Bản Mường khởi sắc vì làm du lịch và nuôi cá lồng bè

Duy Phạm| 31/08/2020 16:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Con đường dẫn đến bản Ba Khan - Suối Lốn, Sơn Thủy hôm nay đều đã được trải bê tông sạch đẹp; rất nhiều ngôi nhà gạch, nhà sàn gỗ mới được xây dựng khang trang nhưng bà con dân tộc Mường nơi đây vẫn không quên trân trọng và gìn giữ những nếp nhà sàn truyền thống gắn với bao thế hệ của dân tộc mình.

Mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi

Nói đến Ba Khan - Suối Lốn, chắc hẳn ít người biết đến vì nó nằm ở một thung lũng dường như tách biệt dù chỉ cách Hà Nội chừng 150 cây số. Thật không uổng phí khi chọn nơi đây bắt đầu cho hành trình khám phá Tây Bắc.

Bắt đầu từ chân đèo Thung Khe, chạy dọc theo cung đường uốn lượn ôm sát sườn núi, chìm đắm vào không gian trong lành, yên tĩnh của những bản làng còn nguyên sơ quay mặt ôm trọn lòng hồ sông Đà. Đó chính là Ba Khan - Suối Lốn. Ba Khan – Suối Lốn hiện lên như một bức tranh thủy mặc, núi non ôm ấp.

Bản Mường khởi sắc vì làm du lịch và nuôi cá lồng bè - Ảnh 1.

Non nước mây trời tạo nên vẻ đẹp hữu tình nơi đây. (Ảnh: L.H)

Bản Suối Lốn nằm dưới chân thung lũng, sát gần về phía hồ thủy điện, thả bộ qua con đường dốc quanh co và những mái nhà lẩn khuất trong rừng tre, ta không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh trời nước bao la hiện ra trước mắt  hòa quyện với cuộc sống con người thân thương bình dị nơi bản Mường.

Đến Suối Lốn, ta không thể không dừng chân ngắm thác Gò Lao như một dải lụa vắt qua vách núi đang ngày đêm đổ những dòng nước trắng xóa xuống lòng hồ, tạo nên vẻ đẹp hiếm có nơi đây. Thác Gò Lào được tạo bởi hai con suối Thung Cang và Phiên Xa. Thời gian phù hợp nhất để đến đây là vào mùa khô, thác bớt xiết để ta có thể vào chân thác bơi lội hoặc cùng nhau thư giãn trò chuyện trên những tảng đá được bào nhẵn.

Bản Mường khởi sắc vì làm du lịch và nuôi cá lồng bè - Ảnh 2.

Thác Gò Lao như dải lụa trắng trải trên màu xanh núi rừng (Ảnh: L.H).

Từ bến nước Suối Lốn, du khách có thể thuê một chiếc thuyền lớn khám phá lòng hồ thủy điện lúc chiều buông giữa núi non trùng điệp, tận hưởng vẻ đẹp của những tia nắng huyền ảo cuối ngày hoặc dành những phút giây riêng có bên nhau trên chiếc Kayak mang lại cảm xúc tuyệt vời.

Đi qua mọi khám phá, du khách càng không thể bỏ qua những món ăn mang bản sắc Suối Lốn. Bữa cơm tối muộn với cá sông Đà nướng, thịt gác bếp, gà luộc củi lửa… chấm muối hạt dổi mắc khén thơm nức và cùng nhau nhâm nhi chén rượu nếp cẩm đậm đà của người Mường, cảm giác thư thái nhẹ nhàng lan tỏa trong không gian núi rừng yên ả. Một cuộc sống độc đáo mà chỉ khi trải nghiệm mới có thể cảm nhận được hết sự thú vị nơi đây.

Những người dân chịu thương chịu khó

Bản Suối Lốn từng là một trong 14 bản nghèo của xã Sơn Thủy, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Bà con dân tộc nơi đây chủ yếu là người dân tộc Mường, số ít là Thái, Dao, Kinh. Bản có 50 hộ, sinh sống bằng nghề làm nông nghiệp và tận dụng lòng hồ nuôi trồng thủy sản.

Ông Đinh Quang Thái, dáng người nhỏ nhắn, nước da bánh mật tươi tắn, nay đã 60 tuổi nhưng cứ thoăn thoắt đưa chúng tôi đi giới thiệu những công trình của gia đình ông gây dựng. Ông tự hào được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Ba Khan - Suối Lốn. Năm 19 tuổi, chàng thanh niên dân tộc Mường nhập ngũ tại Trung đoàn 600 Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. 24 tuổi, ông xin rời quân ngũ về xây dựng quê hương, lập gia đình với bà Bùi Thị Thị.

Bản Mường khởi sắc vì làm du lịch và nuôi cá lồng bè - Ảnh 3.

Ông Đinh Quang Thái đưa khách đi tham quan lòng hồ thủy điện. (Ảnh: L.H)

Vợ chồng ông tần tảo sớm hôm lên nương làm rẫy, đánh bắt tôm cá dưới lòng hồ thủy điện nhưng vẫn không đủ cho cuộc sống hai vợ chồng với 3 người con trai. Gia đình ông cũng từng thuộc hộ nghèo, đất đai không có nhưng ông nói rằng không thể để cái nghèo nghèo mãi.

Năm 2014, Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 13/6/2014 của BTV Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình về phát triển nghề nuôi cá lồng đã làm thay đổi cuộc sống người dân vùng lòng hồ. Theo Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh, mỗi hộ gia đình ở xã Sơn Thủy được hỗ trợ số tiền trị giá bằng một nửa lồng cá, mỗi lồng cá 25 triệu, số vốn được hỗ trợ không phải hoàn lại. Ông Thái  nhận số tiền hỗ trợ và mạnh dạn vay thêm vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mai Châu để nuôi 2 lồng cá. Nhưng chỉ trong vòng một năm rưỡi, ông đã bán hết chỗ cá thu về 200 triệu, trả hết nợ cho ngân hàng và  đóng được một chiếc tàu chở khách tham quan lòng hồ.

Vẫn chưa hết trăn trở về việc phát triển kinh tế gia đình, ông muốn gây dựng cho các con mỗi người một cơ ngơi để yên tâm tuổi già. Lúc đầu mô hình nhà bè của ông được đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, nhưng mới đây ông đã kêu gọi bạn bè đầu tư thêm vốn. Ông tiếp tục mở rộng mô hình nhà bè, ngoài nuôi 50 lồng cá với 20 tấn cá thu được rồi ếch và các loại gia cầm, ông còn kinh doanh thêm nhà hàng ăn uống và phòng nghỉ lưu trú phục vụ khách du lịch ngay tại nhà bè, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình nhưng năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 nên nguồn thu cũng bị sụt giảm nhiều.

Không chỉ vậy, ông Thái còn vừa gây dựng xong một cơ ngơi nhà sàn hai tầng hoàn toàn bằng gỗ trị giá khoảng 300 triệu đồng đang chuẩn bị làm homstay đón khách du lịch mùa tới, sau khi ông cùng bà con trong bản được chuyển sang khu tái định cư do mảnh đất sát hồ của các gia đình bị sạt lở.

Cười xởi lởi trong câu chuyện kể về những việc gia đình ông đã thoát nghèo nhờ những chính sách ưu đãi của Nhà nước, ông Thái cho biết, hiện ở bản Suối Lốn của ông đã có tới 2/10 số hộ đầu tư đóng thuyền chở khách du lịch lòng hồ và có tới 6 – 7 homstay mang lại thu nhập ổn định mỗi năm khoảng 200 triệu đồng; các hộ khác thì tích cực nuôi cá lồng bè đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình. Số hộ nghèo và cận nghèo của Bản Suối Lốn đến nay giảm xuống chỉ còn 20%.

Suối Lốn chỉ là bản nhỏ nhưng người dân nơi đây đã biết tập trung vào thế mạnh để phát triển du lịch và phát triển nghề nuôi cá lồng mang lại cuộc sống ấm no hơn và diện mạo mới cho địa phương nơi đây.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bản Mường khởi sắc vì làm du lịch và nuôi cá lồng bè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO