Truyền thông

Bắc Ninh: Phát huy truyền thống hiếu học trên vùng đất khoa bảng

Đỗ Thêu 12:58 24/06/2024

Bắc Ninh (thuộc vùng Kinh Bắc xưa) là vùng đất địa linh, nhân kiệt và truyền thống hiếu học. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử thời phong kiến Việt Nam, gần như cuộc thi nào, những sĩ tử nơi đây cũng có tên trên các bảng vàng khoa cử với các thứ hạng cao nhất...

Bắc Ninh là nơi hội tụ đủ các yếu tốt về thiên thời, địa lợi, nhân hòa để từ đó trở thành vùng đất hiếu học, khoa bảng từ thời cha ông, truyền thống đó luôn được hun đúc qua nhiều thế hệ. Cùng với lịch sử, ở mỗi thời kỳ công tác giáo dục, đào tạo có những đặc điểm khác nhau nhưng luôn luôn được quan tâm, phát triển. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được tỉnh triển khai thực hiện rất hiệu quả và đạt được nhiều thành tựu lớn. Trong thời kỳ đổi mới, nền giáo dục Bắc Ninh lại càng khẳng định được vị thế của một tỉnh có nền giáo dục nằm trong tốp đầu của cả nước. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, mặc dù còn một số ít các hạn chế, khó khăn nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương; sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, trách nhiệm các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là sự vận dụng linh hoạt, nhạy bén của cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên trong tỉnh, ngành giáo dục Bắc Ninh tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ, nổi bật.

Học sinh Trường THCS Song Liễu, thị xã Thuận Thành dâng hương tại Văn Miếu Bắc Ninh, đây là nơi tôn thờ Đức Khổng Tử, Tứ Phối và các vị đại khoa.

Ông Nguyễn Thế Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết để tiếp nối truyền thống hiếu học, khoa bảng những năm qua tỉnh Bắc Ninh đã chủ động cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW bằng các cơ chế, chính sách đồng bộ, luôn chú trọng quan tâm, chăm lo đến công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh, kịp thời đưa ra những quyết sách đúng trọng tâm, trọng điểm nhằm khích lệ vai trò của các thầy cô giáo và tinh thần hiếu học của các em học sinh.

Từ những quyết tâm trên, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai những việc làm cụ thể: Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học, chăm sóc sức khỏe cho học sinh ở tất các cấp bậc học trên toàn tỉnh; Chất lượng đội ngũ các cấp học tiếp tục được nâng lên với tỷ lệ 96,7% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn; Trình độ trên chuẩn đạt 40,6%, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và triển khai, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Tuyên truyền, giáo dục, đào tạo theo kế hoạch nhiệm vụ năm học, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 87-NQ/TU ngày 15/3/2023 của Tỉnh uỷ về xây dựng “Tỉnh An toàn giao thông”; Đẩy mạnh việc thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, tiếp tục duy trì các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã; Nâng cao chất lượng xây dựng văn hóa học đường thông qua việc ban hành Đề án “Tư vấn học đường trong trường phổ giai đoạn 2022 - 2025” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh...

Những năm gần đây, nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ, chuyển đổi số trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, Bắc Ninh đã và đang áp dụng các giải pháp số hóa, tích cực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập đã tạo chuyển biến rõ nét, tích cực về chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn. Chuyển đổi số trong giáo dục đã có một bước tiến dài, hướng đến mục tiêu “Việt Nam tiên phong và trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong chuyển đổi số về giáo dục và đào tạo”. Nếu như thời gian trước, công tác quản lý trong giáo dục chủ yếu thông qua hồ sơ, sổ sách là chính, thì giờ đây, việc quản lý hồ sơ, sổ sách của cán bộ, giáo viên đã được đơn giản hóa bằng công nghệ thông tin. Các dữ liệu của ngành giáo dục tất cả đã được cập nhật vào hệ thống phần mềm giúp cho cán bộ quản lý tiện lợi mà không rườm rà về mặt sổ sách. Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục cũng tạo ra những thay đổi đột phá, tạo điều kiện cho việc phát triển nhiều phương pháp giảng dạy và học tập thông minh, tiện lợi.

Kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã đặt ra mục tiêu phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, Bắc Ninh phấn đấu 80% đến năm 2025 và 100% đến năm 2030 nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số; Phấn đấu 90% đến năm 2025 và 100% đến năm 2030 nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo phát triển học liệu số.

Cô Bùi Thị Bình - giáo viên tại Trường THCS Ninh Xá (thị xã Thuận Thành) cho biết: “Ứng dụng công nghệ thời 4.0 đã giúp cho giờ giảng bài thêm sinh động, tôi thường khai thác thêm các hình ảnh, thông tin trên internet kết hợp với phương pháp giảng dạy truyền thống. Từ đó, những giờ học đã trở nên hào hứng, hấp dẫn hơn, các em mạnh dạn, tự tin khi thể hiện năng lực của mình. Ngoài ra, thông qua các hoạt động kết nối, hoạt động nhóm, học sinh cũng đã có cơ hội phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc tiếp thu kiến thức”.

Tiết học được kết nối trực tuyến đến điểm cầu Nhà trưng bày di sản văn hóa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ

Những thành tựu trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo ở Bắc Ninh không thể thiếu vai trò của Hội khuyến học ở các địa phương và của mỗi dòng họ. Dòng họ Nguyễn Đăng ở thôn Hoài Thượng, xã Liên Bão (huyện Tiên Du) thời xưa có 91 người đỗ đạt, làm quan … Tiêu biểu như Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo: Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo; Tiến sĩ, Tế tửu Nguyễn Đăng Minh; Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuân... Truyền thống hiếu học từ dòng họ này sau lan tỏa đến các dòng họ, được người dân trong thôn phát huy cho đến tận ngày nay.

Để giữ gìn truyền thống hiếu học, thúc đẩy học sinh đạt được thành tích trong học tập, từ lâu thôn Hoài Thượng quan tâm đến giáo dục, thành lập Ban khuyến học để triển khai các hoạt động khuyến học, khuyến tài. Hàng ngày, vào lúc 19 giờ, loa phát thanh của thôn sẽ phát đi Tiếng trống khuyến học để các gia đình nhắc nhở con em, học sinh ngồi vào bàn học tập. Cán bộ thôn, các đoàn thể cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, đề nghị đội ngũ giáo viên đang sinh sống tại thôn quan tâm, chăm lo cho học sinh. Các gia đình luôn động viên, đầu tư cho con cái học hành. Quỹ khuyến học khuyến tài của thôn và các dòng họ luôn nhận được sự ủng hộ của nhiều mạnh thường quân và người dân. Hằng năm có trao thưởng cho giáo viên, học sinh đạt thành tích trong học tập tốt, các cháu đỗ vào các trường Đại học.

Ông Nguyễn Cao Thiện, Trưởng thôn Hoài Thượng cho biết: “Các giáo viên, học sinh đạt thành tích xuất sắc sẽ được tuyên dương trên hệ thống loa truyền thanh của thôn trước ngày trao thưởng. Trung bình mỗi năm, Quỹ Khuyến học, khuyến tài của thôn thu được khoảng 20 triệu đồng, trong đó 15-17 triệu trao thưởng, số tiền còn lại sẽ để giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong năm học.

Hiện nay, gần như mỗi xã của tỉnh Bắc Ninh đều có từ 1 câu lạc bộ hoặc 1 dòng họ khuyến học trở lên. Sự quan tâm và động viên kịp thời bằng cả tinh thần và vật chất của các tổ chức khuyến học đã góp phần không nhỏ đưa sự nghiệp giáo dục của tỉnh lên những tầm cao mới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắc Ninh: Phát huy truyền thống hiếu học trên vùng đất khoa bảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO