Để báo chí kiến tạo trở thành "lối mở" cho báo chí truyền thống
Báo chí kiến tạo là một cách tiếp cận nhằm cung cấp cho độc giả một bức tranh về thế giới một cách công bằng, chính xác và phù hợp với ngữ cảnh mà không nhấn mạnh quá mức vào mặt tiêu cực và những gì đang xảy ra.
Báo chí kiến tạo được xem bắt nguồn từ “báo chí giải pháp” do tác giả người Thụy Điển Ulrik Haagerup đưa ra trong cuốn “Constructive News”, ra đời năm 2011. Theo Học viện Kiến tạo (Constructive Institute) (Đan Mạch), báo chí kiến tạo (constructive journalism) là một phản ứng đối với việc báo lá cải ngày càng tăng, chủ nghĩa giật gân và xu hướng tiêu cực của các phương tiện truyền thông ngày nay.
Nói đến báo chí kiến tạo là đề cập đến cách tiếp cận các vấn đề trong xã hội từ góc nhìn kiến tạo, thay vì chỉ đưa tin. Báo chí kiến tạo tập trung xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, các phản ứng về vấn đề đó; giới thiệu, đề xuất giải pháp, tổ chức nghiên cứu sâu về các giải pháp mang tính kiến tạo, từ đó hướng mọi người có cái nhìn chân thực hơn, đầy đủ hơn về những vấn đề đã, đang xảy ra, mang lại cho công chúng báo chí thông tin hữu ích, giúp thúc đẩy thay đổi nhận thức xã hội theo hướng tích cực, tốt đẹp hơn.
Thách thức đối với báo chí
Trong tham luận gửi tới Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho rằng, thách thức lớn nhất đối với báo chí hiện nay là suy giảm người đọc, xem, nghe, từ đó mất đi nguồn thu.
Hơn thế, thuật toán của các nền tảng mạng xã hội (MXH) xuyên biên giới đã lấy đi 2/3 "miếng bánh" quảng cáo ngay tại thị trường Việt Nam. Chúng ta đã quyết liệt trong phản ứng, đưa ra hàng rào kỹ thuật để quản lý nhưng văn bản quy phạm lại chậm được thông qua.
“Phương thức đưa tin và tiếp cận tin tức thay đổi nhanh chóng đòi hỏi tin tức, bài viết trên báo chí phải nhanh, mới, đúng, trúng, sâu. Yếu tố nhanh và mới thì MXH có phần chiếm ưu thế, nhưng phản ánh khách quan, đúng sự thật, trúng vấn đề và khai thác sâu hơn, kỹ hơn, đưa ra giải pháp kiến tạo, được công chúng tin cậy hơn thì đó là ưu thế của báo chí”.
Theo lãnh đạo Cục Báo chí, không ít cơ quan báo chí ở Việt Nam đã định hình phong cách báo chí kiến tạo. Số lượng tin, bài truyền thông chính sách trên báo chí hàng năm chiếm khoảng gần 20% tổng số lượng tin, bài trên báo chí, trong đó có hàng ngàn bài viết đề xuất giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện pháp luật, chính sách, thúc đẩy thay đổi nhận thức để có hành động tích cực cho xã hội.
Tuy nhiên, trong đó cũng có nhiều bài viết mang tính phản biện, với tư duy “bới móc”, “đánh đấm”, thiếu tính xây dựng, vô hình trung làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí.
Thách thức hiện hữu hơn cả là chất lượng nguồn nhân lực báo chí. Toàn ngành báo chí có hơn 40.000 người, trong đó chỉ có gần 50% trong số đó là những nhà báo được cấp thẻ. Tỷ lệ những nhà báo có chuyên môn chuyên sâu, chuyên ngành về lĩnh vực theo dõi còn ít, đa phần giải pháp kiến tạo trong bài viết dẫn ý kiến chuyên gia, luật sư, nhà khoa học, mà ít có chủ kiến xây dựng mang tính khoa học, nghiên cứu từ người viết bài.
Ở chiều ngược lại, chất lượng cộng tác viên (CTV) là các chuyên gia, nhà khoa học được báo chí lựa chọn nhiều trường hợp còn chưa tiêu biểu, chưa đúng người, giải pháp mà họ đưa ra ít cơ sở thực tiễn, còn nặng về lý thuyết. Báo chí cũng ít diễn đàn sôi nổi tranh luận, phản biện để đưa ra chính sách, giải pháp.
“Vì thế báo chí cần có lối đi của mình để tiếp thu được nhiều ý kiến và tri thức nhất từ người dân, giới nghiên cứu khoa học và các chuyên gia. Cùng với đó, báo chí cần chuyển đổi số nhanh chóng để có các nền tảng số thân thiện, nơi mà người dân có thể chia sẻ ý tưởng, tranh luận, phản biện”.
Gợi mở mô hình báo chí kiến tạo hiện nay
Từ thực tế nêu trên, Cục trưởng Cục Báo chí đã gợi mở mô hình báo chí mang tính kiến tạo hiện nay. Theo đó, qua việc phỏng vấn chuyên gia hoặc trích dẫn các nguồn thông tin tin cậy, báo chí có thể giới thiệu các giải pháp tiềm năng cho những vấn đề đang được thảo luận; có thể tạo diễn đàn để công chúng, chuyên gia và các nhà lãnh đạo thảo luận, tranh luận về các giải pháp khả thi; làm rõ vấn đề và đề cập đến các cách giải quyết mà cộng đồng hoặc các nhà lãnh đạo có thể xem xét.
Nguyên tắc chung của các giải pháp kiến tạo cho tất cả các bài báo là không quá 1/3 bài báo được mô tả vấn đề, trong khi ít nhất 2/3 nên được dành cho các giải pháp kiến tạo.
Hơn thế nữa, để thúc đẩy sự thay đổi nhận thức rất cần tăng tính phản biện của báo chí. Phản biện được thể hiện thông qua phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của các nhóm công chúng trong xã hội; phản biện chính sách, phản biện xã hội với tinh thần xây dựng. Báo chí phải trở thành diễn đàn để người dân tham gia mạnh mẽ vào các vấn đề xã hội, từ đó nhà lãnh đạo đưa ra các quyết định phù hợp, sáng suốt về các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và con người.
Cũng theo lãnh đạo Cục Báo chí, bằng cách truyền cảm hứng từ các mô hình giải pháp thành công, báo chí giải pháp khuyến khích sự tham gia tích cực từ cộng đồng; Phá vỡ tâm lý bi quan của công chúng khi họ thấy có lời giải cho các vấn đề phức tạp, họ cảm thấy hy vọng và tích cực hơn.
Báo chí đưa ra lời giải, đó là giải pháp của các chuyên gia để mọi người dân biết và làm theo. Nếu chỉ mô tả về một vụ tin tặc tấn công ngân hàng hay hãng hàng không nào đó thì báo chí mới chỉ dừng ở việc kể chuyện. Báo chí đưa ra giải pháp kiến tạo góp phần tạo giá trị để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Để thúc đẩy phát triển báo chí kiến tạo, rất cần hình thành “mạng lưới báo chí kiến tạo”, gồm nhà báo và CTV là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và người dân; rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để có quy định khi ban hành dự thảo chính sách, pháp luật thì hồ sơ thẩm định phải gửi kèm bài phản biện trên báo của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và người dân về chính sách hoặc các quy định pháp luật dự kiến sẽ được ban hành.
Có nhiều tiếng nói khác nhau, góc nhìn khác nhau sẽ đem đến nhiều phương án lựa chọn để đạt được giải pháp tối ưu, tạo động lực cho sự phát triển đất nước nói chung và cho báo chí nói riêng.
Theo Cục trưởng Cục Báo chí, “tương lai của báo chí như thế nào phụ thuộc vào hành động của báo chí ở hiện tại. Báo chí cần tăng tính phản biện xã hội, gắn với tiếng nói của người dân, đồng hành cùng nhà nước trong giải quyết các vướng mắc, khó khăn... Vòng quay vận động mang tính quy luật khi mà báo chí kiến tạo những giá trị tích cực, tốt đẹp cho xã hội thì báo chí sẽ được hưởng thành quả từ chính việc mình đã làm. Thúc đẩy thay đổi xã hội tốt đẹp hơn là mục tiêu của báo chí, đưa ra giải pháp kiến tạo là để hành động”.
Để xây dựng báo chí kiến tạo cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị
Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT về vai trò và tác động của báo chí kiến tạo, Tổng biên tập Báo Dân Trí Phạm Tuấn Anh cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, khi độc giả ngày càng tiếp cận với lượng thông tin khổng lồ và thường xuyên bị nhiễu loạn bởi tin giả, tin tức tiêu cực, báo chí giải pháp nổi lên như một "làn gió mới", mang lại những giá trị thiết thực cho xã hội.
Báo chí kiến tạo góp phần định hướng dư luận, lan tỏa năng lượng tích cực; Thúc đẩy sự thay đổi, giải quyết vấn đề từ gốc; Nâng cao chất lượng báo chí, lấy lại niềm tin của công chúng; Tăng tính tương tác, tạo cộng đồng cùng chung tay; Truyền thông chính sách hiệu quả, nâng cao hiệu lực quản lý; Đa dạng hóa nguồn thu, tạo động lực phát triển.
“Nói riêng về vai trò “đa dạng hóa nguồn thu, tạo động lực phát triển", báo chí kiến tạo thực sự là "mỏ vàng" tiềm năng cho sự phát triển bền vững. Bên cạnh những giá trị to lớn về mặt xã hội, báo chí kiến tạo còn mở ra những cơ hội đầy hứa hẹn về mặt kinh tế, tạo động lực phát triển bền vững cho các cơ quan báo chí”.
Từ thực tiễn triển khai báo chí kiến tạo tại Báo Dân Trí, Tổng biên tập Phạm Tuấn Anh cho rằng, để xây dựng báo chí kiến tạo, cần đầu tư vào xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về báo chí kiến tạo cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; Tăng cường hợp tác với các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu để có thêm nguồn lực chuyên môn, thông tin và dữ liệu.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ bằng việc sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI)... để hỗ trợ quá trình thu thập, xử lý và phân tích thông tin. Cùng với đó, tạo ra các diễn đàn, không gian để độc giả tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến về các giải pháp kiến tạo.
Đặc biệt, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, kiểm chứng thông tin kỹ lưỡng trước khi đăng tải.
Theo nhà báo Phạm Tuấn Anh, để báo chí kiến tạo thực sự trở thành "lối thoát" cho báo chí truyền thống, cần có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí và mỗi người làm báo.
Trong đó, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể về tài chính, đào tạo, cơ chế... để khuyến khích các cơ quan báo chí triển khai mô hình báo chí kiến tạo. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý thuận lợi, bảo vệ quyền tự do báo chí, tạo điều kiện để báo chí kiến tạo phát triển lành mạnh, hiệu quả.
Cơ quan báo chí cần đầu tư mạnh mẽ vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có đủ năng lực, phẩm chất để thực hiện báo chí kiến tạo; Tăng cường ứng dụng công nghệ vào hoạt động báo chí, đặc biệt là trong việc thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu; Xây dựng các mô hình kinh doanh mới, đa dạng hóa nguồn thu, giảm sự phụ thuộc vào quảng cáo.
Nhà báo cần không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Luôn giữ vững tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề, đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết; Sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, thích ứng với xu hướng phát triển của báo chí hiện đại.
“Báo chí kiến tạo là một hướng đi tất yếu để báo chí truyền thống thích ứng với bối cảnh mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Bằng sự nỗ lực không ngừng, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một nền báo chí kiến tạo chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh./.