Truyền thông

Bác Hồ đã quan tâm đến công tác PCCC như thế nào?

Ngọc Anh 18/12/2023 08:19

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự ra đời của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cả nước khi ngày 4/6/1961, Người ký Lệnh số 53-LCT, công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy.

Thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ chiến sỹ.
Thư của Bác Hồ gửi cán bộ chiến sĩ PCCC Công an Hà Nội.

Bác chúc các chú thất nghiệp

Ngày 1/1/1955, trong buổi lễ mít tinh chào mừng Đảng và Chính phủ sau 9 năm kháng chiến trở về Thủ đô, Đội Cứu hỏa gồm 7 người do chiến sĩ Lục Văn Giỏi làm chỉ huy tham gia bảo vệ lễ đài trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Sau cuộc mít tinh, Bác đã đi từ lễ đài xuống, ân cần bắt tay từng người trong Đội Cứu hỏa và chúc: “Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp!”.

Tất cả đều ngỡ ngàng và thấm thía trước lời chúc đặc biệt của Bác dành cho Đội Cứu hỏa mùa Xuân năm ấy. Khác với lời chúc Tết truyền thống theo thông lệ về một năm mới an vui, mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng, đắc lộc, đắc tài, công ăn việc làm phát triển thì Bác lại chúc “thất nghiệp”.

Lời chúc vui vẻ, hóm hỉnh của Bác nhân dịp đầu Xuân năm ấy ngắn gọn mà sâu sắc, hàm chứa tất cả tình cảm yêu thương, trìu mến, lời dặn dò ân cần, sự động viên khích lệ và cũng là mục tiêu giao nhiệm vụ mà Người tin tưởng giao phó đối với lực lượng Công an trong công tác PCCC vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Huy hiệu Bác Hồ dành cho các chiến sĩ PCCC

Kỷ niệm thứ hai của Người đối với lực lượng Cảnh sát PCCC là chuyện về cái bể nước trong Phủ Chủ tịch và trách nhiệm công dân trong công tác PCCC của người đứng đầu đất nước.

Năm 1958, Phủ Chủ tịch có một bể nước cần phá đi để đảm bảo yêu cầu công tác. Khi được xin ý kiến chỉ đạo, Bác yêu cầu phải hỏi ý kiến các đồng chí làm công tác PCCC. Người cẩn trọng và tinh tế trong từng chi tiết nhỏ với vai trò và trách nhiệm của một công dân đối với công tác PCCC chứ không đứng trên cương vị Chủ tịch nước để giải quyết mọi tình huống liên quan đến công tác PCCC đặt ra.

Vào cuối năm 1959, Bác Hồ đã đề nghị và được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để Người tặng thưởng huy hiệu mang tên “Huy hiệu Bác Hồ” đối với những gương làm việc tốt mà Bác đọc được trên báo chí.

Đối với mỗi người dân Việt Nam, sự kiện được Bác Hồ trao tặng Huy hiệu là niềm vinh dự lớn lao đặc biệt. Người lính PCCC nhận được vinh dự trên là ông Hồ Bá Thọ – Phó Phòng Cảnh sát PCCC – Công an Quảng Bình.

Đầu năm 1965 đến 8/1965, ông Hồ Bá Thọ được phân công phụ trách Đội PCCC thuộc Phòng Cảnh sát nhân dân, Ty Công an tỉnh Quảng Bình. Ông đã cùng 3 chiến sỹ xây dựng được 21 Đội Chữa cháy nghĩa vụ gồm 600 người. Bản thân trực tiếp tham gia cứu chữa 8 vụ cháy.

Cũng trong năm 1965, khi địch đánh vào thị xã Đồng Hới, ông Thọ đã dũng cảm lao vào đào bới hầm sập đưa 14 người ra ngoài. Một bà mẹ bị lửa vây kín không ra ngoài được, ông đã nhanh trí lấy nước dội ướt người mình và xông vào bế xốc bà cụ ra.

Được giao nhiệm vụ bảo vệ nhân dân đi sơ tán khỏi vùng đánh phá ác liệt của địch, Hồ Bá Thọ đã tổ chức đưa các cháu bé, các cụ già đi ra khu vực an toàn chu đáo. Đọc được bài viết về tấm gương dũng cảm của người chiến sĩ cảnh sát Hồ Bá Thọ trên Báo Công an nhân dân số 462 ra ngày 27/5/1969, Bác Hồ đã gửi tặng thưởng Huy hiệu của Người.

Trong những năm kháng chiến ác liệt, Huy hiệu Bác trao là động lực để người chiến sỹ Hồ Bá Thọ kiên trung không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ngày 25/8/1970, ông Hồ Bá Thọ được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau này, khi Bác đã đi xa, Huy hiệu của Người tiếp tục được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng thưởng cho nhiều cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC có thành tích xuất sắc trong chiến đấu để tạo nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh lập nhiều chiến công mới.

Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ cho chiến sĩ Đoàn Trung Hưng – Phòng Cảnh sát PCCC Quảng Bình; chiến sĩ Nguyễn Văn Nhân thuộc Đội Cao điểm Trần Quang Khải, PCCC Hà Nội; chiến sĩ Nguyễn Văn Miện thuộc Đội PCCC Lộc Hà, PCCC Hà Nội; chiến sĩ Đỗ Văn Sơn thuộc Đội PCCC Phan Chu Trinh, PCCC Hà Nội…

Huy hiệu Bác Hồ là phần thưởng cao quý không chỉ mang ý nghĩa minh chứng cho những chiến công thành tích mà quan trọng hơn là nguồn động viên mạnh mẽ để các chiến sỹ PCCC sống, chiến đấu, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Chuyến "vi hành" xông đất gia đình chiến sĩ cảnh sát PCCC

Tượng đài Công an nhân dân - ảnh: Cấn Dũng.

Vinh dự nhất có lẽ là gia đình người lính chữa cháy Trương Từ Thức được Người “xông đất” đêm Giao thừa năm Canh Tý (1960). Chuyến “vi hành” đặc biệt của vị Chủ tịch nước đêm Giao thừa năm Canh Tý (1960) là niềm xúc động và vinh dự lớn lao không chỉ với đối với chiến sĩ Trương Từ Thức mà còn đối với lực lượng Cảnh sát PCCC từ những tình cảm mà Người lặng lẽ dành cho mỗi cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng.

Tết năm Canh Tý (1960), giữa đêm mưa phùn và giá lạnh, Người đã đến thăm và chúc Tết gia đình chiến sĩ cảnh sát Trương Từ Thức – Đội trưởng Đội PCCC Hà Nội lúc bấy giờ. Không “trống giong cờ mở” như bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào khác, chuyến “vi hành” của Người lặng lẽ trong mưa phùn và gió lạnh cùng một vài đồng chí trong đoàn cùng đi.

Trước phút Giao thừa, nghe tiếng gõ cửa, gia đình người lính Trương Từ Thức mở cửa mới biết là Bác đến “xông đất”, chúc mừng năm mới. Niềm vui, niềm xúc động trước sự quan tâm đặc biệt của Người là động lực thúc đẩy lực lượng PCCC không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bác sửa cụm từ "phòng hoả, cứu hoả" thành "phòng cháy chữa cháy"

Bằng sự hóm hỉnh, tinh tế, sâu sắc của một nhà hiền triết phương Đông, Bác cẩn trọng trong từng ngôn từ, câu chữ liên quan đến công tác PCCC. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 53/SL ban hành “Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác phòng cháy chữa cháy”. Sắc lệnh đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà thông qua ngày 27/9/1961.

Đây là mốc son đánh dấu thời điểm lực lượng Cảnh sát PCCC chính thức được thành lập. Trong Pháp lệnh, Người đã sửa cụm từ “phòng hỏa, cứu hỏa” thành “phòng cháy, chữa cháy”. Bác không chỉ tinh tế trong việc sử dụng ngôn từ chính xác mà còn khéo léo trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

thumb_660_094f3b6c-a36c-4cfc-9867-0c064dc8e021-1-.jpg
Bác Hồ luôn dành nhiều tình cảm với lực lượng bảo vệ an ninh trật tự. Ảnh minh họa.

Khó có thể nói hết tình cảm của Bác đối với lực lượng Cảnh sát PCCC, những yêu thương, trân trọng mà Người đặc biệt ưu ái đối với lực lượng này. Giữa bộn bề lo toan vận mệnh đất nước, trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ cam go, khốc liệt, Bác vẫn dõi theo từng bước đi của lực lượng Cảnh sát PCCC.

Đội PCCC Hòn Gai vừa dập tắt lửa trên 4 chiếc sà lan chở dầu bị máy bay địch bắn cháy tại Vịnh Hạ Long được ít ngày, mặc dù Bộ Công an và Công an tỉnh Quảng Ninh đều chưa báo cáo thành tích và đề nghị khen thưởng nhưng Bác theo dõi qua báo, đài thấy lực lượng PCCC làm tốt nhiệm vụ nên Người đã gửi tặng Bằng khen. Ngày 01/01/1967, Đội PCCC thị xã Hòn Gai được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 5 chiến sĩ trong đội cũng được khen thưởng kịp thời.

Khi đọc tờ trình, Bác Hồ bảo, Hòn Gai nằm bên bờ Vịnh Hạ Long vừa xinh đẹp, vừa anh hùng, nơi ấy, ngày 05/8/1964, quân và dân ta đã đánh thắng trận đầu, bắn cháy máy bay Mỹ, tên giặc lái Mỹ đầu tiên Anvaret bị bắt sống trên miền Bắc, sao không gọi là Đội PCCC Hạ Long? Đội PCCC thị xã Hòn Gai đã được Bác Hồ đổi tên là Đội PCCC Hạ Long, từ đó và sau này là lực lượng nòng cốt của Cảnh sát PCCC Quảng Ninh.

Bốn điều Bác Hồ dặn trong lá thư khen cảnh sát PCCC công an Hà Nội

Năm 1966, Cảnh sát PCCC, Công an Hà Nội đã dũng cảm, gan dạ và sáng tạo lập chiến công xuất sắc trong khi chữa cháy thành công kho xăng Đức Giang bị trúng bom giặc. Ngay sau khi biết tin về chiến công của lực lượng Cảnh sát PCCC – Công an Hà Nội, ngày 03/08/1966, Bác đã gửi thư khen ngợi. Trong bức thư năm ấy, Người căn dặn lực lượng Cảnh sát PCCC 4 điều:

“… Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn.

Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân.

Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy, chữa cháy.

Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí….”

Lời chúc Tết của Bác ngày 01/01/1955 "Bác chúc các chú thất nghiệp" và 4 điều Bác căn dặn lực lượng Cảnh sát năm 1966 đã luôn được lực lượng Cảnh sát PCCC khắc ghi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác chính sách cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy khi ký các lệnh quan trọng: Lệnh số 17-LCT, ngày 5/4/1963, công bố Pháp lệnh quy định cơ quan phụ trách quản lý công tác phòng cháy và chữa cháy; chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan phòng cháy và chữa cháy;

Lệnh số 103-LCT, ngày 29/11/1965, thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cho Đội phòng cháy và chữa cháy thuộc Ty Công an Nghệ An và Đội Công an thị trấn Hồ Xá thuộc khu vực Vĩnh Linh đã lập thành tích xuất sắc trong các trận chiến đấu chống máy bay Mỹ ngày 8/2 và những ngày 10, 11 và 12/5/1965;

Lệnh số 112-LCT, ngày 23/12/1966, thưởng 4 Huân chương Chiến công cho 2 đơn vị và 2 chiến sĩ công an đã dũng cảm bảo vệ tài sản Nhà nước và nhân dân trong các trận chiến đấu tháng 4 và tháng 8/1966; truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba cho đồng chí Trần Thị Phương, thuộc Đội phòng cháy, chữa cháy phố Nam Dân, xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Bài liên quan
  • Triển lãm sách, tư liệu ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nam
    Tối ngày 18/5/2022, tại Khu lưu niệm Cát Tường, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam long trọng tổ chức khai mạc, trưng bày sách, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và chương trình nghệ thuật “Bài ca dâng Bác” chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác, 64 năm Bác Hồ về thăm Bình Lục.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bác Hồ đã quan tâm đến công tác PCCC như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO