Đời sống xã hội

Báo động tình trạng cháy xe ô tô, nguyên nhân, cách nhận biết và kỹ năng phòng tránh

Phượng Lê 11/12/2023 14:37

Liên tiếp trong nhiều tháng qua, các xe ô tô bị bốc cháy trên đường. Điều này cho thấy, việc phòng cháy chữa cháy đối với xe ô tô là vô cùng cấp thiết.

Liên tiếp những vụ cháy xe ô tô

Trong các tháng từ giữa năm 2023 tới nay, liên tiếp xảy ra các vụ cháy xe ô tô. Đơn cử như vụ hồi tháng 5, ô tô Chevrolet Captiva 7 chỗ đang lưu thông trên quốc lộ 32 (đoạn qua xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bất ngờ bốc cháy dữ dội. Tài xế ô tô kịp thoát ra ngoài, nhưng chiếc xe đã bị thiêu rụi hoàn toàn.

Cũng dịp này, tại đường Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội), một chiếc ô tô nhãn hiệu BMW đang lưu thông thì bất ngờ bốc cháy. Cùng ngày, trong Trung tâm thể dục thể thao quận Ba Đình (Hà Nội), một chiếc ô tô nhãn hiệu Toyota bất ngờ bị bốc cháy, làm cháy lan vào đầu một xe khác đỗ cạnh đó.

25-xe-tai-chay-lam-dut-day-dien.jpg
Xe tải cháy làm đứt dây điện.

Khoảng tháng 8, thùng sau của một xe tải chở vỏ hạt điều chạy từ Bà Rịa - Vũng Tàu đi Đồng Nai bốc cháy. Lái xe và người đi đường dùng bình chữa cháy mini dập lửa nhưng không hiệu quả. Cũng trong tháng 8, xe giường nằm đang chạy trên cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn qua huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) bất ngờ bốc cháy ở đầu xe. Tài xế cùng 26 hành khách kịp thoát ra ngoài.

Một trường hợp khác là xe tải chở một số thùng phuy chứa xăng dầu chạy trên quốc lộ 1, qua xã Vạn Phước (Vạn Ninh, Khánh Hòa) thì bốc cháy từ phía sau. Tài xế lao xe vào bãi đất trống bên đường rồi mở cửa thoát thân. Ngọn lửa bao trùm toàn bộ xe tải, làm dây điện trung thế phía trên bị đứt, rơi xuống vắt ngang đường. Một người đàn ông chạy tới kéo dây điện vào lề thì bị điện giật tử vong. Tài xế xe tải bị bỏng. Xe tải bị cháy trơ khung sắt.

Nguyên nhân xe ô tô bốc cháy

Về nguyên nhân dẫn đến việc cháy xe ô tô, theo các chuyên gia khuyến cáo có thể có các nguyên nhân sau đây:

25-xe-giuong-nam-bi-thieu-rui-khi-di-qua-nam-dong.jpg
Xe giường nằm bị thiêu rụi khi đi qua Nam Đông.

Hệ thống nhiên liệu bị rò rỉ: Nhiên liệu xăng hoặc dầu thoát ra tiếp xúc với nhiệt độ nóng của phần ống xả, hoặc tia lửa điện đều có thể phát cháy, đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây cháy xe.

Hệ thống điện bị hư hỏng: Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây cháy xe. Ắc-quy, pin xe hybrid, pin của những loại xe ô tô điện có thể điểm khởi đầu cho những rắc rối. Các mối nguy hiểm từ hệ thống điện nằm ở khắp nơi trên xe, từ khoang ca-bin, trên cửa xe, sàn xe, ghế ngồi….

Chất lỏng, phụ gia tràn ra ngoài: Ngoài xăng và dầu diesel, bên trong mỗi chiếc ô tô còn có: dầu nhờn động cơ, dầu truyền động, dầu lái, dầu phanh, thậm chí là chất làm mát động cơ. Tất cả các chất lỏng này lưu chuyển khi xe hoạt động, chúng có thể bắt cháy nếu đường ống bị nứt, hay bình chứa bị bể vì một lý do nào đó.

Động cơ quá nóng: Trong những ngày hè nắng nóng, giữa nhiệt độ không khí tăng cao cùng với việc xe hoạt động liên tục khiến nhiệt độ của động cơ xe ô tô nóng vượt mức cho phép và thậm chí có thể đạt tới hơn 500 độ C – mức nhiệt đủ sức đốt cháy bất kì chất lỏng nào chảy ra từ xe.

Nhiên liệu "dởm": Chất lượng của nhiên liệu cũng chính là một trong những yếu tố dẫn đến cháy nổ. Có nhiều trường hợp xăng dầu nhiễm tạp chất, bị pha chế hay phối chế thêm nhiều hóa chất khiến xăng bay hơi nhanh hơn bình thường. Điều này không chỉ khiến động cơ xe nhanh bị hỏn mà còn dẫn đến nguy cơ gây cháy nổ khi xăng, dầu tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc tia lửa.

Lỗi thiết kế: Không phải tất cả lỗi thiết kế cũng đều dẫn đến cháy xe, nhưng bất kỳ vấn đề nào xảy ra với chiếc xe của bạn cũng có thể khiến hỏa hoạn dễ xảy ra hơn. Mặc dù vậy, xác suất của lỗi thiết kế gây cháy xe là rất thấp, chỉ dưới 1% trong tổng số các vụ cháy xe được thống kê.

Thông thường, các nhà sản xuất sẽ nắm được vấn đề này trước khi sự cố trở nên phổ biến, họ sẽ công bố lệnh triệu hồi những chiếc xe có nguy cơ cháy để khắc phục vấn đề.

Bảo dưỡng cẩu thả: Cẩu thả trong việc bảo dưỡng, bảo trì xe cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm dẫn đến cháy xe hơn. Theo cơ quan cứu hỏa Mỹ, lỗi kỹ thuật của người dùng cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra cháy xe.

Kỹ năng nhận biết và thoát nạn khi có dấu hiệu cháy xe ô tô

Theo Thông tư 148 của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Xe ô tô từ 9 chỗ trở lên bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy trên xe.

25-chay-xe-tai-tren-quoc-lo-vung-tau-bien-hoa.jpg
Cháy xe tai trên quôc lộ Vũng tàu - Biên hòa.

Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo, khi phát hiện xe ô tô bốc khói, có dấu hiệu cháy, hoặc bốc lửa, việc đầu tiên cần làm là tắt máy xe và di chuyển ngay ra khỏi xe, rồi mở cửa xe, mở nắp capo lên, rồi sau đó mới tìm các phương tiện chữa cháy. Phải mở cửa xe và nắp capo vì nếu không xe càng bị om nhiệt, làm đám cháy có nguy cơ bùng phát cao hơn.

Tài xế luôn cảnh giác để có thể phát hiện kịp thời lúc đám cháy vừa bùng phát, đó là khi ngửi được mùi xăng, mùi khét của cao su trong buồng lái hay thấy khói bốc lên từ gầm xe, nắp capo. Rất có thể đó là những biểu hiện ban đầu của vụ cháy.

Khi xe bị cháy, nếu cửa bị kẹt mà trong xe còn người chưa thoát ra được, hãy nhanh chóng đập vỡ cửa kính bằng bất cứ thứ gì có trong tay như đất đá, hay dùng chân đạp vỡ cửa kính. Nếu phát hiện đám cháy xuất hiện bên dưới gầm xe do rò rỉ nhiên liệu, hãy sử dụng bình chữa cháy bằng bột hoặc khí phun lần lượt theo hướng từ ngoài vào trung tâm đám cháy.

Nếu đám cháy xuất hiện dưới nắp capo, hãy dùng vật cứng, nhọn để mở nắp capo, hoặc đập thủng nắp capo nếu có dụng cụ, rồi sử dụng bình chữa cháy phun thẳng vào trung tâm của đám cháy hay phun vào nơi cháy to nhất; hoặc nếu có chăn, bạt, thì nhúng nước rồi phủ lên ngọn lửa; hoặc dùng đất, cát… để dập lửa.

Nếu cơ thể, quần áo bị dính xăng dầu, tuyệt đối không được đến gần ngọn lửa. Khi chữa cháy, phải đứng ở đầu hướng gió để không bị lửa tạt vào người. Nếu nhận thấy không thể dập được ngọn lửa, hãy tránh ra xa ít nhất 10m vì lửa có thể gây ra nổ bình xăng.

Nếu cháy xảy ra với xe điện, các hãng xe điện khuyến cáo tài xế không nên cố dập lửa, vì chỉ có lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp mới có đủ phương tiện và kỹ năng chữa cháy xe điện.

Nếu bị thương, hãy nhanh chóng thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế. Nếu không có phương tiện, hãy yêu cầu phương tiện đi qua dừng lại để đưa người bị nạn đi cấp cứu, hãy ghi nhớ số xe của họ, đồng thời gọi điện báo cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo số điện thoại 114.

Nghị định của Chính phủ cũng quy định cá nhân không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng. Điều 132 Bộ luật Hình sự quy định người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Để hạn chế xảy ra tình trạng xe ô tô bị cháy, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo chủ xe không đỗ xe quá lâu dưới trời nắng trực tiếp, nếu không thể tìm được bóng mát thì cần có những biện pháp che chắn cho phương tiện của mình khi dừng, đỗ dưới trời nắng nóng; không nên độ, chế các thiết bị, phụ tùng trong xe vì có thể các thiết bị này chưa được kiểm tra, kiểm định, dễ gây nguy cơ cháy nổ; không nên để các vật dụng dễ cháy nổ trong xe như bật lửa, bình gas...; thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra xe để tránh việc bị chuột, bọ, thời tiết làm hư hại các thiết bị bên trong của xe. Khi phương tiện di chuyển trên các cung đường có rơm rạ, lá cây, tài xế cần kiểm tra, loại bỏ rơm rạ, lá khô bám vào xe để tránh việc ma sát lâu ngày, nóng bức... gây ra hỏa hoạn. Các lái xe cũng cần trang bị bình chữa cháy để trong xe để có sẵn công cụ chữa cháy khi cần thiết.

Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, nguyên nhân của các vụ cháy xe khách, đặc biệt là xe chạy đường dài chủ yếu là do "độ chế" hệ thống điện hoặc xe vận chuyển các loại hàng hóa dễ cháy, chủ xe không thực hiện bảo dưỡng xe định kỳ./.

Bài liên quan
  • Cách xử lý đám cháy dầu, mỡ khi nấu ăn
    Những đầu bếp châu Á hay có kỹ thuật để cho lửa cháy bùng trong chảo khi đang nấu ăn, với thao tác nghiêng chảo để lửa lớn từ bếp bắt vào dầu bám trên thức ăn trong chảo. Trong những tình huống không cố ý, khi chiên xào dùng nhiều dầu mỡ, nguy cơ dầu mỡ bắt lửa, cháy ngay trong xoong, chảo là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo động tình trạng cháy xe ô tô, nguyên nhân, cách nhận biết và kỹ năng phòng tránh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO