Australia yêu cầu các mạng xã hội gỡ bỏ thông tin độc hại trong vòng 24 giờ

T.H| 24/12/2020 10:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Dự luật mới của Australia cho phép Ủy viên về an toàn trên mạng Internet của nước này ra lệnh gỡ bỏ các nội dung độc hại trên các nền tảng xã hội, trong đó có Facebook và Twitter, trong vòng 24 giờ.

Theo dự luật vừa được Chính phủ Australia đề xuất, các nền tảng truyền thông xã hội sẽ buộc phải gỡ bỏ các thông tin có nội dung "cực kỳ độc hại."

Ngày 23/12, Bộ trưởng Truyền thông Australia Paul Fletcher thông báo sau khi Quốc hội quay lại làm việc vào năm 2021, chính phủ nước này sẽ ban hành luật đầu tiên trên thế giới chống lạm dụng người trưởng thành trên mạng.

Theo ông Fletcher, cùng với những lợi ích về kinh tế, xã hội và giáo dục, Internet cũng đã gây ra một số nguy cơ. Do đó, Ủy viên về an toàn trên mạng Internet sẽ có quyền tiết lộ danh tính của những người đứng sau các tài khoản giả mạo hoặc ẩn danh, cũng như chặn quyền tiếp cận các nền tảng bỏ qua "một cách có hệ thống" yêu cầu gỡ bỏ thông tin.

Tháng Tư vừa qua, Ủy viên về an toàn trên mạng Internet của Australia, bà Julie Inman Grant, cảnh báo tình trạng bắt nạt trực tuyến và lạm dụng dựa trên hình ảnh đã gia tăng đáng kể tại nước này trong thời gian đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Thống kê cho thấy riêng trong tháng Ba, số vụ bắt nạt trực tuyến đã tăng tới 21%, lạm dụng người trưởng thành trên mạng tăng 48%, lạm dụng dựa trên hình ảnh tăng 86%. Lạm dụng trẻ em trực tuyến tăng đáng kể.

Ngày 9/12 vừa qua, Chính phủ Australia cũng vừa đệ trình lên quốc hội nước này Bộ quy tắc thương lượng bắt buộc về nền tảng kỹ thuật số và báo chí truyền thông, đồng thời công bố chi tiết về kế hoạch đưa Australia trở thành quốc gia đầu tiên buộc các nền tảng kỹ thuật số phải trả tiền cho các doanh nghiệp truyền thông về nội dung báo chí.

Dự thảo bộ quy tắc trên của Australia được đưa ra trong bối cảnh các phương tiện truyền thông trên thế giới đang ngày càng chịu sức ép trong nền kinh tế số hóa với doanh thu quảng cáo bị áp đảo bởi các ông lớn công nghệ như Facebook hay Google.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng trong ngành truyền thông càng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Riêng ở Australia trong những tháng gần đây đã có hàng chục tờ báo đóng cửa và hàng trăm nhà báo mất việc.

Ở Đức đã có một luật tương tự, được gọi là Đạo luật Thực thi Mạng, từ năm 2018. Quy định này yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội loại bỏ các ngôn từ kích động và tin tức giả trong vòng 24h sau khi bị gắn cờ nếu không sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới khoảng 60 triệu USD, đồng thời phải báo cáo sáu tháng một lần về chi tiết số lượng khiếu nại các nội dung bất hợp pháp mà họ đã nhận được. Năm 2019, Đức đã phạt Facebook hơn 2 triệu USD vì đã báo cáo không chính xác số lượng nội dung bất hợp pháp trên nền tảng của mình.

Quốc hội Pháp ngày 13.5.2020 đã thông qua đạo luật phạt các công ty truyền thông xã hội nếu họ không gỡ bỏ một số nội dung bất hợp pháp trong vòng 24h, và trong một số trường hợp, chỉ trong 1h.

Bài liên quan
  • Báo chí có nên trở thành mạng xã hội?!
    Với độ phủ toàn cầu của các mạng xã hội xuyên biên giới như hiện nay, báo chí đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Nếu không được nhận diện, và có cách thích ứng kịp thời, những thách thức này thậm chí có thể đe doạ đến sự tồn vong của từng cơ quan báo chí chứ không chỉ dừng lại ở việc làm lung lay vị thế.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Australia yêu cầu các mạng xã hội gỡ bỏ thông tin độc hại trong vòng 24 giờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO