Bà con dân tộc Tây Bắc ứng dụng công nghệ làm du lịch online

Quỳnh Chi| 22/12/2021 22:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phát triển du lịch của bà con dân tộc vùng cao, thì việc xây dựng mô hình du lịch trực tuyến tại nhiều địa phương đang được chú trọng để tạo ra hiệu quả trong việc quảng báo hình ảnh du lịch địa phương và tăng sự gắn kết của du khách.

Từ cô gái dân tộc với sáng kiến Vàng

Mới đây, tại vòng chung kết và Lễ trao giải cuộc thi "Thách thức sáng kiến kinh doanh" năm 2021 thí sinh Vũ Thị Ngọc Hướng, người dân tộc Giáy (thôn Tả Van Giáy 2, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã xuất sắc giành giải Vàng với dự án "Du lịch trải nghiệm online cùng người bản địa Sa Pa".

Sinh năm 1999, tốt nghiệp một trường đại học tại Hà Nội, Ngọc Hướng đã không chọn lập nghiệp ở thành phố, mà quyết tâm trở về quê hương làm du lịch cùng bà con. Trước đó, từ năm thứ 2 đại học, với tính yêu quê hương, sự thấm nhuần văn hóa và cảnh đẹp nơi nui rừng Tây Bắc, Hướng đã nảy ra ý tưởng thu thập thông tin và xây dựng kênh YouTube "Hướng Giáy Sa Pa".

Dự án của cô gái người dân tộc Giáy với mong muốn tạo sinh kế, bảo tồn và quảng bá văn hóa bản địa Sa Pa thông qua ý tưởng tổ chức các tour du lịch trải nghiệm dưới hình thức trực tuyến qua Zoom, Google Meet, Youtube, Tiktok, Facebook và du lịch online là một phương thức truyền thông hiệu quả cho tour offline, trong đó 80% du khách sẽ lựa chọn đi thực tế sau khi tham gia tour online.

Từ tháng 9/2021, Vũ Ngọc Hướng tổ chức các tour du lịch mang tên như hương sắc mùa thu - trải nghiệm về vẻ đẹp mùa thu trên di sản ruộng bậc thang ở vùng cao Lào Cai; tour "Hương trăng" đưa du khách tìm về nét độc đáo tết Trung thu truyền thống của người Giáy; hoặc tour "Tắm lá thuốc người Dao đỏ - những điều bạn chưa biết"; tour "Màu chàm" tìm hiểu về nghề nhuộm chàm của dân tộc Mông đen ở Sa Pa... và mới đây nhất là tour đặc biệt "Chợ tình Sa Pa" tổ chức vào 20 giờ ngày 19/11.

Chỉ với 70.000 đồng, kết nối qua ứng dụng công nghệ Zoom trên thiết bị máy tính hoặc điện thoại thông minh, bạn có thể cùng Vũ Ngọc Hướng, bà con dân tộc bản địa và những du khách "online" khắp mọi miền đất nước cùng giao lưu trực tuyến an toàn trong mùa dịch.

… đến Lễ hội hoa tam giác mạch trực tuyến

Rõ ràng, những ảnh hưởng của dịch Covid -19 đã khiến du lịch vùng cao gặp nhiều khó khan. Tại Hà Giang, lượng khách du lịch chỉ đạt gần 50% so với kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 ước đạt 900.000 lượt khách).

Để quảng bá du lịch, ngày 28/11 vừa qua, lần đầu tiên tour online "Mùa hoa tam giác mạch trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn" lên sóng trực tuyến đã thu hút đông đảo người theo dõi.

Bà con dân tộc Tây Bắc ứng dụng công nghệ làm du lịch online - Ảnh 1.

Hoa tam giác mạch Hà Giang.

Với chủ đề "Hoa của đá" được phát sóng 45 phút, khán giả và du khách được thưởng thức nhiều chương trình đặc sắc như bức tranh toàn cảnh về Hà Giang, giới thiệu những vẻ đẹp về thiên nhiên và con người trên Cao nguyên đá Đồng Văn; những hình ảnh về các danh thắng, di tích vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Đặc biệt, du khách còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật, giới thiệu nét văn hóa độc đáo của vùng Cao nguyên đá gắn với hình ảnh hoa tam giác mạch.

Hơn 100 công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch tham gia và đánh giá cao chương trình này. Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội đánh giá trước bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Hà Giang là một trong những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng nền tảng số trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt tour online, thể hiện sự linh hoạt, thích ứng trong tình hình mới. "Tour online không những quảng bá sản phẩm du lịch của Hà Giang, mà còn là hướng đi phù hợp để các doanh nghiệp du lịch khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hình thức tổ chức tour này cần được phát huy và nhân rộng ra các điểm du lịch khác trong cả nước", ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh.

Chương trình thành công đã mở ra một hướng mới, vừa quảng bá hình ảnh du lịch Hà Giang, giúp du khách được trải nghiệm trong bối cảnh dịch COVID-19, vừa giúp các công ty lữ hành xây dựng tour, tuyến và giới thiệu cho du khách.

Trong tháng 12/2021, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh tiếp tục tổ chức tour online khám phá, trải nghiệm về sản phẩm du lịch nông nghiệp, nhà vườn; tour online khám phá trải nghiệm ẩm thực, làng nghề thổ cẩm truyền thống...

Du lịch online - giải pháp kích cầu du lịch

Thời gian qua, một hướng làm du lịch mới đang được các chuyên gia về du lịch gợi mở, đó là du lịch và quảng bá du lịch online (trên môi trường mạng). Đây là một hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội để duy trì, phát triển du lịch trong bối cảnh đại dịch.

Loại hình du lịch này không mang đến nguồn thu lớn, nhưng sẽ là động lực để người làm du lịch duy trì được hoạt động của mình trong thời gian dịch bệnh. Về khía cạnh quảng bá, du lịch online sẽ rất hiệu quả với một địa phương có tiềm năng lớn như Hà Giang, Lao Cai, Yên Bái… đồng thời còn có thể giúp các địa phương này quảng bá các sản phẩm của địa phương và thúc đẩy các giao dịch mua bán sản phẩm nổi tiếng của tỉnh trên môi trường mạng.

Du lịch online đã tạo ra sức hút để kéo du khách thực hiện các chuyến du lịch đặt chân đến vùng đất rất hấp dẫn với văn hóa, phong cảnh và đặc sản địa phương.

Những cách làm sáng tạo trên đều xuất phát từ sự năng động, chủ động tìm hướng vượt qua đại dịch toàn cầu của những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế du lịch ở Lào Cai. Không trông chờ vào hỗ trợ, họ đã bắt nhịp với xu hướng của dòng chảy cuộc sống để phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần giảm bớt khó khăn trong mùa dịch./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tập đoàn VNPT tăng trưởng 7% năm 2024
    Năm 2024, mặc dù thị trường viễn thông - công nghệ thông tin gặp khá nhiều khó khăn, song với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, Tập đoàn VNPT vẫn giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, tối ưu chi phí, để doanh thu, lợi nhuận toàn Tập đoàn được duy trì và tăng trưởng so với cùng kỳ.
  • Zalo đã có hơn 17.000 tài khoản chính thức của cơ quan nhà nước, đơn vị tiện ích
    Tính đến hết năm 2024, có tổng cộng 17.273 tài khoản chính thức của các cơ quan nhà nước và đơn vị tiện ích (trường học, y tế…) đã được thiết lập và định danh trên nền tảng Zalo, phủ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. ‏
  • ‏FPT nhận chứng nhận CREST, củng cố vị thế dẫn đầu dịch vụ SOC‏
    Mới đây, FPT chính thức đạt chứng nhận quốc tế CREST cho dịch vụ giám sát và ứng cứu sự cố an toàn thông tin 24/7 (dịch vụ SOC), khẳng định cam kết của FPT với khách hàng về chất lượng dịch vụ an toàn thông tin đạt chuẩn thế giới.‏
  • Hướng tới vinh danh các "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2024
    Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" là giải thưởng vinh danh những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
  • 5,5 tỷ người trên thế giới sử dụng Internet
    Theo báo cáo mang tên “Thực tế và Con số 2024” của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2024 đã có thêm 227 triệu người được tiếp cận Internet, nâng tổng số người sử dụng Internet lên 5,5 tỷ người, chiếm 68% dân số toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Bà con dân tộc Tây Bắc ứng dụng công nghệ làm du lịch online
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO