Quản lý nhà nước về báo chí là làm cho báo chí phát triển
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, quản lý nhà nước (QLNN) về báo chí là làm cho báo chí phát triển, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước, đảm bảo cho những người làm báo cách mạng có thể sống được lành mạnh.
Hôm nay, 19/7/2023, tại Hà Nội, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (16/7/2003 - 16/7/2023) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các cơ quan Trung ương và địa phương đã tham dự Lễ kỷ niệm.
Chặng đường hình thành và phát triển đáng tự hào
Ôn lại sự hình thành và phát triển Cục Báo chí, Cục trưởng Lưu Đình Phúc cho biết, tiền thân của Cục Báo chí ngày nay là Bộ Thông tin và Tuyên truyền, được thành lập ngày 28/8/1945, do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng. Ngày 3/5/1946, Nha thông tin Tuyên truyền ra đời, với chức năng “thu thập và truyền bá các tin tức trong nước”, đánh dấu sự ra đời của cơ quan QLNN về thông tin báo chí.
Ngày 27/11/1946, Sắc lệnh số 224/SL của Chủ tịch Chính phủ thay đổi tên Nha Thông tin Tuyên truyền thành Nha Thông tin. Ngày 10/7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 38 sáp nhập Nha Thông tin thuộc Bộ Nội vụ vào Thủ tướng phủ. Ngày 24/2/1952, Sắc lệnh số 83 của Chủ tịch nước hợp nhất Nha thông tin thuộc Thủ tướng phủ và Vụ Văn học Nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục thành Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng phủ.
Sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi, Hội đồng Chính phủ họp kỳ trung tuần tháng 8/1954, quyết định lập Bộ Tuyên truyền.
Ngày 20/9/1955, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa thứ V đã thông qua việc đổi tên Bộ Tuyên truyền thành Bộ Văn hóa. Ngày 11/10/1965, ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định phê chuẩn thành lập một cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ lấy tên là Tổng cục Thông tin.
Ngày 13/7/1977, hợp nhất Tổng cục Thông tin và Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hóa và Thông tin. Ngày 28/7/1978, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin ký quyết định số 118/VHTT-QĐ hợp nhất chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Cục Xuất bản và Cục Báo chí. Ngày 14/6/1981, tách Bộ Văn hóa và Thông tin thành Bộ Văn hóa và Bộ Thông tin. Cục Xuất bản và Báo chí trực thuộc Bộ Văn hóa.
Ngày 16/2/1987, Bộ Thông tin được thành lập. Năm 1988, Vụ Báo chí trực thuộc Bộ Thông tin. Ngày 31/3/1990, thành lập Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch (VHTT-TT&DL) được thành lập, Vụ Báo chí thuộc Bộ VHTT-TT&DL. Ngày 30/9/1992, Bộ VHTT-TT&DL đổi tên thành Bộ Văn hóa - Thông tin (VH-TT). Vụ Báo chí thuộc Bộ VH-TT.
“Mốc son quan trọng là ngày 16/7/2003, Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị ký Quyết định số 22/2003/QĐ-VHTT thành lập Cục Báo chí. Ngày 28/6/2004, Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị ký ban hành Quyết định số 44/2004/QĐ-BVHTT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Báo chí. Ngày 27/7/2007, Bộ TT&TT được thành lập trên cơ sở Bộ Bưu chính, Viễn thông và Cục Báo chí, Cục Xuất bản thuộc Bộ VH-TT. Cục Báo chí lúc này chính thức thuộc Bộ TT&TT”, Cục trưởng Lưu Đình Phúc nhấn mạnh.
Từ năm 1945, thời điểm thành lập Bộ Thông tin Tuyên truyền, cho đến năm 2007, thời điểm thành lập Bộ TT&TT, đã có 16 lần cơ quan tiền thân của Cục Báo chí được nhập, tách, đổi tên cơ quan chủ quản; trong đó thời gian cơ quan QLNN về báo chí hoạt động ổn định, không bị tách, nhập, đổi tên, dài nhất là 12 năm.
Năm 1997, Việt Nam chính thức hòa vào mạng Internet toàn cầu, mở ra một thời kỳ mới cho báo chí, truyền thông nước ta. Báo chí điện tử ra đời đòi hỏi công tác quản lý báo chí phải có sự thay đổi để theo kịp sự phát triển.
Giai đoạn này, Vụ Báo chí, Bộ VH-TT, cơ quan QLNN về báo chí trên toàn quốc, chỉ có 14 người với phương tiện làm việc và trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu, nhưng quản lý 496 cơ quan báo chí; quản lý hệ thống phát thanh, truyền hình (PTTH) toàn quốc, gồm Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), 2 Đài phát thanh khu vực, Đài truyền hình Việt Nam (VTV), 3 Đài truyền hình khu vực, 61 Đài PTTH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 17 cơ quan báo chí điện tử và các nhà cung cấp thông tin trên Internet; quản lý hoạt động thông tin đối ngoại (TTĐN), thông tin cơ sở (TTCS).
Trên môi trường mới, Cục trưởng Lưu Đình Phúc cho biết: "Rác trên không gian mạng khi đó trở thành bài toán rất mới và nan giải, nhất là với đội ngũ quản lý báo chí thời kỳ này còn mỏng và thiếu kiến thức về công nghệ; công tác quản lý còn tồn tại không ít bất cập; đối tượng và phạm vi quản lý ngày càng mở rộng đòi hòi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý báo chí phải được mở rộng; nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật phải được tăng cường".
