Bài học từ Trung Quốc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam

Gia Bảo| 06/04/2019 20:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Hệ sinh thái khởi nghiệp thịnh vượng của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Nhưng cho đến nay, hầu hết các công ty công nghệ hàng đầu đã nhân bản thành công các công ty ở nơi khác thay vì tạo ra một thứ gì đó đặc trưng cho văn hóa và xã hội Việt Nam. Tiki là Amazon của Việt Nam, Foody là Meituan và VNG là Tencent.

Kết quả hình ảnh cho Why the next wave of Vietnamese startups won’t be clones

Việc nhân bản không hẳn là không tốt. Trên thực tế, các công ty đã mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội Việt Nam. Ngày nay, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn: họ có thể đặt vé máy bay và phòng khách sạn một cách thuận tiện, đặt mua quần áo và các loại hàng hóa khác, đặt xe trên điện thoại và hàng loạt các dịch vụ khác.

Các công ty công nghệ này đang làm cho Việt Nam trở nên năng động hơn, dễ tiếp cận hơn và cởi mở hơn. Nhưng tất cả chỉ là sự khởi đầu.

Nhờ các công ty này, Việt Nam đã sẵn sàng cho làn sóng tiếp theo, nơi các doanh nhân tìm hiểu văn hóa địa phương và bắt đầu tạo ra các công ty khởi nghiệp để giải quyết các vấn đề của riêng Việt Nam.

Công nghệ được đo ni đóng giày cho các nền kinh tế đang phát triển

Tại sao các chuyên gia chắc chắn rằng làn sóng này sẽ phát triển tại Việt Nam? Bởi vì nó đã xảy ra ở các nền kinh tế đang phát triển khác.

Lấy Trung Quốc làm ví dụ. Các công ty internet đầu tiên cũng có các bản sao: Google, Twitter và Amazon được nhân bản thành Yahoo, Sina và Alibaba. Đổi lại, họ mở đường cho làn sóng tiếp theo: các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với người tiêu dùng Trung Quốc, sinh ra từ các điều kiện dành riêng cho Trung Quốc.

Chẳng hạn, trong khi các ứng dụng phát trực tiếp như Periscope và Meercat không quá thành công tại Mỹ, các ứng dụng tương tự của Trung Quốc lại thăng hoa, với doanh thu ước tính khoảng 4,4 tỷ USD vào năm 2018.

Các doanh nhân đã nhìn thấy cơ hội vàng tại Trung Quốc.

Peng T. Ong tại Monk’s Hill Ventures, đã đầu tư sớm vào YY, một trong những ứng dụng phát trực tiếp (livestream) lớn nhất tại Trung Quốc. Tất nhiên, ông hiểu rằng các dịch vụ tương tự đã không thành công ở Mỹ, nhưng ông cũng biết rằng Trung Quốc đã và đang rất khác biệt. Ông đã đặt cược rằng Trung Quốc hoàn toàn phù hợp với các dịch vụ phát trực tiếp, khác hoàn toàn so với nước Mỹ.

Các doanh nhân tài năng đã tìm thấy cơ hội vàng tại Trung Quốc - một quốc gia có số lượng người trẻ tuổi độc thân ngày càng đông đảo, bị kìm kẹp bởi các luật lệ truyền thống. Các doanh nhân đã nhìn thấy Trung Quốc là nơi mà các dịch vụ phát trực tiếp sẽ phát triển - ngay cả khi người dân tại Trung Quốc còn chưa biết điều đó.

Ở Trung Quốc, rất nhiều người trưởng thành dưới 40 tuổi là con một - nhờ chính sách chỉ sinh một con của đất nước - và nhiều người đang rời khỏi quê nhà để làm việc tại các thành phố lớn. Các dịch vụ phát trực tiếp tạo ra một cách hoàn toàn mới để kết nối và giải trí. Người độc thân không còn bị cô lập hay cảm thấy cô đơn.

Peng T. Ong cũng biết rằng để dịch vụ livestream có thể phát triển, nó phải thu hút được những người sáng tạo cũng như người tiêu dùng. YY và các công ty tương tự đã tiên phong xây dựng mô hình kinh doanh để giải quyết vấn đề này. Trên thực tế, trở thành một livestreamer (người phát trực tiếp) có thể kiếm được nhiều tiền hơn nhiều công việc khác.

Một livestreamer được Wall Street Journal phỏng vấn vào năm 2016 đã kiếm được thu nhập gấp hơn 10 lần thu nhập trung bình của người dân thành phố cô đang sống. Ngày nay, việc livestream đã tạo ra một loại công việc hoàn toàn mới, giúp hàng ngàn người có thêm thu nhập - và đảm bảo rằng người dùng sẽ có nhiều livestreamer để tương tác.

Kết quả của tất cả sự đổi mới này là gì? Trung Quốc hiện có số lượng các công ty kỳ lân (các công ty được định giá trên 1 tỷ đô la) lớn nhất bên ngoài Hoa Kỳ, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trên thực tế, Trung Quốc đang trên đường trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Những vấn đề mà các công ty khởi nghiệp độc đáo của Việt Nam có thể giải quyết?

Bài học ở đây là: bối cảnh văn hóa có sức mạnh cực kỳ to lớn. Các doanh nhân có thể giải quyết các vấn đề bản địa quan trọng sẽ mở khóa sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững.

Vậy, những sản phẩm hay dịch vụ nào sẽ cộng hưởng với người dân Việt Nam theo cách livestream cộng hưởng với người dân Trung Quốc? Ứng dụng nào sẽ tạo ra các loại công việc mới, đưa hàng ngàn và thậm chí hàng triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu?

Câu trả lời vẫn còn được bỏ ngỏ. Nhưng chắc chắn sẽ có những sản phẩm và dịch vụ như vậy. Các chuyên gia và những doanh nhân đã nhận thấy các khu vực rõ ràng, nơi công nghệ có thể cung cấp các giải pháp độc đáo dành riêng cho Việt Nam.

Hiện nay, hầu hết các công ty khởi nghiệp công nghệ đều nhắm đến tầng lớp trung lưu đang lên tại các thành phố lớn của Việt Nam. Điều đó không phải là không tốt. Nhưng theo số liệu của Ngân hàng thế giới, khoảng 65% dân số Việt Nam vẫn sinh sống tại các vùng nông thôn. Đây là một thị trường mới khổng lồ, và đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia nghĩ rằng nông thôn Việt Nam có thể trở thành tâm điểm của sự bùng nổ tiếp theo và giúp thay đổi cuộc sống.

Chỉ cần nhìn vào tác động mà Uber và các ứng dụng đặt xe tương tự đã ảnh hưởng đến các thành phố lớn như New York và Singapore. Trong một số phương diện, các ứng dụng này đóng vai trò như Robin Hoods của ngành vận chuyển, lấy tiền từ các công ty taxi lớn và đặt nó vào tay của những đối tượng nhỏ bé - những người lái xe độc ​​lập.

Điều gì sẽ xảy ra nếu các doanh nhân có thể làm điều tương tự cho những người nông dân Việt Nam? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ tìm cách tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho những người nông dân nghèo ở nông thôn, mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho người nông dân thay vì chảy vào túi của các nhà chế biến thực phẩm? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ tạo ra các công nghệ cho phép trẻ em ở thành phố duy trì sự hiện diện trong cuộc sống của cha mẹ ở nông thôn?

Dù là giải pháp nào, sẽ đều có những thách thức - từ sự phân rã và hiểu biết hạn chế về công nghệ, đến vấn đề truy cập băng rộng. Nhưng các doanh nhân tài năng sẽ coi thách thức là cơ hội. Họ sẽ tìm giải pháp cho những vấn đề lớn.

Jeff Bezos của Amazon và Jack Ma của Alibaba sẽ không thể thành công chỉ bằng cách suy nghĩ nhỏ và giải quyết các thị trường rõ ràng trước mặt họ. Thay vào đó, họ có tầm nhìn bao quát, rộng lớn để thay đổi cuộc sống của người dân. Sau đó, họ làm việc không mệt mỏi để thực hiện những tầm nhìn đó.

Vì vậy, nếu thiếu cơ sở hạ tầng để tiếp cận người dân tại nông thôn, có lẽ đó chính là cơ hội - giống như cách Amazon xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần có khả năng giao hàng trong cùng ngày ở hầu hết mọi địa điểm tại Hoa Kỳ.

Có rất nhiều khả năng mà những doanh nhân bên ngoài Việt Nam không thể nhận thấy. Và phần thưởng tiềm năng sẽ là rất lớn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bài học từ Trung Quốc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO