Cuốn sách hữu ích cho giáo dục và tâm lý học hiện đại
Cuốn sách “Lev Vygotsky: Tương tác xã hội - văn hóa trong giáo dục” nằm trong Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm của Nhà xuất bản Tri thức không chỉ là bản phê bình ngắn gọn về cuộc đời và sự nghiệp của Vygotsky trong bối cảnh chính trị và biến động xã hội thời bấy giờ, mà còn phân tích hướng nghiên cứu xuyên văn hóa và ứng dụng những ý tưởng của ông vào giáo dục hiện đại.
Những tư tưởng mới trong tâm lý học giáo dục
Tâm lý học là một ngành khoa học nhân văn có vai trò thiết yếu trong đời sống hiện đại, đặc biệt trong giai đoạn thế giới có nhiều biến động và đổi thay liên tục như hiện nay. Tại Việt Nam, tâm lý học đang ngày càng được quan tâm và phát triển, cả trong giới học thuật lẫn trong thực tiễn giáo dục, kinh doanh và đời sống.
Trong quá trình này, việc dịch và giới thiệu các công trình kinh điển cũng như ứng dụng của tâm lý học thế giới - đặc biệt từ các quốc gia có nền khoa học xã hội phát triển - đóng vai trò quan trọng.

Cuốn sách “Lev Vygotsky: Tương tác xã hội - văn hóa trong giáo dục” không chỉ là bản phê bình ngắn gọn về cuộc đời và sự nghiệp của Vygotsky (nhà tâm lý học vĩ đại người Nga thế kỷ XX) trong bối cảnh chính trị và biến động xã hội thời bấy giờ, mà còn phân tích hướng nghiên cứu xuyên văn hóa và ứng dụng những ý tưởng của ông vào giáo dục hiện đại.
Tác giả René Van Der Veer cũng có những diễn giải riêng về Vygotsky với tư cách là người đóng góp đặc biệt cho giáo dục nhưng cũng có những điểm chưa tiến bộ. Qua đó, ông kết luận rằng ưu điểm của di sản Vygotsky nằm ở tính gợi mở và chờ được hoàn thiện.
Trong tập sách mới này, góc nhìn tuyến tính của Van Der Veer đi từ tiểu sử của Vygotsky (Chương 1), khai phá những bài viết thời trẻ của ông (ít được biết đến hơn ở phương Tây) (Chương 2), điều tra nguồn gốc của thuyết lịch sử - văn hóa của Vygotsky (Chương 3), đặc biệt chú ý đến khái niệm vùng phát triển gần nhất (VPTGN) (Chương 4), giới thiệu ý tưởng của Vygotsky về tâm lý học văn hóa (Chương 5) và kết thúc bằng một tóm tắt về ảnh hưởng của Vygotsky đến tâm lý học hiện đại (Chương 6).
Cuốn sách của Van Der Veer là một bản thống kê có nhiều giá trị về công trình của Vygotsky và rất hữu ích không chỉ với các nhà sử học của môn tâm lý học và giáo dục mà còn có ích cho sinh viên, các nhà nghiên cứu và người thực hành trong cả hai lĩnh vực.
Vygotsky là một gương mặt quan trọng của lịch sử hàn lâm Nga nên đây không phải là cuốn sách đầu tiên về ông. Nhiều tác giả Nga như Andrey Brushlinsky, Alexandr Etkind, Valery Petukhov, Andrey Puzyrey,... đã viết về Vykotsky. Những tác giả đó thường viết bằng tiếng Nga, khó đến được các nhà tâm lý học và các nhà giáo dục học phương Tây. Đó cũng là lý do khiến cuốn sách của Van Der Veer có tầm quan trọng đặc biệt - nó nối liền quan điểm Nga và phương Tây về Vygotsky và những sáng tạo của ông.
Cần phân biệt những từ ngữ thông dụng trong đời thường với thuật ngữ chuyên ngành tâm lý học
Khi dịch cuốn “Lev Vygotsky: Tương tác xã hội - văn hoá trong giáo dục”, dịch giả Hoàng Hưng cho biết ông vốn là một người ngoại đạo với tâm lý học nhưng vì công việc của nhóm Cánh Buồm và nhà giáo Phạm Toàn, ông “sẵn sàng liều mình vừa dịch vừa học” suốt hơn một chục năm qua. Trong quá trình ấy, Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm do ông chủ trì đã giới thiệu tới độc giả 13 cuốn sách. Tủ sách tự xác định cho mình sứ mệnh giới thiệu đến độc giả Việt Nam những tác phẩm kinh điển của tâm lý học giáo dục thế giới.

Dịch giả Hoàng Hưng cũng bày tỏ cần có sự phân biệt những từ ngữ thông dụng trong đời thường với thuật ngữ chuyên ngành tâm lý học. Ông chia sẻ về những bất cập của việc dịch sách tâm lý học, đặc biệt là các các thuật ngữ tâm lý học: nhiều thuật ngữ tâm lý học phổ biến nhưng không chuẩn nội hàm, lấy thuật ngữ chuyên ngành khác và không hệ thống; những ý niệm, khái niệm Âu Mỹ có nhưng chưa có thuật ngữ tiếng Việt người dịch phải tự đặt (nhất là thuật ngữ chuyên biệt của tác giả sách gốc).
Ông lưu ý cần phân biệt giữa thuật ngữ tâm lý học nói riêng, các thuật ngữ khoa học nói chung với ngôn ngữ đời thường. Điều này sẽ giúp ta tránh những hiểu lầm, hiểu sai, những tranh cãi không đáng có khi trao đổi; giúp cho học thuật phát triển.
Tiếp lời dịch giả Hoàng Hưng, ông Phan Phương Đạt chia sẻ về việc tổ chức sinh hoạt của nhóm dịch sách Tâm lý, nhu cầu thống nhất các thuật ngữ. Ông đề xuất dịch giả Hoàng Hưng đưa các thuật ngữ tâm lý học đã dịch lên diễn đàn dịch sách tâm lý để các thành viên trao đổi, bàn luận và sử dụng, lan toả. Điều này sẽ giúp các thuật ngữ thực sự có đất sống.
Tiến sĩ Đào Thu Hồng - người đang hiệu đính bản dịch “Ngôn ngữ và tư duy” của Vygotsky cho Times, chia sẻ về sự khác biệt khi dịch từ bản dịch tiếng Anh sang tiếng Việt và dịch từ bản gốc tiếng Nga sang tiếng Việt. Trong bản dịch tiếng Anh, các dịch giả khẳng định họ dịch cuốn sách này dựa trên quan điểm riêng - nên không lấy tên gốc tiếng Nga. Ban biên tập có thể đưa ra quan điểm của ban tiên tập tiếng Việt.
Nhà giáo Vũ Thế Khôi chia sẻ về quá trình ông chủ động tìm hiểu và ứng dụng tâm lý học Vygosky trong giảng dạy, biên soạn giáo trình… Ông đánh giá cao việc dịch cuốn “lev Vygotsky: Tương tác xã hội-văn hoá trong giáo dục”. Theo ông, đây là cầu nối giúp người đọc tiếp cận Vygotsky thuận lợi hơn. Đọc cuốn này sẽ giúp bạn hiểu hơn về Vygotsky, từ đó dễ dàng đọc hiểu các cuốn do chính Vygotsky chắp bút./.
Tính đến tháng 7/2025, Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm đã có 13 tác phẩm:
1. Sự ra đời trí khôn ở trẻ em - Jean Piaget (Hoàng Hưng dịch).
2. Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em - Jean Piaget (Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Hưng dịch).
3. Sự xây dựng cái thực ở trẻ - Jean Piaget (Hoàng Hưng dịch).
4. Cơ cấu trí khôn - Howard Gardner (Phạm Toàn dịch).
5. Trí khôn phi học đường - Howard Gardner (Phạm Anh Tuấn dịch).
6. Trí khôn sáng tạo - Howard Gardner (Hoàng Hưng dịch).
7. Chân, Thiện, Mỹ trong tầm nhìn đương đại - Howard Gardner (Hiếu Tân dịch).
8. Các lý thuyết về học tập cho tuổi thơ - Colette Gray, Sean McBlain (Hiếu Tân dịch).
9. Những thế giới trong tâm trí - Jerome Bruner (Hoàng Hưng dịch).
10. Sổ tay dịch thuật Tâm lý học (Hoàng Hưng chủ biên).
11. Luyện trí năng cho học sinh - Mike Gershon (Nguyễn Thị Phương, Lê Hà Mai Trang dịch).
12. Thuật ngữ tâm lí học Anh - Việt - Đức - Pháp (Hoàng Hưng chủ biên, Nguyễn Viết Dũng).
13. Lev Vygotsky: Tương tác xã hội - văn hoá trong giáo dục - René Van Der Veer (Nguyễn Viết Dũng, Hoàng Hưng dịch).