Từ năm 2021 đến nay, cơ cấu các phòng thuộc Cục gồm: Văn phòng; Phòng báo chí; Phòng Kinh tế báo chí và hướng dẫn nghiệp vụ: Phòng Thanh tra, pháp chế; đơn vị sự nghiệp có Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia.
Năm 2023, Cục có thêm nhiệm vụ về truyền thông chính sách và hỗ trợ CĐS báo chí.
Cục trưởng Lưu Đình Phúc khẳng định sự ra đời của Cục Báo chí đánh dấu bước trưởng thành về quy mô tổ chức, bộ máy, nhân sự của cơ quan QLNN về báo chí, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Bộ VH-TT trước đây. Quá trình 20 năm qua, cơ cấu tổ chức của Cục có chia tách thành nhiều đơn vị khác nhau, nhưng dần được hoàn thiện; phạm vi, đối tượng quản lý, chức năng và nhiệm vụ của Cục được mở rộng hơn, với nhiều trọng trách mới, quan trọng hơn, thể hiện sự tin tưởng, ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thế hệ các lãnh đạo Bộ TT&TT.
Tập trung hiện đại hóa nền tảng công nghệ, công nghệ số trong báo chí
Nhiệt liệt biểu dương và ghi nhận những thành tích, kết quả công tác mà Cục Báo chí đã đạt được, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, QLNN về báo chí vừa qua nặng về quản lý mà nhẹ phần phát triển. "Phát triển cũng là cách để quản lý tốt hơn. Có phát triển mới sống được tử tế, có phát triển mới thêm nguồn lực để quản lý. Nếu chúng ta không làm tốt phần phát triển thì báo chí sẽ bị thị trường hóa, tư nhân hóa, tự diễn biến, tự chuyển hóa".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, QLNN đầu tiên là thể chế. Thể chế phải rõ ràng, tường minh, quản lý cả trong tuân thủ và thực thi, nhưng xử phạt thì thật nghiêm minh đủ sức răn đe.
“Quản lý phải có công cụ giám sát toàn diện. Giám sát online các đối tượng quản lý của mình, phát hiện được sớm các vấn đề, vỗ vai, nhắc nhở anh em, cứu được cán bộ. Khi thực thi phát luật phải thường xuyên, nghiêm minh, rộng khắp. Công nghệ số, truyền thông xã hội và COVID-19 đã làm bộc lộ rõ hơn các vấn đề sinh tồn của báo chí, nhưng lộ ra thì mới nhìn thấy, nhìn thấy thì mới sửa được, sửa được mới có phát triển mới. Vậy lộ ra là tốt. Không nên sợ lộ ra và càng không nên giấu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, QLNN về báo chí là làm cho báo chí phát triển, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước, đảm bảo cho những người làm báo cách mạng có thể sống được lành mạnh. Các cơ quan báo chí phải được đầu tư về cơ sở vật chất, về công nghệ để không bị tụt hậu so với các doanh nghiệp làm truyền thông trên thị trường. Đây là trách nhiệm của Cục Báo chí.
"Quy hoạch báo chí đã cơ bản xong phần sắp xếp, tiếp theo là báo ra báo, tạp chí ra tạp chí, phải tập trung vào phần phát triển, phần trọng tâm của quy hoạch", Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng cũng nhận định: Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất đến lĩnh vực báo chí truyền thông, nhưng lĩnh vực báo chí của chúng ta đang tụt hậu về công nghệ, thậm chí lùi xa. "Bộ chúng ta là bộ công nghệ số, thì tụt hậu là rất đáng trách. Chúng ta đã nói đến, đã có những cố gắng ban đầu về CĐS báo chí, đã ban hành chiến lược về CĐS báo chí và từ nay đến năm 2025 phải tập trung hiện đại hóa nền tảng công nghệ, công nghệ số trong báo chí".
Nhưng để CĐS trong lĩnh vực báo chí, theo Bộ trưởng, đầu tiên phải CĐS cơ quan quản lý báo chí, tức là Cục Báo chí. Phải đưa cơ bản toàn bộ hoạt động của Cục lên môi trường số, kết nối online với các cơ quan báo chí, thực hiện quản lý không tiếp xúc.
"Tự mình không CĐS thì không hiểu thế nào là CĐS và càng không thể nói người khác về CĐS. Cục trưởng phải trực tiếp lãnh đạo CĐS của Cục mình”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu.
Trước các yêu cầu của Bộ trưởng, Cục trưởng Lưu Đình Phúc cam kết: “Thế hệ Cục Báo chí hôm nay quyết tâm vượt khó, đổi mới, sáng tạo, bứt phá vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ giao phó; Phát huy giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, gắn báo chí với sứ mệnh lớn của đất nước để thổi bùng khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng".
Cục Báo chí cũng tiếp tục tham mưu về tinh gọn hệ thống báo chí; hỗ trợ, thúc đẩy nhanh CĐS báo chí; tháo gỡ bất cập, để phát triển kinh tế báo chí; dẫn dắt công cuộc CĐS báo chí; xây dựng mô hình cơ quan báo chí, phát triển kinh tế báo chí, đẩy mạnh truyền thông chính sách, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội./.