Bài toán thu hẹp khoảng cách số tại ASEAN

TH| 09/02/2018 09:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách số thực sự đã trở thành một ưu tiên hàng đầu đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi đây là một thách thức không nhỏ với cả ASEAN cũng như nhiều nước thành viên trong việc phát triển nền kinh tế số.

ASEAN và bài toán thu hẹp khoảng cách số

Với khoảng 80% dân số sử dụng Internet và trên 100% sở hữu điện thoại di động, người dân ASEAN gần như đã sẵn sàng để tham gia nền kinh tế số mới.

Ở cấp quốc gia và chính quyền các địa phương, rõ ràng đều có sự quan tâm tới phát triển kinh tế số. Cụ thể, ngày 3/11/2017, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã phát động một dự án thương mại điện tử với tập đoàn Alibaba của Trung Quốc, dự án có tên là Khu vực Thương mại Tự do số (DFTZ), kết hợp cả các không gian ảo và thực. DFTZ gắn liền với Hệ thống Thương mại điện tử của chủ tịch Alibaba Jack Ma, một nỗ lực giảm bớt rào cản và đơn giản hóa quy định, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mua bán hàng trực tuyến. Trong khi đó, Thái Lan xây dựng một kế hoạch chiến lược nhiều năm để phát triển năng lực số trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, còn Indonesia lại tập trung vào việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ số hóa các hoạt động của họ. Singapore cũng có sáng kiến Thành phố thông minh của riêng mình. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng số.

Những năm qua, không chỉ là tổ chức khu vực thành công, ASEAN còn là khu vực phát triển kinh tế năng động trên thế giới với nhiều quốc gia trong Hiệp hội luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Với tổng số khoảng 600 triệu dân, ASEAN hiện đã trở thành một trung tâm thương mại quan trọng trong bản đồ kinh tế toàn cầu, là nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới và thứ 3 châu Á với GDP đạt 2.550 tỷ USD năm 2016.

Dù vậy, ASEAN vẫn đang phải đứng trước những thách thức lớn về thu hẹp khoảng cách số trong từng quốc gia thành viên cũng như giữa các nước thành viên với nhau. Như được chỉ ra trong Báo cáo Phát triển thế giới năm 2016 của Ngân hàng Thế giới (WDR), điều này có thể được thấy rõ qua độ sẵn sàng của hạ tầng Internet và trong việc áp dụng các công nghệ số.

Tính đến cuối năm 2015, số người dùng Internet trên 100 dân đạt khoảng 70 đến 80 đối với các quốc gia gồm Singapore, Malaysia và Brunei. Campuchia và Lào có mật độ người dùng Internet dưới 20%. Cụ thể, chỉ có khoảng 25% các công ty Lào sử dụng e-mail trong hoạt động kinh doanh, thấp hơn nhiều so với con số 80% của Philippines và 90% của Việt Nam.

Việc áp dụng các công nghệ số trong những hệ thống cung cấp dịch vụ công cũng không đồng đều giữa các quốc gia ASEAN với những tác động lớn đối với nền kinh tế của họ. Ví dụ, việc triển khai thủ tục hải quan điện tử một cửa, hay thường được gọi là hệ thống thông tin một cửa quốc gia (National Single Window) vẫn là vấn đề lớn đối với nhiều quốc gia thành viên ASEAN. Cụ thể, thường phải mất 6 đến 10 ngày để xuất khẩu sản phẩm từ Singapore hoặc Malaysia, trong khi phải mất tới 20 ngày để xuất khẩu sản phẩm từ các nước ASEAN kém phát triển khác. Chi phí cho xuất khẩu cũng khác nhau. Chi phí này xấp xỉ 2.000 USD (2.635 đô la Singapore) để vận chuyển 1 container ra khỏi Lào, trong khi đó ở Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia chi phí này chỉ dưới 600 USD.

Do đó, để ASEAN có thể khai thác được đẩy đủ những lợi ích mà các công nghệ mang lại trong tương lai, vấn đề về khoảng cách số cần được giải quyết sớm.

Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra những vấn đề khác đòi hỏi chính phủ các nước ASEAN cần quan tâm, chú ý, đó là các quy định và tiêu chuẩn để các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường số, những kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế mới và các tổ chức hỗ trợ.

Dẫn chứng về vấn đề này có thể xem xét một chỉ số cho hoạt động đổi mới là chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của một quốc gia. Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy ngoại trừ Singapore, còn đối với hầu hết các nước ASEAN chi tiêu cho R&D vẫn còn khá thấp.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiện đang trở thành mối quan tâm lớn hiện nay của nhiều quốc gia thành viên ASEAN khi các vấn đề liên quan tới việc trộm cắp công nghệ và các sản phẩm giả mạo đang gia tăng trong khu vực.

Cuối cùng, việc thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề, được đào tạo cũng là một trong những thách thức đối với tất cả các nền kinh tế ASEAN. Trong khi, các quốc gia như Singapore hay Malaysia được coi là dẫn đầu về các chỉ số giáo dục so với Philippines, Việt Nam và Myanmar nhưng hiện vẫn không có đủ nguồn nhân lực có kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế số mới. Mặt khác, tất cả các quốc gia ASEAN còn gặp khó khăn trong cạnh tranh khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia vốn đã có lợi thế về các dịch vụ công nghệ thông tin và nhân lực có tay nghề.

Các nhân viên của một trung tâm chăm sóc khách hàng tại Manila, Philippines

Ví dụ, Philippines, một quốc gia đi đầu trong khu vực ASEAN về mức tăng trưởng trong lĩnh vực gia công quy trình nghiệp vụ (BPO), hiện đang phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ và Trung Quốc khi quá trình chuyển đổi BPO từ con người đến công nghệ  phụ thuộc ngày càng nhiều vào phân tích và trí tuệ nhân tạo. Nếu không phát triển được lực lượng lao động có các kỹ năng công nghệ tương tự như những đối thủ của mình, có thể ASEAN sẽ bị mất dần thị phần trong cuộc đua này trong những năm tới.

Những sáng kiến từ Singapore

Trong Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và chuyển giao Chủ tịch luân phiên ASEAN 2018 ở Manila (Philippines), Singapore cho biết sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế và tăng cường kết nối khu vực, góp phần làm cho ASEAN trở nên thịnh vượng và tăng cường khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, Singapore sẽ tìm ra những phương pháp sáng tạo trong quản lý và khai thác công nghệ số, nâng cao kỹ năng và năng lực cho người dân nhằm dần thích ứng với nền kinh tế số.

Với cương vị là Chủ tịch ASEAN 2018, Singapore đã lựa chọn thời điểm thích hợp để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số trong khu vực với việc đề xuất ba sáng kiến đó là: Dự thảo các quy định về quản lý thương mại điện tử, thực thi Hệ thống thông tin một cửa ASEAN (ASEAN Single Window) đối với thương mại trong khu vực và phát triển một mạng lưới các thành phố thông minh trong khu vực.

Mặc dù, các nước ASEAN đã sớm nhất trí theo đuổi một số sáng kiến khu vực như xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT và kinh doanh các sản phẩm CNTT, tuy nhiên vẫn cần thực hiện nhiều việc hơn nữa ở cấp quốc gia và khu vực.

Việc thiếu cơ sở hạ tầng xuyên biên giới, đặc biệt là đường cao tốc, mạng lưới đường sắt, kho vận và kho lưu trữ, cần được giải quyết sớm nếu không sẽ cản trở sự phát triển của các hoạt động thương mại điện tử. Và vấn đề quan trọng nhất là việc đào tạo nhân lực có tay nghề và trình độ cần thiết, qua đó giúp ASEAN thu hút vốn đầu tư và tạo thêm việc làm cho hàng triệu người dân trong những năm tới.

Rõ ràng, nền kinh tế số toàn cầu đang tạo ra những thay đổi to lớn và nhanh chóng. Do đó, các quốc gia ASEAN cần có những chính sách và hành động hơn nữa để xóa bỏ khoảng cách số, đồng thời nâng cao vị thế của mình trên thị trường quốc tế nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bài toán thu hẹp khoảng cách số tại ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO