Truyền thông

Báo điện tử với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Bình Minh 08:03 28/07/2023

Góp phần thành quả của công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua có vai trò các cơ quan báo chí, nhất là vai trò của các báo điện tử, đặc biệt là phát hiện sớm dấu hiệu và tạo lập diễn đàn trực tiếp, trực tuyến quan trọng về công tác này.

Kênh tuyên truyền hiệu quả pháp luật

Theo TS. Nguyễn Công Dũng, Phụ trách Báo Điện tử Đảng Cộng sản, vai trò của các báo điện tử đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) được thể hiện trên một số điểm đáng chú ý.

Theo đó, báo điện tử là kênh tuyên truyền có hiệu quả đường lối, chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác đấu tranh PCTN, TC. Chức năng quan trọng hàng đầu của báo chí nói chung, báo điện tử nói riêng đó là chức năng giáo dục.

Vai trò này được khẳng định rõ trong Luật Báo chí. Ðiều 4, Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, trong đó có nhiệm vụ “Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”.

Như vậy, nhiệm vụ PCTN của báo chí nói chung, báo điện tử nói riêng đã được luật hóa. Thông qua các chuyên mục, báo điện tử với khả năng lan tỏa rộng rãi sẽ trực tiếp truyền tải đường lối, chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác đấu tranh PCTN, TC đến mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong toàn xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong đấu tranh PCTN, TC.

Phát hiện sớm dấu hiệu của các vụ việc tham nhũng, tiêu cực

Bên cạnh đó, báo điện tử có vai trò quan trọng trong phát hiện sớm dấu hiệu của các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Điều này thể hiện rất rõ trong thực tế công tác đấu tranh PCTN, TC ở nước ta.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, báo chí không có thẩm quyền điều tra hoặc thanh tra như các cơ quan bảo vệ pháp luật. Báo chí cũng không có bộ máy, các thiết chế, chế tài pháp luật hoặc công cụ hỗ trợ khác để tiến hành các hoạt động điều tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

Song, báo chí, đặc biệt là báo điện tử lại có nhiều hình thức để phát hiện những vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Điển hình như thông qua tiếp nhận thông tin phản ánh từ bạn đọc; thông qua đơn thư tố cáo của người dân hoặc qua bám nắm địa bàn, ghi nhận, tìm hiểu thực tế…

Đây là những cơ sở giúp phóng viên xác minh tìm ra các tài liệu, chứng cứ xác thực để chuyển tới công luận và các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, báo chí cũng có thể phát hiện những dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng và thực hiện các biện pháp điều tra đặc thù của nghề nghiệp góp phần đưa vụ việc ra ánh sáng.

Tạo lập diễn đàn trực tiếp, trực tuyến quan trọng

Theo TS. Nguyễn Công Dũng, Báo điện tử tạo lập diễn đàn trực tiếp, trực tuyến quan trọng về công tác PCTN, TC. Đây là vai trò nổi bật, riêng có của báo điện tử, vừa góp phần PCTN, TC, báo chí còn có vai trò quan trọng trong việc cổ vũ, hình thành, phát triển ý thức PCTN, TC cho nhân dân; báo điện tử vừa trực tiếp truyền tải thông tin về công tác PCTN, TC thông qua rất nhiều hình thức khác nhau.

Với sự phát triển của công nghệ truyền thông, mạng xã hội, thông tin trên báo điện tử đã tạo ra các diễn đàn trực tiếp, trực tuyến để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, phản ánh những kiến nghị; đề xuất về chính sách, về những quy định pháp luật chưa thật sự phù hợp thực tiễn cuộc sống.

Không chỉ góp phần quan trọng trong việc phát hiện, đưa các vụ việc tham nhũng, tiêu cực ra trước công luận, thông qua việc phản ánh, thông tin về quá trình điều tra, xử lý các cá nhân liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực, báo điện tử còn góp phần củng cố niềm tin, tăng cường quyết tâm của các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh PCTN, TC.

Qua đó, vận động, động viên nhân dân tham gia PCTN, TC; giám sát cán bộ, đảng viên với hình thức theo dõi, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin nhanh về hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, giúp các cơ quan chức năng tăng cường trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Ngoài ra, báo chí cũng phản ánh đa chiều, khách quan về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực tới công chúng…

Ghi nhận vai trò và những đóng góp to lớn của báo chí, trong đó có báo điện tử, phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế, chương trình phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền về nội chính và PCTN giữa Ban Nội chính Trung ương với Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam được tổ chức từ cuối năm 2021, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Ðình Trạc , Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC khẳng định, công tác đấu tranh PCTN, TC thời gian qua có bước đột phá là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí nói chung và của các cơ quan báo chí phối hợp nói riêng.

Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh PCTN, TC, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Ðảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, Trưởng Ban Nội chính nhấn mạnh.

z4552400082728_71fba1b76521e5fb9402796de5a7ce3d.jpg
Phóng viên một số cơ quan báo chí điện tử tác nghiệp tại hội thảo liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Bình Minh

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, “Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN, TC được tăng cường và có nhiều đổi mới;… Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực vào cuộc, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong PCTN, TC; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh, phát hiện tham nhũng, tiêu cực, vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu, thù địch về công tác PCTN, TC”.

Một số giải pháp cần tập trung

Để phát huy vai trò của báo điện tử trong công tác đấu tranh PCTN, TC, theo TS, Nguyễn Công Dũng cần tập trung: Phát huy vai trò nêu gương, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan báo điện tử; tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên trực tiếp tham gia đấu tranh PCTN, TC và nhất là tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp báo chí chống tham nhũng.

Bởi lẽ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp báo chí chống tham nhũng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng để phát huy vai trò của báo điện tử trong công tác đấu tranh PCTN hiện nay. Các cơ quan có trách nhiệm, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC; Ban Chỉ đạo PCTN, TC các tỉnh, thành thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ với các cơ quan báo chí để trao đổi, đánh giá kết quả báo chí đấu tranh chống tham nhũng.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác PCTN, TC cần được phát huy. Thông qua giám sát, phản biện Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin cho báo chí. Đặc biệt, các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước cần xây dựng cơ sở thông tin để người dân có thể cung cấp các thông tin về tham nhũng, tiêu cực cho các cơ quan và phóng viên báo chí. Cần tổ chức nhiều hơn những giải thưởng báo chí, những hình thức tôn vinh xứng đáng đối với các nhà báo đã có thành tích trong phòng, chống tham nhũng…

Từ góc độ, nhóm giải pháp tận dụng, phát huy thế mạnh của Internet và dư luận trực tuyến trong công tác PCTN, TC, PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đưa ra một số giải pháp cụ thể. Trong đó, nhấn mạnh cần phải xuất phát từ đặc điểm của truyền thông Internet, phát huy ưu điểm, loại bỏ nhược điểm, sử dụng hợp lý vai trò giám sát của dư luận trực tuyến trong PCTN, TC; xây dựng, giữ gìn văn hóa liêm chính trong xã hội nói chung và trong hệ thống chính trị nói riêng.

Bên cạnh việc phải nhận thức đúng về hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên mạng, PGS, TS. Vũ Trọng Lâm phân tích: Phải sử dụng hợp lý internet để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, dựa vào internet, có thể thúc đẩy công tác PCTN, TC ở ít nhất ba khía cạnh:

(1) Hoạt động này cung cấp thêm đầu mối chống tham nhũng, tiêu cực:

Việc cung cấp, tiết lộ thông tin trên Internet, điều tra trực tuyến và các hình thức khác sẽ cung cấp cho các cơ quan hữu quan có thêm các manh mối phong phú, cụ thể, trực tiếp cho việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực;

(2) Hoạt động này có thể tạo thành một áp lực dư luận mạnh mẽ:

Hiện tượng tham nhũng, tiêu cực sau khi bị cư dân mạng phanh phui, lan truyền trên internet sẽ lập tức thu hút sự chú ý rộng rãi, không chỉ tạo thành áp lực dư luận rất lớn đối với các đối tượng chịu sự giám sát mà còn có tác dụng cảnh báo, giáo dục rõ rệt đối với mọi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị;

(3) Hoạt động này có thể giành được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng nhân dân:

Phần lớn cư dân mạng tích cực cung cấp manh mối, tiến hành điều tra, theo dõi diễn biến của các vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, cũng tăng cường giám sát việc xử lý tình huống thông qua Internet, tạo thành lực lượng chống tham nhũng, tiêu cực của quần chúng hùng hậu, có lợi cho việc ngăn chặn và đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.

Phải thấu hiểu dư luận, lắng nghe dư luận, tiếp thu trí tuệ của quần chúng nhân dân, và sử dụng quyền lực chính trị thông qua giám sát dư luận trực tuyến, để thực hiện công việc PCTN, TC và thúc đẩy văn hóa liêm chính vững chắc và hiệu quả./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo điện tử với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO