Bảo tàng chuyển mình thời công nghệ số

Hồ Huyền Nga| 06/07/2021 14:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Chỉ sau vài năm ngắn ngủi, những khái niệm công nghệ hiện đại tưởng chỉ tồn tại ở những quốc gia phát triển như “số hóa 3D”, “tiếp xúc không chạm”, “trợ lý ảo”, “thực tế ảo tăng cường”... đã dần trở nên quen thuộc với công chúng đam mê khám phá bảo tàng trong nước.

Bước chuyển mình ấn tượng của hàng loạt bảo tàng thời gian gần đây đã cho thấy nỗ lực thay đổi để bắt nhịp với xu hướng hiện đại tất yếu trong trưng bày và giới thiệu trưng bày, nhờ đó tăng tính hấp dẫn nhằm thu hút số đông tìm đến trải nghiệm, làm giàu vốn tri thức.

Muôn màu số hóa bảo tàng

Với những người say mê khám phá, bảo tàng luôn là điểm đến nằm vị trí đầu tiên trong danh sách những việc phải làm, khi đặt chân tới một vùng đất mới. Chỉ có điều, trong hình dung của rất nhiều người Việt từ trước tới nay, bảo tàng luôn là một không gian khô cứng, tẻ ngắt với những hiện vật và tư liệu nằm im lìm trong tủ kính. Nếu không di chuyển theo đoàn, nếu không có thuyết minh viên đi kèm, khách tham quan đành bằng lòng với vài dòng thông tin ngắn ngủi đính kèm đâu đó bên dưới hiện vật, mà lắm khi phải kiếm tìm mãi mới ra.

Trong hình dung của số đông, bảo tàng chỉ thích hợp với các nhà nghiên cứu, người làm khoa học hoặc đối tượng học sinh - sinh viên bắt buộc phải ghé thăm trong những giờ ngoại khóa nhàm chán. Góc nhìn ấy chắc chắn sẽ thay đổi, nếu họ chọn một số địa chỉ dưới đây làm điểm dừng chân yêu thích trong thời gian này.

Từ tháng 10-2020, bằng việc ứng dụng công nghệ Smart Museum 3D/360 vào triển khai giải pháp ứng dụng tham quan thực tế ảo tương tác thông minh (Virtual Tour), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã trở thành bảo tàng số đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh . Hơn 31 nghìn hiện vật bao gồm cả những Bảo vật quốc gia đã được số hóa bằng công nghệ quét ba chiều (3D Laser Scanning) kết hợp với kỹ thuật hình ảnh 360 độ. Nhờ đó, toàn bộ không gian bên trong và ngoài của bảo tàng được tái hiện bằng hình ảnh 360 độ sắc nét và chân thực, đặc biệt cho phép người xem đo đạc kích thước bất kỳ trên hình ảnh 360 độ đó. Số hóa giúp các hiện vật có thể chuyển thành mô hình 3D, mô phỏng hologram cho phép người xem tương tác trực tiếp trên phần mềm (xoay, phóng to, thu nhỏ...).

Bảo tàng chuyển mình thời công nghệ số - Ảnh 1.

Phòng trưng bày cổ vật dưới lòng nhà Quốc hội.

Thông tin đa phương tiện (text, video, nhạc...) giúp công chúng tiếp cận, trải nghiệm các bài thuyết minh như thể đang tham quan trong thực tế. Còn nếu trực tiếp thăm khu vực ứng dụng công nghệ trong trưng bày của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ có diện tích khoảng 400 m2, người xem sẽ được ngắm nhìn 115 hiện vật tiêu biểu nhất được máy hologram quét hình ảnh theo không gian ba chiều. Với ứng dụng tân tiến này, khách có thể thưởng lãm hiện vật ở mọi góc độ và khía cạnh, thậm chí có thể nhìn cả những vết rạn nứt một cách sắc nét, tinh tế.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì bước đầu ứng dụng công nghệ tương tác thực tại ảo 3D để giới thiệu những trưng bày chuyên đề như Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Đèn cổ Việt Nam nhằm phát huy trưng bày ảo lâu dài tới đông đảo đối tượng công chúng sau khi trưng bày thực kết thúc. “Mở kho trực tuyến” là cách thức mà Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh lựa chọn, khi tiến hành thử nghiệm giới thiệu một phần bộ sưu tập cổ vật quý hiếm của Victor Thomas Holbé để tạo thêm nội dung đáp ứng nhu cầu tham quan online của công chúng, như một bước ứng dụng công nghệ vào quản lý, khai thác gia tăng các bộ sưu tập có giá trị đang sở hữu.

Lạc vào không gian Phòng trưng bày Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long với hơn 400 di vật và xấp xỉ 10 di tích (được chọn lọc từ hàng chục nghìn di vật và 140 di tích phát lộ từ nền móng xưa cũ), khách tham quan thích thú khi được dẫn dắt tìm hiểu những chủ đề cùng câu chuyện khác nhau, theo một cách thức sống động. Được phân theo lát cắt địa tầng khảo cổ học, diễn biến theo trục thời gian tuyến tính, bảo tàng tọa lạc ngay dưới tầng hầm tòa nhà Quốc hội bao gồm hai không gian chính: Tiền Thăng Long và Thăng Long (trước dấu mốc 1010 và từ năm 1010 trở đi).

Phương pháp trưng bày lồng ghép, xen cài giữa di tích - “hồn cốt” và di vật - “hạt nhân” được sử dụng xuyên suốt. Kết hợp hài hòa giữa mầu sắc và ánh sáng, giữa “tĩnh” - di vật gốc và “động” - sản phẩm media cùng những thủ pháp trưng bày hiện đại đã mang lại hiệu quả cao về thị giác. Hiện vật trưng bày trong tủ kính kết hợp khéo léo với hiện vật âm phía dưới sàn kính mang lại cảm giác như đang di chuyển giữa các hố khảo cổ. Hệ thống tủ trưng bày sắp đặt so le xen kẽ với các sản phẩm media trình chiếu trên nền tối giúp khách tham quan dễ dàng hình dung quy mô cùng vẻ tráng lệ của di sản văn hóa thế giới cách đây nhiều thế kỷ.

Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa cho ra mắt ứng dụng thuyết minh iMuseum VFA - một ứng dụng đa phương tiện trợ giúp đắc lực cho người dùng trong cả hai hoạt động tham quan trực tuyến và trực tiếp. Chỉ với chi phí 50 nghìn đồng, khách có thể thoải mái khám phá 100 tác phẩm tiêu biểu trong tám giờ, với tám ngôn ngữ khác nhau. Tham quan trực tuyến mọi lúc mọi nơi, tích hợp bản đồ, phân biệt các phòng đã đi qua bằng mầu sắc, nghe audio giới thiệu tác phẩm, xem thông tin bằng cách nhập số định danh hay quét mã QR... là những tính năng hữu dụng mà người dùng đặc biệt thích thú.

Gây ấn tượng mạnh dù sinh sau đẻ muộn phải kể đến Bảo tàng Viettel, với sự xuất hiện của trợ lý ảo công nghệ có tên Tương lai - người bạn đồng hành cùng du khách trên chặng hành trình khám phá lịch sử Tập đoàn. Thực tế ảo VR, mô phỏng 3D, công nghệ tương tác tối tân đem lại những trải nghiệm trực quan nhất, khi những cử động chạm, vuốt trên các màn hình sẽ đem lại những hình ảnh, thông tin đầy đủ nhất.

Lấy công chúng làm trung tâm

Làm thế nào để thu hút khách tham quan là câu hỏi lớn mà các bảo tàng nhiều năm nay luôn loay hoay đi tìm lời giải. Không khó để nhận ra, tình trạng đìu hiu vắng khách cố hữu nằm ở sự thiếu hấp dẫn trong trưng bày, sự trì trệ trong đổi mới hoạt động. Để thay đổi, nói như bà Nguyễn Thị Thu Hoan -

Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, “bảo tàng phải là nơi mà công chúng lựa chọn. Để đạt được điều đó, bảo tàng phải hiểu rõ nhu cầu để tạo ra các hoạt động và luôn phải đổi mới kịp thời để đáp ứng những nhu cầu ấy. Trong đó, ứng dụng công nghệ tăng cường sự hấp dẫn trong trưng bày và giới thiệu trưng bày là giải pháp quan trọng, phù hợp xu hướng phát triển của bảo tàng hiện đại”.

Bà cũng nhấn mạnh, nếu trước đây, hoạt động của bảo tàng đều lấy hiện vật làm trung tâm thì hiện nay, công chúng là mục tiêu duy nhất mà các bảo tàng phải hướng tới. Chẳng hạn như từ năm 2016, qua tìm hiểu nhu cầu thực tế của khách tham quan cùng quan sát và định tính bước đầu để điều chỉnh công nghệ trong giới thiệu trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhận thấy lượng khách châu Á trẻ sử dụng điện thoại thông minh khá phổ biến nên đã điều chỉnh theo hướng kết hợp thiết bị audioguide bấm số truyền thống với ứng dụng quét mã QR để phục vụ hiệu quả hơn.

Đó cũng là hướng đi mà nhiều đơn vị đang lựa chọn, để bắt nhịp thời đại công nghệ 4.0. Đại dịch Covid-19 bùng phát cũng trở thành một cú hích buộc các bảo tàng phải nhanh chóng thay đổi, khi làn sóng trải nghiệm bằng tour khám phá ảo (virtual tour) trở thành xu hướng bùng nổ khắp thế giới, khi phong tỏa và giãn cách khiến con người không thể ra khỏi nhà. Nhiều thành tựu công nghệ đã nhanh chóng du nhập về Việt Nam.

Từ không gian trưng bày được số hóa 3D với phần nội dung ứng dụng vào công nghệ thực tế ảo VR (Vertual reality), thực tế ảo tăng cường AR (Augmented Reality) giúp du khách có thể đặt mình vào không gian bảo tàng và trải nghiệm như thật thông qua một cặp kính chuyên dụng đến màn hình trong suốt Transparent LCD. Từ tương tác không chạm (LeapMotion), 3D Mapping đến Video Wall, Holofan... Tất cả đã mở rộng biên độ, để những chuyên gia bảo tàng đầy tâm huyết bắc nhịp cầu nối gần công chúng.

Từ những bước đi khởi đầu mạnh dạn kể trên, hy vọng hệ thống bảo tàng trên cả nước sẽ nhanh chóng chuyển mình. Không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị xưa cũ, bảo tàng cần trở thành không gian đầy hứng khởi để đông đảo công chúng trải nghiệm, học hỏi và có những phút giây thư giãn thoải mái và trở thành điểm đến không thể bỏ qua, điểm nhấn giúp quảng bá tinh hoa của dải đất hình chữ S đến với bè bạn quốc tế, như con đường mà các quốc gia phát triển đang đi.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng chuyển mình thời công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO