hợp tác quốc tế – điện thoại: 38229377, email: dntuyen@mic.gov.vn hoặc bà Nguyễn Quỳnh Anh, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông – email: nqanh@mic.gov.vn) với thời hạn là trước ngày 31/7/2017.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
ASEAN ICT AWARDS 2017- Cơ hội quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp ICT Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO