Bắc Giang lan tỏa các mô hình học tập

Đỗ Thêu| 08/10/2022 19:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Phong trào xây dựng "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập" và "Đơn vị học tập" đã có sức lan toả rộng rãi, tạo nền tảng phát huy công tác khuyến học ở cơ sở, xây dựng xã hội học tập, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua, học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời trong cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động và các tầng lớp Nhân dân thông qua việc triển khai hiệu quả, nhân rộng các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập"; UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% cán bộ và hội viên của Hội Khuyến học tỉnh được học tập quán triệt các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và các mô hình học tập suốt đời giai đoạn 2021 - 2025.

70% gia đình được công nhận đạt danh hiệu "Gia đình học tập"; 65% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu "Dòng họ học tập"; 

65% cộng đồng (thôn, tổ dân phố và tương đương) được công nhận đạt danh hiệu "Cộng đồng học tập"; 80% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã được công nhận đạt danh hiệu "Đơn vị học tập"; 40% người lao động trong "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập","Cộng đồng học tập", 60% CBCCVC, người lao động trong "Đơn vị học tập" trên địa bàn cấp xã đạt danh hiệu "Công dân học tập". 

Phấn đấu 100% Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội Khuyến học cấp xã tham gia quản lý Trung tâm học tập cộng đồng; 40% cán bộ làm công tác khuyến học cấp xã tham gia tổ chức các hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng và được bồi dưỡng, tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật. 

Mục tiêu đến năm 2030: 100% cán bộ, hội viên Hội Khuyến học các cấp tỉnh Bắc Giang được học tập, quán triệt các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhất là những vấn đề về xã hội học tập bền vững và những xu thế phát triển các mô hình học tập giai đoạn 2026 - 2030 ở trong nước và thế giới; 

Nâng cao chất lượng các mô hình học tập, phấn đấu 85% gia đình được công nhận đạt danh hiệu "Gia đình học tập"; 84% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu "Dòng họ học tập"; 80% cộng đồng (thôn bản, tổ dân phố và tương đương) được công nhận đạt danh hiệu "Cộng đồng học tập"; 92% các tổ chức, cơ quan, trường học, DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã được công nhận đạt danh hiệu "Đơn vị học tập". 

60% người lao động trong "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập","Cộng đồng học tập", 80% CBCCVC trong "Đơn vị học tập" trên địa bàn cấp xã đạt danh hiệu "Công dân học tập"; 70% cán bộ làm công tác khuyến học cấp xã tham gia tổ chức các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng và được bồi dưỡng, tập huấn về ứng dụng CNTT để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật. 

Bắc Giang: Lan tỏa mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” - Ảnh 2.

Nhờ phát huy tốt phong trào khuyến học, nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường

Để phong trào này được lan tỏa đến các địa phương trong tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Hội Khuyến học tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Hội Khuyến học các cấp phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo và các ban, ngành, đoàn thể liên quan để xét chọn, đề nghị UBND các cấp khen thưởng các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập" và "Đơn vị học tập" xuất sắc, tiêu biểu. 

 Có được những kết quả như hôm nay cũng xuất phát từ sự động viên, hướng dẫn, ủng hộ và kêu gọi các tổ chức, cá nhân làm từ thiện đã giúp được nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt yên tâm đến trường. Và đặc biệt là nhận thức của người dân khi gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn quyết tâm cho con em mình ăn học để họ mong rằng các con sẽ thoát nghèo, sẽ không phải vất vả như cha mẹ của chúng nữa. mCụ thể như gia đình ông Nguyễn Văn Mộc, xã Tiên Sơn (Việt Yên), ông Đỗ Văn Ngôn, thị trấn Nếnh (Việt Yên) và dòng họ Trần Hữu, thị trấn Nếnh (Việt Yên)… 

Tại các địa phương trong tỉnh, Hội Khuyến học phường, xã cũng đã xây dựng những mô hình hiếu học tiêu biểu như: Ở xã Bắc Lũng (Lục Nam) Hội Khuyến học xã Bắc Lũng đã làm rất tốt mô hình "Tiếng loa học bài"; xã Tân Thịnh (Lạng Giang); xã Hoàng Ninh (Việt Yên); xã Trù Hựu (Lục Ngạn), xã Đại Lâm (Lạng Giang)…/.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang lan tỏa các mô hình học tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO