Bản lĩnh và Trí tuệ Việt Nam

Xuân Tuấn| 31/08/2021 12:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới, Việt Nam vẫn ghi dấu ấn mạnh mẽ, vừa là "ngọn hải đăng" trong chống dịch và "điểm sáng" trong tăng trưởng kinh tế; vừa đóng góp chủ động, tích cực hợp tác, chia sẻ cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch cũng như hoàn thành tốt các nhiệm vụ quốc tế, góp phần củng cố hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Những thành tích đạt được của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Bản lĩnh và Trí tuệ Việt Nam - Ảnh 1.

Các hiệp định thương mại đi vào thực thi đã giống như các tuyến cao tốc rộng mở, nối gần doanh nghiệp Việt với thế giới. Ảnh: Thanh Hải

Biến khủng hoảng thành cơ hội

Năm 2020, trước những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, nhất là các lực lượng tiền phương chống dịch, như: Y tế, Quân đội, Công an, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông... và các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, cùng cả nước đoàn kết, đồng lòng, chung tay hành động, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Nhờ đó, trong khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ kịp thời nhiều nước trong phòng chống dịch. 

Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ, vừa là "ngọn hải đăng" trong chống dịch và "điểm sáng" trong tăng trưởng kinh tế. Có được kết quả đó là nhờ sự chủ động, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng như sự đoàn kết thống nhất của toàn dân. Đặc biệt, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": Vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội (KT-XH), bảo đảm đời sống Nhân dân.

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao và cho rằng Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Thành công này một lần nữa khẳng định sự quyết tâm cao, ý chí thống nhất, hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; đồng thời thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc; củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị và bản chất tốt đẹp của Việt Nam; hơn thế nữa, tạo môi trường an toàn để cả nước tập trung phục hồi và phát triển các hoạt động KT-XH, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. 

Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2020 và 5 năm 2016-2020, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm vẫn đạt 2,91%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. 

Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự báo GDP Việt Nam năm 2020 ước đạt 340,6 tỷ USD, Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực Đông Nam Á); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Tăng trưởng từng bước chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ…, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt cao nhất trong lịch sử, tăng 1,7 lần (từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên 516,6 tỷ USD năm 2020). Năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 vẫn đạt 543,9 tỷ USD; xuất siêu 5 năm liên tiếp, năm 2020 ước đạt 19,1 tỷ USD; thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, trở thành một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế... 

Cùng với đó, tiềm lực khoa học và công nghệ được tăng cường. Công nghệ hiện đại được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực; đã nghiên cứu, phát triển thành công một số công cụ, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia có bước phát triển. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. 

Đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chính sách đối với người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện, đời sống người có công được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ gần 10% năm 2015 xuống dưới 3% năm 2020. Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam có những chuyển biến tích cực; các giá trị tốt đẹp của dân tộc được phát huy. Chỉ số phát triển con người (HDI) được cải thiện, Việt Nam thuộc nhóm nước có mức phát triển con người cao của thế giới, xếp hạng 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ (năm 2019). 

Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện. Tập trung thực hiện đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông đi vào nền nếp, chất lượng giải quyết hồ sơ có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt trên 97%. Tinh thần khởi nghiệp lan toả rộng rãi; các mô hình kinh doanh mới và phong trào đổi mới, sáng tạo được đẩy mạnh. Mỗi năm có trên 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân tăng hơn 1,8 lần so với năm 2015. 

Đi liền đó là quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, toàn diện, đồng bộ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam đã ký kết và triển khai hiệu quả nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Đồng thời, đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực. Việc có quan hệ FTA với các nền kinh tế lớn và phát triển tại các khu vực địa lý khác nhau đã giúp Việt Nam đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại và có được cơ cấu thị trường hợp lý hơn, không quá phụ thuộc vào một khu vực thị trường nào. 

Các hiệp định thương mại đi vào thực thi đã giống như các "tuyến cao tốc" rộng mở, nối gần doanh nghiệp Việt với thế giới. Đây là minh chứng cho các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy sự ổn định cũng như tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Uy tín, vai trò, vị thế của Việt Nam, vì thế cũng tăng lên rõ rệt trên trường quốc tế.

Bản lĩnh và Trí tuệ Việt Nam - Ảnh 2.

Tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 – 2020 (Nguồn:GSO)

Phân tích kết quả phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, 5 năm qua là 5 năm thành công về phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong 5 năm qua, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ. Trong đó, kinh tế tư nhân dần trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp đến 40% tổng GDP. Đây là sự phát triển đúng hướng, tạo đà cho nền kinh tế đi vào quỹ đạo tăng trưởng phát triển. Cũng trong 5 năm qua, nhất là năm 2020, việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào nền kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đây được xem là động lực trong thời cơ mới, giúp nền kinh tế tăng trưởng, năng suất lao động cao. 

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, kết quả phát triển KTXH 5 năm 2016-2020 là những con số biết nói, thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị, không phải trong một sớm một chiều. Những thành tích đạt được của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. 

Thành quả tiếp tục được khẳng định

Bước sang năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, bức tranh KT-XH Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021, Chính phủ nhận định, trong 6 tháng qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong bối cảnh cơ hội, thuận lợi cũng lớn nhưng khó khăn, thử thách nhiều hơn. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ cuối tháng 4, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hầu hết các lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển KT-XH. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; chiến lược tiêm chủng vắc xin được chỉ đạo triển khai quyết liệt. 

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%). Lạm phát ở mức thấp; chỉ số CPI bình quân 6 tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đạt 3,69%, cao nhất trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 316 tỷ đô la, trong đó xuất khẩu ước đạt 157,63 tỷ đô la, tăng 28,4%. 

Có được kết quả này, tiếp tục khẳng định sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. Đặc biệt, đã chứng minh quyết tâm thức hiện "mục tiêu kép": Vừa quyết liệt phòng chống dịch vừa tập trung phục hồi và phát triển KT-XH, bảo đảm đời sống Nhân dân của Chính phủ cùng các bộ, ngành là kịp thời, đúng đắn.

Trong bài trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ về tình hình kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021, TS.Trần Du Lịch - Chuyên gia kinh tế cho biết, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 5,64%, trong đó, Quý II có tốc độ khá hơn, ước đạt 6,61%. "Trong tình hình hiện nay, nhất là đợt dịch bệnh thứ 4 bùng phát tác động rất lớn không chỉ đối với ngành dịch vụ mà còn đến cả hoạt động sản xuất thì kết quả tăng trưởng như vậy là rất thành công. Thành quả được đền đáp xứng đáng với sự kiên trì thực hiện mục tiêu kép trong thời gian dài của Việt Nam". 

Theo TS.Trần Du Lịch: Trong tình hình mới, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 63, tiếp tục kiên trì với "mục tiêu kép", ưu tiên chống dịch nhưng phải phục hồi sản xuất. Trong đó, vấn đề chống dịch được nhấn mạnh, chống dịch phải tương ứng với mức độ của dịch bệnh mà không làm thái quá, không tràn lan gây ảnh hưởng tới sản xuất. Nguyên tắc là chống dịch nhưng phải chú ý đến phát triển kinh tế, hài hòa trong cách làm, không cực đoan nhưng không lơ là, chủ quan. Mặt khác, Chính phủ đồng thời chuyển hướng trong chỉ đạo từ "phòng ngự sang tấn công", trong đó vũ khí quan trọng nhất là nỗ lực đẩy nhanh tiêm vắc xin, sớm tiến tới miễn dịch cộng đồng. "Tôi tin rằng, nếu triển khai có hiệu quả Nghị quyết 63, mục tiêu tăng trưởng cho cả năm rất khả quan".

“Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Như vậy có thể khẳng định, sau 5 năm, Việt Nam đã đạt được nhiều dấu ấn tích cực khi rất thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, phục hồi, phát triển KT-XH, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Đặc biệt với Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020 đã khẳng định tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay". Những thành công đó không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả tổng hợp và thước đo hiệu quả khả năng tự chủ, tự cường, phản ứng chính sách và phản ứng thị trường đồng bộ cùng một quá trình phấn đấu lâu dài, không ngừng nghỉ của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, cũng như toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. 

Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao 

"Câu chuyện huyền thoại," "ngôi sao đang lên" "nền kinh tế sáng giá nhất châu Á"... là những cụm từ được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá về thành tựu phát triển kinh tế Việt Nam gần đây. Việt Nam đang được xem là thành công của thế giới khi tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong tốp đầu suốt thập niên vừa qua. Vì thế, uy tín, vai trò, vị thế của Việt Nam cũng tăng lên rõ rệt trên trường quốc tế. 

IMF đánh giá năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN... Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018; năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018. 

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2010-2020, Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tăng từ 0,66 lên 0,69. Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập. Trong "bầu trời u ám" kinh tế thế giới năm 2020 do đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn nổi lên như một điểm sáng đáng ghi nhận và tự hào. Không chỉ đạt được kết quả gần như "độc nhất vô nhị" trong kiểm soát khủng hoảng COVID-19, Việt Nam còn đạt được những thành tựu ấn tượng về phát triển KT-XH, nâng cao uy tín và vị thế quốc gia.

Bản lĩnh và Trí tuệ Việt Nam - Ảnh 4.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt cao nhất trong lịch sử, tăng 1,7 lần (từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên 516,6 tỷ USD năm 2020). Ảnh: Thanh Hải

Ở góc nhìn khác, năm 2020, nhiều bài viết xuất hiện trên báo chí, truyền thông quốc tế, đã đưa ra hàng loạt đánh giá, nhận định để lý giải cho thành công của Việt Nam trong thực hiện "mục tiêu kép". "COVID-19: Ngoại lệ Việt Nam", "Việt Nam - Điều thần kỳ mới của châu Á?" - đó là tiêu đề hai bài viết, một trên báo Les Echos của Pháp, một trên tờ New York Times của Mỹ... 

Tạp chí The Economist tháng 8/2020 xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của WB, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016- 2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Năm 2020, dưới tác động của đại dịch COVID-19 như một phép thử khắc nghiệt nhất kể từ Thế chiến II, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt "mục tiêu kép", Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá.

Giới chuyên gia đều chung nhận định bài học trước tiên là Chính phủ Việt Nam đã phản ứng mau lẹ, dứt khoát, nhanh chóng, kịp thời, quyết liệt, chủ động với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và những biện pháp đồng bộ, linh hoạt. Như tổng kết của hãng tin Sputnik (Nga) thì bí quyết căn bản là "Chính phủ Việt Nam đã kịp thời đề ra chiến lược quốc gia về đấu tranh chống dịch bệnh và tổ chức thực hiện chính xác chiến lược đó". 

Trong khi đó, theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) được hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance công bố, nhờ công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19, với ước tính 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới mất 13.100 tỷ USD trong năm nay, giảm từ 98.000 tỷ USD năm 2019 xuống còn 84.900 tỷ USD. Cụ thể, hãng định giá thương hiệu của Anh nhận định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% so với năm ngoái, lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

“Trong 5 năm qua (2016 - 2020), nhất là năm 2020, việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào nền kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đây được xem là động lực trong thời cơ mới, giúp nền kinh tế tăng trưởng, năng suất lao động cao”

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế

Những thành quả chống dịch ấn tượng năm 2020, cùng những nỗ lực và giải pháp kiên trì trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh nhiều năm qua đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu cho hoạt động sản xuất, và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư. "Kiểm soát tốt khủng hoảng COVID-19 chính là công cụ quảng bá tốt nhất cho Việt Nam, là cách để khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài chuyển hoạt động sản xuất từ các nước khác, nơi các nhà máy của họ vẫn bị đóng cửa, sang Việt Nam, qua đó góp phần đem lại kết quả xuất khẩu vững chắc", WB nhận định. 

Theo Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, những phản ứng nhanh chóng, hệ thống truy vết rộng khắp, và truyền thông hiệu quả của Chính phủ cũng như sự tuân thủ của cộng đồng đã giúp Việt Nam giảm thiểu thiệt hại từ loại virus chết người. Đại dịch đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế số của Việt Nam nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Các trường học và công sở trên khắp đất nước đã chuyển sang sử dụng các giải pháp trực tuyến, và các đơn đặt hàng trực tuyến cũng tăng gấp 10 lần trong thời gian giãn cách xã hội. Những tổ chức và doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ mới tỏ ra thích ứng tốt hơn với đại dịch.

“Kiểm soát tốt khủng hoảng COVID-19 chính là công cụ quảng bá tốt nhất cho Việt Nam, là cách để khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài chuyển hoạt động sản xuất từ các nước khác, nơi các nhà máy của họ vẫn bị đóng cửa, sang Việt Nam, qua đó góp phần đem lại kết quả xuất khẩu vững chắc”

WB

Khép lại năm 2020 dư luận quốc tế cho rằng "Việt Nam đã biến khủng hoảng thành cơ hội thành công", giới chuyên gia đều lạc quan cho rằng với kinh nghiệm chống dịch của năm 2020, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển, và điều này tiếp tục được minh chứng bởi sự phát triển KT-XH trong 6 tháng đầu năm 2021. Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) nhận định, trong bối cảnh thế giới trải qua một năm đầy thách thức và biến động do đại dịch COVID-19, chính những thành quả ấn tượng mà Việt Nam đạt được trong thực hiện "mục tiêu kép" ở trong nước và đóng góp hiệu quả trên trường quốc tế đã giúp Việt Nam nâng tầm vị thế, tạo được niềm tin trong khu vực và toàn cầu, một lần nữa khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo của Chính phủ, 2020, Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; Dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 – 2025. Truy cập tại http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban/baocaochinhphu/ chitietbaocao?categoryId=100003930&articleId=10060791

2. Tổng Cục Thống kê, 2021, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2021. Truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thongke/2021/06/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-ii-va-6-thang-dau-nam-2021/

3. Văn phòng Chính phủ, 2021, Thông cáo báo chí Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021.

4. https://daihoidang.vn/thanh-tuu-kinh-te-giai-doan-20162020-co-do-moi-tiemluc-moi/1193.vnp 3.

5. http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Dat-ket-qua-doc-nhat-vo-nhi-Viet-Nam-bienkhung-hoang-thanh-co-hoi/417938.vgp

6. https://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/an-tuong-viet-nam-2020-trongmat-ban-be-quoc-te-n20210117075220040.htm

7. https://nhandan.vn/baothoinay-kinhte/thuc-hien-thanh-cong-muc-tieu-kep-639872/

8. https://vtv.vn/chinh-tri/nhiem-ky-2016-2020-viet-nam-dat-nhieu-thanh-tuukinh-te-dac-biet-nang-cao-vi-the-dat-nuoc-20210113014845886.htm

9. http://consosukien.vn/kinh-te-xa-hoi-viet-nam-dau-an-5-nam.htm

10. https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/bao-chi-tiep-tuc-truyen-cam-hungtao-suc-manh-cho-dat-nuoc-tiep-tuc-phat-trien-573997.ht

Bài viết đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT Kỷ niệm 76 năm quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 -2/9/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bản lĩnh và Trí tuệ Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO