Bảo tàng báo chí thu hút công chúng nhờ ứng dụng công nghệ
Tới Bảo tàng báo chí Việt Nam, nhiều khách tham quan thích thú vì chỉ cần một cú chạm tay, màn hình công nghệ số sẽ hiển thị phong phú các thông tin về lịch sử báo chí Việt Nam.
Bảo tàng báo chí Việt Nam tọa lạc tại tòa nhà của Hội Nhà báo Việt Nam trên đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội. Sau 5 năm đi vào hoạt động, Bảo tàng đã tiếp đón hàng chục nghìn lượt khách trong và ngoài nước, đây là nơi lưu trữ hơn 35.000 hiện vật quý của báo chí Việt Nam từ những năm 1865 cho tới nay.
Bên cạnh trưng bày truyền thống, Bảo tàng đã ứng dụng công nghệ số vào hoạt động lưu trữ giúp việc tra cứu, tìm hiểu thông tin về lịch sử báo chí Việt Nam trở nên dễ dàng với công chúng. Thậm chí, chỉ cần chạm tay khách thăm quan có thể đọc báo trực tiếp, theo dõi những thước phim quý về hoạt động báo chí của các nhà cách mạng Việt Nam thông quan màn hình công nghệ cảm ứng.
“Lần đầu tới bảo tàng, tôi cảm thấy rất ấn tượng vì bảo tàng có sự kết hợp hài hoà giữa công nghệ hiện đại và hoạt động trưng bày cố định, giúp tôi biết thêm nhiều thông tin về lịch sử báo chí, hoạt động cách mạng của các nhà báo lão thành của Việt Nam”. Nguyễn Thị Linh Trang - sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Theo Giám đốc Bảo tàng, nhà báo Trần Thị Kim Hoa cho biết hiện tại, Bảo tàng đang ứng dụng công nghệ trình chiếu, âm thanh thuyết minh tự động cùng nhiều màn hình cảm ứng giúp công chúng tới tham quan có thể dễ dàng tìm đọc các trang báo, xem hình ảnh và video ngắn về các thời kỳ đã qua của báo chí Việt Nam.
“Nhờ áp dụng công nghệ, Bảo tàng đã thu hút nhiều lượt khách trong và ngoài nước tới chiêm ngưỡng di sản của báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhiều bạn trẻ háo hức tới đây để xem, để “check in”, nhiều người mong muốn tìm hiểu về báo chí Việt Nam qua các thời kỳ”, TS Nguyễn Thị Hiền - chuyên viên nghiên cứu tại Bảo tàng chia sẻ.
Ngoài ứng dụng công nghệ lưu trữ tư liệu số, trang web của Bảo tàng hàng ngày thu hút hàng trăm lượt theo dõi mỗi ngày. Với mong muốn lịch sử báo chí Việt Nam tiếp cận gần hơn với công chúng, đội ngũ truyền thông đã xây dựng hình ảnh của Bảo tàng lên các nền tảng mạng xã hội, đem những giá trị nhân văn, sâu sắc, tình thần yêu nước bất khuất của các thế hệ cha ông đi trước lần tỏa tới cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ ngày nay./.