Hoạt động Bảo tàng: Nỗ lực chuyển đổi số thời kỳ hậu Covid 19

Thảo Vy| 02/11/2021 07:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng chương trình phối hợp với ngành Giáo dục & Đào tạo trong hoạt động Bảo tàng là nội dung công văn đã được Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) Hoàng Đạo Cương ký, gửi các Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch trên toàn quốc nhằm phát huy mạnh mẽ những giá trị văn hóa của các bảo tàng, đồng thời khởi động chuỗi hoạt động bảo tàng thời hậu Covid 19.

Đẩy mạnh số hóa nguồn tư liệu

Bảo tàng Lịch sử quốc gia có lẽ là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong lĩnh vực bảo tàng nói riêng, nghệ thuật nói chung khi đi tiên phong trong công tác số hóa các hiện vật tại Bảo tàng. Nhờ ứng dụng CNTT, hiện bảo tàng đã sở hữu những kho học liệu, tư liệu vô cùng quý giá theo hướng chuyên đề, phục vụ triển lãm 3 D. Đặc biệt, đã số hóa thành công 14 bảo vật quốc gia, được đánh giá cao về mặt học liệu cũng như những giá trị nghệ thuật mang đậm bản sắc riêng.

Cùng với bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng  chọn con đường đẩy nhanh số hóa để đến gần hơn với công chúng. Cụ thể, trên website của Bảo tàng (vnfam.vn) công chúng yêu nghệ thuật sẽ được thưởng lãm các tác phẩm quý, qua công nghệ 3 D. Ngoài ra, 100 hiện vật tiêu biểu của nền Mỹ thuật Việt Nam cũng đã được số hóa, giới thiệu trong ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA và được gắn biểu tượng chỉ dẫn giúp cho công chúng có thể dễ dàng truy cập chỉ bằng thao tác clik chuột vô cùng đơn giản. Bên cạnh 100 hiện vật tiêu biểu nói trên, bảo tàng còn xây dựng kịch bản, quay video giới thiệu 2 bảo vật quốc gia: Tượng Phật bà Quan Âm và tác phẩm tranh sơn mài “Bình phong” của danh họa Nguyễn Gia Trí giúp người xem cảm nhận được vẻ đẹp, giá trị lịch sử, nghệ thuật của những kiệt tác có một không hai cuat Việt Nam và trên thế giới

Sự nhanh nhạy trong chuyển đối số, tận dụng nền tảng của MXH để chuyển hướng hoạt động bảo tàng trong bối cảnh dịch bệnh thành công, còn phải kể đến những cái tên như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam… trong thời gian qua những bảo tàng này đã không ngừng làm mới mình bằng các cuộc triển lãm trực tuyến theo chuyên đề, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, nghiên cứu của công chúng trên cả nước cũng như quốc tế. Nhờ đó, đời sống nghệ thuật nói chung lĩnh vực bảo tàng nói riêng vẫn giữ được nhịp hoạt động khá sôi nổi ngay cả thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội phục vụ công tác phòng chống dịch Covid 19.

Tuy nhiên, để đồng bộ hóa nguồn dữ liệu, học liệu theo hướng liên thông giữa các bảo tàng, đảm bảo yêu cầu chất lượng đáp ứng những yêu cầu cấp thiết trong tình hình mới - hậu Covid, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã chính thức đề nghị các sở, các bảo tàng triển khai xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu  khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động Bảo tàng. Theo đó, Bộ yêu cầu các sở chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực cho các bảo tàng trực thuộc, thực hiện công tác chuyển đổi số. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng viên chức của Bảo tàng về công nghệ mới và giới thiệu các ứng dụng công nghệ có thể áp dụng tại bảo tàng.

Bên cạnh những yêu cầu đặt ra đối với hệ thống bảo tàng quốc gia, địa phương trong bối cảnh hậu Covid, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, chủ trương là xã hội hóa phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế của bảo tàng  để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản văn hóa trong không gian số. Nghiên cứu cách thức ứng dụng công nghệ số của một số bảo tàng đã bước đầu thành công để xây dựng các ứng dụng giới thiệu nội dung trưng bày chuyên đề, hoạt động giáo dục di sản văn hóa thông qua hình thức trực tuyến. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tuyến, tổ chức các chương trình quảng bá, phát triển công chúng; xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng trên không gian số.

Đa dạng hóa hoạt động bảo tàng

Nhắm đến đối tượng học sinh, sinh viên và coi đây là đối tượng phục vụ quan trọng của bảo tàng thời hậu Covid, Cục Văn hóa cơ sở, Cục di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao & du lịch đã ký kết nhiều văn bản hợp tác cả trong và ngoài nước nhằm lan tỏa những giá trị đích thực trong kho di sản quý của dân tộc hiện đang lưu giữ tại các bảo tàng, đồng thời tiến tới  khôi phục hoàn toàn hoạt động của hệ thống bảo tàng, tại công văn gửi các Sở, ngành, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc trung ương, địa phương gấp rút  xây dựng chương trình phối hợp với ngành Giáo dục & Đào tạo tại địa phương tổ chức các chương trình ngoại khóa, tham quan cho học sinh, sinh viên tại các Bảo tang. Theo Thứ trưởng, đây không chỉ là hình thức học Lịch Sử vô cùng hữu ích, mà còn góp phần mở rộng kiến thức của các em trước những trường phái nghệ thuật, những nét đẹp văn hóa làm nên cốt cách con người Việt Nam. Từ đó, nuôi dưỡng truyền thống yêu nước, trân trọng những giá trị mà cha ông ta đã trao truyền lại theo tư tưởng của Bác “Dân ta phải biết sử ta”.

Chính vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch yêu cầu, các Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch,  Sở Văn hóa thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng ký kết chương trình phối hợp với các Sở Giáo dục& Đào tạo phù hợp  ngay trong thời điểm cả nước phục hồi sản xuất kinh tế, địa phương khởi động việc cho trẻ đến trường.. đảm bảo yêu cầu an toàn trong phòng chống dịch Covid 19 theo cách tiếp cận mới.

Trước đòi hỏi của thực tiễn, để phục vụ đối tương chuyên biệt là học sinh, sinh viên, các bảo tàng sẽ phải xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa dành riêng cho học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng  sống phù hợp. Ngoài hoạt động trực tuyến, việc  chuẩn bị cho công tác mở cửa trở lại cũng được Thứ trưởng đặt ra cho các bảo tàng trực thuộc, các Sở, ngành địa phương như: tổ chức tham quan, trải nghiệm, trình diễn di sản văn hóa, nói chuyện chuyên đề hoặc giới thiệu trực tuyến về di sản văn hóa. Ngoài ra, để “ phá băng” hoạt động bảo tàng tại các địa phương, yêu cầu hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ với các trường trong việc lựa chọn, đưa các trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian… vào các chương trình ngoại khóa và kết nối, mời nghệ nhân tham gia hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ cũng đã được đặt ra, trên tinh thần phục vụ tốt nhất, hiệu quả nhất trong quá trình dạy, học và tiếp nhận kiến thức của công chúng, mọi thành phần tham dự triển lãm.

Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao& Du lịch, hiệnViệt Nam hiện có 147 bảo tàng, trong đó 36 bảo tàng của bộ ngành, 83 bảo tàng ở tỉnh, thành phố và 4 bảo tàng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Để có được thêm nhiều bảo tàng hoạt động hiệu quả, phù hợp với xu thế hội nhập trên thế giới, Việt Nam đã sớm xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển bảo tàng từ năm 2005-2020. Đây chính là những khung khổ pháp lý để hệ thống bảo tàng trong nước có thể tạo ra những đột phá mới trong quá trình ổn định và làm mới mình trước nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, nghiên cứu ngày càng có chọn lọc của công chúng hiện nay. Và số hóa nguồn tư liệu, tổ chức các hoạt động triển lãm chuyên đề trên nên tảng trực tuyến chính là cách các bảo tàng tìm ra tiếng nói riêng trong bản đồng ca tư liệu quý, để đưa bảo tàng, hiện vật đến gần hơn với đối tượng phục vụ của mình.

Vẫn biết, để số hóa hoàn toàn tư liệu, hiện vật, hiện đang nằm tại các bảo tàng là việc làm không dễ và phải mất rất nhiều thời gian, cũng như đòi hỏi cao cả về nguồn lực kinh tế, con người, nhưng khó không có nghĩa là không làm. Việc hợp tác với các ngành, nghề, lĩnh vực… thiết nghĩ chính là bước đi ngắn nhất, nhưng cũng hiệu quả nhất để bảo tàng có thêm nguồn lực tái đầu tư cho hoạt động tham quan, nghiên cứu sau đại dịch.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động Bảo tàng: Nỗ lực chuyển đổi số thời kỳ hậu Covid 19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO