Truyền thông

Báo chí kiến tạo: Trách nhiệm đồng hành cùng sự phát triển xã hội

TS. Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học KHXH&NV 17/02/2025 06:35

Bài viết này sẽ khám phá sự phát triển của báo chí kiến tạo từ lý thuyết nền tảng đến những ứng dụng cụ thể trên toàn cầu.

Tóm tắt:
- Ý nghĩa của báo chí kiến tạo:
+ Là hướng tiếp cận mới, tập trung vào giải pháp và thúc đẩy thay đổi tích cực.
+ Nhằm tái định nghĩa vai trò báo chí, làm mới niềm tin công chúng vào truyền thông.
+ Thay đổi cách tiếp cận báo chí từ phơi bày vấn đề sang giải quyết vấn đề
- Đối lập với báo chí lá cải:
+ Báo chí lá cải tập trung vào giật gân, phóng đại để thu hút độc giả.
+ Hậu quả: Xói mòn niềm tin công chúng, gây hệ lụy xã hội.
- Sự ra đời và phát triển của báo chí kiến tạo:
+ Xuất hiện từ những năm 2000, phát triển mạnh từ giữa thập niên 2010.
+ Mục tiêu: Cung cấp thông tin cân bằng, tập trung vào giải pháp và khung tham chiếu tích cực; Đối trọng với báo
chí tiêu cực, khuyến khích độc giả tham gia cải thiện xã hội; Đề cao trách nhiệm của báo chí trong việc thúc đẩy
thay đổi tích cực.
- Thách thức đối với báo chí kiến tạo:
+ Áp lực lợi nhuận và cạnh tranh với tin tức tiêu cực, giật gân.
+ Khó duy trì tính khách quan trong các vấn đề nhạy cảm.
+ Sự phản đối từ các nhóm lợi ích và cản trở từ mạng xã hội.
+ Thói quen tiếp nhận thông tin nhanh, ít suy nghĩ sâu của công chúng.
- Cơ hội phát triển báo chí kiến tạo tại Việt Nam:
+ Đáp ứng nhu cầu thông tin chất lượng, đáng tin cậy trong bối cảnh thông tin sai lệch.
+ Cung cấp cách tiếp cận tích cực, sáng tạo hơn cho báo chí truyền thống đang gặp khó khăn.
+ Ứng dụng công nghệ và dữ liệu để tạo ra nội dung có chiều sâu và tính giải pháp cao.
+ Thúc đẩy đối thoại, đồng thuận xã hội, củng cố vai trò phụng sự xã hội của báo chí.
- Giá trị cốt lõi: Báo chí kiến tạo là công cụ định hướng, dẫn dắt, phụng sự xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề xã
hội và phát triển đất nước.

Báo chí kiến tạo không chỉ là một khái niệm mới mẻ trong lĩnh vực truyền thông, mà còn là một hướng tiếp cận mang tính cách mạng, tập trung vào việc đưa ra giải pháp và thúc đẩy thay đổi tích cực. Từ lý thuyết về việc tái định nghĩa vai trò của báo chí, đến thực tiễn áp dụng trong các tổ chức lớn, báo chí kiến tạo đã chứng minh tiềm năng của mình trong việc làm mới niềm tin của công chúng vào truyền thông. Nhưng liệu mô hình này có phải là lối thoát cho báo chí hiện đại? Bài viết này sẽ khám phá sự phát triển của báo chí kiến tạo từ lý thuyết nền tảng đến những ứng dụng cụ thể trên toàn cầu.

Từ triết học thực dụng (pragmatism)

Truy nguyên của báo chí kiến tạo, đặc biệt là chữ “kiến tạo” (constructive) không thể không nhắc đến Charles Sanders Piece (1839 - 1914) là một triết gia, nhà logic học và nhà khoa học người Mỹ, được coi là “cha đẻ” của triết học pragmatism (chủ nghĩa thực dụng). Tuy không được biết đến rộng rãi trong thời đại của mình, Peirce đã có những đóng góp nền tảng trong các lĩnh vực triết học, logic, và ký hiệu học (semiotics), và các ý tưởng của ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ triết gia sau này, bao gồm hai nhân vật lẫy lừng là William James và John Dewey.

a2.png

Bài viết của Pierce “How to Make Our Ideas Clear” (làm sao để ý tưởng của chúng ta sáng rõ), xuất bản năm 1878 trên tạp chí Popular Science Monthly, được coi là tuyên ngôn khai sinh của chủ nghĩa thực dụng. Trong bài viết này, Peirce trình bày một phương pháp rõ ràng và khoa học để hiểu và đánh giá ý nghĩa của các ý tưởng, dựa trên hệ quả thực tế của chúng. Ông chỉ ra ba trọng tâm của chủ nghĩa thực dụng (cũng có thể dịch là chủ nghĩa hành động).

Thứ nhất, nguyên lý thực dụng (the pragmatic maxim): Peirce đề xuất nguyên lý: “Để hiểu đầy đủ ý nghĩa của một khái niệm, chúng ta cần xem xét tác động thực tiễn của khái niệm đó trong trải nghiệm thực tế”. Nói cách khác, chân lý không phải là khái niệm tuyệt đối, mà được xác định qua hiệu quả của nó trong thực tiễn. Một ý tưởng chỉ được coi là “đúng” nếu nó hữu ích và có thể giải quyết vấn đề. Đây chính là nguyên lý căn cốt nhất của trường phái thực dụng.

Ví dụ, khái niệm “cứng” chỉ có ý nghĩa khi chúng ta hiểu nó trong ngữ cảnh các tác động mà nó có trong thế giới vật chất (như khả năng không dễ dàng thay đổi hình dạng khi chịu tác động).

Thứ hai, ý tưởng phải đo lường được qua hành động: Một ý tưởng hoặc giả thuyết chỉ có giá trị khi nó có thể dẫn đến những kết quả quan sát được hoặc thực hiện được. Peirce nhấn mạnh sự khác biệt giữa những lý thuyết mang tính thực tiễn và những lý thuyết mang tính trừu tượng không thể kiểm nghiệm.

Thứ ba, chống lại sự mơ hồ trong tư duy: Peirce chỉ trích tư duy dựa trên những khái niệm mơ hồ, không rõ ràng hoặc không thực tiễn. Ông cho rằng mục tiêu của tư duy là làm sáng tỏ ý nghĩa và hướng tới kết quả có thể đo lường.

Đến triết lý giáo dục của báo chí - truyền thông

Nếu Pierce đặt nền móng cho quan điểm thực dụng, dựa trên hành động và kết quả hành động, thì người kế thừa ông, triết gia John Dewey, có công rất lớn trong việc phổ biến hóa và phát triển hệ hình triết học này, khiến nó được biết và thảo luận rộng rãi trong khoảng đầu thế kỷ XX, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và dân chủ.

John Dewey (1859 - 1952) nổi tiếng với quan điểm giáo dục tiến bộ, đặt nền móng cho phương pháp học tập trải nghiệm. Một số quan điểm chính của ông bao gồm:

+ Học sinh phải là trung tâm của quá trình học tập.

+ Giáo dục cần gắn liền với đời sống thực tế, giúp học sinh giải quyết các vấn đề trong thế giới thực.

+ Quá trình học tập không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà còn là xây dựng kỹ năng tư duy phản biện và khả năng hành động sáng tạo.

Những quan điểm này được trình bày trong tác phẩm Democracy and Education (Nền dân chủ và giáo dục) (1916), một trong những công trình quan trọng nhất của Dewey trong lĩnh vực giáo dục. Dewey cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học từ kinh nghiệm và tư duy phản biện (reflective thinking), được phát triển chi tiết trong cuốn Experience and Nature (Kinh nghiệm và bản chất) (1925).

Gần như song hành với những luận điểm về giáo dục, Dewey cũng đưa ra những tham chiếu triết lý thực dụng trong truyền thông, và được những người đi sau hưởng ứng mạnh mẽ. Trong tác phẩm The Public and Its Problems (Công luận và các vấn đề của nó) (1927), Dewey đã đưa ra các quan điểm về dân chủ và truyền thông như: (1) dân chủ không chỉ là hệ thống chính trị mà còn là một cách sống dựa trên giao tiếp và hợp tác; (2) truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy dân chủ, giúp người dân thảo luận và giải quyết các vấn đề chung; và (3) chỉ trích cách truyền thông truyền thống thường tập trung vào việc trình bày sự kiện mà không cung cấp bối cảnh hoặc giải pháp, dẫn đến sự thờ ơ của công chúng.

Các quan điểm của Dewey có thể nói là sự dẫn dắt rõ ràng nhất cho trường phái báo chí kiến tạo, còn được gọi là báo chí xây dựng, sau này. Dewey cho rằng truyền thông nên đóng vai trò xây dựng cộng đồng, khuyến khích đối thoại thay vì phân cực xã hội. Dewey tin rằng truyền thông nên thúc đẩy sự tham gia của công dân, không chỉ thông qua việc cung cấp thông tin mà còn qua việc khơi gợi cảm hứng hành động.

Đối trọng của báo chí lá cải, giật gân (yellow journalism)

Những quan điểm triết học của chủ nghĩa thực dụng và sự phổ biến nó trong giáo dục, báo chí và truyền thông như một đối kháng với xu hướng của xã hội Mỹ lúc bấy giờ, với sự thắng thế của báo chí lá cải, giật gân.

Thời kỳ báo chí lá cải (yellow journalism) ở Mỹ bắt đầu vào cuối thế kỷ 19 và kéo dài đến đầu thế kỷ 20, gắn liền với hai nhân vật nổi tiếng: Joseph Pulitzer và William Randolph Hearst. Đây là thời kỳ mà báo chí tập trung vào việc đưa tin giật gân, phóng đại sự thật và không ngần ngại sử dụng những câu chuyện gây sốc để thu hút độc giả, đồng thời ưu tiên yếu tố lợi nhuận hơn là tính chính xác và đạo đức nghề nghiệp.

Báo chí lá cải xuất hiện khi các tờ báo bắt đầu coi trọng số lượng độc giả và doanh thu từ quảng cáo hơn là chất lượng thông tin. Joseph Pulitzer, chủ tờ New York World, là người tiên phong trong việc sử dụng các phương pháp gây sốc và giật gân để thu hút người đọc. Ông đã chú trọng đến việc cung cấp tin tức dễ tiếp cận, dễ hiểu, đặc biệt là đối với những đối tượng độc giả phổ thông. Pulitzer sử dụng các tiêu đề lớn, hình ảnh minh họa sống động, và các câu chuyện với nội dung hấp dẫn để lôi kéo độc giả, dù có đôi khi không chính xác hoặc bị phóng đại.

a1.png

Trong khi đó, William Randolph Hearst, chủ tờ New York Journal, đã cạnh tranh gay gắt với Pulitzer. Hearst, một người trẻ tuổi nhưng rất tham vọng, đã sao chép những chiến lược của Pulitzer, đồng thời nâng cao độ giật gân và phóng đại trong các câu chuyện của mình. Cuộc cạnh tranh giữa hai ông đã leo thang mạnh mẽ, với việc cả hai đều tìm cách “cướp” độc giả của đối phương bằng những câu chuyện giật gân, tấn công vào các cảm xúc mạnh mẽ của công chúng. Sự cạnh tranh này đã dẫn đến một cuộc đua không khoan nhượng về việc thu hút sự chú ý của độc giả bằng bất kỳ giá nào.

Thuật ngữ “yellow journalism” (báo chí lá cải) xuất phát từ một sự kiện nổi tiếng vào năm 1895. Câu chuyện bắt nguồn từ một bộ truyện tranh có tên “The Yellow Kid” (Chú bé vàng), một nhân vật trong truyện tranh được đăng trên tờ New York World của Pulitzer. Bức tranh minh họa màu sắc nổi bật và phong cách dễ hiểu của bộ truyện đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng. Hearst, nhận thấy sức hút của bộ truyện này, đã bắt đầu đăng lại nó trên tờ New York Journal, và từ đó, thuật ngữ “yellow journalism” được dùng để mô tả phong cách báo chí tập trung vào sự phóng đại, gây sốc và thu hút độc giả bằng những câu chuyện khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ.

Tính chất của báo chí lá cải là sự phóng đại sự thật, đôi khi thổi phồng hoặc bóp méo các sự kiện để tạo ra cảm giác kịch tính và gây sốc. Các tờ báo này cũng thường xuyên sử dụng những câu chuyện về tội phạm, tai nạn, và các vụ bê bối chính trị, với mục tiêu duy nhất là thu hút sự chú ý của công chúng. Để làm được điều này, báo chí lá cải không ngần ngại sử dụng các tiêu đề gây sốc, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc của độc giả.

Cuộc ganh đua giữa Pulitzer và Hearst không chỉ tạo ra những tờ báo theo trường phái giật gân (sensationalism), mà còn có ảnh hưởng lớn đến chính trị và xã hội Mỹ thời bấy giờ. Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của báo chí lá cải là chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ (1898). Cả Pulitzer và Hearst đều dùng báo chí của mình để khuấy động dư luận, thúc đẩy chiến tranh bằng cách phóng đại các sự kiện và thông tin liên quan đến Tây Ban Nha. Các bài báo của họ đã góp phần vào việc tạo ra một tâm lý chiến tranh cuồng nhiệt trong công chúng, mặc dù thực tế là không có sự kiện nào đủ nghiêm trọng để dẫn đến chiến tranh.

Cuộc cạnh tranh này giữa hai nhà báo lớn đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong lịch sử báo chí, cho thấy sự nguy hiểm của việc sử dụng báo chí để phục vụ lợi ích cá nhân và thương mại, bỏ qua trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác và có đạo đức. Báo chí lá cải không chỉ làm xói mòn niềm tin của công chúng vào báo chí mà còn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với xã hội và chính trị.

Sự ra đời của báo chí kiến tạo như một cứu cánh

Mặc dù phong cách của Pulitzer và Hearst có nhiều khác biệt với báo chí kiến tạo, một số lý tưởng của Pulitzer sau này lại phù hợp với tinh thần báo chí kiến tạo. Chẳng hạn, Pulitzer tin rằng báo chí không chỉ là công cụ kiếm tiền mà còn là một dịch vụ công cộng, có trách nhiệm giáo dục và khai sáng công chúng. Báo chí kiến tạo kế thừa lý tưởng này, nhưng với cách tiếp cận hiện đại hơn, tập trung vào giải pháp thay vì chỉ đưa tin tiêu cực. Báo chí kiến tạo có thể được coi là một sự “điều chỉnh” cần thiết cho những khía cạnh tiêu cực của báo chí lá cải mà Pulitzer và Hearst đại diện trong giai đoạn đầu. Nó hướng tới việc sử dụng sức mạnh của báo chí để xây dựng xã hội, thay vì chỉ khai thác cảm xúc và sự tò mò của độc giả. Tuy nhiên, tinh thần trách nhiệm công cộng mà Pulitzer cổ vũ sau này có thể được coi là một cầu nối giữa báo chí vàng và báo chí kiến tạo hiện đại.

Mặc dù sự thống trị có tính độc tôn của báo chí lá cải thời kỳ của Pulitzer và Hearst đã qua đi, nhưng trong suốt thế kỷ 20, triết lý báo chí giật gân, chạy theo tin tức gây sốc, nhấn mạnh mâu thuẫn, xung đột (conflict) vẫn được coi là tư tưởng làm báo chủ đạo kiểu phương Tây. Phương châm “chó cắn người không phải là tin, người cắn chó mới là tin” từ thế kỷ 19 vẫn còn rất phổ biến, để nhấn mạnh cách làm báo theo lối săn tin độc lạ. Các phát biểu về giá trị tin tức (news values) của Johan Galtung và Mari Ruge (1965), cho đến các tài liệu về dạy làm báo sau này, chẳng hạn trong News Writing của Anna McKane (2006), đều đưa yếu tố conflict (xung đột) lên đầu tiên. Thực ra, báo chí đưa tin về các sự kiện, sự biến là điều bình thường, nhưng việc đưa tin thái quá về những tin tức xung đột, cũng là tin tức tiêu cực, khiến báo chí khó tránh khỏi tình trạng lá cải kiểu mới (tabloid journalism) và khiến không ít độc giả ngày càng chán ngán. Xu hướng lảng tránh, xem nhẹ các vấn đề xã hội, con người và không chú tâm vào tìm cách giải quyết, nâng cao nhận thức của công chúng trong một thời gian dài, cũng làm mất đi niềm tin (public trust) của độc giả, nhiều người thậm chí còn ngại đọc, né đọc tin tức.

Sự ra đời của thuật ngữ “báo chí kiến tạo” (constructive journalism) bắt nguồn từ một phong trào trong ngành báo chí nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi cách thức báo chí tác động đến công chúng và xã hội. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên vào những năm 2000, nhưng chỉ thực sự nhận được sự chú ý rộng rãi và phát triển mạnh mẽ từ giữa những năm 2010, nhất là qua công trình của Ulrik Haagerup, một nhà báo và Giám đốc sáng lập Viện Báo chí Kiến tạo (Constructive Institute).

Ulrik Haagerup là một nhà báo người Đan Mạch, sinh năm 1961, có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành báo chí và truyền thông. Ông đã làm việc ở nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức truyền thông lớn ở Đan Mạch, bao gồm vai trò Giám đốc sáng lập Constructive Institute, một tổ chức chuyên nghiên cứu và thúc đẩy các phương pháp báo chí tích cực và giải pháp.

Trong tác phẩm Constructive News (Tin tức kiến tạo) (2017), Haagerup đã bắt đầu đề xướng báo chí kiến tạo vì ông nhận thấy những tác động tiêu cực của báo chí truyền thống, đặc biệt là báo chí tiêu cực, đối với công chúng và xã hội. Trong nhiều năm làm việc trong ngành báo chí, Haagerup nhận ra rằng tin tức tiêu cực (như tội phạm, tai nạn, thảm họa) chiếm ưu thế trong các bản tin, điều này khiến công chúng cảm thấy lo lắng, hoang mang và thiếu hy vọng về tương lai. Điều này không chỉ làm giảm niềm tin vào báo chí mà còn có thể dẫn đến sự bất ổn xã hội.

Báo chí kiến tạo, theo Haagerup, khác với các phương pháp báo chí truyền thống chủ yếu tập trung vào tin tức tiêu cực và khủng hoảng. Báo chí kiến tạo không chỉ phản ánh các sự kiện, mà còn khuyến khích người đọc tham gia vào việc tìm ra các giải pháp và cách thức cải thiện tình hình. Một số luận điểm chính bao gồm:

+ Giải pháp và khung tham chiếu tích cực: Báo chí kiến tạo đặt trọng tâm vào việc cung cấp các câu chuyện có tính giải pháp, giúp người đọc thấy được cách giải quyết vấn đề thay vì chỉ phơi bày các khó khăn. Ví dụ, thay vì chỉ báo cáo về tình trạng ô nhiễm, báo chí kiến tạo sẽ tìm kiếm và trình bày các sáng kiến, giải pháp từ các cộng đồng hoặc tổ chức có thể cải thiện tình hình.

+ Cân bằng và trung lập: Báo chí kiến tạo tập trung vào việc cung cấp thông tin cân bằng về các vấn đề xã hội, thể hiện sự đa chiều và tôn trọng mọi quan điểm. Điều này đối lập với các phương pháp báo chí truyền thống, nơi tin tức thường bị thiên lệch hoặc gây cảm xúc mạnh mẽ, nhằm thu hút độc giả.

+ Trách nhiệm của báo chí: Báo chí không chỉ có trách nhiệm đưa tin mà còn phải xây dựng và thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong xã hội. Haagerup nhấn mạnh rằng báo chí cần đóng vai trò là người làm trung gian, kết nối các giải pháp và tạo điều kiện cho công chúng tham gia vào việc cải thiện xã hội.

Báo chí kiến tạo trong kỷ nguyên số

Bối cảnh xã hội vào thời điểm đầu thế kỷ 21, khi thuật ngữ báo chí kiến tạo lần đầu tiên được sử dụng, có sự tác động lớn từ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội. Công chúng ngày càng có xu hướng tiếp cận thông tin qua nhiều nguồn khác nhau, và sự tin tưởng vào báo chí truyền thống đang giảm sút. Báo chí truyền thống thường xuyên bị chỉ trích vì tập trung quá nhiều vào các câu chuyện bi kịch, tiêu cực, và ít khi cung cấp giải pháp. Tình trạng “tin tức xấu” chiếm ưu thế trong các bản tin khiến công chúng cảm thấy lo âu, thiếu hy vọng và không có niềm tin vào sự thay đổi.

Trong bối cảnh này, báo chí kiến tạo đã được phát triển như một phản ứng đối với những hạn chế này. Nó mang đến một cách tiếp cận mới, không chỉ phản ánh thế giới một cách tiêu cực mà còn cung cấp hy vọng và động lực cho người đọc thông qua việc tập trung vào các giải pháp khả thi cho những vấn đề xã hội.

Sớm hơn cả các nhà nghiên cứu và lý luận, dự án Fixes (sửa chữa) của The New York Times, là một chuyên trang bình luận, nhấn mạnh vào giải pháp cho các vấn đề xã hội, là một trong những dự án báo chí giải pháp đầu tiên với đầy đủ tên gọi của nó. David Bornstein và Tina Rosenberg, các nhà báo sáng lập ra dự án này, 11 năm (2010­2021), với hơn 600 bài đứng chuyên mục. David nói: “Bài học lớn đơn giản là mọi người thực sự muốn được giúp đỡ. Tôi đã ngạc nhiên khi thấy những câu chuyện chúng tôi viết về các vấn đề khó khăn hoặc gây lo ngại - như bắt nạt, nghèo đói, chăm sóc thay thế hoặc trầm cảm - thường xuyên xuất hiện trong danh sách những bài viết phổ biến nhất hoặc được chia sẻ nhiều nhất của The Times. Độc giả chia sẻ những câu chuyện đó với người khác, bao gồm cả gia đình và bạn bè trực tiếp bị ảnh hưởng bởi những vấn đề đó. Nhiều nhóm mà tôi đã báo cáo cũng cho tôi biết rằng sau khi một câu chuyện đặc biệt được đăng, họ đã nhận được liên lạc từ những người thuộc các tổ chức, quỹ từ thiện hoặc cơ quan chính phủ, những người muốn tìm hiểu thêm hoặc đến thăm. Người làm báo thường được so sánh với những “con chó canh gác”(watchdog), nhưng tôi bắt đầu nhận ra rằng đôi khi chúng tôi lại hành động như những con ong, giúp truyền bá các ý tưởng”.

Gần đây hơn, “The Upside”, một dự án đặc biệt của The Guardian, được ra mắt vào năm 2019, dưới hình thức một chuyên trang độc lập, mục tiêu là mang đến cho độc giả những câu chuyện tích cực, cải cách và giải pháp đối với các vấn đề xã hội. Dự án này tập trung vào việc kể lại những câu chuyện không chỉ phản ánh những vấn đề, mà còn cung cấp những giải pháp có thể thực hiện được hoặc những sáng kiến đang giúp cải thiện tình hình trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, hoặc các thách thức khác mà xã hội đang đối mặt. Mark Rice- Oxley, biên tập viên của The Upside, nói rằng: “Truyền thông phải nhận thức rằng nó không chỉ phản ánh thế giới chúng ta sống, mà còn định hình thế giới đó... Khi chúng ta nói về những tiến bộ, thì những tiến bộ đó sẽ tiếp tục diễn tiến. Còn cách nào tốt hơn để thay đổi thế giới?” The Upside được gọi là “dòng” (stream) báo chí kiến tạo của The Guardian. Câu slogan của trang này là “tìm kiếm câu trả lời, giải pháp, phong trào và sáng kiến để giải quyết những vấn đề lớn nhất đang đe dọa thế giới”.

Chiến lược phát triển báo chí kiến tạo “The Upside” đã được Katharine Viner, Tổng Biên tập The Guardian, nhấn mạnh trong bài phát biểu của bà vào năm 2017 khi phác thảo tương lai của tờ báo. Katharine cam kết rằng “chúng tôi sẽ phát triển những ý tưởng giúp cải thiện thế giới, chứ không chỉ phê phán nó. Thất vọng chỉ là một dạng khác của sự chối bỏ. Mọi người khao khát thấy được niềm hy vọng trở lại đã lâu, đặc biệt là giới trẻ, họ khao khát nhận thấy niềm hy vọng như thế hệ trước đã từng có”.

Mark bắt đầu bằng một thử nghiệm để khám phá xem độc giả của The Guardian có sự quan tâm đối với báo chí tập trung vào giải pháp hay không. Sau 18 tháng và hơn 150 bài viết, ông và các đồng nghiệp của mình nhận thấy rằng có sự tương tác đáng kể từ khán giả đối với những bài báo “tìm kiếm những điều tốt đẹp đang xảy ra trên thế giới”. Độc giả dành nhiều thời gian hơn cho các bài viết, thường đọc cho đến cuối, và khoảng 1 trong 10 người chia sẻ những câu chuyện này trên mạng xã hội. Cũng có một lượng lớn phản hồi và tin nhắn nhiệt huyết từ độc giả yêu cầu thêm báo cáo kiến tạo. The Upside đã được ra mắt với sự tài trợ từ Skoll Foundation để cam kết sâu sắc hơn vào một dòng nội dung tập trung vào giải pháp.

Những thách thức và cơ hội đối với báo chí kiến tạo ở Việt Nam

Mặc dù báo chí kiến tạo có một tiềm năng lớn để phát triển và trở thành một xu hướng mạnh mẽ trong tương lai, nhưng nó phải vượt qua nhiều thách thức lớn. Các yếu tố như sự phụ thuộc vào lợi nhuận, sự phản đối từ các nhóm lợi ích, và thói quen tiêu thụ thông tin của công chúng là những cản trở có thể làm chậm quá trình phát triển của báo chí kiến tạo, có thể kể đến:

+ Áp lực từ thị trường và lợi nhuận: Trong một ngành công nghiệp báo chí ngày càng phụ thuộc vào doanh thu từ quảng cáo và số lượng người xem, báo chí kiến tạo có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các phương tiện truyền thông giải trí hoặc tin tức giật gân. Các câu chuyện có tính xây dựng và giải pháp thường không thu hút người xem nhanh chóng như các tin tức tiêu cực hay gây sốc.

+ Khó khăn trong việc duy trì tính khách quan: Báo chí kiến tạo yêu cầu một sự cam kết mạnh mẽ về tính khách quan và chính xác, nhưng trong thực tế, có thể rất khó để duy trì được sự trung lập tuyệt đối khi các vấn đề xã hội thường mang tính chất nhạy cảm và dễ bị các lợi ích chính trị, kinh tế tác động.

+ Phản ứng từ các nguồn tin và các nhóm lợi ích: Nhóm lợi ích có thể không muốn các vấn đề xã hội được đưa ra ánh sáng hoặc giải quyết một cách rõ ràng, vì nó có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Điều này có thể dẫn đến sự can thiệp vào các câu chuyện báo chí hoặc ngăn cản sự phát triển của báo chí kiến tạo.

+ Thách thức trong việc thay đổi thói quen tiêu thụ thông tin: Người dân đã quen với việc tiếp nhận thông tin nhanh chóng và dễ tiếp cận từ các phương tiện truyền thông truyền thống hoặc mạng xã hội. Báo chí kiến tạo yêu cầu độc giả dành thời gian và năng lượng để suy nghĩ sâu sắc về các vấn đề và giải pháp, điều này có thể gặp khó khăn trong bối cảnh thói quen tiêu thụ thông tin hiện đại, nơi tin tức nhanh và ngắn gọn được ưu tiên.

+ Sự cạnh tranh từ mạng xã hội: Mạng xã hội đang ngày càng chiếm ưu thế trong việc định hướng thông tin và gây ảnh hưởng đến công chúng. Các nền tảng mạng xã hội không phải lúc nào cũng cung cấp thông tin chính xác hoặc có giá trị, nhưng chúng lại dễ tiếp cận và dễ dàng lan truyền. Báo chí kiến tạo phải tìm cách vượt qua những cản trở này để truyền tải thông điệp của mình đến công chúng.

Tuy nhiên, báo chí Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội để thay đổi, tái cấu trúc và phát triển với việc định hướng trọng tâm là báo chí kiến tạo.

Thứ nhất, nhu cầu về tin tức có chất lượng: Trong bối cảnh mà thông tin sai lệch và báo chí giật gân (yellow journalism) đang là vấn đề lớn, độc giả ngày càng tìm kiếm các nguồn tin đáng tin cậy và có giá trị thực tế. Báo chí kiến tạo, với sự nhấn mạnh vào sự thật, tính khách quan và thông tin xây dựng, có thể trở thành một giải pháp lâu dài.

Thứ hai, cơ hội cho sự thay đổi trong ngành báo chí: Khi báo chí truyền thống đối mặt với công chúng, báo chí kiến tạo có thể đáp ứng nhu cầu của xã hội với một cách tiếp cận mới mẻ, tập trung vào giải pháp và tích cực hơn.

Thứ ba, hỗ trợ từ công nghệ: Sự phát triển giúp sự giảm sút về doanh thu và sự giảm niềm tin từ báo chí kiến tạo thu thập và phân tích dữ liệu một cách hiệu quả hơn, từ đó tạo ra các câu chuyện có chiều sâu và có tính giải pháp cao. Các công cụ phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo có thể giúp xác định các vấn đề xã hội cần giải quyết và cung cấp các khung tham khảo để truyền tải thông điệp một cách khách quan và có ý nghĩa.

Thứ tư, củng cố và phát huy những giá trị cốt lõi của nghề báo: Sự phát triển theo hướng báo chí kiến tạo có khả năng thúc đẩy và củng cố những nguyên tắc cơ bản, nhưng ở tầm cao mới của báo chí, đó là: tính định hướng, tính dẫn dắt, phụng sự xã hội và giúp báo chí trở thành một thiết chế xã hội thực sự, có vai trò và sức mạnh to lớn trong việc mang lại lời giải cho các vấn đề xã hội và con người.

Thứ năm, thúc đẩy đối thoại và sự tham gia của công chúng: Báo chí kiến tạo không chỉ là một công cụ truyền thông mà còn là phương tiện để tạo dựng sự đối thoại giữa các nhóm xã hội, các cá nhân và cộng đồng. Điều này có thể dẫn đến những cuộc thảo luận sâu sắc hơn và xây dựng sự đồng thuận về các vấn đề xã hội góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Tài liệu tham khảo:
1. Peirce, Charles Sanders. (1878). "How to make our ideas
clear”. Popular Science Monthly 12 (Jan.):286-302
2. Dewey, John. (1927). The public and its problems. Holt.
3. Haagerup Ulrik (2017), Constructive News: How to Save the
Media and Democracy with Journalism of Tomorrow, Aarhus
University Press
4. Jørgensen, Kristina Lund & Risbro, Jakob (2021), Handbook
for Constructive Journalism, International Media Support,
Denmark.
5. Bro Peter (2024), Constructive Journalism: Precedents,
Principles, and Practices, Routledge

Bài đăng trên tạp chí in số 1+2 Tháng 1 năm 2025

Bài liên quan
  • Kinh nghiệm triển khai báo chí kiến tạo tại một số quốc gia phát triển trên thế giới
    Trong bối cảnh truyền thông ngày càng đa dạng và khó kiểm soát, báo chí không chỉ tạo niềm tin về tính xác thực của thông tin; mà quan trọng hơn, đó là thuyết phục công chúng tin tưởng rằng những câu chuyện, vấn đề đó đều sẽ có cách giải quyết, định hướng dư luận hướng tới nhận thức, thái độ và hành vi tích cực, đóng góp cho xu hướng phát triển của xã hội.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí kiến tạo: Trách nhiệm đồng hành cùng sự phát triển xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO