Truyền thông

5 đóng góp quan trọng của Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng thông tin ASEAN

Trường Thanh 05/10/2023 18:57

Sáng kiến của Bộ trưởng nước chủ nhà Việt Nam về Chủ đề Hội nghị Bộ trưởng thông tin ASEAN (AMRI) 16: “Truyền thông: Từ Thông tin đến Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng” được các nước đánh giá cao, là trọng tâm thảo luận tại Hội nghị.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 10/2023, chiều 5/10, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT đã thông tin về những đóng góp của Việt Nam tại AMRI 16 vừa diễn ra tại Đà Nẵng.

Theo đó, AMRI 16 có quy mô lớn nhất trong các kỳ AMRI từ trước đến nay với sự tham gia của 8 Bộ trưởng, 4 Thứ trưởng và Lãnh đạo cơ quan quản lý thông tin của 10 nước ASEAN, 3 nước đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), 1 nước quan sát viên (Timor Leste).

ong-trieu-minh-long-vu-truong-vu-hop-tac-quoc-te(1).jpg
Ông Triệu Minh Long thông tin về những đóng góp của Việt Nam tại AMRI 16

Ông Triệu Minh Long thông tin Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng sau:

Thứ nhất, Triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức thành công cả về nội dung và an ninh, lễ tân, hậu cần, được các nước đánh giá cao

Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước và tích cực, chủ động triển khai công tác tổ chức đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, phát huy vai trò, vị thế của nước chủ nhà, được đại biểu các nước đánh giá cao cả về công tác tổ chức và việc chuẩn bị các nội dung, văn kiện của Hội nghị.

Thứ hai, xác định vai trò, sứ mệnh mới, mở ra không gian mới cho lĩnh vực thông tin truyền thông trong ASEAN theo sáng kiến của Việt Nam

Sáng kiến của Bộ trưởng nước chủ nhà Việt Nam về Chủ đề AMRI 16: “Truyền thông: Từ Thông tin đến Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng” được các nước đánh giá cao, là trọng tâm thảo luận tại Hội nghị.

Qua đó, đã tạo ra, nâng cao tri thức và sự thấu hiểu từ thông tin; Trách nhiệm của các nền tảng, mạng xã hội (MXH) trong việc chọn lọc, chia sẻ thông tin hữu ích, góp phần nâng cao tri thức, hiểu biết; Các cơ quan báo chí, truyền thông có không gian mới khi tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất nội dung.

Thứ ba, Việt Nam khởi xướng soạn thảo Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2035 về Thông tin Truyền thông được các nước ASEAN đóng góp xây dựng và thông qua tại Hội nghị

Đây là lần đầu tiên hợp tác về thông tin của ASEAN có một văn kiện về tầm nhìn, định hướng phát triển và hợp tác của ngành trong hơn 10 năm tới đến 2035, với nội dung chính:

Hợp tác ASEAN 2035 về Thông tin Truyền thông: lấy Tri thức là động lực, chuyển đổi số (CĐS) tạo thêm giá trị, trao quyền và cải thiện đời sống cho người dân;

Hệ sinh thái Thông tin Truyền thông ASEAN 2035: “Mạnh mẽ”, “Tự cường” và “Năng động”;

Tôn trọng và đảm bảo tính toàn vẹn về Chủ quyền Quốc gia trên Không gian mạng;

Nuôi dưỡng Bản sắc ASEAN và cảm nhận thuộc về Cộng đồng;

Thúc đẩy trách nhiệm xã hội của các nền tảng xuyên biên giới.

Thứ tư, chủ trì xây dựng Tuyên bố Đà Nẵng “Truyền thông: Từ Thông tin đến Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng”

Văn kiện xác định vai trò, sứ mệnh mới, mở ra không gian mới cho lĩnh vực thông tin truyền thông trong ASEAN theo sáng kiến của Việt Nam và định hướng trọng tâm hành động để hiện thực hóa các tư tưởng này, cụ thể:

Thúc đẩy hợp tác nâng cao kỹ năng số, nâng cao hiểu biết, nhật thức về tiếp cận thông tin, tri thức;

Xây dựng môi trường truyền thông lành mạnh, cân bằng liều lượng các nhóm thông tin (Tin tức, Giải trí, Kiến thức) và hỗ trợ truy cập thông tin cho mọi người;

Tăng cường sản xuất, phổ biến nội dung có tính gợi mở, truyền cảm hứng, kết nối và khuyến khích người dân chủ động tích lũy tri thức, đặc biệt là giới trẻ;

Chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng, cách làm hay về CĐS lĩnh vực báo chí truyền thông;

Chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về cơ hội và thách thức của AI và triển khai ứng dụng AI.

Thứ năm, chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam và hướng thúc đẩy hợp tác trong ASEAN

CĐS là xu hướng tất yếu của ngành Báo chí Truyền thông để đảm bảo vai trò là kênh truyền thông chính thống, chính xác và đáng tin cậy trong xã hội thông tin: Việt Nam sẽ chủ trì cùng các nước ASEAN chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, ứng dụng hiệu quả để thúc đẩy CĐS Báo chí Truyền thông trong ASEAN;

Ngành báo chí Truyền thông không chỉ là công cụ truyền tải thông tin chính xác mà còn là đóng vai trò người gác cửa sự thật, người kể câu chuyện thời đại và người truyền đạt tri thức. Tin giả trực tuyến là vấn đề toàn cầu, Việt Nam đã chủ trì thành lập Nhóm đặc trách ASEAN về ứng phó xử lý Tin giả. Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN giải bài toàn toàn cầu bằng lời giải khu vực để thúc đẩy trách nhiệm xã hội và đạo đức của các nền tảng xuyên biên giới;

Cung cấp thông tin đến từng người dân là một nhiệm vụ tiên quyết của ngành Báo chí Truyền thông: Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm Ứng dụng truyền thanh thông minh tích hợp AI cho các nước ASEAN để đưa thông tin thông suốt về cơ sở, đến từng người dân dù ở vùng sâu vùng xa hay hải đảo;

Trong thời đại thông tin hiện nay, với sự đa dạng của các nguồn thông tin, ngành Báo chí Truyền thông cần hỗ trợ người dân kết nối trực tiếp tới các Kênh thông tin nguồn chính thống. Việt Nam đang triển khai và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm Tích hợp Phím tắt lên điều khiển TV thông minh, thúc đẩy nội dung bản địa./.

Bài liên quan
  • AMRI-16 định vị vai trò truyền thông trong giai đoạn mới
    Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI-16) đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng, trong đó định vị vai trò của ngành truyền thông trong giai đoạn mới là từ "thông tin" tới "tri thức", cùng nhau chung tay ứng phó tin giả, xây dựng một cộng đồng ASEAN tự cường và thích ứng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
5 đóng góp quan trọng của Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng thông tin ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO