Theo đó, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu trong năm 2020, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử; 100% dịch vụ công (DVC) được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp (DN); 100% cán bộ cơ quan các cấp sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ và phần mềm quản lý văn bản điều hành…
Mục đích của Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các CQNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; tăng cường công khai, minh bạch hoạt động của các CQNN trên môi trường mạng. Đồng thời, nhằm phát triển nguồn nhân lực CNTT; hình thành các khu, cụm công nghiệp CNTT, khu công nghệ cao; qua đó, phấn đấu đưa ngành công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai ứng dụng CNTT công bố công khai kết quả giải quyết TTHC. Trong đó, ứng dụng công nghệ di động được chú trọng trong tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, phục vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; Cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3,4; Tích hợp Cổng thanh toán trực tuyến, Cổng DVC quốc gia và các giải pháp xác thực điện tử tập trung; Từng bước số hóa các kết quả giải quyết TTHC.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quan trọng có nhu cầu tích hợp, chia sẻ, sử dụng cao. Từng bước chuẩn hóa dữ liệu các ngành, tích hợp để hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh phục vụ cho phát triển chính quyền điện tử và thành phố thông minh.
Ngoài ra, trong hoạt động nội bộ, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh sử dụng ứng dụng đã triển khai hiệu quả như: Hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử, Cổng thông tin điện tử, Cổng DVC trực tuyến, chữ ký số… bảo đảm an toàn thông tin, hạn chế thấp nhất việc sử dụng và gửi văn bản giấy.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan, đơn vị cần chú trọng đầu tư, nâng cấp, thay thế các thiết bị mạng, thiết bị ngoại vi không đáp ứng yêu cầu công việc, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và có sự kết nối đồng bộ. Đồng thời, mở rộng hệ thống camera giám sát, camera giao thông tại trụ sở các CQNN, các điểm di tích lịch sử, điểm nút giao thông, tập trung đông người, trường học, bệnh viện… nhằm bảo đảm công tác an ninh trật tự trên địa bàn.
Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan tiếp tục triển khai chứng thư số và tích hợp chữ ký số vào các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; mở rộng triển khai ứng dụng chữ ký số trên các nền tảng di động để thuận lợi cho người sử dụng. Đồng thời, các cơ quan thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo về ứng dụng CNTT, an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức.