Báo chí có sứ mệnh cung cấp tri thức cho xã hội
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã đề nghị các cơ quan báo chí, nhà báo đẩy mạnh vai trò từ cung cấp thông tin đến cung cấp tri thức.
Trước việc lừa đảo trên không gian mạng là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình và trở thành vấn đề lớn hiện nay, tại họp báo thường kỳ tháng 10/2023 của Bộ TT&TT chiều ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết vừa qua, tại Hội nghị Bộ trưởng thông tin ASEAN (AMRI) 16 được Bộ TT&TT Việt Nam đăng cai tổ chức tại Đà Nẵng, các Bộ trưởng phụ trách thông tin đều cho biết các nước trong khu vực đang gặp phải vấn đề tương tự và đều có phương án, kịch bản để hoàn thiện thể chế, hành động như Việt Nam.
Thứ trưởng cho biết khi nhiều giao dịch trong đời sống chuyển dịch lên không gian mạng, các lực lượng phạm tội cũng chuyển dịch theo, nơi thể chế có thể còn chưa đầy đủ. “Việc xác minh trên không gian mạng rất khó khăn, mất nhiều thời gian, trong khi đó, phương tiện, công nghệ dùng vào mục đích xấu, vi phạm pháp luật được các lực lượng vi phạm pháp luật cập nhật rất nhanh”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhận định.
Thứ trưởng mong muốn: “Các cơ quan báo chí cung cấp tri thức về các kỹ năng để người dân tự bảo vệ mình vì không có nỗ lực nào có thể xuể được nếu không truyền đi kịp thời tri thức để người dân nhận biết, nhận diện và tự bảo vệ mình tốt hơn”.
Thứ trưởng chia sẻ Hội nghị AMRI 16 đã truyền đi thông điệp "từ Thông tin đến Tri thức", tức là trong “suối” thông tin, báo chí có trách nhiệm phân biệt thật, giả, hữu ích nhưng cũng cần chuyển thông tin thành tri thức để trở thành kỹ năng sống, tăng cường khả năng cho người dân tự bảo vệ mình, tự bảo người thân, gọi chung là khả năng chống chịu và thích ứng.
“Các cơ quan báo chí bên cạnh nhận diện vấn đề, hỏi, tìm đến cơ quan chức năng để có được thông điệp từ các cơ quan nhà nước, thì có một không gian rộng, sứ mệnh chung là cung cấp tri thức cho xã hội trong vấn đề này”, Thứ trưởng Bộ TT&TT đề nghị.
Xu hướng thí điểm và triển khai mô hình kinh doanh mới của nền tảng xã hội xuyên biên giới
Cũng chia sẻ tại họp báo, qua các phương tiện truyền thông, trải nghiệm thực tế, Thứ trưởng cho biết một số nền tảng cung cấp dịch vụ từ trước tới nay mà gọi là mạng xã hội xuyên biên giới đang có xu hướng thí điểm và triển khai những mô hình kinh doanh mới mà ở đó người dùng vẫn sử dụng dịch vụ phải trả tiền và đổi lại không phải xem quảng cáo.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, mô hình kinh doanh dựa vào nội dung miễn phí trong đó có nhiều nội dung xấu độc, không có lợi cho trẻ em để kéo nhiều “view” từ đó kéo quảng cáo có xu hướng thoái trào do trải nghiệm người dùng không chấp nhận nữa và xu thế quảng cáo số trên mạng cũng có những biến động. Việc tìm kiếm mô hình doanh thu, trong đó có việc quay sang tìm kiếm doanh thu từ người sử dụng dịch vụ gia tăng.
YouTube hiện đã có phiên bản trả tiền và người dùng không phải xem quảng cáo. Ở một số quốc gia, người dùng đã sử dụng Facebook nhưng phải trả tiền để không phải xem quảng cáo.
Thứ trưởng nhận định đây là xu hướng chuyển dịch mới. Đồng thời, cũng có biểu hiện của việc tìm đến những loại quảng cáo những sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp để gia tăng doanh thu và rõ ràng trong tình trạng này có trách nhiệm lớn của các nền tảng xuyên biên giới.
Bộ TT&TT đang theo dõi và sẽ phối hợp với cơ quan liên quan trong vấn đề thanh toán những sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp để bảo vệ người dùng nếu như trong quá trình sử dụng dịch vụ mà phải trả tiền nhưng làm phương hại lợi ích của người tiêu dùng./.
Theo Bộ TT&TT, trong tháng 9/2023, lĩnh vực báo chí - truyền thông tiếp tục tăng cường thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới.
Lĩnh vực cũng tập trung rà soát, bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động; yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ các tài khoản, fanpage vi phạm, kênh YouTube xấu độc tại Việt Nam.
Từ ngày 15/8/2023 đến ngày 14/9/2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 364 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, gỡ 1 nhóm và 1 tài khoản giả mạo.
Google đã gỡ 380 video vi phạm trên YouTube. Ngoài ra, xóa 7 kênh có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước (chứa khoảng 23.733 video). TikTok đã chặn, gỡ bỏ 33 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực.
Mới đây, Sở TT&TT TP.HCM cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Võ Quốc (tài khoản Facebook Vo Quoc) với số tiền phạt là 7,5 triệu đồng. Ông Võ Quốc đã nhận trách nhiệm đối với bài viết trên trang Facebook Vo Quoc có nội dung xúc phạm báo chí. Ngoài việc thừa nhận hành vi vi phạm, ông Võ Quốc cũng cam kết sẽ công khai xin lỗi trên Facebook Vo Quoc và hứa không tái phạm./.