Bắt tay với BTMT để ứng dụng công nghệ trợ giúp du khách thăm quan
Chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam lần thứ 3 ngày 11/12, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, du lịch bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Theo báo cáo của tổ chức du lịch trên thế giới năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tổng lượng du khách quốc tế giảm 390 triệu lượt, giảm 73% so với năm 2019, ước tính thiệt hại 2,4 nghìn tỷ USD.
Trước tình hình thế giới, du lịch Việt Nam cũng được khuyến khích tiếp tục triển khai đề án CĐS, trong đó có việc thiết lập ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch. Đến nay, nhiều địa phương đã đưa điểm đến của mình lên các nền tảng số như Hà Nội có hệ thống du lịch Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đà Nẵng có ứng dụng Da Nang Toursism, Huế có chương trình tham quan Hoàng Thành thực tế ảo... Không chỉ các địa phương, mà ngay cả các bảo tảng cũng đã có những cách tiếp cận chuyển đổi số của riêng mình.
Tại Việt Nam, cuối tháng 4/2021, BTMT Việt Nam đã chính thức ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, giúp đem lại cho người dùng những trải nghiệm thú vị khi tham quan bảo tàng trực tuyến. Ứng dụng iMuseum VFA tích hợp trên cả hai nền tảng Android và iOS, sử dụng công nghệ quét mã QR và định vị iBeacon. Chỉ với chiếc điện thoại di động hoặc máy tính bảng có kết nối Internet và trả phí sử dụng ứng dụng 50.000 đồng/lượt, du khách có thể tự do khám phá 100 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của BTMT.
Chia sẻ về lý do quyết định bắt tay với BTMT để cho ra mắt ứng dụng iMuseum VFA, bà Cai Thái Hoàng Uyên - Quản lý dự án iMuseum VFA, thuộc Công ty CP Phần mềm Ứng dụng Di động Việt Nam (VINMAS) cho biết, năm 2018, công ty may mắn được tham dự một triển lãm tranh được tổ chức tại BTMT Đà Nẵng. Tại thời điểm đó, sau cuộc trao đổi với Giám đốc BTMT Việt Nam Nguyễn Anh Minh, xuất phát từ nhu cầu mong muốn cải thiện chất lượng tham quan cho du khách, phía Bảo tàng cũng đã nghiên cứu các cách thức tham quan hiện đại trên thế giới, nắm bắt xu thế và trăn trở về nó, mong muốn áp dụng công nghệ đưa vào trợ giúp du khách tham quan Bảo tàng.
Về phía Vinmas, là công ty chuyên cung cấp giải pháp công nghệ và đặc biệt tâm huyết lĩnh vực văn hóa, mỹ thuật và vấn đề bảo tồn văn hóa di sản. “Từ cơ duyên đó, hai bên nhanh chóng phối hợp cùng nhau để nghiên cứu và xây dựng ứng dụng iMuseum VFA”, bà Uyên chia sẻ.
Theo bà Uyên, ứng dụng iMuseum VFA là giải pháp tất yếu của việc số hóa BTMT Việt Nam. Nhất là khi ngày nay, bất kì ai đi thăm quan bảo tàng cũng đều mong muốn được biết nhiều hơn cũng như có nhiều cách tiếp cận mới để biết thêm thông tin về các hiện vật trưng bày, thay vì chỉ đơn giản là ngắm nhìn hoặc đọc những thông tin vắn tắt trên bảng giới thiệu. Đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, việc đi lại bị hạn chế, du khách có thể tham quan BTMT Việt Nam dù đang ở bất kỳ đâu trên thế giới, chỉ cần có mạng Internet, có điện thoại thông minh và tải dùng ứng dụng iMuseum VFA.
Trước đây, nếu tham quan trực tiếp, người xem chỉ dừng lại mỗi tác phẩm vài phút thì tham quan qua iMuseum VFA hoặc tham quan trực tiếp có trợ giúp của ứng dụng này, du khách có thể nhận được rất nhiều thông tin về tác phẩm, dưới dạng hình ảnh, chữ viết, giọng đọc, tiến tới có nhiều hyperlink đính kèm. Ứng dụng còn cung cấp tính năng location map sử dụng công nghệ iBeacon giúp du khách thuận tiện tìm kiếm vị trí trưng bày tác phẩm, phân biệt những phòng trưng bày đã qua và chưa qua. Du khách online còn có thể dễ dàng tìm kiếm theo tên tác phẩm, tên tác giả, tên chất liệu, tên phong cách, trường phái, giai đoạn, v.v..
Nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh ngành văn hóa sau khi sử dụng ứng dụng trực tiếp ở bảo tàng còn thuyết trình về ứng dụng trong môn học và đánh giá BTMT Việt Nam có những bước chuyển mình mạnh mẽ, dần thoát đi những lớp áo cũ kỹ để CĐS, khẳng định vị thế và giá trị của mình, từng bước đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng, đặc biệt công chúng trẻ tuổi quen thuộc với máy tính, Internet, công nghệ thông tin.
Một khía cạnh nhân văn là ứng dụng này nhờ có giọng đọc trực tuyến mà công chúng khiếm thị cũng có thể tham quan bảo tàng từ xa. Nhà thiết kế kiến trúc và trưng bày James Hicks đặc biệt đánh giá cao tính năng này.
Ứng dụng iMuseum VFA cũng được ngành Du lịch đánh giá là giúp các công ty lữ hành tiết kiệm nhiều thời gian và bớt đi việc phụ thuộc vào hướng dẫn viên, đặc biệt là khi du khách chỉ sử dụng những ngôn ngữ hiếm, ít phổ biến.
Đã từng phải đập đi xây lại 160 lần trước khi có phiên bản hoàn thiện
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ứng dụng, đội dự án iMuseum VFA đã phải gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là việc phải bỏ ra thời gian, công sức, chi phí lớn hơn hình dung ban đầu rất nhiều để tạo ra một ứng dụng hữu ích cho những người tham quan bảo tàng trực tiếp và trực tuyến. Bởi vì, một sản phẩm CNTT dù trên nguyên tắc thì bất kì ai cũng có thể làm được rất nhanh chóng, nhưng để ứng dụng trở nên tiện dụng, chạy mượt mà, có sức hấp dẫn, bảo mật tốt và nhất là có thể phục vụ nhiều người cùng lúc thì thời gian dành cho nó phải nhiều hơn những hình dung thông thường rất nhiều.
“Điều này đòi hỏi đội ngũ phát triển phải tập trung cao độ, chi tiết, tỉ mỉ giống như chăm “con mọn” và nhiều khi đầu tắt mặt tối mất ăn mất ngủ dài ngày”, bà Uyên lý giải.
Bên cạnh đó, mặc dù ứng dụng di động đa phương tiện thì một số bảo tàng lớn trên thế giới đã thực hiện nhưng điều kiện tinh tế của họ khác xa ở Việt Nam. Do đó, đội ngũ phát triển dự án đã rất cố gắng để với nguồn lực khiêm tốn nhưng vẫn có thể tạo ra được ứng dụng với chất lượng không thua kém. Thậm chí, thay vì chọn phương án sử dụng template (mẫu) sẵn có, nhóm phát triển đã quyết định tự xây dựng từ những “viên gạch” (dòng code) đầu tiên.
Để rồi, nhóm dự án iMuseum VFA đã phải xây rồi đập rồi xây tới hơn 160 phiên bản khác nhau, rồi đúc rút, tích hợp mới ra được phiên bản hoàn thiện nhất. “Thậm chí, ngay cả phiên bản đang chạy cũng chưa hoàn hảo, nên sẽ được hoàn thiện và cập nhật, cải tiến không ngừng”, bà Uyên nói.
Khó khăn tiếp theo là việc ứng dụng còn mới nên chưa được biết đến nhiều, nhất là ra mắt đúng thời điểm đại dịch toàn cầu, du khách quốc tế đến Việt Nam gần như là không có. Đội ngũ phát triển hy vọng trong giai đoạn bình thường mới, du lịch Việt Nam sẽ tăng tốc trở lại, du khách bảo tàng nói chung và bảo tàng mỹ thuật nói riêng sẽ bùng nổ trở lại về số lượng.
Bên cạnh đó, nhóm dự án iMuseum VFA cũng nhận được không ít thuận lợi. Có thể kể đến như sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ VHTT&DL cũng như Ban lãnh đạo Bảo tàng, sự cộng tác phối hợp nhiệt tình của đội ngũ cán bộ bảo tàng, của các chuyên gia mỹ thuật, các nhà lý luận phê bình mỹ thuật.
Cùng với đó, đội ngũ kỹ sư và đội ngũ vận hành VINMAS tay nghề cao, đã từng tham gia các công ty nhà nghề trong và ngoài nước, trực tiếp tham gia xây dựng rất nhiều loại ứng dụng di động khác nhau.
Theo bà Uyên, mặc dù ra mắt trong thời điểm đầu đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, nhưng ứng dụng iMuseum VFA đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực, từ nhiều du khách trong và ngoài nước với hàng vạn lượt thăm quan kể từ thời điểm tháng 4/2021 đến nay. Nhiều du khách từ các nơi trên thế giới cho biết rất hài lòng khi tham quan trực tuyến BTMT Việt Nam qua ứng dụng iMuseum.
Hiện nay, chỉ số đánh giá ứng dụng trên 2 chợ ứng dụng Apple Store và Google Store đều khá cao; những góp ý, động viên của người dùng luôn là động lực giúp đội ngũ phát triển tiếp tục hành trình và cải tiến nhiều hơn nữa trong tương lai.
Đồng thời, iMuseum VFA đã có 100 bức tranh hàng đầu của nền mỹ thuật quốc gia Việt Nam được số hóa thông tin, gồm ảnh chụp chất lượng cao, text, lời thuyết minh bằng giọng đọc thật, thể hiện bằng tiếng Việt và 8 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha, Ý và đang bổ sung thêm tiếng Đức. Bằng việc hỗ trợ nhiều loại ngoại ngữ, ứng dụng đã tiếp cận được rất nhiều du khách từ nhiều nơi trên thế giới, nhất là các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha…
Mặc dù số lượng số hóa thông tin các tác phẩm còn khiêm tốn nhưng bà Uyên cho rằng, khi đã hình thành quy trình với những bước cụ thể, thì việc đưa lên thông tin của một vạn hay cả triệu tác phẩm mỹ thuật Việt Nam không phải là vấn đề khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, iMuseum VFA sẽ cập nhật thêm nhiều hiện vật hơn nữa, mở rộng bộ sưu tập và bổ sung thêm nhiều ngôn ngữ mới vào trong ứng dụng để có thể kết nối và giới thiệu di sản văn hóa - mỹ thuật Việt Nam đến với công chúng trên thế giới một cách thuận tiện nhất.
Dịch COVID-19 là một cú hích để thúc đẩy CĐS các bảo tàng
Cũng theo bà Uyên, việc ra mắt ứng dụng trong thời điểm dịch COVID-19 và số lượng du khách thăm quan bảo tàng ở mức thấp nhất trong vài chục năm qua. Tuy nhiên, đội ngũ phát triển lại nhận thấy rằng dịch bệnh giống như một cú hích để mài giũa, trau chuốt sản phẩm, suy nghĩ thấu đáo về xây dựng hình ảnh sản phẩm qua các hoạt động truyền thông, khuếch trương, quảng cáo, nhất là trên môi trường online. Từ đó, thúc đẩy việc CĐS các bảo tàng nói chung và BTMT nói riêng. Nhiều bảo tàng chuyên ngành mỹ thuật và cả ngoài ngành mỹ thuật ở các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, và những tổ chức, trung tâm triển lãm cũng đã tìm đến VINMAS và có những kế hoạch hợp tác cụ thể.
Trong quá trình phát triển sản phẩm, VINMAS đã tìm hiểu, học hỏi ứng dụng thuyết minh của nhiều bảo tàng trên thế giới, trong đó có những bảo tàng lớn và danh tiếng như các bảo tàng The Met của Mỹ, bảo tàng Lourve của Pháp, Rijks của Hà Lan, bảo tàng quốc gia Singapore… Vì vậy, những tính năng cơ bản của một nền tảng thuyết minh đa phương tiện thì iMuseum VFA đều có và chất lượng đạt chuẩn quốc tế.
Chưa kể, ứng dụng iMuseum đã xây dựng những tính năng khác như đưa tin, bài, hình ảnh về chuyên ngành y như một trang tin điện tử hay cho phép triển lãm trực tuyến, mua bán đấu giá tác phẩm mỹ thuật trực tuyến đều đã được trù tính và chuẩn bị về mặt kỹ thuật.
“Điều khiến iMuseum VFA còn thua kém các ứng dụng nước ngoài chủ yếu là số lượng tác phẩm được số hóa thông tin hiện còn khiêm tốn. Tuy nhiên, một khi cách làm đã được công thức hóa thì việc bổ sung chỉ còn là vấn đề nhu cầu và thời gian mà thôi”, bà Uyên bày tỏ.
Tuy nhiên, có một thực tế là ngay cả trước dịch bệnh, người Việt cũng khá “hờ hững” trong việc đi tham quan bảo tàng, chủ yếu là du khách nước ngoài. Về vấn đề này, bà Uyên cho rằng, việc đi thăm một đất nước, một thành phố nước ngoài có thể tốn kém tới tiền ngàn USD, thậm chí cả chục ngàn USD, nhưng tham quan một BTMT quốc gia của đất nước Việt Nam qua ứng dụng iMuseum VFA thì chỉ cần bỏ chi phí bằng một ly café cao cấp.
“Chi một khoản tiền nhỏ xíu để thưởng thức tinh hoa mỹ thuật của một quốc gia văn hiến trăm triệu dân là việc bất kỳ ai ở bất kỳ đâu cũng nên làm và sẽ làm khi được mời gọi, giới thiệu đúng cách. Đây là điều mà đội ngũ iMuseum VFA luôn vững tin”, bà Uyên nói.
Chưa kể, khó khăn chỉ là trước mắt và khi hoạt động kinh tế, giao thương, du lịch sôi động trở lại, số lượng du khách dùng iMuseum chắc chắn sẽ tăng mạnh. Mức sống của người Việt chúng ta đang tăng nhanh cũng sẽ thúc đẩy công chúng mỹ thuật tăng trưởng nhanh cả về số lượng, nhu cầu tham quan và sức mua. Nhất là khi các bảo tàng tại Việt Nam đã và đang nỗ lực ứng dụng công nghệ hiện đại trong hỗ trợ công tác chuyên môn của bảo tàng để phục vụ khách tham quan.
Tuy nhiên, để có thể ứng dụng công nghệ thành công, theo Quản lý dự án iMuseum VFA, các cấp quản lý cần nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công tác bảo tàng và có những chính sách thuận lợi cho việc đưa CĐS vào hoạt động chuyên ngành. Khi mà càng sớm ứng dụng những thành tựu của CĐS cho hoạt động chuyên ngành sẽ càng càng mang lại nhiều lợi ích.
Còn về kinh phí, do hiện các bảo tàng quốc doanh đều đang rất eo hẹp, cần phải có chính sách xã hội hóa phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội cho CĐS bảo tàng. “Công tác tuyên tuyền, quảng bá, tiếp thị du khách có tầm quan trọng sống còn, nhưng chưa phải là thế mạnh của ngành bảo tàng ở Việt Nam. Do đó, cũng cần phải có những thay đổi có tính đột phá ở khía cạnh công việc này”, bà Uyên kết luận./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2021)