Tăng năng suất lao động dựa vào các giải pháp nội tại
Cần phát động phong trào tăng năng suất trong tất cả các khu vực của nền kinh tế; chọn một số lĩnh vực (may mặc, sản xuất máy móc thiết bị, điện tử), một số địa phương thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng NSLĐ, từ đó nhân rộng ra toàn nền kinh tế. Nâng cao năng suất, chất lượng thông qua ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới có điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù và văn hóa của DN Việt Nam; đẩy mạnh ứng dụng điện toán đám mây nhằm cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN…
Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tế, gắn với thị trường và thích nghi biến đổi khí hậu; Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp; Thu hút DN đầu tư vào địa bàn nông thôn để chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao hơn.
Đồng thời, tập trung phát triển sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao, tự động hóa, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động giản đơn. Đẩy mạnh phát triển ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ nhằm chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ có giá trị cao; chuyển dịch trong nội bộ ngành công nghiệp từ sản xuất dựa vào lao động sang dựa vào công nghệ, hàng hóa có giá trị gia tăng cao.
Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, liên kết với các tập đoàn nước ngoài; Tạo điều kiện cho các DN công nghệ phát triển sản phẩm mới, tham gia đấu thầu mua sắm công, tạo thị trường hỗ trợ phát triển.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư cho khoa học công nghệ; phát triển đầy đủ thị trường khoa học và công nghệ và tăng cường hiệu quả hoạt động các chợ công nghệ, chuyển giao công nghệ.
Nền kinh tế đứng vững, phát triển thành công trong xu thế vận hành của Cách mạng công nghiệp 4.0 phụ thuộc nhiều vào chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ lao động có trình độ, đổi mới sáng tạo, đưa ra ý tưởng mới. Để tăng NSLĐ cần giảm nhanh số lao động giản đơn, gia tăng số lao động có trình độ, tay nghề phù hợp bằng cách đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, dạy nghề theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế, trong đó tập trung đào tạo đội ngũ thực hành giỏi.
Làm thế nào để đổi mới sáng tạo mang lại hiệu quả tăng NSLĐ?
Việc chuyển đổi sang nền kinh tế số trong bối cảnh toàn cầu hóa đưa đến cách tiếp cận mới dựa trên đổi mới sáng tạo và công nghệ. Việc tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng thu hẹp đã trở nên không còn phù hợp.
Do đó, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng đóng góp lớn vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới sáng tạo là hiện tượng mang tính toàn diện, từ sáng chế về mặt khoa học mới nhất và những đổi mới sáng tạo mang tính bình dân hay hoạt động đổi mới sáng tạo dàn trải theo chiều ngang trong phát triển của nền kinh tế...
Đổi mới sáng tạo tạo ra giá trị mới, gia tăng giá trị lao động của con người, nhờ đó tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong ba năm liên tiếp (2019 - 2021), Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc về chỉ số đổi mới sáng tạo, là quốc gia đứng đầu nhóm 30 quốc gia có thu nhập trung bình thấp về đổi mới sáng tạo và giữ vị trí thứ 42/131 nền kinh tế được nghiên cứu, đánh giá về đổi mới sáng tạo năm 2020; vị trí thứ 44/132 nền kinh tế năm 2021, trong đó Việt Nam có vị trí cao hơn Ấn Độ (48) và Philippines (50). Trong khi các nước khác trong khu vực thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao, chỉ có chỉ số GII của Trung Quốc xếp vị trí thứ 14 trong tốp 20 quốc gia có GII cao nhất thế giới.
Theo số liệu thống kê năm 2020, chỉ số đầu vào đổi mới sáng tạo dựa theo năm chỉ số: về thể chế môi trường chính trị, pháp luật, kinh doanh, Việt Nam xếp thứ 83/131 quốc gia về đổi mới sáng tạo; về nguồn nhân lực và hoạt động nghiên cứu (giáo dục, giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ) xếp thứ 79; về kết cấu hạ tầng (công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng chung, năng lượng sinh thái) xếp vị trí thứ 73; về sự chuyên nghiệp của thị trường (tín dụng, đầu tư, thương mại và cạnh tranh) có thứ hạng cao hơn, xếp thứ 34 và chỉ số mức độ hoàn thiện của các doanh nghiệp (nhân lực tri thức, liên kết đổi mới, khả năng hấp thụ kiến thức) ở vị trí thứ 39.
Tổng thể đầu vào đổi mới sáng tạo là 62/131. Trong khi đó, chỉ số đầu ra là kết quả của các hoạt động đổi mới của Việt Nam được đánh giá khá cao với vị trí xếp hạng lần lượt là 37 về kết quả khoa học (tài sản vô hình, hàng hóa, dịch vụ sáng tạo, sáng tạo trực tuyến) và thứ 38 về thành quả sáng tạo tri thức, công nghệ (sáng tạo, tác động và phổ biến các tri thức).
Nhìn chung, theo đánh giá của WIPO, Việt Nam có hai năm liên tiếp đứng vị trí thứ 42 (năm 2019, 2020) và thứ 44 trong năm 2021 về đổi mới sáng tạo. Việt Nam cùng với một số quốc gia khác, như Kenya, Ấn Độ, cũng được ghi nhận là quốc gia đạt được thành tựu sáng tạo trong 10 năm liên tiếp từ 2011 - 2020, nhất là những đổi mới sáng tạo trong nhóm chỉ số về thị trường và doanh nghiệp.
Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong những nước đạt được thành tựu đổi mới vào năm 2020 ở nhóm 29 nền kinh tế có mức thu nhập trung bình. Các chuyên gia nhận định, với xuất phát điểm là các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, những kết quả mà Việt Nam, Ukraine, Philippines và Ấn Độ đạt được về đổi mới sáng tạo, đang ngày càng phát triển nhanh chóng.
Với việc tiếp tục coi đổi mới sáng tạo là một ưu tiên quốc gia, các chỉ số đổi mới sáng tạo làm công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp đầu tư nâng cao các chỉ số đổi mới, như: xây dựng 40 nền tảng công nghệ số quốc gia trên các lĩnh vực từ nền tảng chia sẻ, tổng hợp, phân tích dữ liệu trong các ngành, họp trực tuyến, thanh toán, định danh đến thiết bị Internet vạn vật (IoT), AI, trợ lý ảo, chuỗi cung ứng.
Để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã bước đầu xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo, mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước với hơn 1.000 thành viên và con số này đang tiếp tục được mở rộng.
Đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với các khu công nghệ cao được xây dựng, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo giữa các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu và thay đổi quy trình công nghệ, sản xuất, quản lý vận hành doanh nghiệp trên nền tảng số, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong tương lai.
Các biện pháp trên đã giúp Việt Nam giữ vững vị trí dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập. Đặc biệt, chỉ số về trình độ phát triển của thị trường Việt Nam tăng 12 bậc so với năm 2020, từ vị trí thứ 34 lên vị trí thứ 22. Các nhóm chỉ số về thương mại, đa dạng hóa và quy mô thị trường tăng từ vị trí thứ 49 lên vị trí thứ 15 - một sự thay đổi hết sức mạnh mẽ; hay chỉ số đa dạng hóa các ngành trong nước cũng xếp thứ hạng khá cao (9/134 nước)./.